Trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng, trên địa bàn xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) đã có gần 100 người dân bị chó lạ cắn. Người dân ở xã xác nhận, đó không phải là chó nuôi, chó thả rông của các hộ dân trong thôn, xã mà là chó ở đâu đến. Theo chuyên gia y tế dự phòng nhận định, bị chó cắn mà chưa xác định được nguồn gốc của đàn chó thì rất nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng của người dân
Chó rông sẽ bị tiêu diệt
Cho đến hiện tại, người dân trên địa bàn xã Bắc Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng bởi sự xuất hiện và tấn công của một số con chó từ nơi khác đến cắn chó nhà và người. Điều nguy hiểm ở chỗ, đến nay rất khó xác định những con chó này có thực sự bị mắc bệnh dại hay không càng khiến vùng quê vốn yên bình này thêm u ám bởi những lo lắng về bệnh dại và bệnh dịch khác do chó lạ mang tới cho chó nhà và người dân.
Tỏ vẻ lo lắng, bác Nguyễn Thị Cam ở thôn Tiên Chu cho biết: "Không biết, chó nuôi của gia đình tôi có bị chó lạ ở nơi khác đến cắn, truyền bệnh hay không mà cách đây mươi mười lăm ngày, con chó của gia đình bỗng dưng bỏ ăn. Sau khi bỏ ăn hai ngày, đến ngày thứ ba, nó bỗng dưng quay ra cắn cả 4 người trong gia đình. Điều nguy hiểm ở chỗ, ngay ngày hôm sau (tức sau khi cắn người trong nhà - PV), con chó bỗng nhiên chết khiến cả gia đình thấp thỏm lo sợ. Đến nay, toàn bộ các thành viên trong gia đình tôi được tiêm phòng đầy đủ nhưng tôi vẫn trong trạng thái bất an vì không biết có bị mắc bệnh dại hay không, có ảnh hưởng đến sức khoẻ sau này không" - bác Cam nhấn mạnh".
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Văn Thành, người dân thôn Nam Lý tâm sự: "Chỉ trong thời gian ngắn mà hàng chục người trong thôn bị chó cắn khiến mọi người đứng ngồi không yên. Ra đường, gặp ai cũng thấy nét mặt hoang mang, lo sợ. Về nhà là cả một bầu không khí u ám, lo lắng vì bệnh tật có thể xâm lấn, gây hại bất cứ lúc nào?! Nhà tôi có con nhỏ nên cả vợ lẫn chồng bảo nhau phải cẩn thận, không để con chơi một mình, ra đường một mình, dù bình thường, cháu có thể sang ông bà nội, ngoại chơi được".
Chó thả rông, không nguồn gốc sẽ rất nguy hiểm khi không kiểm soát được nguồn bệnh
Tại hội nghị 6 tháng đầu năm do bộ Y tế tổ chức ngày 20/8, cục Y tế dự phòng báo cáo, cả nước ghi nhận 49 trường hợp tử vong do bệnh dại, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2012. Phần lớn các ca tử vong là ở các tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Nghệ An (7 trường hợp), Lào Cai (6 trường hợp), Điện Biên (5 trường hợp), Hòa Bình (5 trường hợp), Phú Thọ (5 trường hợp), Lạng Sơn (4 trường hợp), Sơn La (3 trường hợp), Yên Bái và Hà Giang (mỗi tỉnh hai trường hợp). Đáng lưu ý, 100% các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc-xin dại sau khi bị chó cắn. Nguyên nhân không đi tiêm phòng, 80% số người được hỏi cho rằng, chó nhà không cần đi tiêm. |
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, BS. Phan Đình Phượng, Phó giám đốc trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho biết: "Thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Bắc Sơn có 97 người của 70 hộ gia đình bị chó cắn. Những thôn có nhiều người bị chó cắn là: Tiên Chu, Nam Lý, Lương Đình... Trong đó, gia đình bị chó cắn nhiều nhất lên tới 4 người, còn lại là 2 - 3 người, rải rác trên các thôn trọng điểm".
TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phân tích: "Ngoài việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, khả năng phòng chống dịch bệnh, quan điểm của TP.Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường về việc quản lý chó, mèo nuôi. Thậm chí thành lập các đội cơ động để ngăn chặn, bắt giữ, tiêu diệt chó không nguồn gốc, có nguy cơ xâm hại tới sức khoẻ người dân".
Còn nhiều khó khăn trong quản lý đàn chó
Cũng theo TS. Nguyễn Nhật Cảm, trong hai năm qua, trên địa bàn TP.Hà Nội không có trường hợp bệnh nhân mắc bệnh dại. Hiện tại, chi cục Thú y Hà Nội đều hỗ trợ tiền tiêm vắc-xin phòng dại cho các hộ nuôi chó, mèo chứ không riêng các xã, huyện xuất hiện chó lạ.
Gần 100% chó nuôi được tiêm phòng dại Cũng theo BS. Phượng, trong tổng số 97 người bị chó cắn hiện tại, có 79 người đã được tiêm phòng và 18 trường hợp còn lại đang được theo dõi để tiêm phòng. Nếu quá hai tuần mà không có biểu hiện khả nghi sẽ được loại ra khỏi vòng theo dõi có nguy cơ mắc bệnh. BS. Phượng cũng cho biết thêm, tại những gia đình có người bị chó cắn, lúc đầu, họ có vẻ coi thường, khi biết được có nguy cơ bị dại thì họ hoang mang thực sự và lúc đó mới đi tiêm phòng. Đến nay, lực lượng chức năng đã thực hiện tiêm phòng đạt tỷ lệ 97%/7.026 con chó của xã. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa phát hiện được chó lạ, không nguồn gốc mà đa số đều là chó được nuôi tại địa bàn được các gia đình đem đến tiêm phòng dại. Ngoài ra, có khoảng 10 con nghi dại và đã bị người dân đập chết, còn lại cơ quan chuyên môn vẫn đang theo dõi và có các biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. |
Theo báo cáo, năm 2012, cả nước ghi nhận 98 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó 96/98 trường hợp tử vong do không đi tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Đến nay, số trường hợp tử vong do bệnh dại vẫn đứng hàng đầu trong các trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc sử dụng vắc-xin đúng và kịp thời sau phơi nhiễm là biện pháp điều trị dự phòng an toàn và hiệu quả nhất.
Mặc dù chó là nguyên nhân hàng đầu gây nguy cơ bệnh dại sang người nhưng theo đại diện của cục Thú y, bộ NN&PT-NT thì quản lý và tiêm phòng cho đàn chó (cả nuôi và hoang - PV) rất khó. Năm ngoái, Bộ ban hành kế hoạch khống chế bệnh dại, trong đó, yêu cầu các hộ nuôi chó mèo cần tới đăng ký với chính quyền xã, phường để được cấp số cho vật nuôi. Theo đó, UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo thành lập những đội chuyên bắt giữ vật nuôi thả rông - nếu sau 3 ngày không có người tới nhận thì trạm thú y huyện sẽ tiêu hủy số chó, mèo bắt được. Quy định này chưa kịp thực hiện thì đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận vì cho rằng khó khả thi. Vì vậy đến nay, việc quản lý vật nuôi là chó, mèo vẫn chưa thể hạn chế được các nguy cơ gây bệnh từ chúng.
BS. Hoàng Đức Lan, viện Y học Thể thao cho biết: "Y học hiện nay chưa thể chẩn đoán được, liệu một người bị chó cắn thì có bị dại hay không. Do đó, nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì bao giờ bác sĩ cũng khuyên tiêm phòng rồi theo dõi trong khoảng 10 - 15 ngày. Sau khoảng thời gian này người bị chó cắn có thể yên tâm, tuy nhiên vẫn cần theo dõi vì có những trường hợp sau khi bị cắn có thời gian ủ bệnh lâu dài khác nhau và phụ thuộc vào từng vị trí cắn. Đặc biệt, nếu bị cắn gần thần kinh trung ương thì phải được tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt, đạt hiệu quả rất cao sau 12 tiếng bị cắn".
Theo PGS.TS Đinh Kim Xuyến, Phó giám đốc trung tâm Nghiên cứu và tư vấn sức khoẻ cộng đồng thì, giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống bệnh dại là hạn chế nuôi chó; Quản lý chó nuôi, không thả rông chó; Tiêm vắc-xin dại cho chó, mèo theo hướng dẫn của thú y; Giám sát và xử lý triệt để những ổ dịch dại ở động vật; Khi bị phơi nhiễm virus dại, phải rửa vết thương bằng nước xà phòng đặc và nước muối, bôi chất sát khuẩn, đến điểm tiêm phòng dại nơi gần nhất để được khám và thực hiện đúng phác đồ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm thì sẽ giảm được tối đa nguy cơ bị bệnh dại.
Hoàng Anh - Hoàng Mai
Bất an vì chó dại
27/08/2013 03:20Sau khi có hàng chục người bị chó dại cắn trên địa bàn xã Bắc Sơn, hôm qua UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã cho thành lập các đội tiêu diệt chó thả rông.
>> Chó dại, chó lạ tấn công người ở Bắc Sơn
Chó không rõ nguồn gốc liên tục xuất hiện ở xã Bắc Sơn từ tháng 7 và hiện tượng chó nhà bỗng dưng hung dữ "nổi điên" cắn cả gia chủ khiến hàng chục người bị chó cắn, phải đi tiêm phòng là vấn đề nóng hiện nay ở Sóc Sơn, Hà Nội.
|
Xù lông, dựng đuôi, mắt đỏ ngầu…
Nhà ở gần trụ sở UBND xã Bắc Sơn, gia đình bà Nguyễn Thị Cam, 55 tuổi, có đến 4 người bị chó cắn. Kể lại sự việc, giọng bà Cam còn chưa hết run. Theo bà Cam, khoảng 8 giờ ngày 29.6 khi đang ngồi trong nhà thì nghe thấy tiếng đứa cháu gái (5 tuổi, đang học mẫu giáo - PV) kêu thất thanh ngoài cổng. Chạy ra ngoài, bà Cam thất thần thấy con chó đang lao vào cắn cháu. Cầm gậy ra đuổi thì nó quay lại gầm gừ rồi chạy mất. Nghĩ rằng con chó này đã bỏ đi nhưng đến 18 giờ cùng ngày, nó quay lại vào cắn thêm 3 người nữa. "Lúc xông vào nhà cắn người, con chó có những biểu hiện rất lạ như xù lông, dựng đuôi, mắt đỏ ngầu và sùi bọt mép", bà Cam nói.
|
Ở Bắc Sơn, hàng chục năm nay, hầu như không có trường hợp nào bị chó dại cắn. Chẳng hiểu sao năm nay lại xuất hiện dồn dập. Chó còn xông vào nhà tìm người để tấn công. Sự việc xảy ra khoảng 14 giờ ngày 23.8, con chó lai, lông vàng nặng gần 20 kg từ chân đồi phi thẳng vào nhà bà Lê Thị Sản, thôn Đô Tân. Vừa chạy đến sân, con chó này đã lao vào cắn đàn chó nhà. Bà Sản cầm gậy xua đuổi và hô hoán hàng xóm. Không sợ sệt, con chó vẫn hung hăng cắn lại khiến bà Sản phải bỏ chạy khỏi nhà. Nghe tiếng kêu cứu, người dân trong thôn, công an viên xã Bắc Sơn đã bao vây, đập chết con chó hung hãn sau gần 20 phút vây hãm. Có mặt tại hiện trường, Trưởng thôn Đô Tân, ông Nguyễn Văn Dũng, cho hay đây là con chó thứ 4 bị người dân đập chết.
Không chỉ có ở xã Bắc Sơn, chó dại cũng xuất hiện ở xã Vạn Phái, H.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên gây ra hàng chục vụ cắn người và gia súc. Sự việc xảy ra tại gia đình anh Nguyễn Văn Thùy (46 tuổi), xóm Vạn Kim. Theo anh Thùy, buổi tối cách đây nửa tháng, con trai anh là Nguyễn Văn Quảng (18 tuổi) đang ở nhà thì nghe tiếng chó cắn nhau ngoài sân. Vừa mở cửa bước ra sân, Quảng bị con chó lai lao tới cắn. Em trai anh Thùy, ông Nguyễn Văn Cương chạy ra đuổi chó cũng bị chó cắn. Trong cơn điên loạn, con chó dại đã cắn chết tại chỗ con chó nhà nặng khoảng 5 kg và cắn liên tục vào đùi con trâu nhốt trong chuồng. "Con trâu bị chó cắn đã phát bệnh và chết cách đây vài hôm", anh Thùy nói.
Gần 100 người bị chó cắn
Phó chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, ông Nguyễn Đức Việt cho biết, tính đến ngày 20.8 đã có 97 người bị chó cắn. Trong số này có 9 cán bộ thú y, công an viên và người dân bị chó cắn đi tiêm phòng. Chó dại xuất hiện tấn công người đã gây tâm lý bất an trong nhân dân. Chính quyền địa phương liên tục thông tin trên loa phát thanh, phát tờ rơi để người dân cảnh giác; mời cán bộ y tế về hướng dẫn người dân chủ động phòng bệnh. Hiện tại, đàn chó, mèo trên 7.000 con đang được tiêm phòng; xã Bắc Sơn đang gấp rút phun khử trùng, tiêu độc ở toàn bộ khu dân cư trong xã. Cũng theo ông Việt, chưa bao giờ xã Bắc Sơn xảy ra hiện tượng chó dại cắn người hàng loạt như bây giờ. Những con chó bị dân quân tiêu diệt đều có thông báo rộng rãi nhưng không có người đến nhận. Đáng lưu ý, nhiều con chó nhà sau khi tiếp xúc với chó dại cũng trở nên hung dữ, quay lại cắn chủ.
Trao đổi với Thanh Niên sáng qua, Trạm trưởng Trạm thú y H.Sóc Sơn, ông Vương Xuân Thạch khẳng định đã phát hiện bệnh dại trong số mẫu chó ở Bắc Sơn mang đi xét nghiệm. Hiện tại, ngành thú y huyện đang yêu cầu các xã lân cận Nam Sơn, Trung Giã và Hồng Kỳ tiêm phòng bao vây cho toàn bộ đàn chó, mèo. Ngoài ra, Trạm thú y H.Sóc Sơn có thông báo nghiêm cấm vận chuyển chó ở Bắc Sơn ra khỏi địa bàn, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển chó trong huyện.
Theo Trưởng phòng Kinh tế H.Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc, từ ngày 10.7 đến nay UBND huyện đã tổ chức tất cả 7 cuộc họp giao ban với các ngành để thông tin và chỉ đạo phòng chống bệnh dại khi có hiện tượng chó cắn người. UBND huyện yêu cầu các xã thành lập đội vây bắt, tiêu diệt chó thả rông. Các đội đã đập chết 25 con. Ông Ngọc khẳng định, thông tin chó dại cắn người là giống Trung Quốc, có thân hình cao to, đầu khắc chữ thập từ người dân chỉ là đồn đoán thiếu căn cứ. Anh Ngô Đức Liêm, cán bộ thú y tại xã Bắc Sơn cho hay, số chó bị đập chết chỉ là chó nuôi thả rông, di cư từ thôn này qua thôn khác và ở các xã của H.Phổ Yên di chuyển vào các thôn, xóm ở Bắc Sơn.
Liên quan đến tình hình chó dại được phát hiện ở các xã trên H.Phổ Yên, "láng giềng" với xã Bắc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thái Nguyên, ông Lê Đắc Vinh cho hay, chỉ tính riêng trong tháng 7 và 8, đã có 26 người trong các xã Minh Đức, Vạn Phái, Thành Công, Đắc Sơn và Nam Tiến bị chó cắn. Các mẫu xét nghiệm lấy từ xã Minh Đức và Thành Công cũng đã cho kết quả dương tính với bệnh dại. Ông Vinh cho biết, người dân ở các địa phương này cũng đã đập chết 13 con.
Cả nước hiện có 10 triệu con chó Ông Phạm Thành Long, đại diện Cục Thú y (Bộ NN-PT NT) cho biết, trong giai đoạn từ năm 1991- 2010 đã có hơn 8,8 triệu người nghi bị chó dại cắn, trong đó có 3.523 ca tử vong. Bệnh dại thường xảy ra tập trung ở một số địa phương có tỷ lệ chó được tiêm phòng thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2012, ước tính có khoảng 10 triệu con chó trên toàn quốc. Trước tình hình bệnh dại đang có xu hướng lây lan, ngày 23.8 tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào đã đồng thuận cam kết phối hợp với các tổ chức thuộc Liên minh Bảo vệ chó châu Á (ACPA) loại trừ bệnh dại từ chó và kiểm soát nạn buôn bán chó lậu xuyên biên giới. Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh dại, được các chuyên gia quốc tế chỉ ra là do tình trạng nhập lậu chó. TS Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) tại Việt Nam, cho biết: "Việc buôn bán thịt chó đã thúc đẩy việc vận chuyển trái phép một số lượng lớn chó mà không rõ tình trạng bệnh tật và không kiểm soát tiêm chủng, đồng thời làm giảm hiệu quả của các nỗ lực xóa sổ bệnh dại ở khu vực. Việc loại trừ bệnh dại, chấm dứt việc buôn bán chó bất hợp pháp chính là lợi ích chung của các quốc gia". Thu Hằng |
Phan Hậu - Minh Sang
>> Giảm 10% số người chết vì bị chó dại cắn
>> Chữa chó dại cắn bằng thuốc nam, 2 trẻ tử vong
>> Hoảng loạn vì chó dại cắn chết người
>> Một xã có gần 60 người bị chó dại cắn
>> Một con chó dại cắn 33 người
>> Nhiều người bị chó dại cắn: Tử vong vì quên tiêm phòng