Trang

Bộ NN-PTNT yêu cầu tăng cường kiểm soát giá đỗ, rau mầm


Dòng sự kiện


Một người chết vì bị “amip ăn não” tấn công

vov.vn
Một bệnh nhân tử vong rất nhanh sau khi vào viện. Nguyên nhân bước đầu  được cho là do một loại ký sinh trùng tấn công, tàn phá não người có tên Naegleria Fowleri.
Nam bệnh nhân 25 tuổi, quê Phú Yên, sinh sống tại TP HCM, có biểu hiện đau mũi, chảy nước mũi, đau đầu, sốt cao, vào khám ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM.
Chẩn đoán bước đầu, bác sĩ nghĩ đến bệnh viêm màng não, nhưng chưa rõ nguyên nhân. Qua xét nghiệm dịch não tủy, thì thấy có sự hiện diện của amip (một loại ký sinh trùng), nhưng không rõ loại.
Các bác sĩ quyết định đưa bệnh nhân về bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị. Nhưng, khi qua bệnh viện Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân diễn tiến nặng nhanh chóng với các triệu chứng: Sốt cao, cứng gáy, lơ mơ, suy hô hấp..., và tử vong rất nhanh chỉ hơn 1 ngày sau khi được chuyển viện.
Trước đó, bệnh nhân cho biết vào giữa tháng 7, anh này đã cùng bạn bè lặn bắt trai ở một cái bàu (một dạng ao, hồ rộng lớn) gần nhà ở Phú Yên khi về quê.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ tiếp tục cho làm xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) về ca bệnh nói trên
Kết quả xét nghiệm, đọc hình thể học ban đầu, cộng với những biểu hiện trên lâm sàng của bệnh nhân, bước đầu cho thấy, hơn 90% nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong là do amip có tên Naegleria Flowleri - loại amip có thể xâm nhập lên não người gây viêm não, mà giới chuyên môn có người gọi là “amip ăn não người”.
Thạc sĩ – Bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn - Trưởng khoa Xét nghiệm bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết: “Hiện còn chờ thêm kết quả xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) để khẳng định chắc chắn đó là amip Naegleria Fowleri”.
Theo Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới: "Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm amip Naegleria Fowleri nói trên là ca bệnh đầu tiên bệnh viện Bệnh nhiệt đới gặp; và có thể đây cũng là ca đầu tiên xảy ra trong nước”.
Bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn cho biết thêm, trước đây, tại một labo xét nghiệm ở TP HCM cũng đã từng nghe nói phát hiện con amip nói trên.
Không quá lo lắng
Mặc dù rất nguy hiểm, dễ bị tử vong khi amip Naegleria Fowleri tấn công lên não, tuy nhiên, theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, “dạng bệnh do amip nói trên rất hiếm gặp trên thế giới”. Tương tự, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố (nguyên là chuyên gia về ký sinh trùng, bệnh viện Bệnh nhiệt đới) cũng cho biết: “Lâu nay, amip Naegleria Fowleri cũng gây bệnh ở các nước trên thế giới, nhưng chỉ xảy ra rải rác, không phát triển thành dịch. Nhưng, tỷ lệ tử vong do amip Naegleria Fowleri rất cao - hơn 90%, bệnh diễn tiến nặng rất nhanh khi bị amip này tấn công não”.
Chuyên gia bệnh nhiễm - BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1, TP HCM) - nơi điều trị cho các bệnh nhi viêm não cho biết, không chỉ amip Naegleria Fowleri mới tấn công lên não bộ con người, mà cả loại amip kinh điển (amip gây bệnh đường ruột lâu nay) cũng có thể đến và gây bệnh ở não.
“Tuy nhiên, ngay cả với amip kinh điển cũng rất hiếm gặp trường hợp tấn công gây viêm não, viêm màng não. Riêng với amip Naegleria Fowleri thì càng hiếm hơn nữa, loại amip này đã được thế giới nói đến từ lâu, nhưng nó rất hiếm, lẻ tẻ, chưa khi nào xảy ra tập trung cả”, BS Khanh nói.
Ngoài ra, theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, amip này có thể sống lâu dưới dạng bào nang ở môi trường nước ngọt ao, hồ, nhưng chúng rất dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ.
Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, amip Naegleria Fowleri thường sống trong môi trường nước ngọt ở ao, hồ tù đọng. Những người thợ lặn, làm ruộng nếu hít phải nước có chứa amip Naegleria Fowleri (nhất là bơi lội bị sặc nước càng dễ bị nhiễm hơn), thì amip sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, theo các niêm mạc mũi, vào mạch máu, rồi lên não và gây bệnh. Naegleria Fowleri tấn công (ăn) các nơ-ron của tế bào thần kinh não bộ gây viêm não, người bệnh sẽ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau và cứng gáy, rối loạn tri giác, đi vào nguy kịch. 
Phòng ngừa nhiễm amip, ký sinh trùng
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa các loại bào nang amip xâm nhập cơ thể cần đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, ăn chín uống sôi; rửa tay trước khi ăn, vì bào nang amip thường hiện diện ở móng tay; tránh để ruồi bâu thức ăn vì chúng mang theo mầm bệnh... Còn để hạn chế bị nhiễm các ký sinh trùng nói chung, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cần hạn chế dùng các món tái (chưa chín) từ sản phẩm động vật, các loại hải sản; hạn chế tiếp xúc các con vật (chó, mèo)...
Các loại amip khác
Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, thường gặp nhất, được nói đến nhiều nhất là loại amip gây bệnh đường ruột; ngoài ra còn có trường hợp amip gây bệnh tại đường ruột, rồi từ đây phát triển xâm nhập lên gan làm áp xe gan, phá cơ hoành chui qua làm áp xe phổi (trường hợp này cũng gặp tương đối nhiều); amip ký sinh ở nha chu gây bệnh răng miệng (thường là gây bệnh lên cao răng), có khi làm viêm họng, viêm a mi đan, hiếm khi vào máu; rồi amip ký sinh ở đường mũi...
Ngoài ra, theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM), còn có những trường hợp ký sinh trùng (giun, sán) lạc chỗ - thay vì thông thường, ký sinh trùng từ môi trường bên ngoài vào đường ruột rồi đi ra, thì chúng lại đi lạc chỗ là từ đường ruột tấn công lên não gây viêm não, viêm màng não. Với trường hợp não, màng não do amip lạc chỗ, mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng hơn 10 bệnh nhi, với những triệu chứng: sốt, nhức đầu, nôn ói, hôn mê.../.

Mang áo mưa cho mẹ, một học sinh bị sét đánh chết

Thứ Ba, 28/08/2012 - 09:48
Gia Lai:
Mang áo mưa cho mẹ, một học sinh bị sét đánh chết

(Dân trí) - Trong lúc mang áo mưa cho mẹ đang cạo mủ cao su, Thảo không may bị sét đánh tử vong.
Khoảng 13 giờ ngày 27/8, chị Nguyễn Thị Nữ - công nhân đội 9, Công ty 72 (Binh đoàn 15- Bộ Quốc phòng, đóng chân tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang cạo mủ cao su thì trời đổ mưa lớn. Em Nguyễn Thị Thảo (14 tuổi, đang là học sinh lớp 8, con gái chị Nữ) thấy trời mưa vội mang áo mưa ra cho mẹ.
Khi Thảo đang đi trong vườn cao su, đến gần địa điểm mẹ đang cạo mủ cao su thì bất ngờ bị sét đánh tử vong tại chỗ.
Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 3 người bị sét đánh chết, 20 người bị thương.
Thiên Thư

“Bỗng dưng” nhiễm dioxin: Cả phường hoang mang mong được xét nghiệm

Thứ Ba, 28/08/2012 - 12:16

(Dân trí) - Thông tin 62 người bị nhiễm dioxin cao khiến người dân sống gần khu vực sân bay Đà Nẵng hết sức hoang mang. Những người chưa được xét nghiệm máu rất muốn đi xét nghiệm và lo lắng cho tương lai con cháu.
Những ngày này, người dân tổ 53, 54 (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) xôn xao với một chủ đề duy nhất: 62 người dân “bỗng dưng” nhiễm dioxin.
Theo ông Tạ Bảy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Chính Gián, năm 2006, ông là người trực tiếp dẫn đoàn khảo sát xuống các hộ dân. Đối tượng khảo sát là những hộ dân dùng nước giếng. Rất nhiều nhà có nước giếng đào, tuy nhiên, do lúc đó kinh phí hạn chế nên chỉ 28 người được bốc thăm ngẫu nhiên để xét nghiệm máu. Không giờ cả 28 trường hợp đều nhiễm dioxin cao, trong đó 1 người đã mất.
Người dân sống gần khu vực sân bay rất hoang mang với kết quả cả 62 người đều bị nhiễm dioxin
Người dân sống gần khu vực sân bay rất hoang mang với kết quả cả 62 người đều bị nhiễm dioxin
“Trước đây, khi chưa có hệ thống thoát nước ngầm, mỗi lần trời mưa là nước trong phi trường tràn ra đường đi vào từng ngõ ngách các khu dân cư lân cận, tràn xuống bàu ở đường Thái Thị Bôi. Người dân ở đây lại uống nước giếng đào, đánh bắt cá, trồng rau muống để ăn”, ông Bảy cho biết.
Phường Chính Gián có 26 người bị nhiễm dioxin thì dòng họ Võ có đến 18 người nằm trong 5 hộ gia đình, trong đó có những hộ có 4 - 5 người bị nhiễm dioxin.
Gia đình ông Võ Thâu vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhận kết quả cả 5 người trong gia đình gồm 2 vợ chồng ông, 2 người con trai và 1 người con dâu đều bị nhiễm dioxin. Gia đình bà Võ Thị Bằng 4 người xét nghiệm máu thì cả 4 đều bị nhiễm dioxin. Nhà ông Võ Được hai vợ chồng xét nghiệm thì cả hai cũng đều bị nhiễm.
“Trước đây chúng tôi sống bằng nghề trồng lúa, uống nước giếng đào, bắt cá đồng, trồng rau muống ăn, hoàn toàn không biết nước từ trong sân bay chảy ra. Mãi đến năm 2001, chúng tôi mới sử dụng nước máy”, ông Thâu nhớ lại.
Ông Võ Thâu bàng hoàng khi nhận kết quả cả 5 người trong gia đình ông bị nhiễm dioxin
Ông Võ Thâu bàng hoàng khi nhận kết quả cả 5 người trong gia đình ông bị nhiễm dioxin
Không chỉ những người có kết quả nhiễm dioxin hoang mang mà cả những người chưa được xét nghiệm cũng hết sức lo lắng. Không ai dám tự tin khẳng định rằng mình không bị nhiễm chất độc hại này. Phần lớn các hộ dân sống ở đây, trong gia đình đều có người bị bệnh ung thư hoặc các bệnh khó chữa.
“Từ hôm biết kết quả 62 người nhiễm dioxin, mọi người sống ở đây ai cũng sợ. Chúng tôi sống ở đây, ăn cá đồng, uống nước giếng đào, đến khi dân cư đông đúc thì lấp giếng đào đóng giếng khoan sao không nhiễm cho được? Gia đình anh trai tôi là ông Võ Thâu, cả 5 người đều bị, trước đây mấy anh em sống cùng một nhà, anh trai bị thì chắc tôi cũng bị rồi”, cô Võ Thị Liên (phường Chính Gián) - người chưa được xét nghiệm - cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm (phường Chính Gián) cũng hết sức lo lắng: “Tôi sống ở đây từ năm 1962, lúc đó toàn bộ người dân sống ở đây đều uống nước giếng đào. Vì thế, tôi nghĩ toàn bộ người dân ở đây đều bị nhiễm dioxin. Tôi mong muốn tất cả người dân sống ở đây đã từng dùng được giếng được xét nghiệm máu chứ chúng tôi rất lo lắng. Rồi con cháu của chúng tôi liệu có bị ảnh hưởng bởi chất độc này không?”.
Người dân hoang mang vì bao năm nay vẫn ăn cá sông, uống nước giếng đào,...
Người dân hoang mang vì bao năm nay vẫn ăn cá sông, uống nước giếng đào,...
Còn theo ông Võ Được: “Một số bà con xung quanh, trong dòng họ đã bị bệnh mà chết. Chúng tôi chưa hình dung được mức độ nhiễm dioxin ở đây là bao nhiêu, nó ảnh hưởng đến mức độ nào. Chúng tôi dẫu sao cũng đã lớn tuổi rồi, giờ chỉ mong muốn Nhà nước có chính sách xét nghiệm cho những đứa trẻ, nếu chúng bị nhiễm thì tìm cách tẩy độc cho chúng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đăng Quảng, Phó Chủ tịch phường Chính Gián (quận Thanh Khê) cho biết: Sau khi nhận kết quả, người dân rất hoang mang, lo lắng. UBND phường đã tuyền truyền người dân không nên vào khu vực sân bay nhiễm dioxin để bắt cá, trồng cây, bẫy chim. Người dân rất mong muốn được xét nghiệm xem mình có bị nhiễm dioxin hay không. Vì thế chính quyền địa phương đã liên hệ với các cơ quan chức năng đề nghị cho người dân được xét nghiệm.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng, ngày 5/9 tới, 24 người đầu tiên sẽ được ra Bệnh viện 103 (Hà Nội) để tẩy độc.
TS.BS Nguyễn Bá Vượng (Bệnh viện 103), người trực tiếp điều trị cho những người bị nhiễm dioxin, cho biết, những người này sẽ được điều trị bằng phương pháp tẩy độc có tên là Hubbard với thời gian điều trị khoảng 25 ngày. Theo kế hoạch điều trị, bệnh nhân sẽ được uống vitamin từ sáng sớm rồi vận động với cường độ mạnh cho tiết mồ hôi, sau đó sẽ được xông hơi để nhằm đào thải các chất độc ra ngoài cơ thể.
Khánh Hồng

Hoa "3.000 năm mới nở" thực chất là một loại nấm?

Thứ Ba, 14/08/2012 - 15:54

(Dân trí) - Liên tục trong thời gian qua, báo chí thông tin nhiều về loài hoa truyền thuyết 3.000 năm mới nở một lần với tên gọi hoa Ưu Đàm, xuất hiện tại nhiều nơi như Hải Phòng, Phú Yên, Quảng Nam…Tuy nhiên, theo các nhà khoa học đây chỉ là một loại nấm.
Những ngày qua, nhiều người dân và bà con phật tử nườm nượp đổ về chùa Phù Ninh (Thủy Nguyên - Hải Phòng) để chiêm bái hoa Ưu Đàm mọc trên một nhánh lan. Đây cũng là lần thứ 3 loài hoa "3.000 năm mới nở" xuất hiện tại chùa Phù Ninh. Tại Đà Nẵng, một người dân cũng tình cờ phát hiện khoảng 20 bông hoa nhỏ mọc thành một chùm trên... xe máy, được nhận định là hoa Ưu Đàm.
 
Hoa Ưu Đàm vừa được phát hiện ở TT-Huế (Ảnh: Đại Dương)
 
Hoa Ưu Đàm vừa được phát hiện ở TT-Huế (Ảnh: Đại Dương)
Hoa "Ưu Đàm" vừa được phát hiện ở TT-Huế (Ảnh: Đại Dương)
Trong thời gian qua, thông tin và hình ảnh về hoa Ưu Đàm cũng liên tục xuất hiện ở nhiều gia đình tại Quảng Nam, Thái Nguyên, Nam Định, TPHCM, Phú Yên… Điểm mọc hoa thường là trên kim loại như song sắt cửa sổ, cổng sắt, hàng rào B40, tượng đồng,... Những bông hoa này thường mọc thành dãy với chiều cao tính từ gốc đến đỉnh bông hoa khoảng gần 10cm, thân hoa rất mảnh, như sợi tơ. Bông hoa có màu trắng tinh khiết, hình quả chuông nhỏ li ti.
Nhiều người dân ở các địa phương khẳng định đây là loài hoa mà truyền thuyết của nhà Phật là 3.000 năm mới nở một lần, báo hiệu điềm lành. Theo kinh văn nhà Phật, hoa Ưu Đàm tượng trưng cho những gì hiếm có khác thường. Tuy nhiên, theo thầy Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm (Biên Hòa - Đồng Nai), đối với nhà Phật, chu kỳ nở của hoa Ưu Đàm là 3.000 năm/lần, mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nghĩa thực của nó. Còn trên website en.wikipedia.org ghi rõ: Udumbara (cây Ưu Đàm), tên khoa học là Ficus racemosa (syn. Ficus glomerata Roxb.), thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), thường được gọi là cây Cluster Fig hay cây Goolar (Gular) Fig, Việt Nam gọi là cây sung/cây vả, có nguồn gốc từ Úc, Đông Nam Á, và Ấn Độ.  
Hoa Ưu Đàm tại Hải Phòng
Hoa Ưu Đàm tại Hải Phòng
Nhìn nhận vấn đề theo góc độ khoa học, GS.TSKH Trịnh Tam Kiệt, phòng Công nghệ và giống gốc nấm, Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận định, thực chất loài hoa mà người ta gọi tên là hoa Ưu Đàm là sinh vật bậc thấp chưa có cấu trúc mô, có thể gọi tên đúng là nấm nhầy bởi cơ thể là một khối nhầy. Khi  gặp điều kiện thích hợp, môi trường thuận lợi, khối nhầy sẽ tạo ra các thể sinh sản mang bào tử, phát triển.
GS Kiệt cho biết, qua quan sát trên kính hiển vi có độ phóng đại 400 lần với mẫu hoa Ưu Đàm mà ông có được thì đây là một thể nhầy trong suốt vắt ngang chiếc lá. Thân của thể nhầy này mới phát triển, chưa có hoa và cũng trong suốt như pha lê… Theo GS Kiệt, sở dĩ loài hoa nấm được thần thánh hóa vì sự xuất hiện của chúng trong điều kiện khá đặc biệt như trên các bức tượng Phật bằng đồng, đá hoặc trên các thanh thép, lá cây…
PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng khẳng định, hoa Ưu Đàm đơn thuần chỉ là một loại nấm. Tuy nhiên, GS Chính cho rằng, chưa đủ cơ sở khẳng định hoa Ưu Đàm sinh ra từ nấm nhầy, bởi nấm nhầy không dễ xuất hiện cả trên đồng, sắt và trên lá cây. Đây có thể là nấm mốc, bởi với nấm mốc cũng có thể xuất hiện cả trong tủ lạnh.
 Nhiều người dân và phật tử đổ xô lên chùa Phù Ninh xem hoa Ưu Đàm nở.
Nhiều người dân và phật tử đổ xô lên chùa Phù Ninh xem hoa Ưu Đàm nở.
Một số nhà khoa học khác lại cho rằng những bông hoa mọc trên cửa kính nhiều khả năng là quả thể nở ra của một loại nấm kim. Các bào tử nấm theo gió bay đi khắp nơi, bám vào cửa sắt, cửa kính, chuông chùa… gặp điều kiện độ ẩm không khí cao đã nẩy mầm và phát triển rất nhanh. Những cây nấm này sống được là nhờ hấp thụ chất khoáng trong không khí.
Còn TSKH Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học, sau khi quan sát những bông hoa đặc biệt này qua ảnh lại đưa ra  nhận xét chúng hơi giống trứng của một loài côn trùng cánh lưới - crysôpa (còn gọi là chuồn chuồn cỏ), một loài côn trùng ăn thịt các loài côn trùng khác. Để xác định có đúng là trứng của côn trùng hay không chỉ cần đốt nó bằng ánh sáng ánh mặt trời tụ qua kính lúp. Nếu là trứng côn trùng khi cháy sẽ có mùi khét như vỏ trứng cháy.
Phạm Thanh

Bình Định: Bắt được bọ xít nghi hút máu người

Thứ Hai, 27/08/2012 - 22:27
Bình Định:
Bắt được bọ xít nghi hút máu người
(Dân trí)- Con bọ xít nghi là giống loại bọ hút máu người được phát hiện tại một số tỉnh thành ở Việt Nam lại vừa được phát hiện tại Bình Định tối 26/8 vừa qua.
Cụ thể con bọ xít được phát hiện tại gia đình chị Trần Kim Cúc, ở tổ 42, khu vực 8, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định.
 
Quan sát ban đầu, con bọ xít này có 6 chân, vòi chích dài, cứng và nhọn, sau lớp cánh mỏng trên lưng có những vạch ngang màu vàng nâu, phần bụng dẹt và to giống như những con bọ xít hút máu người từng bắt được tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Chị Cúc, người phát hiện và bắt được con bọ xít này cho biết: “Cách đây 2 năm gia đình chị cũng phát hiện bắt được một con bọ xít giống như con bọ xít này”.
Sau khi phát hiện con bọ xít này gia đình chị Cúc đã báo cho các ngành chức năng biết xử lý. Đến trưa ngày 27/8, con bọ xít này được đưa đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và Côn trùng Quy Nhơn để phục vụ công tác nghiên cứu, phân loại.
Bắt được bọ xít nghi hút máu người
Con bọ xít bắt được tại nhà chị Cúc được cho là loại bọ xít hút máu người - Ảnh: Báo Thanh Niên
TS. Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Quy Nhơn, cho biết: “Viện đã tiếp nhận nhiều loại bọ xít hút máu người ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên gửi về. Tuy nhiên, để khẳng định xem đây có phải là loại gây mầm bệnh hay không, cần phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, nghiên cứu”.
Được biết, loại bọ xít hút máu người đã xuất hiện ở một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng...nên các nhà nghiên cứu khuyến cáo, nếu bị bọ xít hút máu, người dân nên rửa sạch vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ bị đốt để tránh gây xước và viêm nhiễm. Đồng thời, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng, chống viêm nhiễm tại chỗ.
D. Công

Cá cắn người phải nhập viện

Thứ Bảy, 11/08/2012, 06:45 (GMT+7)

TT - Ngày 10-8, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng - phó khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) - xác nhận đã tiếp nhận điều trị cho ba trẻ bị cá tấn công trong thời gian gần đây.
Hiện đã có một trường hợp xuất viện, hai trường hợp còn lại vẫn còn đang điều trị là em Nguyễn Hữu Thiện (7 tuổi, ấp 3, xã Tân Kiều) và Nguyễn Hoàn Hảo (4 tuổi, ấp 2, xã Tân Kiều).
Người dân xã Tân Kiều đi xuồng kéo lưới hi vọng bắt cá dữ nhưng không có kết quả - Ảnh: Ngọc Tài

Xem video
Theo bác sĩ Hoàng, cả Thiện và Hảo đều bị cá cắn gây thương tích nặng ở dương vật. Trong đó, em Hảo bị cá cắn tét da, đứt khoảng nửa thân dương vật.
Còn Thiện bị cắn đứt gần lìa, chỉ còn dính miếng da nhỏ. Bác sĩ phải phẫu thuật, khâu lại. Hiện vết thương chưa lành hẳn nên chưa thể xuất viện. Điều đáng mừng là vết thương không có dấu hiệu nhiễm độc tố nên không đáng lo.
Ông Nguyễn Hữu Tình, cha em Thiện, kể chiều 5-8 Thiện cùng sáu trẻ khác trong xóm xuống sông Kênh Giữa tắm (con sông này rộng chừng 4-5m). Tắm được khoảng 30 phút thì mọi người nghe Thiện khóc thét lên và dùng tay phủi một con vật đang bám vào dương vật.
Những người lớn thấy vậy nhảy xuống sông bế Thiện lên bờ thì thấy dương vật của em bị đa vết thương, máu chảy khá nhiều nên đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ngày 9-8, em Hảo và chị gái xuống sông này tắm và Hảo cũng bị cá cắn phải nhập viện giống như Thiện.
Chiều 10-8, một chuyên gia ở Trung tâm quốc gia thủy sản nước ngọt Nam bộ cho biết thông tin cá tấn công người ở huyện Tháp Mười làm ông bất ngờ.
Cá nước ngọt ở ĐBSCL vốn rất hiền, không nguy hiểm đối với người. Ngay cả các loài cá có tính hung dữ như cá lóc bông cũng chỉ ăn động vật có kích cỡ nhỏ (như cá con), chứ không cắn người. 
“Chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp cảnh báo người dân không tắm ở đoạn sông này để đề phòng bị cá tấn công, đồng thời sẽ tiến hành các biện pháp truy bắt, xác định đó là cá gì” - vị này nói.
NGỌC TÀI - V.TR.

Ý kiến (9)

Cha mẹ nên trông con cẩn thận hơn
15/08/2012 14:16:00
Qua sự kiện này thiết nghĩ quý phụ huynh nên trông con cẩn thận hơn. Không để trẻ con bơi lội trên sông rạch như thế được. Vi có rất nhiều nguy cơ tai nạn khác chứ không riêng vì chuyện này.
Lê Chấn Tuyết
Có phải cá chim?
12/08/2012 19:47:22
Theo tôi chắc chắn cá cắn người đây chính là cá chim - một loài cá nước ngọt được nhập vào Việt Nam (là loại cá dữ cùng họ với pirana-cá ăn thịt châu Mỹ).
LÊ ĐỨC NGỌC
99% là cá chim
12/08/2012 18:27:42
99% là cá chim, chuyện này là bình thường mà vậy mà chuyên gia ở Trung tâm quốc gia thủy sản nước ngọt Nam bộ lại thấy bất ngờ!
Quốc Hùng
Theo tôi là cá lóc cắn!
11/08/2012 19:59:28
Hồi còn nhỏ tụi tôi cũng thường hay tắm sông và cũng bị cá cắn chảy máu. Ban đầu cũng sợ lắm, nhưng sau mới biết chỉ là cá lóc cắn thôi.
Dương Tiễn
Cá dữ (Cá chim trắng)
11/08/2012 19:17:59
Theo tôi đó là loài cá chim trắng. Cá chim trắng tại Việt Nam có xuất xứ trực tiếp từ Quảng Đông, Trung Quốc; cá chim trắng được nhập vào Việt Nam năm 1998. Ban đầu chúng ta chỉ nhập cá con, sau vài năm, VN mình đã cho sinh sản nhân tạo. Vì loài cá này có hình dáng hao hao giống cá chim ở biển (tên khoa học là Colossoma brachypomum, họ cá... chép !), nên người Trung Quốc gọi nó là "cá chim trắng nước ngọt". Cá chim trắng hay sống thành đàn, là loài cá ăn tạp, phổ thức ăn rất rộng. Nó là loại cá có hàm răng vều ra, cứng khoẻ là loài cá dữ.
DICHVU
Không lẽ ở VN có cá Pirana?
11/08/2012 17:02:14
Trên thế giới có loài cá Pirana hung dữ bên Nam Mỹ, hay tấn công động vật và cả con người. Không lẽ ở VN có loài cá tương tự?
VQN
Cá chim trắng
11/08/2012 17:01:04
Tôi đồng ý với VO QUOC THINH, ở một số nơi nuôi cá bằng bè, khi vỡ bè, cá đi loạn xạ, với loài cá chim này, tốc độ lớn rất nhanh, khả năng phát triển của răng cá mạnh, càng ngày càng bén, nên các em nhỏ tốt nhất không nên tắm sông!
NGUYEN HUU TAI
Cá nhầm lẫn?
11/08/2012 15:41:41
Theo tôi cá cắn người do nhằm lẫn dương vật của em nhỏ giống như vật nhỏ động đậy thôi, chắc tắm không mặc quần. Mình ờ Đồng Tháp, hồi nhỏ tắm sông bị cá nóc cắn ngón chân hoài, một lỗ tròn to giống như răng cá chảy máu rất nhiều và đau lắm.
nguyen thanh
Cá dữ
11/08/2012 10:37:11
Theo tôi nghĩ chỉ có cá CHIM (THÁI HỔ) là thủ phạm mà thôi vì loài này răng chúng như lưỡi cưa rất sắt bén và hung dữ. Tôi đi câu ở sông Sài Gòn đôi khi cũng bắt được vài con, khi kéo lên bờ nó cắn vào lưỡi câu hoặc bất cứ vật gì đưa vào miệng nghe rào rạo...Nhìn 2 hàm răng nó thấy ớn.
VO QUOC THINH

Nho Mỹ... giá chỉ 4.000 đồng/kg!

http://dantri.com.vn - Thứ Hai, 27/08/2012 - 19:27

Hiện nay, trên tuyến đường Quang Trung - Cảng Cái Cui (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) và một số tuyến đường nội ô TP. Cần Thơ, nhiều điểm bán trái cây giá rẻ bất ngờ.
Một số điểm treo bảng nho Mỹ giá 35.000 - 20.000 đồng/kg . Nhiều tụ điểm khác thì bán các trái cây như lựu, thanh long... giá rẻ. Một số quầy trái cây ở chợ đồng loạt hạ giá nho rẻ bất ngờ.
 
Trước đó, Lực lượng quản lý thị trường TP. Cần Thơ kết hợp cùng tổ kiểm tra liên ngành đã kiểm tra các lô, sạp bán nho Mỹ giá rẻ trên địa bàn quận Cái Răng. Các chủ hàng xuất trình hóa  đơn bán hàng  từ chợ đầu mối phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TPHCM  với giá chỉ 4.000đồng/kg. Theo chủ lô, sạp, buổi sáng người ta giao hàng bằng xe tải. Đến tối, họ gom lượng hàng về để “bảo quản” mai bán tiếp.

 
Đoàn kiểm tra xác nhận, loại nho trên xuất xứ từ Trung Quốc. Một công ty tại TP. Lào Cai nhập về Việt Nam phân phối cho các tỉnh. Thực tế, giá nho Mỹ nhập chính ngạch tại các chợ có giá đến 100.000 đồng/kg. Lực lượng kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu để giám định. Trong khi các cơ quan chức năng chưa có kết luận, các lô, sạp tiếp tục bán nho Trung Quốc dưới mác nho Mỹ!
 
Theo Văn Bảy
Công an TP.HCM

Úc quy định bao thuốc lá không in nhãn hiệu

Thứ Năm, 16/08/2012, 01:07 (GMT+7)

TT -  Tòa án tối cao Úc vừa tuyên bố ủng hộ luật chống tiếp thị thuốc lá mới của chính phủ nước này hôm 15-8, bác đơn kiện của các tập đoàn thuốc lá toàn cầu.
Như vậy, tất cả các sản phẩm thuốc lá ở Úc phải được bán trong các bao bì màu xanh ôliu trơn, không có nhãn hiệu trên bao bì bắt đầu từ ngày 1-12-2012. Ngoài ra, các bao bì trơn này sẽ có những hình ảnh cảnh báo tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe.
Gói thuốc lá ở Úc sẽ có hình ảnh khủng khiếp cảnh báo tác hại với sức khỏe con người do khói thuốc - Ảnh: Reuters
Luật mới của Úc phù hợp với gợi ý của Tổ chức Y tế thế giới và đang được dư luận Anh, Na Uy, New Zealand, Canada và Ấn Độ quan tâm. Những nước này cũng đang xem xét biện pháp tương tự nhằm chống lại thuốc lá. Mỗi năm, khoảng 15.000 người Úc chết vì các bệnh liên quan tới thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới cho biết hơn 1 tỉ người thường xuyên hút thuốc, trong đó 80% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
H.N. (Theo Reuters)

Người đàn ông 38 năm không tắm

tienphong.vn - 11:36 | 14/08/2012

Ông Kailash Singh (66 tuổi) ở Ấn Độ được biết đến là người đàn ông hôi nhất thế giới vì trong suốt 38 năm qua ông Kailash Singh chưa một lần tắm rửa.
Ông Kailash Singh
Ông Kailash Singh.
Đối với người bình thường, ai cũng sẽ cảm thấy khó chịu nếu không tắm rửa trong vòng vài ngày, nhưng với ông Kailash Singh thì đó lại là một niềm hạnh phúc. Điều gì đã làm cho một người có thể từ bỏ được thói quen hàng ngày đó mà vẫn sống bình thường.
Kailash cho biết, ông quyết định không tắm rửa bắt đầu từ năm 1974 khi ông chưa có vợ, một thời gian ngắn sau đó ông bắt đầu kết hôn với bà Kalavati Devi và hi vọng sẽ sinh được một cậu con trai.
Ông Kailash giải thích, có một vị mục sư đã cam đoan rằng ông có thể sinh được một cậu quý tử nếu như làm theo những gì vị mục sư nói, theo đó ông không được tắm rửa hay cắt tóc một lần nào cho đến khi có con trai mới thôi.
Cho đến bây giờ, đã 38 năm trôi qua, ông Kailash Singh vẫn chưa một lần tắm rửa, Kailash còn được mệnh danh là người hôi nhất thế giới. Mái tóc của ông dài 1.8288 mét (6 foot) và được cuộn lại thành một lọn dài. Điều đáng nói, ông đã là cha của 7 cô con gái mà không có lấy một người con trai nào.
Tuy đã nhận ra những lời nói ngày xưa của mục sư không thành hiện thực, nhưng dường như cuộc sống đó đã trở nên quen thuộc đối với ông. Ông Kailash không còn muốn tắm rửa, gội đầu hay cắt tóc nữa, trừ khi ông có được một người con trai thì may ra ông mới thay đổi ý nghĩ. Có lẽ, việc sinh được một cậu con trai là điều dường như rất khó đối với ông bởi lẽ giờ đây vợ ông - bà Kalavati Devi đã 60 tuổi.
Mọi thứ sẽ không trở nên nghiêm trọng nếu ông Kailash Singh sống thoải mái mà không làm một công việc quá mệt nhọc. Kailash sống trên dãy núi gần phố Thánh Varanasi, ở đó ông phải làm việc trong một môi trường có nhiệt độ lên đến 47 độ C khiến cho cơ thể ông tiết ra nhiều mồ hôi.
Bà Kalavati Devi gặp rất nhiều khó khăn khi sống chung với mùi hôi trên người ông. Bà đã làm mọi cách để thuyết phục ông Kailash từ bỏ lời thề đó, kể cả việc nhiều lần cảnh cáo sẽ không ngủ chung giường với ông, tuy nhiên mọi nỗ lực đều không có kết quả.
Các thành viên trong gia đình đã từng 1 lần ép ông tắm, nhưng ông Kailash đã nổi giận và đánh cho mọi người chạy tán loạn, ông nói thà chết cũng không chịu tắm. Một người con gái của ông Kailash thì cho biết, cô không thể chịu được mùi hôi của bố mình nhất là vào những ngày hè, trong khi đó một ngày cô phải tắm đến 2 lần.
Mặc dù ông Kailash Singh không tắm, nhưng điều này không có nghĩa là ông không vệ sinh. Thay vì tắm bằng nước thì vào mỗi buổi tối như vậy ông lại tắm bằng….lửa, theo ông cho biết, tắm lửa sẽ loại bỏ được hết mùi hôi trên người, tuy nhiên mọi người trong gia đình và những người hàng xóm lại không nghĩ như vậy. Kailash còn nói; chừng nào ông chưa có con trai thì chừng đó ông không bao giờ tắm và có thể phải đến kiếp sau ông mới tắm. Bây giờ đối với ông Kailash, nước chỉ dùng để uống mà thôi.
Theo Lê Kiên
Dân Trí

Bệnh nhân tử vong sau mổ ruột thừa

http://vnexpress.net
Thứ năm, 16/8/2012, 00:00 GMT+7
Ông Mai Trung Kiên viêm ruột thừa, cấp cứu tại Bệnh viện FV TP HCM. Vài ngày sau mổ, bệnh nhân đau bụng và ngực, bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim, chuyển sang Bệnh viện Tâm Đức. Tại đây, các xét nghiệm cho thấy người bệnh chảy máu trong từ vết mổ ruột thừa.
Ngày 11/8, ông Kiên (sinh năm 1955) tử vong tại Bệnh viện FV. Con gái bệnh nhân là Mai Thị Thu Trang đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, cho rằng bác sĩ bệnh viện này đã chẩn đoán sai và chần chừ trong xử trí với bệnh nhân Kiên.
Người nhà bệnh nhân gửi đơn tố cáo sự việc. Ảnh: Thiên Chương.
Chị Trang tường trình, tối 7/8 ông Kiên đau bụng nên gia đình đưa vào Khoa cấp cứu FV. Bác sĩ kết luận bệnh nhân viêm ruột thừa, chỉ định mổ vào chiều hôm sau.
Sau mổ, ông Kiên đau bụng và ngực, được bác sĩ chẩn đoán có triệu chứng nhồi máu cơ tim, chuyển sang Bệnh viện tim Tâm Đức ngày 11/8. Cùng ngày, theo người nhà bệnh nhân, kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Tâm Đức cho thấy, ông Kiên đau không phải do tim mà bị chảy máu từ vết mổ ruột thừa. Bệnh nhân được chuyển về lại FV.
"23h đêm ấy ba tôi được chuyển về FV, gia đình yêu cầu mổ lại, bác sĩ cho biết ông đang được truyền máu và chờ xử lý. Nhưng chúng tôi vừa trao đổi xong với bác sĩ thì tim ba tôi đã ngừng đập", con gái bệnh nhân cho hay.
Chiều nay, đại diện Bệnh viện FV cho biết đã tiếp nhận phản ánh của gia đình chị Trang. "Chúng tôi đang điều tra và sẽ gặp gỡ trao đổi với gia đình bệnh nhân ngay sau tang lễ", đại diện bệnh viện cho biết.
Liên quan đến vụ việc, đại diện Bệnh viện tim Tâm Đức xác nhận có tiếp nhận bệnh nhân Mai Trung Kiên chuyển từ Bệnh viện FV sang. "Các xét nghiệm cấp cứu tại Tâm Đức cho thấy bệnh nhân Kiên không bị nhồi máu cơ tim", đại diện bệnh viện cho hay.
Bệnh viện Tâm Đức cũng đang báo cáo sự việc với Sở Y tế TP HCM.
Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Phạm Kim Bình, Quyền Chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM nói rằng Sở đã tiếp nhận đơn tố cáo của gia đình ông Mai Trung Kiên. "Trước mắt chúng tôi yêu cầu Bệnh viện FV báo cáo lại toàn bộ sự việc. Hội đồng khoa học sẽ được thành lập để đánh giá sự việc. Nếu có vi phạm chuyên môn, bệnh viện sẽ bị xử lý theo quy định", ông Bình nói.
FV là bệnh viện cao cấp tại TP HCM, có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Thiên Chương
Ý kiến
(4)


chuyện tiếu lâm!
Chết do mổ ruột thừa tại bệnh viện cao cấp Pháp - Việt? Thật như chuyện tiếu lâm!
Sai sót trầm trọng!
Bệnh viện FV sao kỳ vậy? Đây là 1 bệnh viện được xem là có viện phí vào loại khủng của TPHCM. Vậy mà sau mổ ruột thừa bị tai biến mà chẩn đoán sai sót trầm trọng như thế thì còn gì đâu để nói nữa!! Than ôi!! Chạy đâu cũng chết bạn ơi!!
Chuyện hên xui mà....
Cái này hên xui là ở chỗ gặp vị Bác sỹ có lương tâm hay không mà thôi. Thật không thể nhìn thấy được 2 chữ "Lương Y"
Nguyên nhân tại sao
Do chuyên môn của bác sĩ không tốt và thiếu trách nhiệm