Trang

Virus bệnh tay chân miệng biến đổi, nguy hiểm hơn

Thanh Niên Online:
Sau mấy năm không có biến đổi, không có độc lực mạnh, năm nay, virus gây bệnh tay chân miệng (TCM) đã chuyển sang một subtype mới nguy hiểm hơn.

Ngay từ đầu mùa, các nhà chuyên môn đã lo ngại: chỉ có sự biến đổi mới của virus sang một dạng khác mới khiến bệnh TCM gia tăng dữ dội trong những tuần qua ở TP.HCM, và gây diễn tiến bệnh nặng nhanh. Hôm qua, kết quả xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm lấy từ hai bệnh nhi mắc TCM bị tử vong ở TP.HCM (gửi sang xét nghiệm tại một labo ở Đài Loan) đã cho thấy có một subtype virus mới. Đó là subtype B2 thuộc Enterovirus 71.


Bệnh nhi 1 tuổi mắc TCM nổi bóng nước đầy hai chân - Ảnh: Thanh Tùng

Đầu năm 2003, một số bệnh viện ở TP.HCM tiếp nhận những trẻ mắc bệnh (sau này mới biết đó là bệnh TCM, gây ra bởi Enterovirus 71 - EV71) vào viện, rồi tử vong rất nhanh. Khi đó, các bác sĩ chỉ biết rằng các bệnh nhi tử vong có biểu hiện viêm não (về sau mới biết viêm não chỉ là một biến chứng của bệnh chính TCM). Đầu năm 2004, Bệnh viện Nhi đồng 1 (nơi tiếp nhận các ca bệnh này nhiều nhất) nghi ngờ nên lấy mẫu bệnh phẩm đưa sang Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm, và kết quả xác định, những trẻ mắc bệnh với các biểu hiện nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, hay giật mình khi ngủ, bị biến chứng não, thần kinh... là do bệnh TCM, mà tác nhân gây bệnh chính là EV71.

Đến năm 2005, trong nước đã có những nghiên cứu và nắm rõ về dịch tễ của loại bệnh này. Kể từ đó, bệnh TCM có tính chất theo “mùa” diễn ra hằng năm, nhưng không nhiều lắm. Đến năm 2007, độc lực virus TCM lại mạnh lên, khiến trong năm này có rất nhiều trẻ mắc bệnh bị tử vong, riêng ở TP.HCM có đến 16 trường hợp.

Năm nay, đến thời điểm này cũng đã có đến 9 bệnh nhi tử vong. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), EV71 có rất nhiều subtype, nếu đúng là EV71 subtype B2 thì đây là một subtype mới, nguy cơ bệnh còn diễn tiến phức tạp hơn nữa, kể cả nguy cơ tử vong. Lâu nay, các subtype của EV71 trong nước thuộc các nhóm C (C1, C4, C5) mang tính “hiền” hơn.

Năm 2008, virus gây bệnh TCM tại Đài Loan cũng đã từng biến đổi từ subtype C4 sang B5, khiến diễn biến bệnh phức tạp hơn.

Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm khác từ các bệnh nhi mắc TCM điều trị tại đây gửi sang Đài Loan kiểm tra nhằm phát hiện những subtype mới của EV71 để chủ động trong chẩn đoán, điều trị bệnh. TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu (Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP.HCM) cho biết, những ngày qua, nơi đây cũng đang xét nghiệm tìm EV71.

Trước tình hình bệnh TCM diễn biến phức tạp, chiều 20.5, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế TP.HCM đã đến một số quận huyện để kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh. Sở thành lập 6 đoàn, đến kiểm tra kế hoạch hành động cụ thể phòng chống bệnh; tình hình dịch bệnh, việc giám sát các ca bệnh... của từng quận, huyện.

Biện pháp phòng ngừa

Các bác sĩ cho rằng, cần phòng bệnh cho trẻ trong những ngày tới, mà biện pháp hàng đầu là giữ vệ sinh cho trẻ trong ăn uống, lau dọn sạch sẽ môi trường trẻ ở, trẻ chơi như: sàn nhà, đồ chơi, không cho trẻ bú tay…, vì bệnh TCM lây chủ yếu qua đường tiêu hóa.

Bệnh TCM xảy ra phần lớn ở trẻ dưới 5 tuổi. Do vậy, trước tình hình diễn biến bệnh tăng cao, Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo TP triển khai phòng chống bệnh ở các trường mầm non, mẫu giáo trong những ngày qua. Các bệnh viện nhi cũng tổ chức tuyên truyền kiến thức về bệnh TCM cho các giáo viên nhằm phát hiện bệnh sớm, có biện pháp nhằm tránh lây lan bệnh trong nhà trường...

Thanh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét