Trang

GS tim mạch tiết lộ: 2 thời điểm "quỷ ám" bùng phát cơn đau tim, ghi nhớ để tránh tử vong

Vân Hồng - Theo Trí Thức Trẻ, 20/07/2019 12:37

Người bị bệnh tim mạch rất dễ bị "đột tử" nếu không biết cách phòng bệnh và xử trí kịp thời. Giáo sư tim mạch khuyến cáo, đây là 2 thời điểm quan trọng bạn nên biết để ngăn ngừa.




Bệnh tim mạch được cho là một trong những căn bệnh gây ra số lượng ca tử vong bất ngờ nguy hiểm nhất. Đây là lời khuyên quan trọng bạn nên biết sớm để phòng bệnh tim mạch hiệu quả hơn.

Bài viết này của Giáo sư Tôn Bảo Quý, chuyên gia khoa Nội tim mạch nổi tiếng Trung Quốc khuyến cáo về những lưu ý mà người có bệnh tim mạch cần phải đặc biệt chú ý.

2 thời điểm nguy hiểm nhất đối với người bệnh tim mạch

Sáng sớm

Sáng sớm là thời điểm bệnh tim mạch trỗi dậy mạnh mẽ nhất. Tại sao lại như vậy? Theo nghiên cứu y học, không khí lạnh là yếu tố ảnh hưởng đến bệnh tim mạch.

Theo một nghiên cứu ở một nhóm người khỏe mạnh, trong điều kiện lạnh, khi nhiệt độ bề mặt cơ thể và nhiệt độ cơ thể giảm, huyết áp tăng, hồng cầu và cholesterol tăng, độ nhớt của máu lớn và huyết khối dễ hình thành, do đó gây ra bệnh tim mạch.

Theo các tạp chí y khoa nước ngoài công bố, tỷ lệ tử vong của chứng nhồi máu cơ tim trên một triệu người tăng từ 4,9% lên 6,9% mỗi ngày khi nhiệt độ thời tiết ở mức từ 17 ° C đến -5 ° C.

Khi mọi người thức dậy vào buổi sáng, chính là thời điểm mà nhịp tim và huyết áp dao động ở mức cao nhất, giải phóng chất catecholamine, sự tiêu thụ oxy của cơ tim tăng, co mạch vành và toàn thân, huyết áp tăng và có nguy cơ cao gây rối loạn nhịp tim.

Tại thời điểm này, lưu lượng máu mạch vành của tim bị giảm, độ nhớt của tiểu cầu tăng lên và xu hướng huyết khối tăng đáng kể, đó là một yếu tố nguy cơ cho sự khởi phát của bệnh tim mạch.

Do đó, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nên thận trọng. Vào buổi sáng và đặc biệt là vào mùa đông, khi không khí lạnh hoặc thủy triều lạnh đến, huyết áp và lipid máu nên được kiểm soát trong phạm vi bình thường và người bị bệnh tim nên được điều trị tích cực.

Thông thường, nếu có bệnh tim thì bạn nên bỏ hút thuốc, uống ít rượu và luôn chú ý giữ ấm. Uống một cốc nước ấm vào buổi sáng có lợi cho việc giảm độ nhớt của máu và giảm sự khởi phát của bệnh tim mạch.

Các nghiên cứu của các học giả Mỹ đã chỉ ra rằng aspirin có thể làm giảm 59% nguy cơ đau tim vào sáng sớm và giảm 34% nguy cơ đau tim vào những lúc khác. Do đó, sử dụng aspirin liều thấp (50 - 100 mg / ngày) dưới sự hướng dẫn của bác sĩ có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch.

Đêm khuya

Người cao tuổi cũng cần đề phòng bệnh tim mạch phát sinh đột ngột

Cũng có một số trường hợp, ví dụ như một số người cao tuổi, đặc biệt là những người bị huyết áp cao và bệnh tim mạch vành. Khi họ ngủ vào ban đêm, sau đó bị thức dậy do ho dữ dội, tức ngực và khó thở. Sau khi ngồi một lúc, các triệu chứng sẽ giảm dần.

Bệnh này đặc biệt có khả năng xảy ra vào ban đêm. Đây là loại ho về đêm, tức ngực và khó thở thực sự là một biểu hiện của suy tim thất trái. Nó được gây ra bởi suy tim và gây ứ máu trong phổi, gây ra các biểu hiện khác nhau ở phổi.

Tại sao ban đêm cũng có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao?

Điều này có liên quan đến sự bất thường ở dây thần kinh phế vị và giao cảm. Trong khi ngủ vào ban đêm, dây thần kinh phế vị bắt đầu hưng phấn, khiến nhịp tim chậm lại, làm cho tốc độ lưu thông máu chậm lại, phổi bị ứ đọng, thiếu oxy, máu chảy ngược về tim và tăng lưu lượng máu ở tim.

Co thắt mạch máu thô, dẫn đến kết tập tiểu cầu, dễ hình thành huyết khối, nhồi máu cơ tim, suy tim và các trường hợp khẩn cấp khác.

Ngoài ra, các dây thần kinh giao cảm bị kích thích khi mất ngủ, ác mộng có thể xảy ra, làm tăng nhịp tim, tăng tiêu thụ oxy của cơ tim, dễ bị thiếu máu cơ tim gây đau thắt ngực và rối loạn nhịp tim. 

Những người cao tuổi nếu có tình trạng này thì nên đo chức năng tim, điện tâm đồ.

Ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp và bệnh tim mạch vành, cần tích cực điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch vành, chú ý nghỉ ngơi hợp lý, tránh tập thể dục vất vả và lao động nặng, và tránh những cảm xúc tiêu cực như mệt mỏi và quá căng thẳng.

Vào thời điểm này, việc hạn chế ăn muối và chỉ ăn với mức độ thích hợp có lợi cho việc hạ huyết áp, giảm khả năng giữ nước và natri trong cơ thể, giảm gánh nặng cho tim, tránh nguy cơ nguy hiểm vào ban đêm.

Tư thế nằm ngủ cũng nên cao vùng thân để tim cao hơn 15-20 cm so với chi dưới, giảm lưu lượng máu về tim.

Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nên tránh hai tình huống khủng hoảng là sáng sớm và tối muộn. Trước khi đi ngủ, cố gắng đảm bảo môi trường ngủ yên tĩnh và thoải mái, và chuẩn bị thuốc khẩn cấp trên giường để chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ.

*Theo Health/Sohu


Aflatoxin cực độc. Đừng tưởng chỉ virus B, C mới gây ung thư gan, thủ phạm quen mặt này cũng góp phần khá lớn


Bích Hiền - Theo Trí Thức Trẻ, 08/07/2019 09:49
Đừng tưởng chỉ virus B, C mới gây ung thư gan, thủ phạm quen mặt này cũng góp phần khá lớn
Chỉ cần ăn một lượng aflatoxin cực nhỏ cũng đủ làm tổn thương gan, thận, gây độc thần kinh, xuất huyết, thậm chí gây ung thư, quái thai.
PV: Thưa ông, tôi nghe nói lạc bị nhiễm nấm mốc sinh ra chất độc gây ung thư. Điều này có đúng không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Loài nấm mốc thường nhiễm vào đậu phộng là vi nấm Aspergillus. Một số chủng của loại vi nấm này sanh ra chất aflatoxin, có độc tính rất mạnh, chỉ cần ăn một lượng alfatoxin cực nhỏ cũng đủ làm tổn thương gan, thận, gây độc thần kinh,xuất huyết, thậm chí gây ung thư, quái thai.
Hiện nay khoa học phát hiện khoảng 16 loại độc chất aflatoxin. Loại nào cũng gây độc cả, chỉ độc nhiều hoặc ít mà thôi. Loại Aflatoxin (B1) thường tìm thấy trong đậu phộng nhiễm mốc thuộc loại cực độc, nếu không muốn nói là độc nhất trong các loại aflatoxin, chỉ cần hấp thu vài mg loại B1 cũng có thể gây ngộ độc cấp tính.
Loại Aflatoxin (B1) thường tìm thấy trong đậu phộng nhiễm mốc thuộc loại cực độc (Ảnh minh hoạ)
Năm ngoái báo chí đưa tin, một nghiên cứu trên các bệnh nhân ung thư gan ở bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cho thấy, aflatoxin B1 được tìm thấy trong gan của trên 83% bệnh nhân. Đừng tưởng chỉ có virus B, C mới là thủ phạm gây ung thư gan, thực phẩm nhiễm mốc cũng góp phần khá lớn đấy.
Do đó các cơ quan an toàn đề ra quy định rất nghiêm ngặt, giới hạn aflatoxin tính bằng phần tỉ trên các loại nông sản, nhất là với loại B1, không được phép quá 2 ppb (phần tỉ) trong đậu phộng rang…
PV: Tôi có nghe nói aflatoxin rất độc, nhưng không biết là nhóm chất này lại đáng sợ thế. Ngoài lạc ra thì có loại thực phẩm nào nhiễm chất độc này không, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Chẳng riêng gì đậu phộng, các loại ngũ cốc khác như gạo bắp, lúa mì, các loại đậu, loại hạt có dầu như đậu nành, hướng dương nói chung đều có thể nhiễm vi nấm aspergillus, và do đó cũng phát sanh độc chất aflatoxin. Thậm chí các loại gia vị như tiêu gừng nghệ cũng có thể bị nhiễm aflatoxin.
Không chỉ có aflatoxin, mà nông sản còn có thể có những loại độc chất khác do nhiễm các loại vi nấm khác.
Khoa học đã nhận diện khoảng vài trăm loại độc tố sanh ra từ các loài nấm mốc, và gọi chung đó là độc tố nấm mốc (mycotoxin). Trong số cả trăm loại độc chất này, có khoảng hơn chục loại bị các cơ quan an toàn "soi mói" đặc biệt vì chúng thường có trong các loại nông sản. Aflatoxin thuộc loại này.
Theo Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO), khoảng 25% lượng ngũ cốc trên thế giới nhiễm độc tố nấm mốc. Các nước đang phát triển ở Châu Á nhiễm nhiều hơn, một phần do điều kiện thời tiết thích hợp để nấm mốc phát triển, một phần do cách thức bảo quảnkém.
PV: Tôi có thể hiểu tất cả loại nấm mốc đều có hại cho sức khỏe?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Không phải tất cả loại nấm mốc nào cũng sanh ra chất độc. Nấm mèo, nấm đông cô, nấm linh chi,.. là những loại ăn được mà còn bổ béo nữa. Trường hợp cá biệt là các loại nấm dại, vào rừng hái ăn chơi, thì có loại độc loại không.
Chỉ một số loại nấm mốc, thường là vi nấm mới sanh ra độc tố. Nói tới độc tố nấm mốc là nói tới loại vi nấm này.
Ẩm độ và nhiệt độ ấm áp là điều kiện để nấm mốc nhiễm vào nông sản, trước và sau thu hoạch đều có thể bị nhiễm. Nông sản phơi nắng, sấy khô không bị nhiễm nấm mốc, nhưng khi lưu kho, bảo quản không tốt, lại bị nhiễm. Nhiễm rồi thì sanh độc tố, có sấy hay phơi nắng lại thì độc tố vẫn còn.
PV: Độc tố nấm mốc chỉ tồn tại ở thực phẩm có nguồn gốc thực vật thôi phải không, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Vi nấm không thể phát triển nếu không bám vào "cái gì đó" để ăn bám. Nông sản là nơi nương tựa của vi nấm, và khi gặp điều kiện ẩm độ và nhiệt độ thích hợp thì nó phát triển ào ạt, và sanh độc tố.
Vi nấm không ưa heo bò gà lợn, nhưng mấy con vật này lại ăn nông sản. Do đó, nếu thức ăn gia súc bị nhiễm độc tố nấm mốc, thì thịt của chúng rất có thể bị nhiễm, nếu cơ thể đào thải chưa hết.
Đặc biệt là, bò ăn cỏ nhiễm aflatoxin thì sữa bò cũng có thể còn dư lượng aflatoxin, nhưng aflatoxin trong sữa ở dạng ít độc hơn. Mẹ ăn gạo mốc, đậu phộng mốc thì sữa mẹ cũng có aflatoxin. Mấy bà bầu cho con bú nên thận trọng với hàng… mốc.
Một số thực phẩm làm từ nông sản như tương bần, nước tương xì dầu (làm từ đậu nành), bơ đậu phộng, rượu đế (nấu từ gạo, bắp khoai mì).. cũng có thể có độc tố nấm mốc, nếu tuyển chọn và bảo quản nguyên liệu đầu vào không kỹ.
PV: Tôi thấy không ít trường hợp, nhất là ở nông thôn, gạo bị mốc nhưng nhiều người không vứt đi, đem rửa lại để sử dụng. Làm như vậy độc tố nấm mốc trong thực phẩm có hết được không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Độc tố aflatoxin rất bền với nhiệt, nên có chà xát nấu chín cũng không loại được độc tố.
Điều đáng buốn nhất là trên thị trường, gạo mốc do bảo quản không kỹ, các con buôn đem chà xát gạo lại cho trắng trẻo rồi bán với giá rẻ. Gạo mốc, dù chà xát vẫn còn ít nhiều mùi mốc, thính mũi có thể nhận ra.
Nhưng con buôn vẫn cao tay hơn, khi chà xát lại cho thêm hương gạo. Gạo trắng, giá rẻ, lại thơm mùi gạo… mới, mấy bà nội trợ khó đỡ.
Gạo mốc dù chà xát vẫn có mùi mốc. Nhưng nếu con buôn cho thêm hương gạo thì bà nội trợ khó phân biệt được (Ảnh minh hoạ)
PV: Vâng, nhưng nếu sử dụng nhiệt đối với thực phẩm mốc thì sao, thưa ông? Ví dụ như bánh mì mốc đem nướng lại, lạc mốc đem rang lên thì có hết độc tố không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Các loại bánh như bánh mì, sandwich, bánh bông lan… dù được bao gói cẩn thận, nhưng hơi nước trong bao có thể ngưng tụ, thế là nấm mốc phát triển.
Như đã nói, độc tố nấm aflatoxin rất bền với nhiệt, có đem nướng lại bánh mì hay rang đậu phộng cũng chẳng ăn thua gì.
Nấm khởi sinh từ bề mặt bánh, rồi lan dần vào trong, lan thực sự tới đâu cũng khó biết, chứ không chỉ chỗ nào bánh đổi màu, chỗ đó mới có mốc. Các loại bánh lại thường xốp, tha hồ cho mốc len lỏi ‘mọc rễ’…
Nhìn bằng mắt thường khó lòng nói, mốc này độc, mốc kia không độc. Nói chung thì gạo mốc, bánh mốc, đậu phông, đậu xanh, đậu đỏ... hễ mốc thì nên bỏ.
PV: Thế mà tôi lại thấy có người hướng dẫn là phó mát bị mốc thì cắt bỏ phần mốc đi là ăn được phần còn lại?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Cần phân biệt 2 loại phó mát: loại mềm và loại cứng
Phó mát mềm như loại ‘Đầu bò’ khá phổ biến trong nước hiện nay, thậm chí loại nửa mềm nửa cứng, nếu nhiễm mốc, nhiễm ít hay nhiều cũng nên bỏ.
Còn loại phó mát cứng như loại Cheddar, nếu bị nhiễm mốc, thì chỉ nhiễm ở mặt ngoài, mốc khó len vào bên trong, có thể cắt bỏ chỗ mốc, dĩ nhiên phải cắt xa xa chỗ mốc một chút, phần còn lại ăn được.
PV: Độc tố mốc rất nguy hiểm, mà khí hậu nước ta nóng ẩm lại rất tạo điều kiện cho nấm mốc. Vậy có cách nào phòng tránh được rủi ro của độc tố mốc không, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Các loại gạo, đậu, hạt có dầu dễ nhiễm độc tố aflatoxin nếu bảo quản không kỹ. Những thực phẩm này nếu đã mốc, nên bỏ, đừng tiếc của. Với gạo, nên mua gạo mới, nhất là với gạo lứt. Không mua trữ gạo quá nhiều.
Ẩm độ cao và nhiệt âm ấm là điều kiện lý tưởng để nấm mốc phát triển, nên bảo quản thực phẩm nơi khô ráo.
PV: Xin cảm ơn ông đã cung cấp thông tin!

3 giai đoạn bạn không nên "nhịn" thịt cá để ăn chay: Không chỉ ốm yếu mà còn sinh bệnh

Homi - Theo Trí Thức Trẻ, 06/01/2019 20:29
Ăn nhiều thịt động vật dẫn đến những rủi ro sức khỏe, nhiều người có xu hướng chọn giải pháp ăn chay. Nhưng nếu ăn không đúng cách, cơ thể sẽ ốm yếu bệnh tật, bạn nên cân nhắc.

Ăn chay tốt cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng nên áp dụng

Hiện nay, phong trào ăn chay đang nổi lên như một xu hướng mà chủ yếu là người này học theo người kia, chưa hẳn là bạn đã nắm chắc được rằng, mình có phải là người nên hoặc nhất thiết phải ăn chay hay không.

Mặc dù hấp thụ quá nhiều chất béo, protein và đường có thể gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng, điều này không chỉ gây béo phì mà còn gây ra lượng đường trong máu cao, mỡ máu cao và axit uric cao. Từ yếu tố này mà nhiều người đã bắt đầu giảm tiêu thụ thịt và thậm chí bắt đầu ăn thực phẩm chay.

Mặc dù chế độ ăn chay có nhiều lợi ích, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện việc ăn chay an toàn và đúng cách. Nhiều người nghĩ rằng ăn chay tốt nên mù quáng thực hiện mà chưa đủ kiến thức về việc ăn chay thế nào là phù hợp và lành mạnh.

Chế độ ăn thuần chay có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt và thiếu canxi. Theo bác sĩ Lưu Hiểu Tuấn, trưởng Khoa não, Bệnh viện Số 2 tỉnh Quảng Đông (TQ) nói rằng, một cách thực tế và phù hợp hơn đối với chúng ta là nên ăn chay 1 ngày/tuần hoặc ăn chay 1 bữa/ ngày.

Tức là trong 1 tuần, bạn có thể ăn thịt cá 6 ngày, còn 1 ngày bạn có thể ăn thuần chay. Còn trong 1 ngày, bạn ăn 2 bữa bình thường với chất đạm động vật, 1 bữa ăn thuần chay. Cách ăn này sẽ bổ sung được số lượng thịt cá hợp lý và tránh bổ sung quá nhiều chất béo, đồng thời làm cho chế độ dinh dưỡng của bạn ở trong mức an toàn, đầy đủ toàn diện.

3 giai đoạn quan trọng mà chị em phụ nữ không nên ăn chay

Đối với phụ nữ, trong ba thời kỳ sau đây, bạn cần phải chú ý rằng không nên ăn chay trong một thời gian dài, nếu không sẽ làm tổn hại lớn đến sức khỏe tổng thể của bạn.

1. Nhóm trẻ gái trong độ tuổi phát triển

Nếu bé gái trong giai đoạn phát triển áp dụng chế độ ăn chay, hoặc có thói quen ăn thực phẩm thực vật nhiều hơn động vật, không ăn thịt động vật có thể làm giảm nồng độ estrogen và gây rối loạn quá trình phát triển thể chất và chức năng sinh sản.

2. Nhóm phụ nữ trong độ tuổi thanh niên

Phụ nữ trong độ tuổi thanh niên nếu ăn chay lâu dài có thể khiến nồng độ estrogen không đạt được tiêu chuẩn, dẫn đến chứng loạn sản tình dục thứ phát hoặc thấp còi, cản trở việc phát triển tuyến vú, tuyến sinh dục và ảnh hưởng đến vẻ đẹp thể chất và thần thái của người phụ nữ.

3. Nhóm phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh

Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh bản thân đã giảm hoặc thiếu sản xuất estrogen và bài tiết do teo buồng trứng. Vào thời điểm này, nếu bạn tiếp tục duy trì chế độ ăn chay trong một thời gian dài, chắc chắn nó sẽ làm giảm thêm lượng estrogen được sản xuất ra. Sự thiếu hụt estrogen rất dễ bị loãng xương, là nguyên nhân gốc rễ của gãy xương.

Nói tóm lại, mặc dù có nhiều nghiên cứu nói rằng ăn chay tốt cho sức khỏe, nhưng phương pháp ăn đúng và đối tượng được phép ăn không có tiêu chuẩn rõ ràng. Việc ăn chay có thể hợp với người này nhưng lại không chắc sẽ hợp với người khác, bạn nên nghiên cứu cẩn thận trước khi muốn thay đổi chế độ ăn.

Nên nhớ rằng, ăn chay cần có kiến thức về ẩm thực, giá trị dinh dưỡng trong từng món ăn, nhóm thực phẩm đạm thực vật...

Nếu ăn chay không đúng cách có thể khiến bạn bị suy dinh dưỡng, sinh ra nhiều bệnh tật. Người có bệnh nếu tiếp tục ăn chay có thể dẫn đến bệnh nặng, thậm chí tử vong.

*Theo Health/Sohu

Bác sĩ ung bướu tiết lộ 6 thủ phạm gây ung thư ác tính, dù là ai cũng cần đọc kỹ để tự cứu mình

Đỗ Hiền - Theo Helino, 15/07/2019 13:42

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư nếu tiếp xúc thường xuyên, chỉ cần ngăn ngừa các yếu tố này thì chúng ta sẽ không còn lo ngại về ung thư nữa.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh và đáng báo động. Tại Việt Nam, mỗi năm có 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do bệnh ung thư.

Mới đây, trên trang cá nhân Facebook, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM đã chia sẻ rằng: Hiện nay các nhà khoa học trên thế giới chỉ mới tìm ra được một nguyên nhân chính xác gây ra ung thư đó là virus HPV gây ung thư cổ tử cung.

Còn hầu hết các ung thư còn lại chưa tìm ra nguyên nhân, tuy nhiên có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư nếu tiếp xúc thường xuyên, chỉ cần ngăn ngừa các yếu tố này thì chúng ta sẽ không còn lo ngại về ung thư nữa.

Cụ thể 6 yếu tố gây nguy cơ ung thư được bác sĩ Tiến chỉ ra như sau:

1. Thuốc lá

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho biết thuốc lá là nguyên nhân của 30% trong tổng số các loại ung thư ở người, bao gồm ung thư phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, bàng quang, tụy, dạ dày.

Người đang hút thuốc mà bỏ hút thì nguy cơ gây ung thư sẽ giảm dần theo thời gian. Sau 5 năm ngừng hút thì nguy cơ bị ung thư phổi giảm 50%, sau 10 năm ngừng hút thì nguy cơ còn không đáng kể, gần như người không hút.

Kể cả khi không hút thuốc mà sống cùng với người hút thì chúng ta vẫn có nguy cơ mắc các loại bệnh liên quan đến hút thuốc lá như bệnh tim mạch, hô hấp và ung thư.

2. Rượu



Một nghiên cứu ở châu Âu cũng chỉ ra việc uống rượu chịu trách nhiệm cho 10% trường hợp ung thư ở nam giới và 3% ở nữ giới.

3. Chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm

Bác sĩ Tiến cho rằng, chế độ ăn nhiều chất mỡ động vật mà ít chất xơ có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại - trực tràng và ung thư vú.



Thịt hun khói, cá muối, các loại mắm và dưa muối, cà muối, nhất là dưa khú có thể gây ung thư thực quản và dạ dày. Gạo và lạc là 2 loại thực phẩm nếu không bảo quản cẩn thận sẽ dễ bị nấm Aspergillus flavus xâm nhiễm và tiết ra một loại chất độc là Aflatoxin, gây ra ung thư gan nguyên phát.

4. Ô nhiễm môi trường

Cũng theo vị bác sĩ này, thuốc trừ sâu diệt cỏ là vô cùng phổ biến trong nông nghiệp nước ta, đây cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú và một số loại ung thư khác. Bên cạnh đó, hậu quả của chất độc màu da cam (dioxin) trong chiến tranh cũng làm tăng tỷ lệ ung thư gan, máu, hạch, phần mềm.

Một tác nhân gây ung thư nữa là các hóa chất sử dụng trong công nghiệp, ước tính nhóm nguyên nhân này gây ra khoảng 2-8% trong tổng số các loại ung thư.

5. Bức xạ ion hóa - Tia cực tím

Bác sĩ Tiến cũng cho biết, bức xạ ion hóa như tia Rơnghen, phát ra từ máy chiếu chụp X-quang, các chất phóng xạ dùng trong y học và một số ngành khoa học, có khả năng gây tổn thương gen và sự phát triển tế bào. Loại nguyên nhân này chiếm 3% trong số các trường hợp ung thư.

Bên cạnh đó, tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời cũng là tác nhân gây ung thư da.

6. Nhiễm Virus, vi khuẩn gây ung thư

Một số loại virus, vi khuẩn có thể gây ung thư là:

- Virus Epstein-Barr (EBV) có liên quan đến ung thư vòm mũi họng, ung thư hạch lympho.

    Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ bị ung thư vú, bác sĩ chỉ ra việc cần làm để phát hiện sớm và giảm tỷ lệ tử vong

- Virus viêm gan B là nguyên nhân gây ung thư gan nguyên phát.

- Virus gây u nhú ở người (Papiloma Human Virus - HPV) là nguyên nhân gây đến 70% ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

- Vi khuẩn Helicobacter Pylory (HP) là loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, tá tràng và ung thư dạ dày.

Theo bác sĩ Tiến, nếu chúng ta thực hiện một số biện pháp dưới đây thì có thể phòng ngừa trên 50% ung thư:

- Không hút thuốc lá, thuốc lào và tránh hút thuốc thụ động.

- Dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế ăn mỡ động vật, đồ ăn rán (chiên) quá cháy…

- Hạn chế sử dụng rượu bia.

- Sinh đẻ kế hoạch và tình dục an toàn.

- Tiêm vắc xin phòng viêm gan B phòng ung thư gan, vắc xin HPV phòng ung thư cổ tử cung.

- Tránh tia nắng gắt, dùng kem chống nắng khi lao động ngoài trời, khi đi tắm biển phòng ung thư da.

- Thực hiện tốt các biện pháp an toàn lao động, phòng bệnh ung thư nghề nghiệp do môi trường độc hại.

- Luyện tập thể dục thể thao, tăng cường sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch.

Nguồn thông tin bác sĩ tham khảo: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) và các hội ung thư trên thế giới

Đêm trực - những câu chuyện nhân văn

ĐÊM TRỰC !!

0 giờ

Một người đàn ông đến cấp cứu vì đau quặn bụng. Khi mình đến khám, ông ta cứ luôn miệng nói : Tôi quen anh giám đốc A. Tôi có làm ăn với chị trưởng phòng B. Có lẽ do ông ta nghĩ rằng, khi nói ra những mối quan hệ ấy, mình sẽ làm việc chu đáo hơn. Mình đã đáp lời rằng :

- Anh có thể thôi nói tên và chức vụ của người khác. Anh hãy nói về chính anh đi, tên, chức vụ và bệnh của anh.

Ông ta trố mắt ra nhìn mình, phải mất vài phút sau ông ta mới có thể bắt đầu khai bệnh.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng hay như vậy, bạn nhỉ? Cứ vỗ ngực tự hào chứng tỏ với nhau rằng : tôi là con ông D, cháu bà C, tôi quen biết ông E và có mối quan hệ thân thiết với bà F, thay vì chúng ta nói về chính mình.

Nhưng một người trưởng thành thật sự lại là người luôn tự đứng vững trên đôi chân mình, can đảm chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, không dựa vào ai cả, không đổ thừa ai cả.

---

0 giờ 30 phút

Một người phụ nữ 70 tuổi, được đưa đến phòng cấp cứu trong tình trạng suy kiệt nặng, da xanh niêm nhạt, thở ngáp cá, toàn thân khai mùi phân dãi. Khi mình xử trí cấp cứu xong, mình hỏi hai người con gái ăn bận rất bảnh bao và thơm tho : Bệnh nhân bị bệnh gì trước đây, điều trị ở đâu, và diễn tiến nặng bao lâu rồi?

Mình đã ngỡ ngàng khi nhận được một câu trả lời : Bệnh tim mạch và u hạch gì đó không rõ, mẹ tôi đã khó thở cả tháng nay rồi, nhưng tôi nghĩ không sao nên không đưa đi khám bệnh.
- Hai chị là con ruột?
- Ừ con ruột.

Mình im lặng thở dài khi kết quả xét nghiệm và MSCT trả về là bệnh Lymphoma ác tính di căn não, di căn phổi, đái tháo đường, suy thận... Làm sao mà cứu chữa? Mẹ thì chỉ có một trên đời.

Tuần trước mình có đi dự đám tang của một bệnh nhân rất thân. Và đã chứng kiến những giọt nước mắt ăn năn của người con út.

- Bác sĩ biết sao không, cả bốn tháng nay tôi chưa gặp mẹ, dù nhà tôi và nhà mẹ cách có vài bước chân. Ai ngờ trưa hôm thứ 7, nhận điện thoại báo mẹ đã mất rồi... Giá như tôi ...

Thật, càng lớn tuổi, mình càng sợ trực cấp cứu. Không phải vì sức khoẻ vì chuyên môn hay vì áp lực phải tiếp xúc phơi nhiễm với những bệnh lây nhiễm hay vì có thể bị hành hung bất cứ lúc nào. Mà vì cứ phải chạm vào thật sâu bên sau mỗi con người dù mình không muốn...

1 giờ sáng

Bệnh nhân nam 23 tuổi, cơ thể gầy teo, nấm trắng đầy miệng đến cấp cứu vì tiêu chảy. Khi mình giải thích tình hình bệnh và đề nghị nhập viện thì bệnh nhân không chịu vì không có tiền.
- Em điện thoại kêu ba mẹ vào viện đi.
- Ba mẹ em li dị hồi em còn nhỏ xíu. Em sống với bà, mà bà ở tuốt dưới Vĩnh Long, em nói thiệt, em bị nghiện ma tuý đá và bị nhiễm HIV.
- Nhưng nếu em không nằm viện thì phải làm sao?
- Em cũng không biết nữa.

Nhìn cơ thể bệnh nhân chi chít những hình xăm, mái tóc nhuộm vàng khè ... sao mà khác quá với cách bệnh nhân trả lời.

- Em chỉ nghĩ mình đau đến đây để bác sĩ cấp cứu...

Mình lại thở dài, dù tiếng thở dài chẳng làm đêm ngắn lại. Phần lớn những người sa ngã và lầm lạc thường được lớn lên trong gia đình không có hạnh phúc, cha mẹ ly dị, hay nghiện rượu, cờ bạc và thuốc lá. Có bao giờ mỗi bước chân đi, mỗi quyết định trong cuộc đời, chúng ta đều cẩn trọng?

Sinh con rất dễ, nhưng nuôi dưỡng con lại rất khó! Khó vô cùng.

2 giờ sáng

Một thanh niên sỉn rượu đến để may những vết thương vùng mặt và lưng do bị chém. Khi điều dưỡng hỏi phần hành chính, thì anh ta nạt nộ đập bàn : Sao không khâu liền đi, cứ hỏi mấy cái vớ vẩn làm gì?
- Muốn khâu thì phải làm hồ sơ khai tên tuổi bị đánh ở đâu chứ, rồi còn phải kí tên yêu cầu khâu chứ.
- Tao đ* khai. Bây giờ tao hỏi tụi mày có khâu không thì bảo? Tụi mày có tin tao chém tụi mày bây giờ không?

Mấy anh bảo vệ nghe ồn ào, báo ngay cho công an. Và thanh niên sỉn rượu vừa thấy bóng công an lập tức bỏ chạy. Mới đó còn hùng hổ đòi đâm đòi chém ...

Thật, những người có xu hướng hung bạo và dễ kích động thường là những người sống trong sự sợ hãi và yếu đuối.

Vì sao khi đi trên phố mấy thanh niên trẻ hay nẹt bô rồ ga? Vì sao giữa đám đông mấy người trung niên kia ăn bận diêm dúa trang điểm cầu kì?
Bởi vì trong sâu thẳm họ khát khao được chú ý, khát khao được công nhận... nhưng họ chẳng có gì đặc biệt, buộc họ phải hành động như thế. Họ lạc loài!

3 giờ sáng

Một người đàn ông, 50 tuổi được đưa vào cấp cứu vì đau đớn vùng hạ sườn phải. Ông ta la hét inh ỏi :

- Bác sĩ đâu rồi? Tụi bây chết hết rồi hả? Tao vào bệnh viện cả tiếng rồi mà chẳng thấy tụi bây đâu...
- Bác sĩ đây, anh mới vào mà, y tá còn chưa kịp lấy dấu hiệu sinh tồn...

Người nhà vội nói bệnh nhân và quay qua nói với mình : Bác sĩ thông cảm, tại ảnh bệnh ung thư đường mật di căn gan, di căn hạch giai đoạn cuối rồi nên đau đớn và hay la hết. Bệnh Viện C đã cho về, khuyên gia đình, bệnh nhân muốn ăn gì thì cứ cho...

Đêm dường như sâu hơn với tiếng thở dài.

Nỗi đau niềm thống khổ là có thật, luôn hiện diện bên trong mỗi con người. Ai cũng đau cũng khổ, có người nhờ nỗi đau mà vượt lên được chính mình, tìm ra được con đường giải thoát và an lạc, nhưng cũng có người bị chết chìm trong đó.

Lẽ thường, khi người ta gần đến bên kia con dốc cuộc đời, cận kề cái chết, người ta sẽ buông bỏ hết những sân si, người ta sẽ chấp nhận và mỉm cười... Đằng này ...

Bốn giờ sáng

Một người phụ nữ đến cấp cứu vì đau đầu ngủ không được. Trong khi mình đang viết bệnh án thì nghe bà ta kêu lên : Chú bác sĩ và cô y tá kia, mau trả điện thoại lại cho tôi.

- Bà coi lại cẩn thận đi, tụi con đâu có lấy điện thoại của bà.
- Cô nói gì? Chỉ có cô và chú bác sĩ kia lại gần tôi... Không cô thì chú kia lấy. Báo bảo vệ hay công an ngay đi.

Bệnh nhân ngồi bật dậy, khác với lúc mới vào nhăn nhó khó chịu mệt mỏi.

- Ôi mẹ ơi, mẹ nói cái gì kì lạ vậy? Con giữ điện thoại của mẹ đây. Tại con đi đóng tiền tạm ứng nhập viện nên mẹ không biết.
- Vậy hả? Tao tưởng hai đứa này nó ăn cắp.

Bé Khánh vừa định lên tiếng, mình vội ngăn lại và thì thầm : Thôi bỏ đi em.

Mình nhớ một câu chuyện trong Phúc Âm, có người đến hỏi : Nếu ai đó tát vào má con thì sao? Chúa Giêsu đã trả lời : Con hãy đưa luôn má còn lại cho người ta tát. Và nếu có ai xin con cái áo khoác bên ngoài, con cũng hãy cởi luôn cái áo khoác bên trong mà cho.

Thường chúng ta chỉ đến với Thượng Đế khi bị đau khổ, mất mát, muốn mà chưa được...

Và khi chúng ta bị ức hiếp bị bắt nạt, chúng ta mong là luật công bằng, luật nhân quả được thực thi.

Nhưng Thượng Đế luôn im lặng. Ngài dạy : Hãy tha thứ, hãy cho đi nhiều hơn.

Bởi chỉ những người yếu đuối, thiếu thốn, bị bỏ rơi ... mới dùng đến bạo lực và đi xin.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma từng nói : Cây lúa nào hạt non hạt lép thì nó đứng thẳng vươn cao. Còn những cây lúa nặng trĩu hạt luôn oằn mình xuống dưới thấp.

Cái Tôi của ai nhỏ bé thì tâm lượng người đó mênh mông!

- Vô Thường -
Fb GS Tôn Thất Tùng
***Dưới đây có nhiều câu chuyện thú vị! Hãy để lại biểu cảm để tôi biết bạn đã đọc. Bạn có thể Share nếu muốn!!! Cảm ơn rất nhiều!

Cách xử lý khi bị rết cắn

Cách xử lý khi bị rết cắn nhanh chóng và hiệu quả sẽ giúp giữ mạng cho nạn nhân. Đôi khi trong nhà bạn xuất hiện con rết với hình thù đáng sợ. Khi chẳng may bị rết cắn, nếu không xử lý kịp thời có thể gây trúng độc và có đôi khi dẫn đến tử vong. Vậy khi bị rết cắn cần xử lý như thế nào?

Rết là một côn trùng độc hại, rết có một cặp vuốt ở vùng miệng có chứa chất độc, khi cắn chất độc sẽ theo vuốt đi vào trong cơ thể nạn nhân và gây nhức đầu, sốt, buồn nôn, co giật và thận chí là hôn mê. Rết càng lớn thì lượng chất độc bơm vào cơ thể sau mỗi lần cắn càng nhiều và có thể gây nguy hiển đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.



Một số trường hợp khi bị rết cắn

Trường hợp 1: Rết cắn chỉ gây dị ứng da, sau đó hết liền.

Trường hợp 2: Sau khi bị rết cắn cơ thể nạn nhân cảm thấy chóng mặt, ù tai, thậm chí là nôn mửa và co giật. Điều này chứng tỏ độc tính đã ngấm sâu vào cơ thể và tình trạng rất nguy cấp.

Triệu chứng ngộ độc khi bị rết cắn

Tất cả các loài rết đều có nọc độc, mức độ ngộ độc phụ thuộc vào kích thước của chúng, số lần đốt (một lần hay nhiều lần)

Triệu chứng tại chỗ: có 2 vết răng, từ nhẹ đến nặng như

Đau dữ dội, sưng nóng đỏ, bọng nước, có thể gây hoại tử nông tại vết cắn kéo dài vài tuần.

Gây yếu cơ tại chỗ

Ngứa

Dị cảm

Phù

Nổi hạch

Có thể gây chảy máu nhưng thoáng qua.

Triệu chứng toàn thân:

Sốt, mệt mỏi, đau nhức toàn thân.

Thở nhanh, ho, đau họng

Viêm hệ bạch huyết, hạch to

Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy,

Thời gian xuất hiện triệu chứng

Ngay sau khi bị cắn sưng đau sau đó giảm dần nhưng sưng có thể kéo dài 1-2 ngày. Hầu hết các triệu chứng tại chỗ tự giảm dần trong vòng 1-2 ngày. Triệu chứng toàn thân nếu có kéo dài 4-5 giờ.

Cách điều trị khi bị rết cắn

Đối với trường hợp 1: Rết cắn chỉ gây ra vết thương nhỏ, không có chất độc bơm vào cơ thể. Chúng ta có thể dung một ít dầu gió bôi vào vết thương là được.

Đối với trường hợp 2: Nạn nhân đã bị nhiễm độc của rết và các chất độc trong cơ thể gây ra hiện tượng ngộ độc.


Có nhiều loại thuốc để điều trị hiệu quả khi bị rết cắn. Người dân tộc Dao thường dùng 2 vị thuốc để bôi vào vết cắn, đó là: nước dãi của gà hoặc ốc (ốc trên cạn hay dưới nước đều dùng được).

Thực ra, gà vốn là tử thần của rết. Con gà có nhiều bí ẩn trong mối quan hệ với loài rết nói riêng, với vũ trụ và con người nói chung. Vai trò "sát thủ" quan trọng nhất của gà đối với con rết là nước dãi của nó. Nước dãi gà có thể vô hiệu hoá nọc độc của rết và tiêu hoá con rết thành thức ăn ngon cho gà. Vì vậy nước dãi của gà đã trở thành bài thuốc chữa rết cắn rất hiệu nghiệm.

Cách dùng bài thuốc

Khi bị rết cắn, trước hết phải lấy vải, dây hay kiếm cái gì có thể buộc được để buộc vào phía trên vết cắn (thắt ga-rô) để hạn chế nọc rết truyền về tim. Sau đó tìm bắt ngay một con gà, dùng ngón tay móc họng gà lấy nước dãi rồi bôi vào vết rết cắn. Làm như thế hai hay ba lần thì cơn đau sẽ dịu bớt. Nếu không có gà thì phải tìm loài ốc thay thế bởi giữa loài ốc và loài rết cũng có một mối liên quan bí ẩn.

Một số mẹo hay điều trị khi bị rết cắn

Tỏi giã nát để đắp, rất nhanh hết đau nhức.

Hạt cây hoa mào gà nhai nhỏ hoặc giã nhuyễn, uống nước cốt còn bã đắp vào nơi rết cắn.

Rau sam một nắm rửa sạch, giã nát, đắp vào chỗ rết cắn.

Củ gấu rửa sạch, giã nát để đắp.

Vừng hạt một nhúm nhỏ, nghiền nát, đắp vào vết thương.

Lá bạc hà một nắm rửa sạch, giã nát để đắp.

Hạt mướp đắng rửa sạch, giã nhuyễn để đắp hoặc thêm ít dấm rồi cho vào miệng ngậm, nuốt nước từ từ, bã đắp vào chỗ đau.

Cọng khoai môn tước bỏ vỏ, giã nhuyễn, trộn với cặn dầu dừa và vôi ăn trầu, đắp vào vết cắn, rất mau khỏi.

Dùng rau húng chanh hay tỏi giã nhuyễn, trộn với cặn dầu dừa và vôi ăn trầu đắp vào vết cắn.

Lá ớt giã nhỏ, đắp vào vết thương cho đến khi hết đau nhức, ngày đắp 1-2 lần cho đến khi khỏi.

Ông cha ta thường nói: phòng bệnh hơn chữa bệnh. Như vậy, trong nhà nên dọn hết các vật dụng như chổi, đồ gỗ cũ, thảm, vải ướt ra ngoài hoặc kê lên cao... để tránh rết làm tổ. Không để trẻ em chơi nơi ẩm thấp có nhiều đồ đạc, gạch ngói mục cũ mà dễ bị rết cắn. Và đặc biệt, cần thực hiện tổng vệ sinh quanh nhà, lấp kín cống rãnh để diệt rết.

Cập nhật: 15/07/2017 Theo Thegioicontrung