Trang

Rươi và vỏ quýt - Sự phối hợp tài tình giữa thức ăn, gia vị và vị thuốc

caythuocquy.info.vn

Thứ tư, 19 Tháng 10 2011 15:25

Chúng ta đang vào đông, tiết trời lành lạnh với những cơn mưa rả rích, lúc mưa lúc tạnh kéo dài hàng tuần. Nhân dân ta gọi những ngày mưa này là “mưa rươi” và mùa này là “mùa rươi”.




Tuy gọi là “mùa rươi”, nhưng thực tế rươi chỉ xuất hiện thoáng qua trong một thời gian rất ngắn, khoảng mươi lăm ngày, vào cuối tháng chín đầu tháng mười Âm lịch và chỉ có ở một số vùng nước lợ ven biển như Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình... Nhân dân ta có câu: “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” để nhắc nhau mùa rươi ngắn ngủi hàng năm.

Rươi là một món ăn đặc biệt của nhân dân ta trong những ngày cuối thu, đầu đông. Từ những con rươi, bà con ta đã chế biến nhiều món ăn ngon và độc đáo. Một trùng hợp rất thú vị là “mùa rươi” cũng là mùa quýt chín và loại vỏ quýt tươi đỏ này là thứ không thể thiếu được trong bất cứ món rươi nào. Đây là sự phối hợp rất tài tình giữa món ăn, gia vị và vị thuốc của nhân dân ta. Phân tích rươi và vỏ quýt, chúng ta thấy: Con rươi thuộc họ giun đốt, có nhiều lông tơ sống ở đáy pha cát vùng nước lợ, nơi giáp giới của nước biển và nước ngọt. Thân rươi dài khoảng 7cm, có nhiều đốt chứa nhiều tế bào sinh dục, hai bên có nhiều lông tơ để bơi. Đến mùa sinh sản, lúc thời tiết chuyển từ mùa thu sang đông, trời hơi lạnh, những trận mưa rả rích xuất hiện, thì rươi nổi lên mặt nước, phóng các chất sinh dục ra làm nước đục lờ đờ màu sữa. Các chất sinh dục này kết hợp lại thành trứng, phát triển thành con cho mùa rươi năm sau. Bà con vùng có rươi, đợi đến những ngày này ra đón hớt lấy những con rươi nổi trên mặt nước, mang về chế biến thức ăn.

Nói chung những món ăn chế biến từ rươi đều ngon và có nhiều chất dinh dưỡng.

Thành phần hoá học: trong 100g rươi có 81,9g nước, 12,4g protit, 4,4 lipit, 1,3g tro, cung cấp cho cơ thể 92 calo. Như vậy, so với thịt bê nạc, giá trị dinh dưỡng của rươi đâu có kém (trong 100g thịt bê nạc có 78,2g nước, 20g protit, 0,5g lipit, 1,3g tro cung cấp được 87calo). Ngoài ra, trong rươi còn có nhiều loại muối khoáng, như canxi (66mg%), photpho (57mg%), sắt (1,8mg%),

Vỏ quýt chín là một vị thuốc được Đông y dùng rất phổ biến với tên Trần bì. Trong vỏ quýt tươi có khoảng 3,8% tinh dầu, 9% hectozan, caroten, vitamin B1, B2... Tinh dầu quýt là một chất lỏng màu vàng nhạt, có huỳnh quang xanh, mùi thơm rất dễ chịu.

Theo Đông y, vỏ quýt có vị cay, đắng, the, mùi thơm tính ấm, có tác dụng điều khí, hoá đờm, mạnh tỳ vị, táo thấp, thường được dùng để chữa các chứng ho có nhiều đờm, đầy bụng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, kém ăn, khó tiêu...

Qua phân tích thành phần hoá học, giá trị dinh dưỡng và tác dụng chữa bệnh của rươi và vỏ quýt, chúng ta thấy việc phối hợp rươi và vỏ quýt trong các món chả rươi, mắm rươi... của nhân dân ta thật là tài tình và khoa học, nó không những làm tăng thêm hương vị của món ăn, mà còn có tác dụng phòng bệnh tốt. Món chả rươi có mùi thơm, vị bùi béo và hơi dịu ngọt, ăn rất ngon miệng. Hương vị thơm ngon đặc biệt của món ăn dân tộc này một phần quan trọng là do vỏ quýt tạo ra, nếu thiếu vỏ quýt, chất lượng món ăn sẽ giảm rất nhiều. Ngoài ngon miệng, sự có mặt của một vị thuốc có tác dụng chữa đầy bụng, khó tiêu... trong những món ăn giàu protit, lipit và lạ miệng chế biến từ một loài giun đốt, còn có ý nghĩa phòng bệnh tích cực.

BS. Hương Liên

Caythuocquy.info.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét