Trang

Mì Gấu Yêu quảng cáo có đúng sự thật?

nld.com.vn

Thứ Sáu, 25/05/2012 21:54

Có hay chăng mì Gấu Yêu công bố không sử dụng chất bảo quản nhưng lại sử dụng các chất phụ gia thực phẩm có công dụng tương tự để thay thế(?!)

Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu vừa tung ra sản phẩm mới: Mì Gấu Yêu. Sản phẩm này được quảng cáo là dành cho trẻ em với tiêu chí 3 không: Không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng phẩm màu và không sử dụng chất điều vị (tạo ngọt). Vậy sự thật của mì “3 không” này có đúng như những gì đã công bố?
Trên bao bì sản phẩm mì Gấu Yêu có 2 thành phần muối phosphate là 451i và 452i. Theo danh  mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong chế biến thì 451i có tên khoa học là pentasodium triphosphate, có chức năng bảo quản và ổn định. Còn muối phosphate 452i có tên khoa học là sodium polyphosphate.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, công nghệ sinh học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, 451i thường được sử dụng để bảo quản hải sản, thịt, gia cầm, thức ăn chăn nuôi… còn chất 452i thường được sử dụng thay thế hàn the trong chế biến thực phẩm. Theo Quyết định số 3742 của Bộ Y tế, 451i và 452i là 2 phụ gia thực phẩm cũng có chức năng bảo quản, ổn định trong chế biến thực phẩm.
Vậy có hay chăng mì Gấu Yêu công bố không sử dụng chất bảo quản nhưng lại sử dụng các chất phụ gia thực phẩm có công dụng tương tự để thay thế ?
Hơn thế nữa, mì Gấu Yêu công bố là không sử dụng chất điều vị. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Khoa học Công nghệ sắc ký Hải Đăng phân tích mẫu gia vị của gói mì này thì tổng hàm lượng 2 chất disodium inosinate và disodium guanylate lên đến 8,38g/kg và hàm lượng bột ngọt (monosodium glutamate) là 0,49%.
Theo Quyết định số 3742 của Bộ Y tế, 2 chất disodium guanylate (627) và disodium inosinate (631) không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng. Nhưng trong danh mục phụ gia thực phẩm của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (CODEX) thì 2 chất này được liệt kê trong nhóm chất điều vị.
Theo tài liệu Sinh hóa ứng dụng của PGS-TS Đồng Thị Thanh Thu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), 2 chất điều vị disodium guanylate và disodium inosinate cùng với bột ngọt sẽ tạo ra một chất có vị ngọt gấp nhiều lần so với bột ngọt thông thường hay còn gọi là siêu bột ngọt.
Trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm thì 2 chất điều vị 627 và 631 rất thông dụng vì có độ ngọt cao hơn nhiều lần so với bột ngọt, được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm như nước tương, gia vị, nước chấm, mì ăn liền...
Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), cho biết: “Hai chất điều vị 627 và 631 là siêu bột ngọt. Nếu đã ghi trong thành phần của sản phẩm là không sử dụng chất điều vị mà có chứa siêu bột ngọt là đã đánh lừa người tiêu dùng”!
Không những thế, trên tờ rơi của sản phẩm mì Gấu Yêu, Công ty Á Châu đã đánh đồng chất điều vị (tạo ngọt) với bột ngọt. Trong khi đó, theo Quyết định số 3742 của Bộ Y tế, chất điều vị là một nhóm chất phụ gia thực phẩm không chỉ có bột ngọt (monosodium glutamate) mà còn có rất nhiều chất khác có chức năng điều vị được sử dụng phổ biến trong thực phẩm.
THANH TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét