Trang

6 thói quen giúp bạn phát triển sức mạnh não bộ

quantrimang.com - Sống chậm lại là một trong 6 lời khuyên giúp bạn ghi nhớ lâu và phát triển trí thông minh hiệu quả!

    Bạn có muốn thông minh hơn? Ghi nhớ dễ dàng hơn? Đầu óc nhạy bén hơn? Nếu có thì bạn đã đến đúng chỗ rồi đấy! Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn 6 lời khuyên vô cùng đơn giản, thậm chí có thể thực hiện ngay lập tức để rèn luyện trí nhớ và tăng sức mạnh cho hoạt động của não bộ. Tất nhiên là kết quả sẽ không tức thì nhưng chắc chắn sự kiên trì sẽ giúp bạn gặt hái vô số những điều tốt đẹp.

Tuy nhiên, điều đầu tiên mà bạn cần nhớ để có thể biến tất cả sự cố gắng của bạn thành hiện thực đó là sự chánh niệm (Mindfulness). Hãy tập trung vào hiện tại, vào những gì bạn đang làm, đang muốn và nỗ lực để đạt được. Bởi lẽ, điều này sẽ giúp tăng hàm lượng chất xám có trong não, giúp bạn suy nghĩ sáng suốt và ghi nhớ thông tin nhanh hơn.

1. Ngủ đủ giấc

Chúng ta dành 1/3 cuộc đời để ngủ (ít nhất là chúng ta mong muốn được như vậy). Khi ngủ, cơ thể trải qua 3 giai đoạn được gọi là một chu kỳ và mỗi giai đoạn kéo dài trong 30 phút. Cứ hoàn thành một chu kỳ, nó sẽ tự động lặp lại trong suốt quá trình chúng ta ngủ.

Giai đoạn đầu tiên được gọi là Light Sleep khi chúng ta bắt đầu cảm thấy buồn ngủ. Giai đoạn thứ hai là ngủ sâu. Lúc này, cơ thể sẽ giải phóng ra hormone HGH giúp phát triển và kích sự phát triển của các tế bào. Nếu ban ngày bạn cảm thấy đau do lao động quá sức thì đây chính là giai đoạn giúp cơ thể hàn gắn và tái tạo lại các tế bào để cơn đau chấm dứt vào buổi sáng.

Giai đoạn thứ 3 được gọi là REM giúp hàn gắn các tổn thương trong bộ não. Đây còn được xem là lúc mà chúng ta dễ có những giấc mơ nhưng cũng là thời điểm các cơ quan trong não tiến hành phân loại suy nghĩ và trí nhớ.

Do vậy, hãy cố gắng ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và nếu cần ngủ trưa, hãy dành thời gian để chợp mắt.

2. Ăn thức ăn giàu năng lượng

Nếu bạn muốn chiếc xe chạy tốt, bạn phải cung cấp cho nó loại nhiên liệu chất lượng nhất. Nếu bạn muốn cơ thể và bộ não luôn minh mẫn, bạn phải ăn những thức ăn giàu năng lượng. Tuy nhiên, đừng cố gắng nhồi nhét quá nhiều thứ vào 3 bữa ăn chính, thay vào đó, hãy chia chúng thành 6 bữa ăn nhỏ. Tại một thời điểm, não bộ chỉ hoạt động tốt nhất khi nó được hấp thụ 25 gram glucose, tương đương với một quả chuối mà thôi.

Hãy nghĩ về những thứ mà bạn sẽ ăn và chỉ chọn ăn những thứ tốt nhất với cơ thể. Nếu không biết, hãy chủ động tìm hiểu. Google luôn sẵn sàng để phục vụ bạn. Bởi lẽ, bất cứ thứ gì bạn cho vào bụng đều tác động tới cơ thể theo nhiều cách khác nhau nên nếu không biết điều gì sẽ xảy ra thì tốt nhất, hãy nạp vào những thực phẩm tốt.

3. Ghi chép

Khi bạn viết một thứ gì đó, não sẽ hoạt động theo cách hoàn toàn khác với lúc bạn nhập ký tự trên điện thoại hay gõ trên bàn phím máy tính. Lúc này, các thông tin sẽ được gắn chặt với não và khả năng ghi nhớ sẽ tốt hơn so với trước.

4. Làm những điều mới mỗi ngày

Hãy đi ra khỏi vùng an toàn của bạn, làm những điều mới mẻ hoặc đến một nơi nào đó không phải là vị trí hiện tại. Lúc này, bộ não sẽ bắt đầu có những điều chỉnh để thích nghi với các điều kiện môi trường mới.

Bạn không cần phải làm một điều gì quá lớn lao. Hãy làm những điều mới bằng cách thay đổi một số thói quen nhỏ của bản thân như thử một ngày đi bộ đi làm thay vì đi xe máy, gặp gỡ bạn bè sau một thời gian mất liên lạc, nhắn tin cho một ai đó, đọc một cuốn sách hay xem một bộ phim mà bạn đã bỏ quên...

5. Tập thể dục

Khi tập thể dục, não sẽ giải phóng Endorphin giúp giảm căng thẳng nhờ loại bỏ cortisol – một loại hormone khiến suy nghĩ và khả năng nhận thức bị suy giảm. Nhờ đó, chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn, yêu đời hơn và lạc quan hơn.

Hãy bắt đầu luyện tập bằng những bài tập workout tại nhà nếu bạn không có thời gian đến phòng gym hay trung tâm chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng thời gian bằng cách chuyển từ thang máy sang đi cầu thang bộ hay đi dạo trong công ty cứ sau một vài giờ làm việc.

6. Sống chậm lại

Sống chậm lại không có nghĩa là bạn nên "lười" đi. Bởi lẽ, đặt mình vào tình trạng bận rộn và làm nhiều việc cùng lúc là hai thứ khiến công việc của bạn trở nên kém hiệu quả. Khi chỉ tập trung vào một việc tại một thời điểm, nghĩa là não bộ dồn 100% năng lượng có thể để xử lý nó.

Ngoài tác dụng tăng năng suất, sống chậm lại còn giúp bạn giảm căng thẳng, giảm cortisol sản sinh trong não, khiến suy nghĩ trở nên chín chắn hơn và ít mắc sai lầm.

Đây là điều không dễ đàng để thực hiện nếu bạn đang có quá nhiều mối quan tâm và công việc bù đầu. Tuy nhiên, một cách đơn giản hơn để bạn hiện thực hóa nó là hãy vạch ra những việc cần làm, việc nào cần ưu tiên xử lý trước và xác định rõ thời gian cần hoàn thành. Chắc chắn là với những kết quả đạt được, bạn sẽ thấy việc giải quyết từng điều một sẽ hiệu quả và thoải mái hơn nhiều. Thế nên, hãy chậm lại và tận hưởng cuộc sống.

Hãy bắt đầu 6 thói quen này ngày hôm nay để tối ưu hóa sức mạnh não bộ cả trong công việc và cuộc sống!

Cập nhật: 18/02/2016 Vân Anh - Theo Lifehack
 

9 bí quyết giúp bạn trở nên thông minh hơn khi nói chuyện

quantrimang.com - Rèn luyện 9 thói quen này sẽ giúp bạn dễ dàng trở thành người ăn nói có duyên rất đơn giản đấy.
    Có 4 kiểu nói chuyện phổ biến trong thế giới kinh doanh:

Kiểu thứ nhất: Cách nói rời rạc, thiếu mạch lạc, sử dụng từ ngữ khó hiểu và hầu hết đều đề cập tới những vấn đề họ cảm thấy thú vị.

Kiểu thứ hai: Sử dụng lời nói để nêu ra sự kiện và quan điểm, có tính mạch lạc nhưng hiếm khi đọng lại trong lòng người nghe.

Kiểu thứ 3: Ăn nói lưu loát, ngắn gọn, rõ ràng nhưng câu từ ít có tính thuyết phục.

Kiểu thứ 4: Nói chuyện hùng hồn, sử dụng cách giao tiếp bằng miệng đi kèm ngôn ngữ cơ thể để chinh phục trái tim và tâm trí người nghe.

Những người thuộc kiểu thứ 4 khi nói chuyện thường khiến người khác cảm thấy rất thông minh, cho dù thực tế chỉ số IQ của họ không hoàn toàn được như vậy. Và điều ngược lại cũng hoàn toàn đúng – những người IQ cao mà không biết cách giao tiếp thông minh thì rõ ràng, trí thông minh của họ cũng có những hạn chế nhất định.

May mắn rằng, "ăn nói có duyên" là một kỹ năng có thể đạt được qua quá trình đào tạo, rèn luyện và nỗ lực chinh phục. Và 9 thói quen sau đây sẽ là bí kíp giúp bạn đạt được điều này rất đơn giản.

1. Đứng hoặc ngồi thẳng lưng trong tư thế thư giãn

Nghệ thuật ăn nói không đơn thuần chỉ là cách sử dụng lời nói mà nó còn là ngôn ngữ cơ thể (Body language) và tư thế lưng chính là yếu tố quan trọng góp phần giúp bạn thành công khi sử dụng các cử chỉ để truyền đạt thông điệp cho người nghe.

Ngồi sụp xuống khiến bạn mất tự tin vào lời nói và chính mình. Trong khi đó, tư thế lưng thẳng nhưng quá trịnh trọng sẽ khiến người khác có cảm giác bạn đang muốn chuẩn bị tinh thần để làm một điều gì đó (tốt hoặc không tốt). Do vậy, cách tốt nhất là hãy đứng hoặc ngồi thẳng lưng trong trạng thái thư giãn để lời nói và cử chỉ trở nên thân thiện hơn nhé.

2. Tư thế đầu hợp lý

Vị trí đầu của bạn cũng quan trọng như giữ lưng thẳng vậy. Nếu ngẩng đầu quá cao sẽ thể hiện bạn có chút kiêu hãnh và quả quyết, nhưng nếu cúi xuống nghĩa là bạn đang hạ thấp mình. Do vậy, hãy cố gắng giữ đầu ở mức vừa phải, hai mắt nhìn về phía trước, cổ thư giãn và không quá căng thẳng vì nó sẽ khiến bạn không thể phát âm từ ngữ rõ ràng.

3. Tập trung vào người nghe

Một người ăn nói có duyên nghĩa là khi nói luôn có người nghe. Ngược lại, nếu bạn nghĩ về một thứ gì khác mà không tập trung vào những gì mình đang nói hay đảo mắt xung quanh thì chắc chắn chẳng ai muốn nghe bạn. Điều này không khác gì bạn đang đọc diễn văn cả.

Do vậy, hãy lưu ý hai trường hợp đặc biệt: Tránh liếc nhìn xung quanh mà không tập trung vào người đối diện vì nó sẽ khiến bạn có vẻ thiếu chân thành và nếu buộc phải nhìn vào tài liệu đã chuẩn bị, hãy sử dụng mắt để nhìn xuống chứ không cúi đầu.

4. Không nói quá to

Nếu đang phải thuyết trình trước rất nhiều người trong một căn phòng, hãy cố gắng nói ở mức âm lượng sao cho những người xa nhất có thể nghe thấy và người gần không cảm thấy khó chịu.

4. Uyển chuyển với cử chỉ tay

Sử dụng tay của bạn để nhấn mạnh vào những điểm quan trọng. Cách dễ nhất để học kỹ năng này là xem các diễn giả và người nổi tiếng sử dụng cử chỉ khi họ nói. Ngoài ra, việc sờ kính, gãi mình hay đung đua tờ giấy cũng sẽ khiến người nghe bị phân tán và không tập trung nghe những gì bạn nói.

6. Linh hoạt khi đổi tư thế

Tăng sức mạnh cho lời nói bằng cách di chuyển cơ thể một cách phù hợp. Chẳng hạn, nếu bạn đang đứng trên sân khấu để diễn thuyết trước nhiều người, hãy cố gắng thay đổi vị trí khi muốn giới thiệu một ý tưởng mới.

Tương tự, khi ngồi trong một cuộc họp, nếu bạn muốn nhấn mạnh một ý nào đó có thể hơi cúi người một chút về phía trước. Đồng thời, điều chỉnh lại vị trí ngồi khi bạn chuyển từ chủ đề hoặc thuật ngữ này sang chủ đề hoặc thuật ngữ khác.

7. Sử dụng từ ngữ sống động và phổ biến

Muốn trở thành một người giao tiếp giỏi, bạn buộc phải loại bỏ cách sử dụng các từ ngữ sáo rỗng, thay vào đó là lời nói khiến người nghe có thể hình dung ra điều bạn muốn truyền đạt. Nếu buộc phải đề cập đến một thuật ngữ mới, hãy cố gắng giải thích một cách rõ ràng, chi tiết.

8. Nói với tốc độ khác nhau

Việc duy trì một tốc độ nói khiến câu chuyện của bạn thiếu sự cuốn hút, đơn điệu và chẳng ai muốn nghe tiếp cả. Thay vào đó, hãy cố gắng điều chỉnh giữa tốc độ nói chậm và nhanh tùy thuộc vào mức độ quan trọng của điều bạn muốn truyền đạt.

Nếu tóm tắt vấn đề hoặc giới thiệu bối cảnh, hãy cố gắng nói nhanh hơn so với khi bạn nhắc tới các thông tin mới. Ngoài ra, khi mô tả một thuật ngữ quan trọng, hãy nói chậm lại để người nghe có thể hấp thụ.

9. Sử dụng các "điểm dừng" để nhấn mạnh

Im lặng không hoàn toàn là vàng. Im lặng cũng là một bí quyết giúp bạn trở thành người ăn nói khôn ngoan hơn. Chẳng hạn, một chút dừng lại khi bạn chuẩn bị nói điều quan trọng sẽ tạo sự hồi hộp cho đối phương. Điều này khiến họ như nuốt từng lời từng chữ của bạn vậy.

Tương tự, việc dừng lại khoảng vài giây sau khi nói thứ gì đó quan trọng sẽ giúp bạn nhấn mạnh điều đó, đồng thời cho người nghe thời gian để hồi tưởng lại chúng. Bí quyết này đã từng được nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của nước Mỹ Martin Luther King vận dụng rất hoàn hảo trong bài diễn văn "I have Dream" mà ông đã đọc vào năm 1963 với mong muốn người da đen và người da trắng được đối xử bình đẳng, chung sống hoà thuận.

Tác giả: Geoffrey James

Cập nhật: 31/01/2016 Vân Anh - Theo Business Insider
 

Top 10 thói quen lãng phí thời gian cần loại bỏ

quantrimang.com - Đây chính là nguyên nhân của việc bạn luôn thiếu thời gian làm mọi thứ.
    Chúng ta luôn than vãn về việc có quá nhiều thứ phải làm trong khi thiếu thời gian. Thế nhưng, chính việc quá sa đà vào một số thói quen xấu mới khiến bạn rơi vào tình trạng như vậy. Sau đây là top 10 hành vi cực lãng phí thời gian mà bạn cần biết và xem thử liệu rằng mình đang "dính" phải trường hợp nào nhé.

1. Liên tục kiểm tra tin nhắn

Không có gì lạ khi trong thời đại công nghệ số, điện thoại của chúng ta luôn được "trang bị" đầy đủ các ứng dụng nhắn tin như Viber, Facebook, Skype, WhatsApp. Đó còn chưa kể một số phần mềm chat nội bộ để trao đổi công việc trong văn phòng hay Gmail để liên lạc với khách hàng, đối tác..... Chính vì sự "sẵn có" này khiến mỗi người dường như bị sa đà vào việc kiểm tra và trả lời thư, gây ra hiện tượng sao nhãng công việc, mất tập trung, hiệu quả giảm sút. Do vậy, để tối ưu hóa thời gian và có kết quả làm việc tốt nhất, hãy thiết lập cho mình một khoảng thời gian nhất định để kiểm tra và gửi tin nhắn trong ngày nhé.

2. Buôn chuyện

Đây là một hiện tượng rất hay gặp nếu chúng ta mất kiểm soát. Chẳng hạn, bạn đặt một lịch hẹn và bắt đầu gửi mail hoặc nhắn tin cho đối tác. Thế nhưng, thay vì chấm dứt sớm, bạn lại dành đến 20 phút chỉ để bàn một lịch hẹn trong khi có rất nhiều công việc cần làm. Đây là một phong cách làm việc không thông minh, tốn thời gian và sẽ làm giảm năng suất làm việc của bạn. Do vậy, hãy tập trung vào vấn đề chính, tránh bàn chuyện ngoài lề và ưu tiên cho những điều quan trọng trước.

3. Quá phụ thuộc vào công nghệ

Bạn có thể cài đặt rất nhiều phần mềm, ứng dụng trên điện thoại hay máy tính để hỗ trợ công việc. Tuy nhiên, đừng quá tin vào những lời hứa hẹn thay đổi cuộc sống của các nhà sản xuất. Chúng chỉ đóng vai trò là công cụ chứ không hoàn toàn thay thế con người. Thậm chí, một số chương trình còn khiến bạn tốn thời gian và không hiệu quả so với việc dùng bút và giấy đấy.

4. Làm việc hời hợt

Làm việc thiếu tập trung, qua loa và không cố gắng cũng là một thói quen khiến bạn tốn khá nhiều thời gian. Thay vì như vậy, hãy làm việc hết mình, nỗ lực đạt kết quả cao nhất và tận dụng hết khoảng thời gian bạn có.

5. Có mặt ở khắp mọi nơi

Bạn có thấy việc dừng lại nói chuyện với mọi người mọi lúc, mọi nơi dường như không thực sự cần thiết? Cởi mở, chào hỏi và dành cho nhau nụ cười mỗi lần gặp mặt là điều rất tốt để gây ấn tượng với đồng nghiệp nhưng không phải lúc nào cũng cần nán lại để nói chuyện. Bởi lẽ, thói quen này có thể dẫn tới buôn chuyện và nếu không phải chỉ 1 người mà 10 người thì bạn quá lãng phí thời gian rồi đấy. Có lẽ, bạn nên giữ một chút không gian cho riêng mình như đóng cửa phòng hay tắt điện thoại để tập trung hoàn thành nhiệm vụ chính.

6. Bất cẩn và thiếu nguyên tắc

Bạn có một ý tưởng mới hay sếp vừa giao cho bạn một nhiệm vụ. Bạn nhớ là đã ghi vào một mảnh giấy nhưng không nhớ rõ vị trí đặt nó để đến bây giờ, bạn cuống cuồng tìm kiếm nhưng chẳng thấy đâu. Gần như tất cả những người rơi vào tình huống này đều có 2 trạng thái: (1) Cố gắng nhớ ra vị trí của thứ cần tìm và (2) "ước gì" nếu để nó đúng chỗ thì giờ mình chẳng phải mất thời gian tìm kiếm.

7. Cố gắng tranh cãi về một vấn đề

Nỗ lực tranh cãi một vấn đề chỉ để chứng minh người khác thua và bạn thắng, điều này không cần thiết. Bạn có thể đưa ra ý kiến của mình và xin phép quay về hoàn thành công việc.

8. Lạm dụng đồ ăn nhanh

Đồ ăn nhanh có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian ở thời điểm hiện tại và nhanh chóng trở lại với công việc. Tuy nhiên, loại thức ăn này vô cùng có hại với sức khỏe và về lâu dài, việc bạn bị gián đoạn công việc là điều khó tránh khỏi.

9. Ngại từ chối

Bạn không nhất thiết phải hiện diện ở mọi bữa tiệc hay cuộc gặp mặt nếu như có những việc quan trọng khác cần ưu tiên. Hãy nhớ rằng việc luôn có mặt trong tất cả các buổi gặp gỡ không khiến bạn trở thành người quan trọng hơn trong mắt mọi người.

10. Chây ì

Thói quen dồn công việc để rồi chẳng bao giờ hoàn thành việc gì cả là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm cần phải được loại bỏ ngay lập tức. Bởi lẽ, nếu không làm xong sớm thì sẽ có lúc bạn phải làm việc liên tục hàng giờ, hàng ngày, tốn thời gian gấp nhiều lần so với trước để giải quyết chúng đấy.

Cập nhật: 28/01/2016 Vân Anh - Theo The Muse

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét