Trang

Điều trị ung thư bằng nghệ có phải là một phương pháp đúng?


Điều trị ung thư bằng nghệ có phải là một phương pháp đúng?

điều trị ung thư bằng nghệ

Vai trò của nghệ trong phòng và điều trị ung thư

Củ nghệ (Tên tiếng anh: Turmeric, tên khoa học: Curcuma longa) là một loại thảo mộc thuộc họ gừng, được trồng rộng rãi ở khu vực nhiệt đới phía Nam và Tây Nam châu Á. Củ nghệ đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước ở Ấn Độ và Trung Quốc, ngoài làm gia vị, nghệ còn dùng để điều trị các bệnh lý như bệnh da liễu, nhiễm trùng, căng thẳng và trầm cảm. Gần đây, có nhiều ý kiến còn cho rằng, có thể điều trị ung thư bằng nghệ.

trị ung thư bằng nghệ

Theo y học cổ truyền, nghệ có tác dụng hành khí, phá ứ huyết, lương huyết, thông kinh lạc. Nghệ được nhiều người sử dùng để chữa bệnh đau dạ dày, vàng da, đau bụng sau sinh, điều trị bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Trong các bài thuốc này, y học cổ truyền thường phối chế nghệ với mật ong, nhằm tăng tác dụng điều trị. Vậy, điều trị ung thư bằng nghệ và các chế phẩm từ nghệ có phải là một phương pháp đúng?

Các vấn đề sẽ được giải đáp trong bài viết:

  1. Thành phần hoạt chất có trong củ nghệ?
  2. Tiềm năng chống ung thư của Curcumin?
  3. Dùng Curcumin liều lượng như thế nào là an toàn?
  4. Đánh giá các chế phẩm nghệ trên thị trường?

I. Thành phần hoạt chất hóa học trong củ nghệ:

Năm 1815, Vogel & Pelletier đã phân lập được hoạt chất của nghệ và đặt tên là Curcumin, chiếm 2-5% trong nghệ. Curcumin với kí hiệu là hiệu C.I. 75300 làm nên màu vàng đặc trưng của nghệ. Năm 1910, Milobedzka và cộng sự mới xác định được curcumin là polyphenol kỵ nước có cấu trúc diferuloylmethane. Curcumin là một hỗn hợp gồm 77% diferuloylmethane, 18% demethoxycurcumin và 5% bisdemethoxycurcumin. Ngoài ra còn có các loại tinh dầu quan trọng khác như turmerone, atlantone, và zingiberene. Curcumin khó  hòa tan trong nước tại pH axit và trung tính; tuy nhiên dễ hòa tan trong acetone, methanol, ethanol; dễ bị phân hủy trong đường tiêu hóa[1].

II. Tiềm năng chống ung thư của curcumin:

1. Con đường cơ chế ức chế các dòng tế bào ung thư

Một nghiên cứu năm 2009  ở trường đại học Texas, Hoa Kỳ cho thấy rằng Curcumin giúp điều chỉnh sự tăng trưởng và lan rộng của các tế bào ung thư ở mức độ phân tử. Cụ thể hoạt động thông qua việc điều chỉnh các con đường truyền tín hiệu của tế bào bao gồm cả con đường sinh sản tế bào mới (cyclin D1, c-myc),con đường chống lại quá trình chết tế bào (Bcl-2, Bcl-x), con đường kích hoạt men caspase(caspase-8, 3, 9), con đường ức chế khối u (p53, p21), con đường thụ thể chết tế bào (DR4, DR5) và con đường protein kinase (JNK, Akt và AMPK)[2].

trị ung thư bằng nghệ

2.  Tế bào ung thư dạ dày

Một nghiên cứu trên mô hình động vật thí nghiệm năm 2017 về tác dụng của Curcumin trong việc ức chế tế bào ung thư dạ dày bằng cách ức chế bài tiết axit qua trung gian gastrin (hormone peptide kích thích tiết acid dạ dày) . Kết quả ghi nhận Curcumin ức chế đáng kể sự tăng sinh các tế bào ung thư dạ dày, kích hoạt con đường chết tế bào, ức chế tiết gastrin và acid dạ dày. Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ đang thực hiện nghiên cứu vai trò Curcumin trong phòng ngừa ung thư dạ dày trên bệnh nhân viêm teo dạ dày mạn tính hoặc dị sản biểu mô dạ dày ruột giai đoạn II/V (so sánh các thay đổi trong mô học ở biểu mô dạ dày (Histology Gastric Score) so với giả dược, theo dõi trong 6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay Curcumin vẫn chưa được thử nghiệm lâm sàng trên người trong điều trị ung thư dạ dày[3].

3. Tế bào ung thư tụy

Một thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ đánh giá hiệu quả của Curcumin trên 25 bệnh nhân ung thư tụy tiến triển. Bệnh nhân nhận được 8g curcumin bằng đường uống hàng ngày trong 8 tuần, tối đa 18 tháng, nghỉ mỗi 2 tháng. Người ta đo nồng độ các hóa chất trung gian gây viêm như interleukin (IL) -6, IL-8, IL-10, chất đối kháng thụ thể IL-1, sự biểu hiện trong tế bào đơn nhân máu ngoại vi của NF-κB và cyclooxygenase-2 (COX-2). 2/25 bệnh nhân có đáp ứng lâm sàng. 1 bệnh nhân ghi nhận sự ổn định nồng độ các chất chỉ dấu gây viêm liên tục trong vòng >18 tháng, chủ yếu là NF-kB và COX-2. 1 bệnh nhân được cho thấy có sự  giảm khối u (73% so với ban đầu), kèm theo sự gia tăng đáng kể các cytokine huyết thanh như (IL-6, IL-8, IL-10 và thụ thể đối kháng IL-1) từ 4-35 lần [4].  

4. Tế bào ung thư vú

Một số nghiên cứu đã mô tả tác dụng chống ung thư vú của curcumin trên các dòng tế bào ung thư vú của người loại phụ thuộc, không phụ thuộc hormon và trên tế bào đa kháng thuốc.Curcumin giúp điều chỉnh các gen ung thư vúthông qua tác động lên chu kỳ tế bào và sự tăng sinh tế bào, chết tế bào theo chu trình, lão hóa tế bào, quá trình xâm lấn và tăng sinh mạch máu. Hoạt động chủ yếu của Curcumin đáp ứng thông qua các con đường tín hiệu qua các thụ thể như NFkB, PI3K / Akt / mTOR, MAPK và JAK / STAT. Các quan sát hiệu quả của Curcumin thông qua đáp ứng miễn dịch trung gian tế bào ung thư vú trong môi trường phòng thí nghiệm. Nên nếu sử dụng curcumin như một tác nhân điều trị và phòng ngừa ung thư vú thì cần phải cân nhắc thêm vì hoạt tính sinh học đa dạng, phức tạp của Curcumin trên từng con đường tín hiệu chưa thể giải thích được. Đồng thời, hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên người bị ung thư vú[6].

5. Tế bào ung thư gan

Nhiều nghiên cứu trên tế bào ung thư gan người đã phát hiện thấy curcumin làm gián đoạn chu kỳ tế bào, có tác dụng độc tế bào (cytotoxic), chống sự tăng sinh và gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis)[7]. Một nghiên cứu nhỏ trên 12 bệnh nhân có ung thư đại trực tràng di căn vào gan cho uống Curcumin 450-3600mg/ngày trong 1 tuần trước khi phẫu thuật, thấy nồng độ Curcumin trong mô gan chưa đủ gây ra tác dụng dược lý, có thể là curcunin đã bị chuyển hóa mạnh ở nên không tới được gan[8]

6. Tế bào ung thư biểu mô đại trực tràng 

Năm 2001, một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I (mức độ động lực học và dược lực học) được thực hiện bởi Sharma và cộng sự, trên 15 bệnh nhân ung thư đại trực tràng tiến triển. Bệnh nhân được phân tầng nhận được uống Curcuma – viên thuốc đường uống cho bệnh nhân với hàm lượng 36-180mg Curcumin/viên. Liều dùng cho bệnh nhân là 1 viên/ngày, liều từ 440 đến 2200mg/ngày (36 -180 mg Curcumin/viên), trong vòng 4 tháng. Kết quả phân tích ghi nhận 1/15 bệnh nhân ung thư biểu mô đại trực tràng tại chỗ giảm nồng độ chất chỉ dấu ung thư. Kết quả cho thấy rằng chiết xuất Curcuma có thể được sử dụng an toàn cho bệnh nhân với liều tới 2,2 g mỗi ngày, tương đương 180 mg Curcumin; và Curcumin có sinh khả dụng đường uống thấp ở người vì trải qua quá trình chuyển hóa ở ruột. Tuy nhiên, đây chỉ là thực nghiệm trên nhóm nhỏ, cần thêm những thử nghiệm lâm sàng với cỡ mẫu lớn hơn trên một quần thể dân số, đánh giá mức độ đáp ứng cũng như các tác dụng phụ nếu có[9]

III. Dùng Curcumin liều lượng như thế nào là an toàn:

FDA công nhận nghệ an toàn khi sử dụng. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thuộc Liên Hợp Quốc (FAO/WHO), 1996 đề nghị mức tiêu thụ hằng ngày chấp nhận được là 0,1-3 mg/kg[13].

Có sự khác biệt về hàm lượng sử dụng nghệ trong chế độ ăn uống ở mỗi quốc gia. Theo một nghiên cứu từ Nepal, việc tiêu thụ bột nghệ lên tới 1,5 g/người/ngày, tương đương với 50 mg/ngày, tuy nhiên chưa có ghi nhận xuất hiện các tác dụng phụ ở người[14]. Ở Ấn Độ, lượng nghệ trung bình một người ăn vào có thể lên tới 2,0-2,5g mỗi ngày (tương ứng với 60-100 mg Curcumin mỗi ngày), không ghi nhận độc tính hoặc tác dụng phụ [15]. Trong một nghiên cứu được thực hiện ở Ấn Độ, cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp uống 1,2-2,1 g chất Curcumin hàng ngày trong 26 tuần chưa ghi nhận bất kỳ độc tính. 

Tuy nhiên thực tế vẫn trên một vài đối tượng đặc biệt, vẫn có các tác dụng phụ khi sử dụng nghệ, cụ thể là:

Phụ nữ mang thai và cho con bú: Củ nghệ tương đối an toàn khi sử dụng như thực phẩm trong khi mang thai hoặc cho con bú. Tuy nhiên, nghệ lại không an toàn khi sử dụng như thuốc trong thai kỳ. Vì nó có thể thúc đẩy chu kỳ kinh nguyệt hoặc kích thích co bóp tử cung, gây nguy hiểm cho thai kỳ. Không dùng thuốc dạng nghệ nếu bạn đang mang thai.

Vấn đề về túi mật: Củ nghệ có thể làm cho vấn đề về túi mật trở nên nặng nề hơn. Không sử dụng bột nghệ nếu bạn bị sỏi mật hoặc tắc nghẽn ống mật.

Rối loạn đông cầm máu: Nghệ có thể làm chậm quá trình đông máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ dễ bị bầm tím và chảy máu ở những người bị rối loạn đông cầm máu.

Bệnh tiểu đường: Curcumin có thể làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Sử dụng thận trọng ở những người mắc bệnh tiểu đường vì nó có thể làm cho hạ đường huyết.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Củ nghệ có thể gây khó chịu ở dạ dày ở một số người. Nó có thể làm cho các vấn đề về dạ dày như GERD trở nên trầm trọng hơn. Không dùng nghệ nếu nó làm nặng thêm các triệu chứng của GERD.

Tình trạng nhạy cảm với nội tiết tố như ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung: Củ nghệ có chứa Curcumin, có thể hoạt động giống như hormone estrogen. Về lý thuyết, nghệ có thể làm cho tình trạng nhạy cảm với hormone trở nên nặng hơn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy củ nghệ làm giảm tác dụng của estrogen trong một số tế bào ung thư nhạy cảm với hormone. Do đó, nghệ có thể có tác dụng có lợi đối với các tình trạng nhạy cảm với hormone.

Cho đến khi được nghiên cứu nhiều hơn, hãy cẩn trọng sử dụng nghệ nếu bạn đang gặp tình trạng nặng hơn khi tiếp xúc với hormone. 

IV. Đánh giá các chế phẩm nghệ trên thị trường

  • Bột nghệ (Turmeric powder): Bột nghệ có nguồn gốc từ củ nghệ, bằng cách lấy củ nghệ rửa sạch, thái lát, sấy khô rồi nghiền nhỏ, màu vàng đặc trưng nhờ hàm lượng Curcumin cao, giữ nguyên các thành phần hợp chất và cả tinh dầu.
  • Tinh bột nghệ (Turmeric starch): Vẫn lấy củ nghệ thái lát hoặc để nguyên cho vào máy ép, dùng dây, vải sạch để lọc lấy dung dịch lắng xuống, gạn bỏ phần tinh dầu bên trên. Tiếp đến, pha phần đã gạn với nước sạch và để trong 4h cho phần bột lắng xuống giữ lại còn phần nước nổi trên hớt bỏ đi (làm như vậy 3-4 lần để loại bỏ hết tinh dầu). Lấy phần bột lắng còn lại cho vào máy sấy để bột khô và thu được tinh bột nghệ nguyên chất
  • Viên nano nghệ (Nano Cucurmin):  Công nghệ nano là một cách tiếp cận khác nhằm cải tiến sự hòa tan của nghệ, tăng cường tính khả dụng và hoạt động sinh học bằng cách giảm kích thước hạt, thay đổi cấu trúc bề mặt và bọc curcumin trong các chất vận chuyển nano khác nhau để đưa vào các mô đích cơ thể[16].Nhờ vậy giúp cải thiện sinh khả dụng, tính hòa tan của Curcumin trong cơ thể. Tuy nhiên các nghiên cứu dừng lại ở mức phòng thí nghiệm và trên mô hình động vật mà chưa có thử nghiệm trên người.

Nhận xét:

Hiện tại chưa ghi nhận bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh tinh bột nghệ có tác dụng hiệu quả hơn bột nghệ thường. Về mặt lý thuyết thì màu vàng của nghệ là do Curcumin. Hoạt chất sinh học của nghệ cũng nhờ Curcumin, trong khi đó chưa có nghiên cứu nào ghi nhận các tinh dầu có trong nghệ là có hại, hoặc gây kích ứng da.Trong khi đó, các phương pháp chế biến thủ công không kiểm soát được hàm lượng hoạt chất, sản phẩm cuối cùng thu được  chủ yếu là tinh bột. Vậy thì tinh bột nghệ chủ yếu là một cách chế biến thủ công, vô tình loại bỏ các hoạt chất có lợi với mục đích kinh doanh, mà tác dụng thì chưa chắc đã tốt hơn nghệ tươi hoặc bột nghệ thông thường.

Công nghệ nano Curcumin là một bước tiến đầy triển vọng trong việc giải quyết về tính khả dụng sinh học thấp và tính tan kém của Curcumin. Tuy nhiên các nghiên cứu hiện tại chỉ dừng lại ở mức độ tế bào và mô hình động vật. Do đó, cần tiến hành thêm các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên người, đồng thời tiến hành đánh giá sự phân phối thuốc trúng đích đối với các tế bào ung thư, liệu pháp đơn dòng hoặc phối hợp với các loại thuốc khác.

Kết luận chung:

  • Curcumin được ghi nhận an toàn khi sử dụng, thậm chí 12-20g/ngày, hiện chưa có báo cáo về các trường hợp ngộ độc hoặc tác dụng phụ đáng kể xảy ra
  • Dùng nghệ tươi hoặc bột nghệ thông thường chi phí thấp, bảo toàn hàm lượng nồng độ hoạt chất, không gây tác dụng bất lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên vì tính hòa tan kém, dễ bị phân hủy ở đường tiêu hóa, hoạt tính sinh học nên cần nghiên cứu thêm các chế phẩm khác để cải thiện hoạt tính của nghệ.
  • Curcumin có tác dụng dự phòng và điều trị nhiều loại ung thư với ở mức độ tế bào và thí nghiệm trên mô hình chuột, hoặc trên nhóm dân số nhỏ trong phòng và hỗ trợ điều trị ung thư tụy, ung thư đại trực tràng.
  • Viên nano nghệ là sản phẩm đầy hứa hẹn giúp giải quyết các đặc tính như tăng tính sinh khả dụng và độ hòa tan của bột nghệ thông thường, tuy nhiên hiện nay các nghiên cứu đang dừng lại ở phòng thí nghiệm hoặc trên mô hình động vật, vì vậy cần thêm các nghiên cứu thử nghiệm trên người để đánh giá mức độ hiệu quả cũng như tác dụng phụ nếu có.

Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thị Kim Thương, BS, CTV Ban Y học Ruy Băng Tím

Cố vấn:  

Nguyễn Hồng Vũ, TS. (Viện nghiên cứu City of Hope, California, Hoa Kỳ)

Lê Anh Phương, TS (ĐH Quốc gia Singapore, Singapore)

Trịnh Vạn Ngữ, ThS. (ĐH SoonChunHyang, Hàn Quốc)

Tài liệu tham khảo 

  1. Prasad S, Sharma V (2014). "Curcumin, a component of golden spice: from bedside to bench and back". Biotechnol Adv. 32(6):1053-64
  2. Jayaraj Ravindran, et.al (2014). "Curcumin and Cancer Cells: How Many Ways Can Curry Kill Tumor Cells Selectively?". AAPS J, 11(3): 495–510.
  3. Shufen Zhou, et.al (2017). "Curcumin suppresses gastric cancer by inhibiting gastrin mediated acid secretion". FEBS Open Bio. 2017 Aug; 7(8): 1078–1084.
  4. Navneet Dhillon, Bharat B. Aggarwal, et.al (2008). "Phase II Trial of Curcumin in Patients with Advanced Pancreatic Cancer". American Association for Cancer Research, pp. 4491-4499
  5. Kumar P, Kadakol A, et.al (2015). "Curcumin as an adjuvant to breast cancer treatment". Anticancer Agents Med Chem, 15(5):647-56.
  6. Urmila Banik, Subramani Parasuraman, et.al (2017). Curcumin: the spicy modulator of breast carcinogenesis. J Exp Clin Cancer Res; 36: 98.
  7. Ji Wang, et.al (2018). "Curcumin inhibits the growth of liver cancer stem cells through the phosphatidylinositol 3-kinase/protein kinase B/mammalian target of rapamycin signaling pathway". Exp Ther Med, 15(4): 3650–3658.
  8. Altaf S. Darvesh et al. "Curcumin and liver cancer: a review". Curr Pharm Biotech, 13, 218-228.
  9. Sharma, R.A.; McLelland, H.R.; Hill, K.A.; Ireson, C.R.; Euden, S.A.; Manson, M.M.; Pirmohamed, M.; Marnett, L.J.; Gescher, A.J.; Steward, W.P. "Pharmacodynamic and pharmacokinetic study of oral Curcuma extract in patients with colorectal cancer". Clin. Cancer Res., 2001, 7, 1894-900.
  10. Shankar, T.; Shantha, N.V.; Ramesh, H.P.; Murthy, I.A.; Murthy, V.S. Toxicity studies on turmeric (Curcuma longa): Acute toxicity studies in rats, guinea pigs and monkeys. Indian J. Exp. Biol., 1980, 18, 73-5.
  11. NCI, D. Clinical development plan: curcumin. J. Cell Biochem. Suppl., 1996, 26, 72-85.
  12. Chainani-Wu, N. Safety and anti-inflammatory activity of curcumin: a component of turmeric (Curcuma longa). J. Altern. Complement. Med., 2003, 9, 161-8.
  13. Deodhar, S.D.; Sethi, R.; Srimal, R.C. Preliminary study on antirheumatic activity of curcumin (diferuloyl methane). Indian J. Med. Res., 1980, 71, 632-4.
  14. Eigner, D.; Scholz, D. Ferula asa-foetida and Curcuma longa in traditional medical treatment and diet in Nepal. J. Ethnopharmacol., 1999, 67, 1-6.
  15. Cheng, A.L.; Hsu, C.H.; Lin, J.K.; Hsu, M.M.; Ho, Y.F.; Shen, T.S.; Ko, J.Y.; Lin, J.T.; Lin, B.R.; Ming-Shiang, W.; Yu, H.S.; Jee, S.H.; Chen, G.S.; Chen, T.M.; Chen, C.A.; Lai, M.K.; Pu, Y.S.; Pan, M.H.; Wang, Y.J.; Tsai, C.C.; Hsieh, C.Y. Phase I clinical trial of curcumin, a chemopreventive agent, in patients with high-risk or pre-malignant lesions. Anticancer Res 2001, 21, 2895- 2900.
  16. Sharma, R.A.; Euden, S.A.; Platton, S.L.; Cooke, D.N.; Shafayat, A.; Hewitt, H.R.; Marczylo, T.H.; Morgan, B.; Hemingway, D.; Plummer, S.M.; Pirmohamed, M.; Gescher, A.J.; Steward, W.P. Phase I clinical trial of oral curcumin: biomarkers of systemic activity and compliance. Cancer Res.,2004, 10, 6847-54.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét