Trang

Mổ ruột thừa phát hiện xương cá đâm thủng ruột

Dân trí:
Thứ Tư, 26/10/2011 - 17:44

(Dân trí) - Chẩn đoán bệnh nhi bị viêm ruột thừa do có biểu hiện đau bụng dữ dội kèm theo sốt cao. Trong quá nên tiến hành mổ nội soi, bác sĩ phát hiện ngoài viêm ruột thừa bệnh nhân còn bị chiếc xương cá đâm thủng ruột.

Đó là trường hợp của bé trai T.N.T (7 tuổi). Cách nhập viện một ngày bé T. ăn cơm cùng gia đình với món cá, trong lúc ăn không thấy bé có biểu hiện bị hóc xương hoặc ho sặc. Tuy nhiên, ngày hôm sau bé bắt đầu có biểu hiện sốt cao, than khó chịu và liên tục kêu đau bụng.

Chiếc xương cá được các bác sĩ gắp ra trong quá trình nội soi

Bé đã được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2, tại đây bác sĩ ghi nhận bệnh nhi đau bụng vùng hố chậu phải kèm theo sốt qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa nên quyết định tiến hành mổ nội soi.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện ngoài viêm ruột thừa bệnh nhân còn có túi thừa Meckel (một dị dạng bẩm sinh ở đường tiêu hóa) túi thừa này đã bị một chiếc xương cá dài 1,5cm đâm thủng gây sung huyết. Sau khi được mổ nội soi cắt ruột thừa và lấy chiếc xương cá ra ngoài sức khỏe của bệnh nhi đã nhanh chóng bình phục.

Qua trường hợp trên bác sĩ khuyến cáo, ở trẻ em khả năng lừa xương cá còn rất kém nên muốn cho bé ăn cá, người nhà nên tránh mua những loại cá có nhiều xương nhỏ, xương ngạnh… Trong lúc cho trẻ ăn phải loại bỏ hết xương trong thịt cá để tránh cho trẻ gặp phải những tai nạn như hóc, nuốt phải xương vào bụng.

Li Uyên

Vì sao chúng ta ngáp?

VietNamNet
Cập nhật 22/09/2011 09:00:00 AM (GMT+7)
Dù được cho là một dấu hiệu của sự chán ngán hoặc mệt mỏi, song một cái ngáp còn có nhiều ý nghĩa hơn thế đối với cơ thể con người.

Theo nghiên cứu mới nhất của Đại học Princeton, Mỹ, ngáp còn là biểu hiện của một "cái đầu nóng", theo đúng nghĩa đen.

Cụ thể, tần suất ngáp của chúng ta phụ thuộc theo mùa, nhiệt độ ngoài trời càng cao hơn so với thân nhiệt thì số lần ngáp càng ít. Vì lẽ đó, có thể ngáp chính là biện pháp để điều hòa nhiệt độ cho... não bộ, Tiến sĩ Andrew Gallup, đồng tác giả nghiên cứu diễn giải.
Ngáp chính là biện pháp để điều hòa nhiệt độ cho... não bộ. Ảnh: ScienceDaily.
Sau khi theo dõi tần suất ngáp của 160 người trong mùa đông và mùa hè, Tiến sĩ Gallup nhận thấy trong mùa đông, mọi người ngáp nhiều hơn hẳn. "Theo lý thuyết nhiệt, ngáp là hành động trao đổi nhiệt giữa não với không khí bên ngoài. Khi "não" cảm thấy bốc lửa, nó sẽ thôi thúc chúng ta ngáp nhiều hơn để làm nguội".

Khi ngáp, cơ hàm sẽ tạo ra một sức ép để dồn máu đổ về não nhiều hơn. Không khí mát từ bên ngoài cũng được hút vào trong cơ thể nhờ hành vi thở sâu. Nếu đi theo hướng này, tiến sĩ Gallup cho rằng sẽ giải thích được chính xác cơ chế và chức năng của ngáp, vì những nghiên cứu trước đây vẫn có nhiều điểm chưa thuyết phục.

Bên cạnh nhiệt độ ngoài trời thấp thì nhiều yếu tố khác cũng khiến chúng ta ngáp nhiều hơn như độ ẩm cao, thời gian ở ngoài trời lâu và giấc ngủ đêm hôm trước có dài hay không. Có quá nửa số người khảo sát trong mùa đông ngáp, trong khi số này ở nhóm mùa hè chỉ là chưa đầy 25%.

Trọng Cầm (Theo ScienceDaily)

Việt Nam vĩnh viễn mất tê giác một sừng

VietNamNet
Cập nhật 25/10/2011 12:00:00 PM (GMT+7)

Loài tê giác một sừng (tê giác Java) đã chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam. Thông tin này được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) và Tổ chức Bảo tồn Tê giác Thế giới (IRF) khẳng định vừa mới đây.

TIN LIÊN QUAN
Cú lừa ngoạn mục từ chiếc sừng tê giác
Chuyển sừng tê giác lậu, 2 người Việt bị bắt
“Thật đau buồn vì mặc dù đã đầu tư đáng kể cho các nỗ lực bảo tồn quần thể tê giác tại Việt Nam, song chúng ta vẫn không thể cứu được loài động vật quý hiếm này. Tê giác Java tuyệt chủng, Việt Nam nghiễm nhiên bị mất đi một phần di sản thiên nhiên của đất nước” – bà Trần Thị Minh Hiền, Giám đốc WWF Việt Nam, chia sẻ.

Tê giác Java (Ảnh: Rastrup.wordpress.com

Cuối tháng 4/2010, xác một con tê giác Java đã được phát hiện tại vườn quốc gia Cát Tiên trong tình trạng đạn găm vào chân và sừng biến mất. Kết luận điều tra do WWF công bố hồi tháng 1 năm nay chỉ rõ nạn săn trộm có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của cá thể tê giác nói trên.

Tê giác một sừng đã được cho là tuyệt chủng tại châu Á cho đến khi người ta săn được một cá thể tê giác trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên năm 1988, dẫn đến việc phát hiện ra một quần thể tê giác nhỏ. Từ sau đó, rất nhiều tổ chức đã tích cực tham gia bảo tồn quần thể tê giác cuối cùng còn sót lại, song không thành công.

Thừa nhận rằng, tại Việt Nam, mất môi trường sống là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết cục tuyệt chủng tê giác một sừng, WWF cũng đồng thời cảnh báo, việc thực thi luật pháp chưa toàn diện và tình trạng quản lý các khu bảo tồn kém sẽ chỉ tăng thêm áp lực lên các quần thể loài dễ bị tổn thương.

“Thời gian qua, những nỗ lực bảo tồn tê giác Java tại Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để cứu loài ra khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nếu tình trạng ấy vẫn cứ tiếp diễn thì rất có thể sẽ có thêm nhiều loài khác tuyệt chủng tại Việt Nam”, ông Nick Cox, Quản lý Chương trình Loài của WWF tại khu vực Tiểu vùng Mê Kông, nhận định.

M.H (tổng hợp)

Điện thoại di động được minh oan tội 'gây ung thư não'

VnExpress:
Thứ hai, 24/10/2011, 14:46 GMT+7
Ảnh: Hoàng Hà.
Ảnh: Hoàng Hà.
Một nghiên cứu dài hơi vừa công bố không hề thấy mối liên hệ giữa điện thoại di động và bệnh ung thư não. Nguy cơ này vẫn được tranh cãi hơn 20 năm qua, khi "dế" trở nên ngày càng phổ biến.

Nghiên cứu do Viện Dịch tễ học Ung thư ở Thụy Điện đã tìm hiểu hơn 350.000 người sử dụng điện thoại di động trong hơn 18 năm qua.

Qua thời gian dài, trong số này có 356 người bị u thần kinh đệm và 845 người mắc ung thư tại hệ thống thần kinh trung ương.

Tuy nhiên, nhóm dùng điện thoại và nhóm không dùng có tỷ lệ mắc bệnh không khác nhau đáng kể. Ở nhóm dùng điện thoại di động lâu nhất (13 năm trở lên) nguy cơ này không hề cao hơn.

Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cho biết người dùng điện thoại di động vẫn được theo dõi tiếp, để đảm bảo rằng họ không phát bệnh sau thời gian dài hơn và để xem ảnh hưởng của thiết bị này đến trẻ nhỏ.

"Những kết quả này là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy việc sử dụng điện thoại đi động dường như không làm tăng nguy cơ ung thư não ở người trưởng thành", Hazel Nunn, trưởng bộ phận thông tin y tế tại Cơ quan nghiên cứu ung thư Anh, cho biết trên BBC.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cũng cho rằng có vài hạn chế trong nghiên cứu này, trong đó có việc không khảo sát nhóm người sử dụng điện thoại di động vào mục đích kinh doanh - là một trong những người sử dụng nhiều nhất.

Nghiên cứu này ra đời sau một loạt các công trình khác cho kết luận tương tự. Tuy nhiên, vẫn có những công trình bày tỏ sự mất an toàn của thiết bị này, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải cảnh báo rằng nó có thể gây dị ứng.

Ngoài ra, WHO cũng xếp điện thoại di động vào nhóm với cà phê - nghĩa là chưa tìm thấy mối liên hệ nhưng cũng không loại bỏ nghi ngờ. Tổ chức này tiếp tục khuyến cáo trẻ em dưới 16 tuổi chỉ sử dụng điện thoại di động khi cần thiết và nói chuyện ngắn thôi.

T. An

Bé tử vong, cha mẹ kiện bệnh viện không sớm tìm ra bệnh

VnExpress:
Thứ hai, 24/10/2011, 16:31 GMT+7

2h sáng, thấy con gái sốt, nôn, vã mồ hôi như tắm, anh Hải (Hà Nội) vội đưa con vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Bác sĩ nói không có gì bất thường, nhưng chỉ mấy tiếng sau cô bé hơn 2 tuổi đã qua đời vì viêm não.

Sự việc xảy ra quá nhanh khiến cả gia đình anh Hải vẫn không khỏi bàng hoàng, đau xót. Bé được 27 tháng tuổi, nặng 14 kg và là con đầu lòng.

Theo lời kể của anh Hải, từ ngày 5/10 (thứ 4), cháu hơi ho, ngây ngây sốt, gia đình để cháu ở nhà và cho uống thuốc ho. Đến chủ nhật hai vợ chồng anh đưa con đến Bệnh viện Hồng Ngọc khám, bác sĩ kết luận cháu bị viêm VA nên sốt (khoảng hơn 38 độ), không có vấn đề và cho đơn thuốc.

Đến tối thứ 2 cháu không còn ho, ăn và chơi bình thường, nhưng đến gần 10 giờ tối bắt đầu vã mồ hôi. Anh Hải gọi điện hỏi một bác sĩ quen được hướng dẫn là không cần quá lo, chịu khó lau người, thay quần áo cho bé và theo dõi thêm. Tuy nhiên, gần 2h đêm đó, bé trớ khi ngủ, đồng thời vã mồ hôi như tắm, trong khi vẫn không sốt cao. Anh chị vội bế con vào khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Bố cháu bé kể lại: Một bác sĩ nữ khám khoảng 3-5 phút, nghe tim, phổi, soi họng rồi cho uống thuốc hạ sốt, uống oresol để bù nước. Dù gia đình có nói là ở nhà đã cho cháu uống hạ sốt rồi, nhưng vì bác sĩ kê nên vẫn cho con uống. Sau đó chẳng thấy bác sĩ nói là cho cháu nhập viện hay về, hai vợ chồng cứ bế con ngồi đợi ở hành lang. Bé cứ thiếp ngủ, lúc tỉnh thì đòi uống sữa, mồ hôi vẫn cứ túa ra như tắm, chân tay và người lạnh, chỉ có trán là hơi nóng.

Lúc sau thấy một bác sĩ nam, anh Hải gọi để hỏi tình hình của con. Bác sĩ không khám lại mà chỉ hỏi han xem bác sĩ trước nói sao, và nói “vã mồ hôi là do rã sốt, không có vấn đề gì, tùy từng cơ địa mỗi người, có người vã nhiều, có người vã ít” và “nếu muốn xét nghiệm cho yên tâm thì anh chị đợi đến giờ hành chính”. Anh Hải hỏi thêm có cần lưu viện không thì bác sĩ bảo tùy gia đình, nếu nhà gần thì có thể cho cháu về, sáng cho vào.

Thấy vậy anh Hải đưa con về nhà, lúc ấy gần 5h sáng ngày 11/10. Đơn kê cũng giống như đơn thuốc trước đó, với chẩn đoán viêm hô hấp trên, sốt, ho. Về đến nhà, bé bị trớ sau ăn, mồ hôi vẫn toát. Không yên tâm, 7h rưỡi sáng hai vợ chồng anh Hải lại đưa con lên Bệnh viện Hồng Ngọc khám.

“Vừa nhìn con tôi bác sĩ đã bảo ‘không kịp nữa rồi, 99% không qua khỏi, đồng tử đã giãn, thân nhiệt hạ’. Vẫn đang bế con trên tay, thấy con vẫn bình thường mà sao bác sĩ lại nói thế, chân tay tôi như rụng rời, bàng hoàng, không thể tin những gì bác sĩ nói”, anh Hải buồn bã kể.

Sau đó, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương với hy vọng còn nước còn tát. Nhưng đến 12h trưa thì bé qua đời, giấy báo tử kết luận cháu bị viêm não, ngừng tim, suy hô hấp.

Người cha cho biết trước đó bé hoàn toàn khỏe mạnh, ít khi ốm nặng, ngoài VA hay bị viêm thì không có vấn đề gì nghiêm trọng. Gia đình anh đã gửi đơn khiếu nại lên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai để làm rõ.

“Con mình mất rồi, dù có làm gì cũng không thể thay đổi được. Nhưng chúng tôi muốn biết vì sao con mình chết. Vì sao mình đưa con đi khám mà bác sĩ bệnh viện lại không phát hiện ra bệnh. Nếu họ chịu khám tỉ mỉ cho con thì có lẽ đã không dẫn đến sự việc đáng tiếc này”, anh Hải nói.

Bác sĩ Kim Chiến, Bệnh viện Hồng Ngọc, người đã khám cấp cứu cho con gái anh Hải cho biết: “Khi cháu vào viện tình trạng đã rất nguy kịch, suy hô hấp nặng, da tái nhợt, vã mồ hôi nhiều. Chúng tôi chỉ kịp làm hồi sức, khi thấy tim có nhịp đập thì chuyển cháu đi, chứ không kịp cả lấy máu làm xét nghiệm”.

Cũng theo bà, ở trẻ nhỏ bình thường đang sốt thì không vã mồ hôi, trừ khi hạ sốt. Nếu trẻ vẫn đang sốt mà vã mồ hôi nhiều là bất thường, phải xem vấn đề ở đây là gì.

Một lãnh đạo khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa đã nhận được đơn kiện của gia đình anh Hải. Đồng thời đã yêu các bác sĩ, y tá kíp trực hôm đó làm bản tường trình. Khoa cũng sẽ tổ chức một buổi gặp với gia đình bệnh nhân để làm rõ sự việc có hay không việc bác sĩ tắc trách không phát hiện được sớm bệnh của trẻ.

Bệnh viêm não hay gặp ở trẻ trên một tuổi, gặp nhiều nhất ở trẻ 3-15 tuổi. Bệnh thường xảy ra đột ngột, có trẻ đang khỏe mạnh bỗng dưng sốt cao, co giật, dẫn đến lờ đờ, hôn mê trong 1-3 ngày. Diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh. Biểu hiện lâm sàng ở trẻ bị viêm não rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng sốt cao, nôn, đau đầu… Một số trẻ có thể bị tiêu chảy.

Hai bác sĩ nhi ở Bệnh viện Xanh Pôn và Bệnh viện Nhi trung ương đều cho biết hiện tượng trẻ vã mồ hôi nhiều không phải là biểu hiện điển hình của bệnh viêm não, và không quá đáng ngại.

Dương Vũ

Những dấu hiệu cảnh báo đối với bệnh hiểm nghèo

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Năm, 11/11/2010, 15:27 (GMT+7)

TTO - Có những triệu chứng tưởng chừng rất mơ hồ nhưng nếu bạn không chủ quan, sớm nhận biết và được chẩn đoán đúng, nhiều khả năng giúp bạn "thoát" được những căn bệnh hiểm nghèo.

Phát hiện bệnh sớm và được chữa trị đúng cách sẽ giúp bạn "thoát" những căn bệnh hiểm nghèo - Ảnh minh họa

Phương pháp phát hiện bệnh sớm:

- Tầm soát sức khỏe đều đặn
- Biết những dấu hiệu cảnh báo của các căn bệnh hiểm nghèo và báo bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào.

Tại sao phải điều trị sớm?

- Cơ hội chữa khỏi cao hơn.
- Giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
- Giảm chi phí y tế.

1. Những lời khuyên phòng bệnh:

- Duy trì trọng lượng của một thân thể khỏe mạnh.
- Tập thể dục đều đặn.
- Ăn uống lành mạnh:

- Mỗi ngày ăn 5 đơn vị trái cây và rau hay nhiều hơn. Ăn bánh mì loại nguyên hạt, ngũ cốc và cám. Ăn các loại đậu, các sản phẩm đậu nành như đậu hũ

- Mỗi ngày ăn ít nhất 25-30 gram chất sợi.

- Ăn ít chất béo. Nghiêm ngặt hạn chế các loại chất béo và dầu mỡ chuyển hóa.

- Mỗi ngày ăn tối đa 300mg cholesterol.

- Ăn hạn chế các loại muối hóa học, dưa muối, các loại thực phẩm khô hay xông khói.

- Hạn chế uống rượu
- Không hút thuốc và các sản phẩm thuốc lá. Tránh ở gần người hút thuốc.
- Hạn chế tiếp xúc các nguyên nhân gây ung thư như asbestos, thuốc trừ sâu...
- Chụp X-quang khi cần thiết.
- Hạn chế tiếp xúc với (ánh sáng) mặt trời, đèn (năng lượng) mặt trời. Khi ra ngoài trời nắng nên tìm cách bảo vệ làn da của mình.
- Kiểm soát stress.
- Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.
- Hãy hỏi bác sĩ của bạn về các loại thuốc giúp ngăn ngừa những bệnh hiểm nghèo như:

- Thuốc aspirin liều thấp (như aspirin 81mg) giúp ngăn ngừa tai biến mạch máu não và đột quỵ.
- Thuốc giảm nguy cơ loãng xương.

- Hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc vitamin, khoáng chất và các loại thuốc bổ khác.
- Tầm soát sức khỏe đều đặn.

2. Những dấu hiệu cảnh báo ung thư:

Khi ung thư vừa phát sẽ không thấy đau đớn hay có dấu hiệu nào nên các xét nghiệm tầm soát là rất quan trọng. Khi ung thư phát triển theo các loại khác nhau, các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện.Tuy nhiên, những dấu hiệu này có thể xuất phát từ nguyên nhân khác. Nên đi gặp bác sĩ. Trong nhiều trường hợp phát hiện và điều trị ung thư càng sớm càng có nhiều cơ may chữa dứt bệnh.

Ung thư bàng quang:

- Tiểu ra máu. Nước tiểu có màu đỏ sậm hay mờ nhạt, lợn cợn.
- Đau buốt khi tiểu.
- Đi tiểu nhiều lần hay tiểu gấp

Ung thư vú:

- Cảm thấy có một cục u dày lên trong ngực, vùng xung quanh, dọc theo vùng xương cổ và dưới bầu vú hay vùng nách.
- Thay đổi kích cỡ hay hình dáng bầu vú.
- Chảy nước (không phải sữa) hay máu từ núm vú.
- Thay đổi màu sắc hay cảm giác ở da vú. Núm vú, hay quầng vú (vùng thâm xung quanh núm vú). Da vú bị co rút, nhăn hay có vảy.

Ung thư đại tràng, trực tràng:

- Thay đổi thói quen đi cầu
- Táo bón. Đi cầu nhiều lần và hay phân lỏng bất thường.
- Cảm thấy ruột luôn đầy.
- Máu nằm trong hay ngoài phân. Có thể màu đỏ sậm hay đỏ tươi.
- Phân ra hẹp hơn bình thường.
- Bao tử phình to, đầy hay co rút.
- Thường sình hơi.
- Sụt cân không lý do.
- Mệt mỏi thường xuyên.

Ung thư thận:

- Tiểu ra máu
- Một khối ở vùng hông
- Đau mơ hồ vùng lưng hay vùng hông
- Ho không rõ nguyên nhân trên ba tuần

Ung thư phổi:

- Ho kéo dài, có thể là ho vì hút thuốc trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tức ngực. Có người bị đau lưng.
- Khàn tiếng.
- Thở đứt quãng hay khò khè.
- Viêm phổi hay viêm cuống phổi nhiều lần.
- Ho ra máu.
- Mệt mỏi, ăn không ngon, sụt cân.
- Cảm thấy vai, cánh tay, bàn tay yếu đi.

Ung thư buồng trứng:

Thường không có triệu chứng sớm. Khi có triệu chứng, các dấu hiệu bao gồm:

- Sưng nề hay khó chịu vùng bụng dưới
- Cảm thấy đầy bụng sau bữa ăn nhẹ. Sụt cân và chán ăn
- Đầy bụng, khó tiêu, buồn ói
- Tiêu chảy, bón hay tiểu nhiều lần
- Chảy máu từ âm đạo

Thường thì ung thư đã phát tán ở thời điểm phát hiện

Ung thư tuyến tiền liệt:

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Nếu có các dấu hiệu này là:

- Đi tiểu nhiều lần, nhất là về đêm
- Khó tiểu, nhất là lúc bắt đầu, khó giữ lại nước tiểu hay không tiểu được
- Dòng nước tiểu yếu hay bị gián đoạn
- Đau hay cảm giác rát bỏng khi đi tiểu
- Đau khi phóng tinh
- Máu trong nước tiểu hay tinh dịch
- Đau kéo dài hay cứng vùng phía dưới lưng, hông hay bắp đùi

Ung thư da:

Có 3 loại ung thư da:

1. Tế bào đáy. Hơn 90% ung thư da ở Mỹ thuộc loại này. Phát triển chậm

2. Tế bào vẩy. Loại ung thư này phát tán nhiều hơn ung thư da loại tế bào đáy.

Cả hai loại ung thư da này thường gặp ở các vùng da tiếp xúc với ánh sáng như đầu, mặt, cổ, bàn tay và cánh tay. Tuy nhiên, vẫn có thể ở bất kỳ vị trí nào.

Những dấu hiệu cảnh báo sớm của các ung thư này:

Cục u nhỏ, trơn, bóng, tái hay nhợt nhạt. Cục u đỏ sậm
Cục u chảy máu hay phát triển thành vảy cứng Một điểm đỏ, phẳng, vảy khô ráp

3. Melanoma. Melanoma là dạng nặng nhất của ung thư da. Thường phát tán đến những vùng khác của cơ thể. Có thể gây chết người nếu không điều trị

Những dấu hiệu cảnh báo của Melanoma

• Thay đổi tính chất của một nốt ruồi có sẵn hay xuất hiện nốt ruồi mới hay nốt ruồi nhìn rất xấu xí.
• Dấu hiệu nhận diện là A-B-C-D-E

A. Asymmetry: Không đối xứng, nửa bên này không giống nửa bên kia

Nốt ruồi hiền Melanoma

B. Border: Bờ gồ ghề, có rãnh

Nốt ruồi hiền Melanoma

C. Color: Màu sắc thay đổi

Nốt ruồi hiền Melanoma

D. Diameter: Kích thước thay đổi

Nốt ruồi hiền Melanoma

E. Evolving lesion (vết thương phát triển): Thay đổi kích thước, hình dạng, màu sắc hay chảy máu bề mặt

Tự kiểm nghiệm trên da:

Khám mỗi tháng, sau khi tắm xong. Để tự khám da bạn cần có:
- Phòng đủ ánh sáng
- Gương toàn thân
- Gương cầm tay

- Nhớ những dấu hiệu, nốt ruồi hay bớt từ lúc mới sinh. Kiểm tra xem có thay đổi kích thước, màu sắc nốt ruồi hay không. Lưu ý những vết loét không chịu lành
- Kiểm tra toàn thân

1) Nhìn phía trước, phía sau người. Giơ tay lên và kiểm tra bên trái, bên phải
2) Gập tay lại và nhìn kỹ lòng bàn tay. Kiểm tra cả hai mặt của cánh tay
3) Nhìn phía trước và phía sau chân. Nhìn giữa hai mông và vùng cơ quan sinh dục
4) Ngồi xuống và nhìn kỹ chân.Nhìn bàn chân và giữa các ngón chân
5) Nhìn vào mặt, cổ và da đầu. Dùng lược rẻ tóc để quan sát da đầu

Đi gặp BS ngay nếu phát hiện bất thường

Ung thư tinh hoàn:

- Một khối ở tinh hoàn
- Cảm giác nặng ở bìu
- Đau âm ỉ vùng bụng dưới hay ở hang
- Đột ngột có nước ở bìu
- Đau hay khó chịu một bên tinh hoàn hay bìu
- Vú to lên hay nặng

Đàn ông từ 15 tuổi trở lên nên tự khám tinh hoàn đều đặn để phát hiện khối u hay thay đổi kích thước, hình dạng tinh hoàn

Ung thư họng:

- Khàn tiếng hay thay đổi giọng nói
- Khối ở vùng cổ hay cảm giác có một cục trong họng
- Ho kéo dài
- Khó nuốt. Cảm giác nặng hay rát bỏng khi nuốt
- Thường xuyên bị khó tiêu và nóng ngực. Hay bị ói hay nghẹn.
- Đau trong ngực hay trong họng

3. Những dấu hiệu cảnh báo tiểu đường:

1/3 người bị tiểu đường không biết mình mắc bệnh. Nên đi gặp BS ngay nếu bạn có ít nhất một trong các dấu hiệu sau :

- Tiểu nhiều lần
- Khát quá mức
- Đói quá mức
- Sụt cân bất thường
- Mỏi mệt
- Bứt rứt
- Mờ mắt

Ở tiểu đường type 1, các triệu chứng diễn ra nhanh chóng hơn. Với loại này, cơ thể không tạo được Insulin hay số lượng rất ít

Ở tiểu đường type 2, các triệu chứng diễn ra chậm hơn. Cơ thể không tạo ra đủ Insulin hay tạo ra không đúng cách. Loại này thường gặp ở người trên 40 tuổi, béo phì và không tập thể dục.

Tiền tiểu đường xảy ra trước khi bị tiểu đường type 2. Chẩn đoán và điều trị loại này giúp bạn không bị tiểu đường type 2.

Tiểu đường có thể diễn ra âm thầm không triệu chứng. Phát hiện và điều trị sớm giúp giảm nguy cơ biến chứng

4. Những dấu hiệu cảnh báo đau tim:

- Khó chịu ở ngực. Thường diễn ra trên vài phút hay biến mất rồi bị lại, cảm giác giống như đè ép, nặng ngực hay đau.
- Khó chịu ở nửa trên thân người. Có thể đau hay khó chịu ở một hay hai tay hay ở lưng, cổ, hàm hay vùng bao tử
- Thở gấp.Thường đi kèm với khó chịu ở ngực nhưng cũng có thể xảy ra trước đó
- Các triệu chứng khác. Bao gồm vã mồ hôi lạnh, buồn ói hay đầu óc quay cuồng

Triệu chứng thường gặp nhất ở cả nam lẫn nữ là đau hay khó chịu ở ngực... Nhưng phụ nữ thường có thêm các dấu hiệu khác như thở gấp, buồn ói,ói và đau lưng hay đau hàm

Nếu có dấu hiệu cảnh báo đau tim, nên đi cấp cứu ngay

5. Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ:

- Đột ngột bị tê hay yếu ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên người
- Đột nhiên bị lẫn lộn, khó nói chuyện hay nói bậy bạ vô nghĩa
- Đột ngột khó nhìn ở một hay hai mắt
- Đột ngột khó đi, chóng mặt, mất thăng bằng hay không phối hợp được
- Đột ngột nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân

Nếu có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ nên đi cấp cứu ngay

Xét nghiệm

18-40 tuổi

40-50 tuổi

Trên 50 tuổi

Khám răng

Mỗi 6-12 tháng

Khám sức khỏe

Mỗi 5 năm

Mỗi 2-4 năm (mỗi 1-2 năm nếu trên 65 tuổi)

Đo huyết áp

Mỗi lần đi khám bệnh. Ít nhất mỗi 2 năm

Khám thị lực

Mỗi 5 năm

Mỗi 2-4 năm (mỗi 1-2 năm nếu trên 65 tuổi)

Đo cholesterol

XN máu

Bắt đầu từ 35 tuổi (nam);45 tuổi (nữ) mỗi 5 năm hay theo yêu cầu

XN Pap

P

H

N

Mỗi 1-3 năm cho đến 65 tuổi

Nhũ ảnh

Mỗi 1-2 năm

Tự khám vú

Mỗi tháng hay theo yêu cầu

Khám lâm sàng tuyến vú(Nhân viên y tế khám)

Mỗi 3 năm

Mỗi năm

Tầm soát loãng xương

Bắt đầu từ 65 tuổi (60 nếu nhiều nguy cơ gãy xương)

Tự khám tinh hoàn

N

A

M

Mỗi tháng hay theo yêu cầu

Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt

Hỏi BS

Tầm soát ung thư đại trực tràng

Hỏi BS

Đây là hướng dẫn chung. Nếu bạn có nhiều nguy cơ bệnh tật, các xét nghiệm nên làm sớm hơn. Các xét nghiệm phụ trợ như tầm soát tiểu đường hay tăng nhãn áp cũng có thể cần thiết. Nên theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Mặc dù hiếm, đàn ông vẫn có thể bị ung thư vú và nếu thấy một cục trong vú nên đi gặp bác sĩ

BS CK2 HUỲNH HỒNG HẠNH
(Theo Major illness warning signs)

Khi thuốc trị tăng huyết áp gây ho

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Tư, 13/07/2011, 06:27 (GMT+7)

TT - Thuốc nói chung ngoài dùng để chữa bệnh và phòng bệnh đều có thể gây tác dụng phụ. Riêng người bệnh tăng huyết áp cần đi khám bệnh để bác sĩ chẩn đoán và giúp lựa chọn thuốc thích hợp (hiện có đến bảy nhóm thuốc được dùng).

Một số thuốc trị tăng huyết áp có thể gây ho khan - Ảnh: N.C.T.

Nếu người bệnh được bác sĩ chỉ định cho dùng một trong ba nhóm thuốc sau có thể bị tác dụng phụ là ho khan.

Vì sao ho?

Thuốc thứ nhất thuộc nhóm ức chế men chuyển, gồm: captopril, enalapril, benazepril, lisinopril...). Cơ chế của thuốc là ức chế một enzym có tên men chuyển angiotensin (angiotensin converting enzyme, viết tắt ACE). Chính ACE xúc tác mà chất sinh học có trong cơ thể là angiotensin I biến thành angiotensin II, gây co thắt mạch làm tăng huyết áp. Nếu ACE bị thuốc ức chế sẽ không sinh ra angiotensin II và có hiện tượng giãn mạch, làm hạ huyết áp.

Thuốc ức chế men chuyển gây ho khan vì ACE không chỉ xúc tác biến angiotensin I thành angiotensin II, mà còn có vai trò trong sự phân hủy chất sinh học khác có tên bradykinin, nếu thuốc ức chế ACE, bradykinin không được phân hủy ở mức cần thiết sẽ thừa gây kích thích ho ở đường hô hấp. Thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho khan và kéo dài ở 5-35% bệnh nhân dùng thuốc này. Đây là thuốc trị tăng huyết áp gây ho đáng kể, không tùy thuộc liều lượng (tức uống liều thấp vẫn bị) và thường làm người bệnh bỏ thuốc.

Thuốc thứ hai có thể gây ho khan thuộc nhóm thuốc chẹn bêta, gồm: propranolol, pindolol, nadolol, timolol, metoprolol, atenolol... Cơ chế của thuốc là ức chế thụ thể bêta giao cảm ở tim mạch, do đó làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Đa số thuốc chẹn bêta không chỉ ức chế thụ thể bêta-1 chọn lọc tác động trên tim mạch mà còn ức chế thụ thể bêta-2 gây co thắt phế quản. Cho nên nhiều thuốc chẹn bêta ngoài hạ huyết áp có thể gây phản xạ ho (do co thắt phế quản, lưu ý người bị hen suyễn cũng vì thế không được dùng thuốc chẹn bêta). Tỉ lệ bị ho do dùng thuốc chẹn bêta ít hơn so với thuốc ức chế men chuyển.

Nhóm thuốc thứ ba có thể gây ho khan là thuốc chẹn kênh calci (còn gọi thuốc đối kháng calci), gồm: nifedipin, nicardipin, amlodipin, felidipin, isradipin, verapamil, diltiazem... Cơ chế của thuốc là chặn dòng ion calci không cho đi vào tế bào cơ trơn của các mạch máu gây giãn mạch và từ đó làm hạ huyết áp. Cơ chế gây ho của nhóm thuốc này chưa được biết rõ ràng.

Tỉ lệ bị ho do dùng thuốc chẹn calci rất thấp, khoảng 1-6%. Đặc biệt, đây là thuốc thường phối hợp với thuốc ức chế men chuyển trị tăng huyết áp nên phản xạ ho gây ra bởi thuốc phối hợp chứ không phải do thuốc chẹn kênh calci. Tuy nhiên, tác dụng phụ gây ho của thuốc chẹn calci cũng cần ghi nhận để thông tin cho bệnh nhân hầu tránh việc bỏ thuốc.

Xử trí thế nào?

- Ho có thể do thuốc nhưng cũng có thể do nguyên nhân khác. Vì vậy, thử tìm nguyên nhân vì sao bị ho (có thể bị cảm lạnh hay nguyên nhân nào khác...), trường hợp ho nhiều có thể dùng thuốc trị ho thông thường trong vài ngày, nếu sau vài ngày không đỡ ho nên đến bác sĩ khám chữa bệnh tăng huyết áp trước đây kể rõ triệu chứng ho. Không nên tự ý bỏ thuốc trị tăng huyết áp đang dùng (người bị tăng huyết áp rất cần dùng thuốc đều đặn để kiểm soát, nếu ngưng dùng thuốc, huyết áp tăng vọt rất nguy hiểm).

- Nếu bác sĩ xác định ho do thuốc sẽ cho thay thuốc ức chế men chuyển đang dùng gây ho bằng thuốc mới gọi là thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II (như losartan, valsartan, irbesaetan, candesartan...). Hoặc người bệnh bị ho bởi thuốc chẹn bêta, bác sĩ sẽ thay thế thuốc, dùng thuốc chọn lọc chẹn bêta-1 (như atenolol, metoprolol, pisoprolol...) và cho dùng liều thấp nhất có hiệu quả. Đối với thuốc chẹn kênh calci gây ho, có khi bác sĩ thay thế bằng thuốc nhóm khác thích hợp. Ngoài việc thay thế thuốc, bác sĩ còn thực hiện các biện pháp làm giảm các yếu tố tiềm tàng kích thích phản xạ ho ở đường hô hấp.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
(ĐH Y dược TP.HCM)

Tăng nguy cơ chết sớm vì uống vitamin tổng hợp?

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Ba, 11/10/2011, 15:02 (GMT+7)

TTO - Một nghiên cứu trên diện rộng của các nhà khoa học quốc tế cho thấy việc uống vitamin tổng hợp và các khoáng chất bổ sung hàng ngày có mối liên hệ với việc suy giảm tuổi thọ, báo Daily Mail ngày 10-10 đưa tin.

Vitamin và khoáng chất được khuyến cáo chỉ dùng cho những bệnh nhân suy dinh dưỡng và có theo dõi nghiêm ngặt của bác sĩ - Ảnh: PA

Các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Phần Lan, Na Uy, Hàn Quốc đã theo dõi tác động lâu dài đến sức khỏe của các loại vitamin tổng hợp, khoáng chất bổ sung đối với 38.772 phụ nữ tuổi từ 55 đến 69. Trong giai đoạn nghiên cứu 18 năm, họ ghi lại tất cả thuốc bổ sung mà những phụ nữ này uống.

Kết quả cho thấy những thuốc phổ thông nhất như vitamin tổng hợp, vitamin A, C, E, viên sắt, acid folic, đồng, kẽm và can xi vốn tưởng cải thiện sức khỏe con người lại liên quan đến nguy cơ chết sớm. Trong đó, nguy cơ chết sớm của con người tăng thêm 18% vì đồng, 6% vì acid folic, 4% vì sắt, 2,4% vì viên vitamin tổng hợp, 4% vì vitamin B6, 3,6% vì magiê, 3% vì kẽm.

Kết quả này cũng khớp với một nghiên cứu lớn ở Đan Mạch do đại học Copenhagen thực hiện năm 2008. Theo đó, một số viên thuốc có yếu tố vi lượng làm tăng nguy cơ chết yểu lên 16%.

Các nhà nghiên cứu chưa biết được những yếu tố bổ sung này gây chết sớm bằng cách nào nhưng họ đoán rằng chúng có thể tác động với mạng lưới bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Do đó, thuốc chứa yếu tố vi lượng chỉ nên dùng cho những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng và nhất định phải có sự chỉ định toa của bác sĩ. Còn người dân bình thường nên cân bằng chế độ ăn uống tự nhiên để có các vitamin và khoáng chất đầy đủ cho cơ thể.

Chuyên gia Jaakko Mursu đến từ đại học Đông Phần Lan cho hay: “Dựa trên các chứng cứ hiện có, chúng tôi khuyến cáo chỉ sử dụng các yếu tố vi lượng bổ sung đối với những trường hợp bệnh lý”.

Công bố này gây ra phản ứng trái chiều trong giới y dược. Tiến sĩ Glenys Jones đến từ Trung tâm dinh dưỡng của Hội đồng nghiên cứu dược phẩm ở Cambridge (Anh) cho hay kết quả nghiên cứu đáng quan tâm nhưng chưa thuyết phục vì chưa đưa ra chi tiết về tình trạng sức khỏe, chế độ ăn của những phụ nữ trong khảo sát.

Bác sĩ Carrie Ruxton vẫn cho rằng vitamin tổng hợp chứa nhiều yếu tố vi lượng cần thiết cho những người ốm yếu, có chế độ ăn thất thường để đáp ứng việc hấp thụ dinh dưỡng nên họ cần duy trì uống để có sức khỏe bình thường. Một số chuyên gia khác cho rằng nhiều người dùng yếu tố vi lượng để xử lý các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như sắt để chống thiếu máu nên dễ chết sớm.

Hiện có 1/3 người trưởng thành ở Anh dùng thuốc bổ sung vi lượng và khoáng chất hàng ngày và ngành công nghiệp thuốc bổ sung có trị giá 675 triệu bảng mỗi năm.

PHAN ANH

Hãi hùng cơm giá rẻ

Người Lao Động Online:

Thứ Hai, 10/10/2011 15:22

Các loại thịt, cá, rau quả đa phần đã bị ươn, bốc mùi, được các chủ quán mua với giá rẻ đem về thêm “hóa chất” vào, biến thành thực phẩm bắt mắt bán cho khách bình dân

Ở làng đại học Thủ Đức - TPHCM, chỉ với 10.000 - 12.000 đồng sẽ mua được một phần cơm 3 món: mặn, xào và canh. Trong điều kiện giá thực phẩm ngoài chợ tăng từng ngày thì tại sao các chủ quán cơm vẫn bán với giá siêu rẻ? Trong vai người phụ việc, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm hiểu về nguồn gốc và cách chế biến thực phẩm ở những quán ăn này.

Một nở thành hai

Ngày 20-9, chúng tôi đến xin phụ việc cho quán cơm Tr.L. Hướng dẫn cho nhân viên mới, chủ quán lấy một ít bột màu trắng cho vào thau, đổ nước vào đánh tan sau đó bỏ rổ thịt heo vào. Vừa làm, bà vừa giải thích: “Chỉ cần một tí bột này, thịt sẽ cứng và có màu đỏ như thịt tươi, chất này còn giúp khử mùi hôi do thịt để lâu ngày”. Đúng như lời bà chủ nói, khoảng 5 phút sau, chúng tôi chứng kiến những miếng thịt bé xíu đã được nở ra gần gấp đôi.

Những nguyên liệu ôi thiu được chế biến thành thức ăn để bán cho khách. Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Tiếp đó, bà chủ quán lấy chiếc chảo vẫn còn dính dầu từ ngày hôm qua, bỏ rau vào xào. Thấy chúng tôi ái ngại, bà chủ trấn an: “Được cái lửa lớn nên vi khuẩn chết hết, không cần rửa làm gì!”. Sau khi chế biến xong món thịt heo, chủ quán chuyển sang món gà. Cũng như trước đó, đầu bếp cho thêm vào một ít bột nở giúp thịt nở ra, căng phồng lên, sau đó dùng một loại chất bột màu đỏ rắc lên khiến thịt gà chuyển sang màu tươi và tỏa mùi thơm.
Rời quán Tr. L, chúng tôi tiếp tục đến xin làm chân chạy bàn tại quán Th.T. nằm cách đó không xa. Ở đây, ngoài những chiêu thức chế biến “truyền thống” như quán Tr.L thì chủ quán luôn bắt các nhân viên phải học thuộc cách “tiết kiệm tối đa”. Khi thức ăn trong ngày bán không hết hoặc khách ăn còn dư, không được bỏ mà phải gom lại để tận dụng chế biến món khác. Ví dụ, thịt luộc dư có thể băm nhuyễn quấn với lá lốt rồi nướng hoặc đem trộn vào thức ăn của ngày hôm sau…

Tuy nhiên, công nghệ nấu cơm ở quán Th.T mới thật đáng sợ. Công việc này những người phụ việc không được thò tay vào mà bà chủ quán trực tiếp đảm nhận. Sau khi nước được đổ vào một chiếc xoong lớn, bà chủ bỏ vào nửa chén chất bột màu trắng rồi lấy gạo đổ vào (chất bột này được người nhà của chủ quán mua từ chợ Bà Chiểu có tác dụng làm gạo nở và xốp cơm – PV). Khoảng 30 phút sau, cơm chín, dù chỉ với hơn 5 kg gạo nhưng cho ra được một nồi cơm to tướng. Bà chủ quán chia ra làm hai nồi, sau đó vào nhà lấy thêm một thau cơm còn thừa lại từ tối qua đã dính bệt vào nhau, đổ vào hai nồi rồi trộn đều, đưa ra bán cho khách.

Rau thối, thịt ươn

Khu vực làng đại học Thủ Đức có gần 50 quán ăn. Rau củ, thịt cá được các chủ quán mua hàng cũ, giá rẻ từ chợ đầu mối Thủ Đức; dầu mỡ, nước tương lấy từ các chợ Bà Chiểu, Kim Biên, không nhãn mác, nguồn gốc…

Những ngày tiếp theo, chúng tôi xin vào làm việc tại một số quán cơm khác ở làng đại học Thủ Đức. Tại quán cơm M.K. nằm đối diện ký túc xá Đại học Quốc gia, khu vực dùng để chế biến thức ăn là một sân gạch lở lói, nằm sát nhà vệ sinh, xung quanh rác vứt bừa bãi... Dưới nền đất, thịt, rau để la liệt. Hành tây vừa mới lấy từ chợ đầu mối Thủ Đức về đa phần bị thối một nửa, bà chủ quán hối chúng tôi nhanh tay dùng dao hớt mấy lớp vỏ khô bên ngoài, cắt bớt phần thối cho vào rổ. Rau cải, rau muống… vàng úa được cắt bỏ phần gốc, chẻ nhỏ bỏ vào chảo mà không hề rửa. Bà chủ quán tay không đeo găng, bốc thịt, rau bỏ vào chảo xào. Trong nháy mắt, gần 4 rổ rau to tướng đã được chế biến thành món rau xào trông rất ngon mắt.

Chứng kiến cảnh chế biến thức ăn ở quán C.X, chúng tôi chỉ chực… ói. Người phụ việc của quán lấy trong thùng ra một bịch cà chua, mướp đắng, thứ nào cũng bị hư hơn nửa. Sau khi cắt bỏ phần thối, người này bỏ vào chảo xào với thịt bò tạp nhạp thừa từ tối qua mà không hề rửa. Trong khi đó, hai nhân viên khác đang vội vàng sơ chế thực phẩm.
Thịt vừa cắt xong được chuyển qua cho người phụ nữ luống tuổi đang hốt rác. Chưa kịp rửa tay, người này nhúng nguyên cả bàn tay vào thau thức ăn để ướp gia vị... Các món chiên như cá, chả cá, đùi gà… cũng được các nhân viên rửa qua loa, sau đó đổ vào chảo dầu đen kịt để chiên lại. Các loại thịt, cá được chế biến ở đây đa phần đã bị ươn, bốc mùi, mua với giá rẻ, được các chủ quán sử dụng những “hóa chất” không rõ nguồn gốc pha trộn vào, biến thành thực phẩm bắt mắt bán cho khách bình dân.

Ớn lạnh nước mắm

Những ngày đi làm nhân viên chạy bàn, chúng tôi chứng kiến cách pha chế nước mắm có một không hai. Bà chủ quán Tr.L cho vào xô một chén nước mắm không nhãn mác, nửa chén bột ngọt và một ít tương ớt. Sau khi đánh đều “hỗn hợp” này, bà chủ lấy hai ca nước lạnh trong bể chứa đổ vào, khuấy thêm vài cái, thế là xong!

Nhợn người nhất có lẽ là công đoạn rửa chén. Trưa 20-9, chúng tôi tận mắt chứng kiến một nhân viên của quán cơm Th.M bỏ vào thau nước nửa chén xà phòng bột, sau đó đổ sang một chiếc thau to tướng đựng cả trăm chén đĩa còn dính đầy thức ăn, giấy lau, khuấy qua loa, vớt ra chuyển vào một thau nước gần đó rồi vớt ra dùng tiếp, đây là thau nước vừa dùng để rửa thịt xong.

Kỳ tới: Công nghệ chế biến lẩu

THÀNH ĐỔNG - TỊNH CẦM

Bị chó phá tổ, bầy ong đốt bé trai “thập tử nhất sinh”

Dân trí:
Thứ Hai, 10/10/2011 - 17:56

(Dân trí) - Thấy con chuột chạy vào bụi rậm, chú chó lao theo, trúng ngay vào tổ ong vò vẽ. Bị cả bầy ong tấn công chú chó hốt hoảng tháo chạy về hướng cậu chủ. Được đà, bầy ong lao vào tấn công khiến bé T. phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Vụ tai nạn hi hữu ấy đã xảy ra với bé L.N.T (3 tuổi, ngụ tại Kiên Giang) vào cuối tháng 9. Được biết, trước đó bé T. cùng người chị gái 7 tuổi và 3 bạn cùng trang lứa đang tập trung chơi ở sân nhà. Trong lúc lũ trẻ đang vui đùa, bất ngờ chú chó của gia đình đuổi theo con chuột đồng vừa chạy vào bụi rậm.


Nhưng chỉ ngay sau đó, con chó vừa chạy vừa la, lao bạt mạng về phía lũ trẻ. Khi các bé còn chưa kịp định thần thì cả bầy ong hàng trăm con bổ nhào đến tấn công tới tấp cả người và chó. Những đứa trẻ khác chỉ bị đốt vài mũi đã nhanh chân chạy thoát thân, riêng bé T. còn nhỏ chạy không kịp nên bị bầy ong quây kín.


Sau nhiều ngày lọc máu liên tục, bé T. mới qua được cơn nguy kịch
Nghe tiếng thét thất thanh của cậu bé, người nhà đã kịp thời ra giải cứu đưa bé đến bệnh viện địa phương sơ cứu. Tuy nhiên bé T. có những biểu hiện trúng độc nặng như vàng da, vàng mắt, sưng phù mặt, khó thở… nên ngay sau đó cháu đã được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại khoa cấp cứu, qua thăm khám, bác sĩ phát hiện trên cơ thể của bé có đến 42 vết ong chích đã sưng bầm. Tiến hành xét nghiệm chẩn đoán bé T. bị biến chứng suy đa cơ quan, suy gan, suy thận, tiểu huyết sắc tố… do trúng độc quá nặng.

Ngay lập tức bé được cho thở oxy và chuyển đến khoa Hồi sức. Sau nhiều ngày lọc máu liên tục tình trạng của T. mới dần cải thiện. Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên để trẻ chơi ở những khu vực gần lùm cây, bụi rậm vì rất dễ bị ong hoặc rắn tấn công. Bên cạnh đó để tạo khu vực an toàn cho trẻ và cả gia đình, người lớn nên lưu ý phát quang bụi rậm hoặc phá bỏ những tổ ong quanh nhà.

Li Uyên

Chồng bị vợ ép đưa vào viện tâm thần

VietNamNet
Cập nhật 09/10/2011 06:30:00 AM (GMT+7)

- Vừa qua, dư luận rộ lên vụ việc một người đàn ông nghi bị hãm hại, khống chế đưa vào Bệnh viện Tâm thần cơ sở Chợ Quán, quận 5, TP.HCM.

Trước thông tin này, PV VietNamNet đã gặp trực tiếp bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc bệnh viện để làm rõ thêm sự việc.

Theo bác sĩ Thắng, thông tin trên báo chí vừa qua chưa hẳn là đúng, vì vấn đề liên quan đến ông T., nạn nhân của vụ việc nói trên vô cùng phức tạp.

Người nhà yêu cầu thì bác sĩ phải cho nhập viện

Cụ thể, vào ngày 29/9, ông T., 68 tuổi, ngụ tại quận 1, TP.HCM được vài người đàn ông đưa vào bệnh viện.

Sau đó, vợ con ông T. cũng đến yêu cầu bác sĩ cho ông nhập viện điều trị vì có những hành vi rối loạn tâm thần như ghen tuông hoang tưởng, hù dọa rất nguy hiểm.

Theo bác sĩ Thắng, những trường hợp có các biểu hiện cấp cứu cần phải bắt buộc nhập viện tâm thần điều trị là kích động gây nguy hiểm, bỏ ăn, trầm cảm có hành vi tự tử - (Ảnh minh họa: 24h)

Hôm đó, bác sĩ Thắng không có ca trực nên sáng thứ 6 đi làm lại thì được cấp dưới báo cáo lại về trường hợp này.

Bác sĩ Thắng lập tức mời các bác sĩ dưới khoa cùng bệnh nhân lên để tìm hiểu. Ban đầu ông T. không chịu tiếp xúc, tuy nhiên sau đó ông phân trần mình bị người nhà hãm hại.

Trước đây ông là giáo viên, sau khi nghỉ hưu thì về làm cho một công ty cổ phần tại TP.HCM. Gần đây ông phát hiện vợ mình dù lớn tuổi nhưng có biểu hiện ngoại tình với một thanh niên trẻ.

Bên cạnh đó, ngôi nhà mà gia đình ông đang ở đã bán cho cô con gái 1/2, nay vợ và con gái muốn ép ông bán nốt căn nhà. Quá giận vợ và con nên ông đã không kiềm chế được, vì thế có những hành động, lời lẽ nóng nảy.

Bất ngờ một ngày đang đi ngoài đường, ông bị 4 thanh niên khống chế ép lên taxi và đưa đến bệnh viện tâm thần.

Ông T. còn tâm sự thêm do mình là nhà giáo nên không hề có chuyện đánh đập vợ, dù biết vợ đối xử không phải nhưng vẫn không ly dị bởi ngại điều tiếng.

Yêu cầu nhiều lần nhưng người nhà không đón về

Sau khi thăm khám, ngay lập tức bác sĩ Thắng kết luận, thời điểm hiện tại ông T. không có biểu hiện của rối loạn tâm thần hay có khả năng gây nguy hiểm cho người khác.

Bên cạnh đó, bệnh viện chỉ có 50 giường bệnh nội trú dành cho những trường hợp cấp cứu khẩn cấp nên yêu cầu người nhà đến đón ông về.

Tuy nhiên, dù được bệnh viện mời rất nhiều lần nhưng mãi đến trưa nay, tức 5/10, sau khi Bệnh viện có công văn gửi gia đình, công an và cả chính quyền địa phương (nhờ tác động) thì vợ ông T. mới chịu tới bệnh viện.

Khi đến bệnh viện, vợ ông T. giãy nảy, cho rằng bác sĩ bệnh viện có điều gì mờ ám mới bằng lòng cho ông T. xuất viện. Sau đó bác sĩ Thắng đề nghị vợ ông T. không muốn đón chồng thì viết đơn ký vào. Tới lúc đó ông T. mới được gia đình đưa về.

Trả lời câu hỏi vì sao tại thời điểm đó ông T. được kết luận bình thường nhưng vẫn không tự xuất viện được mà phải đợi vợ đón, bác sĩ Thắng cho biết: “Người ký giấy đưa ông T. nhập viện là vợ. Chúng tôi chưa khẳng định ông T. là hoàn toàn bình thường mà chỉ nói tại thời điểm khám thấy ông chưa có biểu hiện nguy hiểm.

Trong khi đó, theo ông T., mình đang bị hãm hại. Vậy nếu chúng tôi để ông ta tự xuất viện hoặc để người lạ đón đi nhỡ có chuyện không may xảy ra, gia đình bắt đền thì ai chịu trách nhiệm?”.

Cung cấp thông tin sai phải chịu trách nhiệm


Cách đây nhiều năm, chính tại Bệnh viện Tâm thần Cơ sở Chợ Quán, 2 nhân viên bảo vệ vì vô tình giúp người nhà đưa bệnh nhân vào bệnh viện đã bị đi tù vì…giữ người trái pháp luật.

Tuy nhiên, kẻ vu khống cho bệnh nhân chính là người thân trong gia đình họ lại chẳng bị gì.

Để kết luận một người có bị tâm thần hay không, không chỉ trong một sớm một chiều mà cần có một quá trình theo dõi - (Ảnh minh họa: Giaoducsuckhoe.com)

Bác sĩ Thắng bức xúc: “Bác sĩ làm sao biết được chuyện gia đình hay mâu thuẫn cá nhân của bệnh nhân. Trong khi đó, lời khai của vợ con bệnh nhân lại là một trong những yếu tố để giúp cho việc chẩn bệnh.

Thông thường, bệnh nhân bị cưỡng chế đưa vào, dù có bệnh hay không tất nhiên lúc đó tinh thần cũng không thể bình thường. Trong khi đấy, gia đình bệnh nhân lại tự nguyện xin cho nhập viện với lý do bệnh nhân có thể gây ra các hậu quả nguy hiểm thì đương nhiên bác sĩ phải đồng ý.

Để kết luận một người có bị tâm thần hay không, không chỉ trong một sớm một chiều mà cần có một quá trình theo dõi. Vậy tôi đề nghị pháp luật phải có chế tài thật nặng đối với các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch cho bệnh viện”.

Theo bác sĩ Thắng, những trường hợp có các biểu hiện cấp cứu cần phải bắt buộc nhập viện tâm thần điều trị là kích động gây nguy hiểm, bỏ ăn, trầm cảm có hành vi tự tử.

Thanh Huyền

Kỳ diệu bé 2 tuổi sống 7 ngày bên thi thể bà nội

Dân trí:
Thứ Năm, 06/10/2011 - 08:01

Trung Quốc: Kỳ diệu bé 2 tuổi sống 7 ngày bên thi thể bà nội

(Dân trí) - Bé gái 1 tuổi 8 tháng Tiểu Mộng ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã sống cùng với thi thể của bà nội trong suốt một tuần nhưng vẫn sống sót được nhờ uống nước. Điều này thực sự là kỳ tích và gây chấn động cộng đồng mạng.


Bé Tiểu Mộng đang được chăm sóc đặc biệt

Cảnh tượng kinh hoàng

Ngày 27/09 bố mẹ của Tiểu Mộng từ xa về nhà sau 1 tuần không liên lạc được với bà nội, người mà bố mẹ Tiêu Mộng gửi cháu trước khi đi làm xa nhà, vừa phá cửa bước vào đã nhìn thấy một cảnh tượng mà sau này trở thành ác mộng của bố mẹ Tiểu Mộng.

Con gái 1 tuổi 8 tháng nằm bất động trong vòng tay của bà nội, trên người phủ đầy giòi, bà nội nằm ngay cửa nhà vệ sinh, cơ thể ướt nhão nhoét và đã bắt đầu phân hủy.

Mẹ Tiểu Mộng kể lại: “Tôi dám khẳng định rằng, mẹ tôi đã chết cách đây 7 ngày, bởi vì từ ngày 20/09, tôi gọi điện về nhà đều không có người nghe. Cho tới đêm 27/09 chúng tôi phá cửa vào và phát hiện cảnh tượng ở trên.

Khi tôi nhìn ra xung quanh, vòi nước ở trong nhà vệ sinh vẫn chảy. Tôi vội chạy đến ôm con gái lên, chỉ nhìn thấy hàng trăm con giòi bám đầy trên mặt bé, tôi thét gọi tên con, Tiểu Mộng mở mắt, ánh mắt lờ đờ, kêu lên một tiếng nhỏ “bố ơi” rồi ngất lịm. Giày của bé còn đang ướt, tôi cởi giày của bé ra, bàn chân đã bị nước ngâm cho sưng phù, có dấu vết ngã bị thương ở ngay chân và đùi”.

Vì sao một đứa trẻ có thể sống sót sau 7 ngày không ăn?

Ngày 4/10, chủ nhiệm khoa Y tế bệnh viện Tương Nhã thứ 2 thuộc đại học Trung Nam- Hồ Nam Trung Quốc, GS Tiêu Thọ cho biết, tính mạng của con người là một thứ kỳ tích, con người sinh tồn được thì cần phải có 2 điều kiện thiết yếu nhất, một là dưỡng khí, hai là nước, sau đó mới đến thực phẩm.

Trong môi trường sinh tồn của Tiểu Mông, dưỡng khí chắc chắn là có, điều này không cần phải bàn; vòi nước trong nhà vẫn đang chảy, Tiểu Mộng đã biết đi, vì bản năng mưu sinh, bé cảm thấy khát nước nên sẽ đi tìm nước để uống. Trong vòng 7 ngày không ăn gì, trẻ em hơn 1 tuổi vẫn có khả năng vượt qua để sống sót được . Đồng thời nhiệt độ trong mấy ngày này không cao, bé con cũng cảm thấy khá thoải mái. Ngoài ra, do nhiệt độ thấp, thi thể sinh giòi và thối rữa đều cần thời gian nhất định, tức là thời gian Tiểu Mộng tiếp xúc với cơ thể thối rữa và giòi không đến 7 ngày. Đương nhiên, bà nội của Tiểu Mộng có phải chết được 7 ngày rồi hay không, điều này rất khó nói, bởi vì một đứa trẻ 1 tuổi 8 tháng không có khái niệm vể chết chóc, cần chính xác thì phải kiểm tra thi thể. Tuy nhiên, trẻ em 7 ngày không ăn gì mà vẫn sinh tồn được, trong môi trường có dưỡng khí và có nước, trên lý luận thì có khả năng như thế.

Bé Tiểu Mộng hiện nay

Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Tiểu Mộng lúc 3h sáng ngày 28/09. Chủ nhiệm khoa y tế giáo sư Tiêu Thọ nói, khi kiểm tra phát hiện Tiểu Mộng bị chứng nhiễm trùng huyết, đường tiêu hóa xuất huyết, da viêm nhiễm, viêm cơ tế bào cấp tính.

“Do thời gian dài nằm cạnh xác chết, cho nên toàn thân của bé bị viêm nhiễm nặng, trong tình trạng đang chết dần”. Hôm qua, khi tắm rửa cho bé, khi rửa ngoài âm đạo, mẹ bé còn phát hiện ra 3 con giòi. Giáo sư Tiêu Thọ còn cho biết, hiện tại vẫn chưa phát hiện ra liệu có còn giòi chui ra từ trong cơ thể của bé nữa hay không?

Bệnh viện Tương Nhã 2, ĐH Trung Nam- Hồ Nam đã thành lập 1 nhóm bác sĩ chữa trị cho Tiểu Mộng, bao gồm chuyên gia khoa nhi, mô tế bào, khoa da liễu, phòng giám hộ bệnh nặng vv.

Hiện tại Tiểu Mộng vẫn đang ở trong trạng thái sợ hãi cực độ. Ở trong bệnh viện, cháu thường giật mình thức tỉnh, la hét, tay chỉ về phía trước, miệng thường nói “Đằng kia, đằng kia”. Giáo sư Tiêu Thọ nói, cháu đã chịu sự chấn động lớn, hiện tại tinh thần vẫn đang còn lo lắng, hoảng sợ, cần tiếp tục chữa trị và hỗ trợ về tâm lý.

Dương Hằng

Tổng hợp theo chinanews

Bộ Y tế vào cuộc giúp tìm nguyên nhân “bệnh lạ”

Vietnam+ (VietnamPlus)
05/10/2011 | 21:52:00

Bệnh lạ ở Ba Điền (Quảng Ngãi). (Nguồn: VNE)

Ngày 5/10, Đoàn công tác của Bộ Y tế do phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương và Sở y tế Quảng Ngãi đã về xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) để kiểm tra, khám cho các bệnh nhân và lấy các mẫu máu làm xét nghiệm với hy vọng tìm ra được nguyên nhân căn "bệnh lạ.”

Xã Ba Điền nằm ở phía Bắc của huyện Ba Tơ, xã có 4 thôn, gồm 380 hộ dân và 1.428 dân, dân tộc Hrê chiếm 98% dân số, là một trong những xã nghèo nhất của huyện Ba Tơ. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, làm nương rẫy.

Đoàn đã tiến hành khám cho những người từng bị bệnh đã được chữa khỏi và cả một số người chưa bị nhiễm bệnh. Tất cả những người này gần như đã hết bệnh và không để lại di chứng. Những người này cho biết họ không còn cảm thấy đau, ngứa và đã đi làm trở lại bình thường.

Trường hợp chị Phạm Thị Nhi (Phương) ở tổ 2, Gò Nghênh - là người nghi bị nhiễm bệnh trở lại thì cho biết, chị cảm thấy đau, ngứa và tức ngực sau khi điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh trở về, chị vẫn ra ruộng và lên rẫy làm việc bình thường. Đối với trường hợp này, ông Trần Hậu Khang cho biết sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để xem có phải là tái nhiễm lại hay là do điều trị chưa khỏi hẳn và tái phát lại.

Ông Phạm Văn Tâm ở thôn Gò Nghênh, xã Ba Điền - người từng bị bệnh cho biết: "Ban đầu tôi phát hiện có nốt đen ở tay và chân, tưởng là bị nước ăn nên không sợ, chỉ dùng các biện pháp chữa trị thông thường nhưng không đỡ. Sau 2 ngày tôi xuống Bệnh viện huyện Ba Tơ khám, thấy không có biểu hiện sốt, đau nên tôi lại về lên rẫy bình thường, sau 4 ngày thì chân tay tôi sưng và bắt đầu nứt, tôi phải về Bệnh viện Đa khoa tỉnh chữa trị gần 2 tháng."

Những người được lấy mẫu máu để xét nghiệm nguyên tố đồng trong máu, nguyên tố vi lượng là những người được điều trị tại Hà Nội trở về, những người trong gia đình không có ai bị, người nghi bị tái phát, những người trong gia đình có người bị còn những người kia thì không.

Đây là căn bệnh có tính chất gia đình, nhiều gia đình có 5 người thì cả 5 người đều bị nhiễm bệnh. Căn bệnh này có lây hay không và nếu có thì lây qua con đường nào, vẫn là một điều bí ẩn. Vì vậy, nhiều người dân tỏ ra lo lắng và sợ bệnh lây, nhiều người đã “ngại” không dám tiếp xúc với người bệnh.

Anh Phạm Văn Vàng ở làng Rêu nói, gia đình tôi có 6 người nhưng may mắn là không ai bị bệnh, nhưng tôi rất lo bị lây bệnh vì làng tôi có nhiều nhà đều mắc bệnh, tôi không dám tiếp xúc với những gia đình bị bệnh.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Lon ở làng Tương - người đang bị nghi là có dấu hiệu nhiễm bệnh cho biết, tay chân chị không đau, không ngứa, nhưng chị lại lo lắng và hiện nghỉ ở nhà, không dám đi làm ruộng, làm rừng.

Về việc khắc phục vấn đề này, lãnh đạo xã Ba Điền cho biết, hàng tuần cứ vào thứ 2 và thứ 5 xã lại tổ chức họp dân để tuyên truyền cho dân hiểu hiện căn bệnh đang được các cấp chính quyền của tỉnh và trung ương điều tra làm rõ để nhân dân yên tâm và không bỏ nhà trốn vào rừng hoặc đi nơi khác.

Trong quá trình đi khảo sát thực tế quanh khu vực dân cư, được biết nguồn nước mà nhân dân trong xã đang sử dụng là nguồn nước được lấy từ suối Keo cách làng gần 2km bằng hệ thống đường ống do chương trình 135 của nhà nước tài trợ. Gần như các gia đình trong làng đều có rất nhiều loại nồi đồng, nhưng người dân và chính quyền xã cho biết các hộ dân không dùng các loại nồi đồng này để nấu ăn, vì vậy chưa thể nói gì về vấn đề nhiễm độc từ đồng.

Kết thúc ngày làm việc, ông Trần Hậu Khang cho biết: "Sau khi làm việc với sở y tế, đi thực địa quanh khu dân cư, đến từng gia đình, đặc biệt là những gia đình tất cả đều bị và cả những gia đình không có người bị để xem có gì khác nhau hay không, vệ sinh môi trường có yếu tố gì gây ảnh hưởng tới da hay không, nhưng điều quan trọng hiện nay là phải chờ kết quả xét nghiệm máu, gan, da để xem những người bị và những người không bị, những người đã khỏi bệnh có gì khác nhau hay không."

"Nếu có sự khác nhau thì cũng hy vọng là chúng tôi sẽ sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Đây là bệnh có thể điều trị khỏi và không để lại sẹo, vì vậy người dân không nên quá lo lắng, chỉ cần phát hiện kịp thời và điều ngay khi có dấu hiệu nhiễm bệnh," ông Khang cho biết thêm./.

vietnamplus.vn

Chưa tìm ra độc chất gây “bệnh lạ” tại Quảng Ngãi

05/10/2011 | 14:32:00

Bàn tay của một bệnh nhi bị "bệnh lạ", nổi lên lớp dày giống vết bỏng. (Nguồn: vtc.vn)

Qua kiểm tra tình hình dịch tễ, Đoàn công tác của Bộ Y tế vẫn chưa phát hiện ra độc chất gây ra căn “bệnh lạ” giống bệnh dày da sừng lòng bàn tay, bàn chân và có rối loạn chức năng gan của người dân các xã Ba Điền, Ba Xa, Ba Ngạc, Ba Vinh thuộc huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.

Bệnh đã được một số viện, bệnh viện chuyên ngành tuyến trung ương như Bệnh viện Phong-Da liễu Quy Hòa, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), Viện Pasteur Nha Trang kiểm tra nhưng đều có chẩn đoán chung là nhiễm độc chưa rõ nguyên nhân và hiện vẫn chưa phát hiện ra độc chất là gì.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương - trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế, cho biết các xét nghiệm cho thấy đồng trong máu cao, có tổn thương ở gan và một số bệnh nhân có biểu hiện tan máu nghi do nhiễm độc.

Sau khi làm việc với Sở Y tế Quảng Ngãi, Đoàn đã đi thăm khám cho 8 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Hậu Khang đã yêu cầu làm lại một số xét nghiệm đối với 8 bệnh nhân này và lấy mẫu xét nghiệm đối với những người không mắc bệnh trong gia đình bệnh nhân và cả những người bệnh đã lành.

Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ngãi, từ 19/4 đến 25/9, trên địa bàn huyện Ba Tơ đã phát hiện 59 trường hợp mắc bệnh tổn thương ngoài da chưa rõ nguyên nhân (xã Ba Điền 55 trường hợp, xã Ba Xa 2, xã Ba Ngạc 1 và xã Ba Vinh 1), trong đó có 1 trường hợp ở xã Ba Điền tử vong do suy đa phủ tạng nghi do nhiễm độc. Trong các trường hợp nhiễm bệnh, chỉ có 1 trường hợp có bộ nhiễm trùng; có 1 ca bệnh sau khi điều trị khỏi về nhà lại bị tái bệnh.

Trong những người mắc bệnh, người nhỏ nhất mới 4 tuổi, lớn nhất là 72 tuổi, người trong độ tuổi lao động mắc bệnh nhiều nhất (37người), nhưng trẻ dưới 15 tuổi lại bị nặng nhất. Các bệnh nhân nằm tập trung trong một vùng, bệnh có tính chất gia đình, gia đình nào có người mắc thì gần như cả gia đình đều bị.

Các trường hợp mắc bệnh đều có biểu hiện lâm sàng khá giống nhau như tổn thương da mu bàn tay, bàn chân, đầu và kẽ của các ngón tay, chân với những mảng da màu đỏ sậm, sưng nhẹ, đau nhẹ, ít ngứa, sau 4-7 ngày gan bàn tay, bàn chân có dấu hiệu nứt, nẻ và dày, một số người bệnh có tổn thương ở vùng má, 2 bên cánh mũi, mặt trước-trong cẳng tay, ngày thứ 14 bắt đầu rụng tóc. Người bệnh thể trạng bình thường, ăn uống được.

Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được thu dung điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và đã ổn định, ra viện. Hiện còn 8 trường hợp mắc mới trong tháng 9/2011 đang điều trị tại khoa Da liễu./.

Đinh Thị Hương (TTXVN/Vietnam+)

Cô gái biến thành bà già: Lời cảnh báo cho tất cả chúng ta

Thể thao & Văn hóa:

Thứ Tư, 05/10/2011 10:57

(TT&VH) - Theo TS Đỗ Kiên Cường (Phân viện Vật lý y sinh học - Trung tâm KHKT&CN quân sự), chuyện chị Nguyễn Thị Phượng tại Bến Tre đang tuổi thanh xuân biến thành bà lão chỉ sau 8 tháng dùng thuốc Đông y là lời cảnh báo nghiêm khắc cho tất cả chúng ta: Tuyệt đối không được tùy tiện chữa bệnh thiếu sự giám sát của những người có thẩm quyền về chuyên môn, pháp lý và đạo đức.

TT&VH xin giới thiệu bài viết của ông về vấn đề này.

Theo các phương tiện thông tin đại chúng, vốn có tiền sử dị ứng hải sản, nên năm 2008, sau một lần dùng hải sản, chị Phượng bị dị ứng nặng, mặt mẩn ngứa rất khó chịu. Sau khi chữa trị một thời gian ngắn, chị chuyển sang dùng thuốc Đông y trong 8 tháng trời, với chẩn đoán bị bệnh gan nên tích nước (!).

Kết quả của quá trình chữa bệnh khá tùy tiện là chị đã già đi khoảng 40-50 năm so với độ tuổi 26. Và như vậy với chị Phương, một ngày (chữa bệnh) đã dài xấp xỉ 10 tuần lễ.

Hội chứng già trước tuổi Hutchinson- Gilford

Già trước tuổi (progeria) là một bệnh di truyền rất hiếm gặp, với các triệu chứng lão hóa ở tuổi thanh thiếu niên. Thuật ngữ Progeria xuất phát từ tiếng Hy Lạp “pro” (có nghĩa là trước) và “geras” (có nghĩa là tuổi già). Nó xuất hiện với tần suất 1 trên 8 triệu lần sinh và được bác sĩ Jonathan Hutchinson mô tả lần đầu tiên vào năm 1886. Năm 1897 bác sĩ Hastings Gilford mô tả bệnh chi tiết hơn. Do đó bệnh được đặt tên là hội chứng già trước tuổi Hutchinson-Gilford.

Chị Nguyễn Thị Phượng và người chồng chung thủy. Ảnh: Tuoitre

Do là bệnh di truyền, nên sau khi sinh khoảng 18- 24 tháng, những dấu hiệu già hóa bắt đầu xuất hiện, ban đầu là giảm cân, sau đó các triệu chứng già hóa điển hình như nhăn da và sự thoái hóa toàn diện mọi cấu trúc và chức năng của cơ thể.

Hội chứng Hutchinson-Gilford là bệnh do đột biến gen tại vị trí 1824 của gen LMNA, thay cytosine bằng thymine (hai trong bốn ba-zơ nitơ cấu trúc nên chuỗi xoắn kép ADN), tạo ra một dạng lạ của protein Lamin A. Dạng Lamin A lạ này tích tụ trong nhân tế bào do không được xử lý thích hợp. Lamin A là loại protein cấu trúc cơ bản của nhân tế bào. Năm 2003, nguyên nhân của bệnh già trước tuổi đã được nhận chân chính xác. Gen LMNA tạo ra các protein lamin với chức năng cung cấp sức mạnh và sức bền cho tế bào. Lamin A và Lamin C nâng đỡ vỏ nhân tế bào. Khi Lamin A biến đổi do đột biến gen LMNA, nó tác động tới hình dạng và chức năng vỏ nhân, dẫn tới việc các tế bào bị chết sớm.

Vì là bệnh di truyền, nên hội chứng Hutchoinson- Gilford không thể chữa khỏi, mà chỉ có thể dùng các điều trị giảm nhẹ triệu chứng và chữa trị biến chứng. Chẳng hạn với biến chứng tim mạch, có thể dùng phẫu thuật bắc cầu hoặc dùng aspirin liều thấp. Trẻ em có thể dùng chế độ ăn nhiều năng lượng để giảm nhẹ sự lão hóa. Ngoài ra các hormone tăng trưởng và một số thuốc chống ung thư cũng đã được thử nghiệm. Chẳng hạn một loại thuốc chống ung thư là các chất ức chế farnesyltransferase tỏ ra có triển vọng trên động vật thực nghiệm. Do đó thuốc Lonafarnib đã được thử nghiệm trong lâm sàng từ tháng 5/2007. Với khoảng 35-45 trường hợp già trước tuổi đang sống, đó là một tia hy vọng khá mong manh.

Hiểm họa không của riêng ai

Với những thông tin đã trình bày, có lẽ chị Phương không bị bệnh già trước tuổi, vì tóc chị vẫn còn đen, da tay vẫn mềm mại, giọng nói vẫn trong trẻo. Có thể tin rằng, trái ngược với khuôn mặt của bà lão 70 tuổi, các chức năng nhận thức, tim mạch, hô hấp... của chị vẫn trẻ trung theo đúng tuổi sinh học thật. Vậy chị Phượng bị nhiễm độc do thuốc Đông y? Một số nhà chuyên môn cho rằng sự lão hóa của chị Phương là tác hại của corticoid có trong các phương thuốc Đông y mà chị đã uống ròng rã 8 tháng trời. Đó là một khả năng cần tính đến; tuy nhiên câu trả lời chính xác chỉ có thể có sau các khám nghiệm y khoa cẩn trọng. May mắn là chị Phượng không phải chờ đợi lâu, khi nhiều nhà hảo tâm đã giang đôi tay hào hiệp.

Bản thân người viết bài này cũng có kinh nghiệm với các phương thuốc Đông y lén lút trộn tân dược. Một giảng viên trẻ cùng bộ môn tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch bị viêm xoang nặng, đã phải mổ nhưng không đỡ. Sau một kỳ nghỉ mấy tuần, người viết hỏi thăm sức khỏe thì được biết, tình trạng viêm đã cải thiện rất nhiều sau khi dùng thuốc Đông y. Nhìn khuôn mặt bạn trẻ phính ra chỉ sau mấy chục ngày, người viết khuyên phải dừng điều trị ngay lập tức, vì chắc chắn loại thuốc đó đã trộn corticoid. Thật nguy hiểm khi tình trạng treo đầu dê bán thịt chó đó vẫn thường xuyên diễn ra trong thực tế.

Bài học cần rút ra từ trường hợp chị Nguyễn Thị Phượng là hãy đến bệnh viện và các cơ sở y tế có thẩm quyền về chuyên môn, pháp lý và đạo đức mỗi khi bị bệnh!

TS Đỗ Kiên Cường


baodatviet.vn
Cập nhật lúc :9:44 PM, 02/10/2011
Một phụ nữ trẻ đẹp bị một cơn bệnh lạ, sau vài năm bỗng già đi mấy chục tuổi. Câu chuyện đầy bi kịch của chị tạo nên sự ngạc nhiên kỳ lạ cho mọi người. Chị tên là Nguyễn Thị Phượng, 26 tuổi, ngụ thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm (Bến Tre).

Hẹn gặp trước Bệnh viện Đa khoa huyện Giồng Trôm, đang loay hoay ngó trước ngó sau để tìm, bỗng bà cụ khoảng 70 tuổi bước đến hỏi: “Có phải anh là phóng viên không?”. Chúng tôi ngỡ ngàng. “Bà lão” giới thiệu: “Tôi là Phượng đây”.

Tai họa bất ngờ

Chúng tôi không thể tin được đứng trước mặt mình là cô gái mới 26 tuổi. Nhưng giọng nói đã giúp chúng tôi tin đây chính là Phượng. Vừa ngồi xuống nhà, Phượng lấy một xấp ảnh chụp năm 21 tuổi (khi lấy chồng) ra cho chúng tôi xem. “Cách đây năm năm tôi là một cô gái có chút nhan sắc chứ không đến nỗi tệ phải không? - Phượng nói - Tôi có tiền sử dị ứng với thức ăn hải sản. Khoảng năm 2008, sau một lần ăn hải sản tôi bị dị ứng nổi mẩn trên mặt và ngứa rất khó chịu. Ngứa đến mức đi ngủ vẫn phải gãi. Chồng bảo ngủ mà còn “gảy đàn”. Khổ lắm”.

Bến Tre: Cô gái 26 biến thành bà già 70 tuổi vì bệnh lạ
Chị Phượng thời xuân sắc ở tuổi 21, cách đây năm năm...
Bến Tre: Cô gái 26 biến thành bà già 70 tuổi vì bệnh lạ
Chị Phương bây giờ và chồng.

Anh Nguyễn Thành Tuyển (34 tuổi, chồng chị Phượng) nói thấy vợ bị dị ứng, anh ra hiệu thuốc tây ở khu vực giáp ranh huyện Mỏ Cày Nam - Chợ Lách mua thuốc chống dị ứng cho vợ uống. Uống suốt mấy ngày không khỏi, anh Tuyển chở vợ đến bác sĩ trong huyện khám và được chẩn đoán “viêm da”, cho thuốc uống một tuần. Tuy nhiên, uống hết số thuốc này thì mặt chị Phượng bị sưng và nổi mề đay sần sùi trên da. Sợ quá, chị không dám uống thuốc tây nữa mà đến các phòng khám đông y ở thị trấn Giồng Trôm khám và xin thuốc uống.

Suốt thời gian đó, chị Phượng đi khám khá nhiều ở các phòng khám đông y và được chẩn đoán bị... bệnh gan, tích nước nên bị sưng(?). Uống thuốc đông y sáu tháng trời, mặt có giảm sưng nhưng người mập thêm. Thế là hai vợ chồng quyết định chuyển sang thuốc bắc. Các lương y ở hiệu thuốc bắc vẫn cho rằng chị Phượng bị bệnh gan và bốc thuốc sắc uống suốt hai tháng ròng, tiền thuốc mỗi ngày 30.000 đồng.

Năm 2009, chị Phượng phải đeo khẩu trang che kín mặt suốt ngày để tránh ánh mắt tò mò của mọi người. Thương vợ, anh Tuyển dò hỏi thầy thuốc nào hay là anh đưa vợ đi khám. Nhưng uống bao nhiêu thuốc, gặp bao nhiêu thầy cũng không có dấu hiệu cho thấy bệnh thuyên giảm.

Vợ bệnh, anh Tuyển phải bỏ việc làm để lo cho vợ. Rồi đến lúc hai vợ chồng cạn sạch tiền nên không uống thuốc nữa. “Vợ chồng tôi coi đó là số phận mà ông trời bắt phải chịu nên không chạy chữa nữa” - chị Phượng buồn bã nói. Do không có tiền nên hai vợ chồng này chưa một lần đến các bệnh viện lớn ở TP.HCM để khám xem mình bị bệnh gì, có chữa được hay không.

“Nhận dạng” bằng giọng nói

Bà Hồ Thị Hiệp, hàng xóm của chị Phượng, nói cách đây mấy năm Phượng là cô gái đẹp có tiếng trong vùng. Bẵng một thời gian đi làm ăn xa về, mọi người gặp lại Phượng đều giật mình, không ai nhận ra. Bà con thân tộc và hàng xóm nghe giọng nói mới tin đó là Phượng. Ông Lê Văn Thiệm, trưởng ấp 6, thị trấn Giồng Trôm, kể: “Mấy hôm rồi, Phượng về quê giỗ ngoại, tôi gặp mà cứ nghĩ bà nào ở đâu tới chơi. Đến khi nghe giọng nói của Phượng, tôi mới dám chắc. Nhìn thấy già nhưng giọng nói của Phượng vẫn còn trẻ và không có gì thay đổi so với năm năm trước”.

Chúng tôi về quê chồng Phượng ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc để tìm hiểu thêm. Ông Nguyễn Thanh Hùng (trưởng ấp Thanh Sơn 2) xác nhận Phượng có chồng là anh Tuyển, con dâu bà Nguyễn Thị The. Phượng về ấp Thanh Sơn 2 làm dâu được khoảng hai năm thì bị bệnh, mặt sưng lên rồi da bị nhăn lại trông già đi thấy rõ. Vì mặc cảm, Phượng cùng chồng và anh rể tên Nghiệp lên Bình Phước làm ăn. Phó công an xã Lê Phước Bình cũng khẳng định trước đây khi mới về làm dâu bà The thì Phượng rất xinh đẹp. Sau đó Phượng bị bệnh, sưng mặt và bị già đi rất lạ.

Phượng nói thêm: “Không chỉ gương mặt bị chảy xệ mà bụng cũng bị. Tôi chưa sinh đẻ lần nào nhưng da bụng giống như đã có 2-3 đứa con vậy. Da tay và vùng cổ cũng có hiện tượng lão hóa, nhăn nheo. Hồi tháng 9 đi khám bệnh đau dạ dày, một bác sĩ ở Bến Tre mới nói cho tôi biết mình bị bệnh lão hóa sớm”.

Hỏi chuyện vợ chồng trong thời gian chị bị bệnh, anh Tuyển bảo vẫn yêu thương vợ và gần vợ bình thường như hồi mới cưới. “Vì hai người cưới nhau lúc Phượng là một cô gái xinh đẹp và biết rõ diễn biến bệnh của vợ nên tôi không có cảm giác sốc như người ngoài gặp Phượng lần đầu. Chuyện vợ chồng khó nói, nhưng hãy hiểu đơn giản là tôi vẫn rất yêu thương vợ mình” - anh Tuyển tâm sự.

Về chuyện con cái, anh Tuyển nói: “Cũng có tính, nhưng bây giờ còn khó khăn quá nên phải lo làm để dành tiền chữa bệnh cho vợ cái đã”. Phượng kể bốn năm nay hai vợ chồng lên Bù Đốp (Bình Phước) sinh sống. Phượng nhận hạt điều nguyên liệu về bóc vỏ gia công cho các doanh nghiệp, còn anh Tuyển đi làm thợ mộc.

Phượng kết câu chuyện của mình: “Dù tôi già nua, xấu xí thế này nhưng ổng vẫn thương tôi như hồi trước. Có ổng tôi thấy tự tin hơn để làm ăn sinh sống”. Rõ ràng trong câu chuyện mang màu sắc “liêu trai chí dị” này, những người trong cuộc đang lấy tình nghĩa làm thứ quý nhất để đối đãi nhau vượt qua bệnh tật...

Có thể do ngộ độc thuốc

Nói về trường hợp của chị Phượng sau khi dùng thuốc một thời gian có biểu hiện già cơ thể, theo PGS.BS Mai Thế Trạch - nguyên chủ tịch Hội Nội tiết TP.HCM, có thể do những biểu hiện của dị ứng làm thay đổi da mặt, dáng vẻ của bộ mặt da cơ thể chứ chưa thể gọi là già vì các chức năng khác của tuổi già trên bệnh nhân không xuất hiện. Cụ thể là bệnh nhân không bị suy giảm trí nhớ hay bị suy giảm các chức năng sinh học của tim, thận, gan, phổi...

Ngay cả khi có biểu hiện tóc bạc thì cũng chỉ có thể do các độc tố có trong thuốc làm thay đổi sắc tố của tóc. Có thể chị Phượng là một trường hợp ngộ độc thuốc chưa rõ loại gì. Nếu bệnh nhân xác định được đã uống thuốc gì thì đem mẫu đi phân tích để xác định nguyên nhân có chất nào đó gây ra biểu hiện già cơ thể như vậy không.

Ông Mai Thế Trạch cho rằng trước tiên chị Phượng có thể đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám kiểm tra xem có phải những biểu hiện do dị ứng cũ của chị gây ra biến đổi vậy không. Nếu không xác định được thì bệnh nhân có thể đến Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để xét nghiệm tìm độc chất tồn dư trong máu. Tuy nhiên, phải xác định loại thuốc nào bệnh nhân dùng nhiều nhất để chú ý tìm hiểu về loại thuốc đó nhiều hơn. Còn nếu đã dùng nhiều loại thuốc quá thì rất khó tìm.

(Theo Tuổi trẻ)


Cập nhật lúc :10:29 AM, 05/10/2011
Bác sĩ Hoàng Văn Minh đã khám bệnh chị Nguyễn Thị Phượng (cô gái 26 tuổi biến thành bà lão) và chẩn đoán chị mắc bệnh tế bào vón, khả năng phục hồi 50-70% gương mặt lão hóa.

>> Bi kịch của thiếu nữ 26... biến thành bà cụ 70 tuổi

Đây là chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ chuyên khoa da liễu sau khi đến nhà bệnh nhân ở Bến Tre thăm khám trực tiếp chiều 4/10.

Hơn 15h ngày 4/10, bác sĩ Hoàng Văn Minh - trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, và bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn - phụ trách phòng khám da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre có mặt tại nhà chị Nguyễn Thị Phượng ở Giồng Trôm, Bến Tre.

Đó là bệnh tế bào vón

Tại đây, bác sĩ Hoàng Văn Minh đã hỏi kỹ từng vấn đề liên quan đến bệnh tình của chị Phượng. Tiếp đó, bác sĩ Minh đã thực hiện nghiệm pháp Darrier bằng cách dùng bút bi khều hơi mạnh lên một số vùng da trên gương mặt. Ngay lập tức, vùng da bị khều đỏ lên và sưng ra, sau đó mờ dần và xuất hiện cục sưng nề trên mặt da. Điều này thể hiện dấu hiệu dương tính của bệnh Mastocytose, hay còn gọi là bệnh tế bào vón. Sau đó, chị Phượng được đưa vào buồng riêng để các bác sĩ thăm khám và xem xét kỹ các vùng da ở chân, nách, bụng, bẹn, lưng...

Vợ chồng chị Phượng trở về quê Giồng Trôm (Bến Tre) chiều 4/10 thăm bà con, hàng xóm trước khi đi trị bệnh.

Qua thăm khám thực tế cho thấy khởi đầu chị Phượng có nổi mề đay với biểu hiện là những nốt đỏ, ngứa trên da. Những nốt đỏ, ngứa này xuất hiện nhiều khi ăn hải sản. Chị Phượng tự đi chữa, uống thuốc được một thời gian thì bớt rồi tái phát nhiều lần. Sau đó mới chuyển qua uống thuốc đông y thì trên mặt và một số vị trí trong cơ thể bị sưng phù lên, căng tròn và sau đó xuất hiện các đường nứt ở tay, chân, nách, bẹn. Sau một thời gian da của chị Phượng mới từ từ nhão ra và mặt bị già đi.

Theo bác sĩ Minh, khi khám ông thấy mặt chị Phượng có biểu hiện bị sưng, nếp nhăn da thấy rất rõ, nổi hẳn lên và vẫn còn ngứa. Ngoài ra, trước đây cứ khoảng một tháng chị Phượng còn có những đợt bị tiêu chảy. Mỗi khi bị tiêu chảy mặt và tay bị đỏ lên. Từ những dấu hiệu lâm sàng này, bác sĩ Minh chẩn đoán bệnh nhân có đầy đủ dấu hiệu của bệnh tế bào vón. Về vấn đề da bị nhão, chùng, các đường nứt da ở chân, bụng, bẹn, nách..., theo bác sĩ Minh, có thể do tác dụng phụ của loại thuốc bệnh nhân uống có chứa corticoide trước đây. Những biểu hiện này thật ra chỉ là những dấu hiệu đi kèm, còn bệnh chính vẫn là tế bào vón.

Có thể phục hồi 50-70% gương mặt lão hóa

Bác sĩ Minh cho biết bệnh tế bào vón thường gặp ở trẻ em và rất hiếm gặp ở người lớn. Tế bào vón có hai dạng bệnh là: dạng da đơn thuần và dạng bệnh hệ thống. Nếu là dạng bệnh hệ thống thì bệnh thường là ác tính, có thể làm ảnh hưởng đến tủy xương và bệnh nhân có thể chết sớm. Chị Phượng thuộc bệnh dạng da đơn thuần nên có tiên lượng điều trị tốt, nếu được giải quyết sớm sẽ bớt bệnh và trong một số trường hợp còn có thể thoái bệnh tự nhiên. Theo bác sĩ Minh, với bệnh tế bào vón ở người lớn cách đây 7-8 năm ông có gặp một trường hợp ở Bệnh viện Da liễu TP HCM. Tuy nhiên, bệnh nhân này rơi vào trường hợp dạng bệnh ác tính nên sau đó tử vong.

Bác sĩ Hoàng Văn Minh là bác sĩ chuyên khoa 1, có nhiều công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học về nhiều bệnh lý khó liên quan đến bệnh da liễu được đăng tải trên các tạp chí y khoa trong và ngoài nước. Ông là thầy của nhiều bác sĩ trẻ.

Bệnh tế bào vón tuy hơi khó điều trị nhưng vẫn còn có thể đáp ứng được và giúp bệnh nhân dễ chịu lại. Ngay cả bệnh bao tử, bệnh đường tiêu hóa của chị Phượng cũng nằm trong bệnh cảnh tế bào vón. Vì tế bào vón tiết ra chất kháng histamine. Trong đó histamine thuộc nhóm 1 sẽ gây ra ngứa ngáy, phù nề, sẩn phù, nổi mề đay ngoài da; histamine thuộc nhóm 2 sẽ gây ra bệnh đường tiêu hóa.

Bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện Đại học Y dược, khám da mặt cho chị Phượng.

Chị Phượng có biểu hiện lâm sàng đầy đủ của histamine nhóm 1 và 2, nếu sử dụng thuốc cho cả kháng histamine nhóm 1 và 2 sẽ giải quyết phần nào sự phù nề giống như lão hóa da trên gương mặt.

Trao đổi với báo chí về mong muốn của chị Phượng được điều trị khỏi bệnh và giúp làm trẻ lại gương mặt như độ tuổi thật, bác sĩ Minh cho biết việc đầu tiên là phải giải quyết vấn đề dị ứng vì hiện nay chị vẫn còn biểu hiện dị ứng. Dấu hiệu của bệnh tế bào vón thể hiện qua những vùng mặc đồ chật da vẫn còn bị nổi đỏ, một số nơi trên da vẫn còn những nốt sẩn phù. Ở những vùng da bị rạn nứt, chùng giãn sẽ hơi khó điều trị và chỉ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khả năng điều trị chỉ có thể giải quyết được 50-70% gương mặt lão hóa của chị. Trong tương lai nếu có những laser tốt có thể bắn điều trị những vết nhăn đó bớt được.

Việc phẫu thuật căng da mặt, cắt bỏ da thừa do bị sưng phù có thể giúp làm trẻ lại gương mặt của chị Phượng? Bác sĩ Minh khẳng định việc này không cần thiết vì đây là bệnh có thể chữa bằng phương pháp nội khoa. Nếu có áp dụng thì áp dụng ở những vùng da nhăn dưới chân, tay. Còn với mặt của chị Phượng thì không cần thiết vì bệnh lý vẫn còn đỏ, sưng khi khều.

Qua khám lâm sàng, bác sĩ Minh khẳng định hơn 90% chị Phượng bị bệnh tế bào vón. Tuy nhiên ông còn băn khoăn chưa biết ngoài bệnh này chị Phượng còn bị kèm thêm bệnh gì khác nữa không. Vì vậy để có chẩn đoán xác định, chị Phượng cần phải làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu và sinh thiết da tìm kiếm thêm bệnh khác có thể đi kèm để xử lý điều trị tốt hơn.

“Tôi chỉ mong khỏi bệnh, sống bình thường”

Chiều 4/10, hàng trăm người dân hiếu kỳ đã tập trung trước ngôi nhà lá của chị Nguyễn Thị Phượng ở thị trấn Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre để nhìn rõ hơn khuôn mặt chị.

Chị Cẩm Hồng, hàng xóm của chị Phượng, cho biết dân ở đây nghèo, bình thường bỏ ra 3.000 đồng mua báo đã xót, nhưng hôm nay ai cũng tranh nhau mua báo đọc. Chị Hồng kể hồi trước chị Phượng đẹp nhất nhì thị trấn. Nhưng nhiều người thấy chị Phượng khác trước quá còn nghi ngờ không phải là Phượng. “Tụi tui là hàng xóm của nó mấy chục năm, giờ ai tới nó cũng gọi tên rành mạch từng người thì sao nó là Phượng giả được” - chị Hồng nói tiếp.

Mẹ mất từ khi Phượng mới 6 tuổi, ba lập gia đình riêng, Phượng ở với bà ngoại từ nhỏ trong ngôi nhà mướn ở thị trấn Giồng Trôm. Hai bà cháu làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Cách đây ba tháng bà ngoại mất, Phượng từ Bình Phước về đưa tang bà, chị khóc ngất để rơi khẩu trang nên nhiều người mới biết bệnh tình của chị. “Chứ trước đó nó về thăm ngoại suốt nhưng toàn bịt khẩu trang nên không ai biết. Ba tháng trở lại đây tui thấy mặt Phượng có thêm nhiều nếp nhăn và có vẻ già thêm”- chị Hồng cho biết.

Chiều 4/10, một số cán bộ của Công an huyện Giồng Trôm cũng đã đến nhà chị Phượng, yêu cầu chị làm bản tường trình về tình trạng sức khỏe của mình. Trung tá Đinh Xuân Thắng - phó đội phụ trách công an xã, Công an Giồng Trôm - cho biết công an huyện muốn nắm rõ tình hình nhằm trấn an, dẹp bỏ những thông tin sai lệch hoặc những tin đồn nhảm nhí, mê tín nếu có. Vì hiện tại lượng người hiếu kỳ tập trung quanh nhà chị Phượng khá đông khi hay tin chị trở về và báo chí đăng suốt mấy ngày qua.

Hay tin có bác sĩ từ TP HCM xuống thăm khám, vợ chồng chị Phượng rất mừng. Chị Phượng nói: “Tôi rất vui vì không ngờ mình nghèo khổ vầy mà lại được mọi người quan tâm nhiều vậy. Nhưng thú thực lúc này tinh thần tôi không được ổn định. Đông người tới nhà dòm ngó quá cứ như mình là người ngoài hành tinh làm tôi thấy hơi mặc cảm. Giờ tôi chỉ cầu mong sao chữa khỏi bệnh để sống cuộc đời bình thường như tất cả mọi người”.

Theo Tuổi trẻ