Cận thị không phải bệnh nguy hiểm nhưng nếu cứ mãi mắc phải những lầm tưởng sau thì không biết tương lai đôi mắt sẽ đi đâu về đâu!
Cận thị là một căn bệnh khúc xạ khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là với giới trẻ. Có nhiều nguyên nhân gây cận thị như bẩm sinh cấu tạo trục nhãn cầu mắt, thói quen sinh hoạt hàng ngày, chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng… Ở mức độ nhẹ, đây không phải là một loại bệnh quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không có phương pháp chăm sóc và giữ gìn đúng cách, mắt có thể tăng số rất nhanh, lâu dần dẫn tới những căn bệnh nguy hiểm như đục thủy tinh thể, nhược thị, bong võng mạc, mù một phần,… 5 sai lầm phổ biến mà các bạn trẻ thường hay mắc phải khiến mắt càng ngày càng cận có thể kể đến như:
Không đeo hoặc chỉ đeo kính khi học/làm việc
Một số bạn vì ngại xấu hoặc cho rằng đeo kính nhiều dễ bị phụ thuôc vào kính làm cho mắt kém hơn nên hạn chế việc đeo kính tối đa, chỉ đeo khi học hoặc cần làm việc với máy tính. Trên thực tế, kính là dụng cụ hỗ trợ cho mắt, không có nó, mắt phải cố điều tiết để nhìn rõ khiến trục nhãn cầu càng dài thêm, làm tăng độ cận. Chưa kể đến việc đeo kính thấp số hơn độ cận cũng dễ làm thị giác ngày một yếu đi.
Không tập thể dục cho đôi mắt
Bạn có thể chăm chỉ tới phòng gym để sở hữu một cơ thể lý tưởng nhưng đôi khi lại quên mất việc thể dục cho mắt. Những bài tập này chỉ kéo dài từ 3 – 5 phút nhưng giúp mắt bạn được nghỉ ngơi, cải thiện sự tập trung. Bạn có thể tham khảo 2 động tác sau:
- Chớp mắt: 2 phút đầu: chớp mắt 3 giây/lần, 2 phút sau: chớp mắt 20 giây/lần.
- Tập trung nhìn xa gần: Đặt 1 ngón tay trước mắt, cách khoảng 25 – 20 cm, tập trung nhìn cả 2 mắt vào đầu ngón tay. Sau đó chuyển ánh nhìn tập trung vào một vật khác xa hơn, cách mắt 3 – 6m. Hoán chuyển ánh nhìn gần – xa liên tục, mỗi lần giữ trong khoảng 30 giây.
Không đeo kính râm hoặc đeo kính râm không số khi đi nắng
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không đeo kính râm cũng là một tác nhân khiến mắt bị tăng số. Các tia UV có trong bức xạ mặt trời khiến mắt bạn bị lão hóa nhanh chóng, tăng nguy cơ ung thư da quanh mắt và các bệnh khác như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng. Bạn nên tập cho mình thói quen đeo kính râm do kính râm còn bảo vệ bạn khỏi các tác nhân ô nhiễm từ môi trường, giảm thiểu tình trạng viêm, đau mắt.
Bên cạnh lưu ý đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng hoặc đi xa, bạn cũng cần lưu ý lựa chọn kính râm theo số cận của mình. Nếu không, chẳng khác nào bạn bị cận mà lại đeo kính sai số, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đáng kể cho mắt.
Lười đi kiểm tra định kì khi mắt không có dấu hiệu tăng số
Đa số các bạn mắc chứng cận thị thường không có ý thức đi khám mắt định kỳ nếu như đôi mắt không có dấu hiệu mờ, mệt mỏi, đau nhức, chảy nước mắt,... Tuy nhiên khi những triệu chứng trên xuất hiện thì rất có thể đôi mắt của bạn đã chuyển qua một căn bệnh phức tạp hơn.
Tốt nhất, bạn nên đi khám kiểm tra đáy mắt ít nhất mỗi năm một lần để phát hiện sớm và phòng ngừa nguy cơ bong võng mạc do đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh nguy hiểm hơn như nhược thị, mù một phần,…
Tin rằng châm cứu hay uống thuốc bổ có thể chữa dứt điểm cận thị
Các phương pháp này không thể làm trục nhãn cầu co ngắn lại nên không thể chữa cận thị. Việc bạn áp dụng các phương pháp châm cứu, bấm huyệt hoặc uống thuốc bổ rồi thấy mắt nhìn tốt hơn chỉ là do chúng giúp tăng thể trạng cơ thể, từ đó tăng sức khỏe của mắt, cải thiện tình trạng mệt mỏi và điều tiết kém. Nếu không phẫu thuật thì hãy tin tưởng kính mắt bởi đây là công cụ chữa bệnh và khắc phục an toàn, hiệu quả nhất.
Bị cận thị lệch mà không đeo kính không phải chuyện đơn giản mà có thể dẫn tới rất nhiều hậu quả nghiêm trọng - thậm chí là hỏng hoàn toàn 1 bên mắt đấy!
Tình trạng cận lệch hiện nay rất phổ biến
Cận thị lệch là khi bị cận thị với mức độ chênh lệch 2 bên mắt (một bên cận nhẹ hơn, một bên nặng hơn). Nó được gọi là lệch khúc xạ, hay còn gọi là bất thường khúc xạ. Hiện nay, tình trạng cận thị lệch ngày càng phổ biến. Ở một số người, độ chênh lệch này không lớn, nhưng tình trạng cận lệch tới vài độ giữa 2 mắt cũng khá phổ biến.
Trong khi đó, rất nhiều người thường bỏ qua việc đeo kính (kể cả có bị cận lệch hay không) do lười, vướng víu hoặc do ảnh hưởng đến... nhan sắc, sợ mắt bị "dại"...
Trên thực tế, chúng ta vẫn chưa lường hết được hậu quả nghiêm trọng của việc cận lệch mà không đeo kính.
Hậu quả nghiêm trọng khi bị cận lệch mà không đeo kính
Khi bị cận thị lệch (hay bị lệch khúc xạ nói chung), nếu không được phát hiện và có các biện pháp điều trị sớm sẽ khiến cho mức độ cận lệch ngày càng tăng. Về lâu dài, nó sẽ dẫn đến tình trạng nhược thị.
Nhược thị là hiện tượng suy giảm khả năng hoạt động của các cơ quan thị giác, thị lực bị giảm sút nghiêm trọng và không thể điều trị bằng cách chỉnh số kính. Điều đó cũng có nghĩa là, tới khi đã mắc nhược thị mới đeo kính là quá muộn. Nguyên nhân là do thị lực của bên mắt có tật khúc xạ lớn hơn (cận nặng hơn) sẽ phát triển không bình thường, dần dần dẫn tới mất thị giác. Sự chênh lệch mức độ cận giữa hai mắt càng lớn thì nguy cơ mắc nhược thị càng cao.
Mắt bị nhược thị không những có thị lực rất thấp mà còn có thể rơi vào tình trạng mù vĩnh viễn, không thể phục hồi lại được.
Đề phòng nhược thị khi bị cận lệch
Cận thị lệch không phải bệnh nghiêm trọng, chỉ khi đã dẫn tới nhược thị thì mới gây nguy hiểm. Vì thế, chúng ta cần phải đề phòng ngay từ đầu bằng các biện pháp sau:
- Việc đầu tiên là đeo kính thường xuyên, đảm bảo độ của kính phải phù hợp với độ cận của từng bên mắt.
- Thường xuyên khám mắt và điều chỉnh độ kính khi có sự thay đổi độ cận.
- Có chế độ học tập, làm việc, nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ, ăn nhiều thực phẩm có lợi cho mắt như cá, cà rốt, bí đỏ...
- Giữ khoảng cách an toàn cho mắt khi làm việc: cách vở hoặc máy tính từ 30 - 35cm.
- Tránh làm việc với máy tính quá 2 giờ. Cứ sau 2 giờ, bạn nên dành ra khoảng 10 phút để nghỉ ngơi trước khi làm việc tiếp.
- Hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc, đảm bảo đủ 7 - 8 giờ/ngày.
- Khi bị đau mắt, không được dụi mà cần đến khám bác sĩ ngay để biết cách điều trị chính xác.
Nguồn: wiki, NEI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét