Trang

Trị sỏi tiết niệu bằng đông y

suckhoedoisong.vn:
Chủ nhật, 16/8/2009, 8:6 (GMT+7)

Sỏi đường tiết niệu là một bệnh khá phổ biến trên thế giới, nhất là các nước vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh chiếm một tỷ lệ đáng kể, đặc biệt ở lứa tuổi 30 - 50. Chế độ ăn uống không hợp lý, nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc sống ở vùng khô, vùng nhiệt đới là những yếu tố thuận lợi tạo thành sỏi. Sỏi tiết niệu gồm có sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.

Hình ảnh sỏi thận và sỏi niệu quản.
Y học cổ truyền gọi sỏi tiết niệu là chứng sa lâm, thạch lâm hoặc cát lâm, gồm các triệu chứng chủ yếu: đau bụng, đau lưng, tiểu tiện ra máu, tiểu tiện khó...

Nguyên nhân do thấp nhiệt kết ở hạ tiêu, làm cặn nước tiểu đọng lại, nhỏ gọi là sa, to gọi là thạch. Sa và thạch làm trở ngại đến việc bài tiết nước tiểu gây tiểu tiện khó, ứ lại gây đau. Thấp nhiệt còn gây sốt, huyết ứ trệ gây chảy máu.

Cách chữa bệnh tùy theo thể bệnh trên lâm sàng và theo nguyên tắc cấp tính trị tiêu, mạn tính hòa hoãn trị bản. Thời gian chữa trị kéo dài có thể làm sỏi nhỏ lại tự tiêu hoặc tiểu tiện bài tiết ra ngoài. Có thể làm thay đổi cơ địa giúp sỏi không tái phát (sau khi bài tiết ra hay sau khi phẫu thuật lấy sỏi). Bài viết này xin được giới thiệu tới độc giả một số bài thuốc YHCT có tác dụng điều trị sỏi đường tiết niệu.

Chỉ định điều trị bằng thuốc YHCT cho các trường hợp sau:

- Kích thước sỏi 1cm ở niệu quản.

- Trên phim sỏi tương đối nhẵn.

- Số lượng sỏi nhiều mà phương pháp phẫu thuật hoặc tán sỏi có thể không lấy hết được.

- Chống tái phát.

- Chức năng của thận bình thường hoặc tổn thương nhẹ, sỏi thường một bên.

- Bệnh nhân không chịu nổi phẫu thuật vì tuổi cao, thể trạng suy yếu.

Thể thấp nhiệt

Nguyên nhân: Do ăn nhiều các thức ăn cay nóng béo ngọt, hoặc nghiện rượu lâu ngày gây thấp nhiệt, thấp nhiệt lâu ngày làm cho cặn trong nước tiểu tụ thành sỏi.

Triệu chứng: Tiểu tiện ra máu, kèm theo đau quặn bụng, tiểu tiện nhiều lần, đái buốt, miệng đắng họng khô, bụng dưới tức trướng, chất lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch huyền hoạt.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp, thông lâm bài thạch.

Bài 1: Bát chính tán gia giảm gồm: mộc thông 9g, biển súc 12g, hoạt thạch 15g, sơn chi 12g, kim tiền thảo 30g, kê nội kim 9g, tiên hạc thảo 15g, xa tiền tử 15g, cù mạch 12g, đại hoàng 6g (cho vào sau), cam thảo 6g, hải kim sa 15g, hoa hòe 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: Kim tiền thảo 40g, tỳ giải 20g, xa tiền tử 20g, uất kim 12g, trạch tả 12g, ngưu tất 12g, kê nội kim 8g.

Sắc uống ngày một thang chia 3 lần.

Bài 3: Đạo xích tán gia vị gồm: sinh địa 16g, kim tiền thảo 40g, đạm trúc diệp 16g, xa tiền tử 20g, mộc thông 08g, kê nội kim 8g, cam thảo (sao cháy) 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

- Nếu đái ra máu thêm cỏ nhọ nồi 16g, tiểu kế 12g.

- Nếu đau nhiều thêm ô dược 8g, diên hồ sách 8g, uất kim 8g.

Thể can uất khí trệ

Nguyên nhân: Do tinh thần không thư thái, cáu giận tổn thương can, gây nên can uất khí trệ, khí trệ không tuyên thông uất hóa hỏa, hỏa uất ở hạ tiêu, ảnh hưởng khí hóa của bàng quang, dẫn tới tiểu tiện khó, đau, tiểu không hết bãi.

Triệu chứng: Tiểu tiện ra máu, đái buốt, đái rắt, ấn vùng thận đau, ngực sườn đầy trướng, chất lưỡi tối hoặc có ban ứ huyết, mạch huyền sáp.

Pháp điều trị: Hành khí lợi tiểu, thông lâm bài thạch.

Bài 1: Thạch vĩ tán gia giảm gồm: thạch vĩ, tang bạch bì, phục linh, xa tiền tử, chi tử, kim tiền thảo đều 12g; hoạt thạch 16g; cam thảo, mộc thông 6g. Sắc uống trong ngày.

Bài 2: Tứ vật đào hồng thang gia giảm gồm: đào nhân 12g, xuyên khung 8g, ngưu tất 8g, hoạt thạch 15g; kê nội kim, mộc thông, trạch tả, ô dược, xuyên luyện tử đều 9g; hồng hoa, đương quy, đông quỷ tử đều 12g; kim tiền thảo 30g; hải kim sa, xa tiền tử đều 15g.

Bài 3: Kim tiền thảo 40g; xa tiền tử 20g; đào nhân, uất kim, chỉ xác, đại phúc bì, kê nội kim đều 8g, ý dĩ 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể thận âm hư suy

Nguyên nhân: Sỏi lâu ngày không khỏi, thấp nhiệt gây hao thương chính khí, hoặc tuổi già, bệnh lâu ngày cơ thể bị hư nhược, hoặc tiên thiên bất túc, lao lực quá độ, dẫn tới thận âm suy hư, âm hư hỏa vượng, hư hỏa bức huyết vong hành gây nên tiểu tiện ra máu.

Triệu chứng: Tiểu tiện ra máu, bụng dưới trướng đầy, lưng gối mềm yếu, đầu váng tai ù, triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, chất lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế sác.

Pháp điều trị: Tư âm giáng hỏa, thông lâm bài thạch.

Bài thuốc: Bổ thận bài thạch thang gồm: tri mẫu, thục địa, trạch tả, đương quy, hoàng bá đều 12g, kê nội kim 9g, mộc thông 9g; cam thảo, sơn thù đều 6g, kim tiền thảo 30g; hải kim sa, xa tiền tử, hoàng kỳ 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

Những điểm cần lưu ý trong quá trình điều trị

- Uống nhiều nước: 1.500 - 3.000ml/ngày trong thời gian điều trị.
- Điều chỉnh pH nước tiểu duy trì ở mức 5-7.
- Sỏi urat: Hạn chế ăn thịt, làm nước tiểu kiềm bằng uống thêm bicarbonat.
- Sỏi oxalat: Hạn chế ăn cua, ốc, cá.
- Sỏi photphat: Hạn chế ăn trứng, sữa, làm nước tiểu toan bằng uống cam, chanh.
- Chống nhiễm khuẩn.
Điều trị sỏi tiết niệu bằng thuốc YHCT có kết quả tốt nhưng phải theo dõi xét nghiệm chức năng thận và có chỉ định điều trị bảo tồn đúng đắn sẽ giúp người bệnh tránh được phẫu thuật và các nguy cơ tai biến của ca phẫu thuật.

ThS.BS. Trần Thái Hà


suckhoedoisong.vn
Chủ nhật, 5/12/2010, 6:19 (GMT+7)

Theo ước tính Việt Nam có 3% dân số (2,5 triệu người) mắc sỏi tiết niệu trong năm 2010 và có xu hướng ngày càng gia tăng. Hầu hết những người bị sỏi tiết niệu ở vào khoảng 40-50 tuổi. Có nhiều yếu tố gây bệnh sỏi tiết niệu như: di truyền, các dị dạng bẩm sinh đường tiết niệu, nhiễm khuẩn, chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý...

Sỏi tiết niệu là gì?

Sỏi tiết niệu được hình thành do sự lắng đọng của một số tinh thể trong nước tiểu ở đường niệu. Tùy theo vị trí, bệnh được gọi tên khác nhau như: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang.

Sỏi đường niệu hay xảy ra ở người lớn tuổi và rất hay tái phát. Bệnh dễ gây ra tắc nghẽn đường tiểu và từ đó gây nên hiện tượng nhiễm khuẩn tiểu, nặng hơn có thể gây thận ứ nước và suy thận mạn, một biến chứng gây tàn phế suốt đời cho bệnh nhân. Ngoài ra, sỏi niệu nhất là sỏi niệu quản thường gây ra cơn đau quặn thận…Chính vì vậy, bệnh sỏi đường niệu đã và đang là vấn đề được mọi người quan tâm.

Hình ảnh sỏi thận.

Biểu hiện của bệnh:

- Người bệnh rất đau đớn mỗi khi đi tiểu. Tiểu buốt, gắt, tiểu són, nước tiểu màu hồng do có sự hiện diện của máu.

- Bệnh nhân sẽ sốt cao nếu sỏi đường tiết niệu bị nhiễm trùng.

- Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh có thể có cảm giác ớn lạnh, lạnh run, buồn nôn và khi sốt.

Do hình thành một cách âm thầm và đến khi sỏi to bệnh nhân lên cơn đau đột ngột, dữ dội ở vùng thắt lưng, lan xuống vùng hạ vị, đến vùng bẹn và cơ quan sinh dục. Cơn đau thường xuất hiện sau khi vận động mạnh, khiến sỏi di chuyển tới chỗ chít hẹp, gây tắc đường niệu.

Nên uống nhiều nước để phòng ngừa sỏi thận.

Bệnh có nguy hiểm?

Sỏi tiết niệu gây tắc đường niệu nên có thể dẫn tới nhiều biến chứng: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, choáng nhiễm khuẩn....Nếu không được điều trị kịp thời, chức năng thận sẽ bị suy giảm, gây tăng huyết áp…Bệnh nhân có thể tử vong.

Bệnh sỏi niệu có thể phòng ngừa?

Do bệnh rất hay tái phát nên việc phòng bệnh là rất cần thiết. Theo các chuyên gia khoa tiết niệu cho biết: "Chế độ thực phẩm trong ăn uống và vận động khiến cấu tạo của sỏi tiết niệu ở nhiều người rắn chắc nên thường gây khó khăn cho việc điều trị. Với những bệnh nhân đã phẫu thuật cần lưu ý đến chế độ ăn hàng ngày hợp lý, không quá nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi... Không nén nhịn khi buồn đi tiểu. Nên uống nhiều nước khoảng 2 lít nước để mỗi ngày bài tiết được hơn 1,5 lít nước tiểu. Nếu có dấu hiệu tiểu buốt, dắt thì nên dùng sớm các loại lợi tiểu sẵn có như râu ngô, mã đề...

Cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu đã bị sỏi, tránh các biến chứng.

Bác sĩ Vũ Thị Thu

suckhoedoisong.vn
Thứ tư, 3/11/2010, 15:10 (GMT+7)

Bệnh sỏi đường tiết niệu đã được biết đến từ 5000 năm trước Công nguyên. Hiện nay, sỏi tiết niệu là một bệnh phổ biến ở các nước. Tần suất mắc bệnh chiếm từ 1 - 14% dân số tùy từng vùng, thay đổi theo chủng tộc, nghề nghiệp, giới tính.

Sỏi tiết niệu bao gồm sỏi đường trên (thận và niệu quản) và sỏi đường dưới (bàng quang và niệu đạo).

Trong vài thập niên gần đây đã có nhiều thay đổi trong các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu: nghiêng về nội khoa, tán sỏi hơn là can thiệp phẫu thuật.

Thầy thuốc chọn các phương pháp điều trị dựa vào: vị trí của sỏi, kích thước của sỏi, thành phần của sỏi, mức độ tắc nghẽn, chức năng thận, nhiễm khuẩn, cường độ và tần suất xuất hiện đau.

Sỏi tiết niệu thường bị tái phát. Nếu không điều trị sớm và đúng cách, bệnh sẽ diễn biến tới suy thận giai đoạn cuối và cần điều trị thay thế bằng chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc màng bụng liên tục ngoại trú hay ghép thận.

Trong điều trị nội khoa, cùng với chế độ ăn ít calci, ít oxalat, nhiều chất xơ, uống nhiều nước hàng ngày, các thuốc được lựa chọn để điều trị sỏi tiết niệu là:

Thuốc có tác dụng bào mòn, tan sỏi, tống sỏi

Các thuốc trong nhóm này sẽ làm giảm kết dính các tinh thể. Thuốc có hiệu quả ở những trường hợp sỏi nhỏ, bề mặt sỏi nhẵn, vị trí thấp. Gồm có:

- Kim tiền thảo với thành phần desmodium styracifolium có tác dụng giảm kết dính, tiêu viêm, giảm đau. Đây là dược liệu được sử dụng lâu đời ở Trung Quốc và Việt Nam, thịnh hành trong điều trị sỏi tiết niệu. Các công ty dược phẩm đã dùng các kỹ thuật bào chế hiện đại để sản xuất kim tiền thảo đơn thuần dưới dạng viên bao đường hoặc viên bao phim.

Phụ nữ có thai, nuôi con bú và trẻ em không nên dùng kim tiền thảo.

Ngoài kim tiền thảo, các lương y còn thêm râu ngô, bông mã đề, rễ cỏ tranh làm thang thuốc cho người bệnh uống hàng ngày.

- Thuốc có thành phần: cao hạt chuối hột, cao rau om, cao rau mèo, cao hạt lười ươi. Hoặc pinene, camphene cineol, fenchone, borneol, anethol, olive oil. Thuốc có tác dụng thải trừ sỏi, giảm viêm, tăng luồng máu qua thận và làm tăng thể tích nước tiểu, giảm đau, giảm co thắt đường niệu. Vì vậy có tác dụng thuận lợi cho đào thải sỏi cũng như ngăn ngừa sỏi tái phát.

- Dung dịch hemiacidrin chứa magnesium hydroxycarbonat, magnesium acid citrat, citric acid, anhydrous D gluconic acid và calcium carbonat được đưa trực tiếp vào niệu quản, thận, tiếp xúc với sỏi qua ống thông niệu quản hoặc qua da để hòa tan sỏi. Ở Việt Nam chưa có kinh nghiệm về thuốc và phương pháp điều trị này.

Sỏi tiết niệu thường bị tái phát.

Thuốc có tác dụng hạn chế tạo thành sỏi

- Thuốc lợi tiểu nhóm thiazid gây tăng đào thải calci niệu. Thuốc có thể gây mất nước, tụt huyết áp.

- Dung dịch kiềm natribicarbonat. Pha 5g muối bicarbonat trong 500ml nước đun sôi để nguội uống trong ngày có tác dụng phòng sỏi urat trong bệnh gut.

- Orthophosphat để đào thải pyrophosphat ra nước tiểu có tác dụng ức chế kết dính phosphat calci tạo sỏi.

- Kali citrat để phòng ngừa sỏi acid uric, sỏi cystine.

Thuốc chống co thắt, giảm đau

Trong sỏi tiết niệu có triệu chứng đau do co thắt niệu quản, do tắc nghẽn. Tùy theo đau ít hay nhiều, có thể chọn một trong các thuốc sau:

- Papaverin: hiện ít dùng.

- Alverin citrat (spasmaverin). Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

- Spasfon (viên 80mg, ống 40mg).

- Drotaverin (viên 40mg, ống 40mg).

- Buscopan (viên 10mg, ống 20mg).

Thuốc kháng sinh khi có biến chứng bội nhiễm

Trong sỏi tiết niệu tái phát, sỏi to san hô có bội nhiễm, các thầy thuốc thường chọn một trong các nhóm sau dựa vào thể trạng người bệnh và kinh nghiệm của thầy thuốc:

- Nhóm cephalosporin thế hệ 2, thế hệ 3, thế hệ 4.

- Nhóm quinolon dưới dạng viên hoặc ống: ciprofloxacin, levofloxacin, norfloxacin, ofloxacin.

- Rất thận trọng khi chỉ định nhóm aminoglycosides vì độc thận.

Việc điều trị nội khoa trong bệnh sỏi tiết niệu cần được tiến hành sớm, kịp thời, hiệu quả và theo dõi định kỳ tốt để tránh chuyển đến suy thận mạn.

PGS.BS. Trần Văn Chất
(Bệnh viện Bạch Mai)

suckhoedoisong.vn
Thứ sáu, 11/12/2009, 14:55 (GMT+7)

Sỏi tiết niệu là một bệnh thường gặp, tùy theo vị trí phát sinh mà người ta phân ra sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang... Trong y học cổ truyền, sỏi tiết niệu thuộc phạm vi chứng "Thạch lâm" với nguyên nhân chủ yếu là do cảm nhiễm thấp nhiệt bên ngoài, ăn quá nhiều đồ cay nóng, béo ngọt, uống rượu vô độ, rối loạn tình chí lâu ngày làm tổn thương các tạng phụ khiến thấp nhiệt nội sinh tụ lại ở đường tiết niệu mà tạo thành sỏi.

Ốc nhồi.

Phương pháp trị liệu sỏi tiết niệu có hai nhóm: phẫu thuật (bao gồm cả tán sỏi ngoài cơ thể) và dùng thuốc. Nhưng dù sử dụng phương thức nào đi nữa thì vấn đề hỗ trợ trị liệu và dự phòng tái phát bằng ăn uống vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng, trong đó có việc sử dụng các món ăn - bài thuốc theo kinh nghiệm của y học cổ truyền. Xin được dẫn ra một số ví dụ cụ thể để độc giả tham khảo và vận dụng.

Bài 1: Kê nội kim (màng màu vàng ở bên trong mề gà) 1 - 2 cái, rửa sạch, thái chỉ xào với rau ăn hàng ngày. Chú ý không đun quá lâu để tránh làm giảm tác dụng của thuốc. Có công dụng tiêu thạch hoá ứ, dùng rất tốt cho người bị sỏi tiết niệu.

Bài 2: Da nhím 50g, kê nội kim sống 50g, mật ong 500 ml. Hai vị sấy khô, tán bột, đem đun với mật ong, cô lại thành dạng cao đặc, đựng trong bình kín dùng dần, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 thìa cà phê với nước ấm. Có công dụng hoá ứ bài thạch.

Bài 3: Bàng quang lợn 2 cái, tam thất bột 10g. Bàng quang lợn rửa sạch, hầm lửa nhỏ trong 2 giờ, sau đó thái miếng, chấm với bột tam thất, chia ăn 2 lần trong ngày. Có công dụng hóa ứ chỉ huyết, dùng rất tốt cho trường hợp sỏi tiết niệu gây đái ra máu.

Bài 4: Ốc đồng 1 bát, rượu trắng 3 bát. Ốc làm sạch, xào chín rồi đổ rượu vào đun nhỏ lửa, cô lại còn chừng 1 bát, uống mỗi ngày 5 ml. Có công dụng thanh nhiệt, lợi niệu, bài thạch.

Bài 5: Kim tiền thảo 30g, sắc lấy nước rồi ninh với 90g ý dĩ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Có công dụng lợi niệu, bài thạch, thông lâm.

Bài 6: Đậu xanh 60g, xa tiền tử (đựng trong túi vải) 30g, hai vị đem nấu chín bằng nồi đất rồi ăn. Có công dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu thông lâm.

Bài 7: Bầu tươi 1 quả, mật ong lượng vừa đủ. Bầu gọt vỏ, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước rồi hoà với mật ong, chia uống vài lần trong ngày. Có công dụng lợi niệu bài thạch.

Bài 8: Khế tươi 5 quả, mật ong lượng vừa đủ. Khế rửa sạch, thái miếng rồi cho vào nồi sắc với 3 bát nước, cô lại còn 1 bát, hoà mật ong chia uống 2 lần trong ngày. Có công dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, đặc biệt tốt với sỏi bàng quang, viêm bàng quang.

Bài 9: Râu ngô 50g rửa sạch, sắc lấy nước uống thay trà trong ngày. Có công dụng thanh nhiệt hoá thạch.

Bài 10: Kim tiền thảo 50g, kê nội kim 2 cái. Hai vị rửa sạch, sắc uống. Có công dụng thanh nhiệt lợi niệu, tiêu tích bài thạch.

Bài 11: Vỏ bí xanh 60g, râu ngô 60g, vỏ quả cau 30g. Tất cả rửa sạch, sắc với 4 bát nước lấy còn 1 bát, hoà thêm một chút đường phèn, chia uống vài lần trong ngày. Có công dụng thanh nhiệt, lợi niệu, hoá thạch.

Bài 12: Địa phu tử 30g, hải kim sa 10g, cam thảo sống 6g. Địa phu tử và hải kim sa cho vào túi vải hãm với nước sôi trong bình kín cùng với cam thảo, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Có công dụng thanh nhiệt, lợi niệu, thông lâm.

Bài 13: Thạch vi 300g, xa tiền tử 300g, chi tử 150g, cam thảo 90g. Tất cả đem sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 30g cho vào túi vải, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Có công dụng lợi thuỷ thông lâm, thanh nhiệt giải độc.

Bài 14: Hải kim sa 30g, cây hublông (cây men bia) 30g, phượng vĩ thảo 30g, kim tiền thảo 30g. Tất cả phơi khô, tán vụn, trộn đều, mỗi ngày lấy 30g cho vào túi vải hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Có công dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu thông lâm.

Các món ăn - bài thuốc nêu trên đều rất đơn giản, rẻ tiền, dễ kiếm và dễ dùng. Để đạt được hiệu quả, cần chú ý sử dụng kiên trì và thường xuyên.

Ốc đồng.

ThS. Hoàng Khánh Toàn


suckhoedoisong.vn
Thứ sáu, 17/10/2008, 17:12 (GMT+7)

Sỏi đường niệu ngày một gia tăng

Sỏi đường niệu là hiện tượng kết sỏi ở đường tiết niệu bao gồm: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và một số trường hợp có cả sỏi niệu đạo thường là do sỏi từ bên trên đi xuống. Bệnh hay xảy ra ở người lớn tuổi, ít xảy ra ở trẻ em và thường có tiền sử bệnh lâu dài qua nhiều năm. Theo nhiều thống kê của Tổ chức Y học Thế giới, bệnh ngày một gia tăng nhất là ở các nước nghèo và các nước đang phát triển. Bệnh lại rất hay tái phát. Chính vì vậy, bệnh sỏi đường niệu đã và đang là vấn đề quan tâm sâu sắc của nhiều người và của ngành y học.

Sỏi thận.
Bệnh dễ gây ra tắc nghẽn đường tiểu và từ đó gây nên hiện tượng nhiễm khuẩn tiểu, nặng hơn có thể gây thận ứ nước và suy thận mạn, một biến chứng gây tàn phế suốt đời cho bệnh nhân. Ngoài ra, sỏi niệu nhất là sỏi niệu quản thường gây ra cơn đau quặn thận, đau đến nỗi mà ai bị một lần là nhớ đời. Cụ Nguyễn Du ngày xưa đã mô tả cảnh Kim Trọng gặp Thúy Kiều: “Khi tựa gối, lúc cúi đầu, khi kề khúc mặt khi chau đôi mày”. Có lẽ chẳng phải cảm động vì gặp nhau đâu mà vì Kim Trọng đang bị đau quặn thận do sỏi niệu quản đấy (NV). Đau quá không có biện pháp giảm đau nào hữu hiệu cả.

Người mắc bệnh sỏi niệu lâu ngày nếu không được điều trị tốt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, lao động và sinh hoạt hằng ngày. Việc điều trị cũng khá tốn kém và là gánh nặng cho ngân sách bản thân, gia đình và xã hội.

Ai hay bị bệnh sỏi tiết niệu?

Bệnh sỏi đường tiết niệu hay xảy ra ở thận nhất, kế đó là sỏi niệu quản, sỏi bàng quang ít gặp hơn còn sỏi kẹt niệu đạo chỉ xảy ra ở đàn ông. Vì niệu đạo của đàn ông dài, sỏi khó thoát ra ngoài theo dòng nước tiểu.

Sỏi thường xảy ra ở đàn ông, với tỷ lệ 5 đàn ông mới có 1 phụ nữ mắc bệnh. Tuổi mắc sỏi niệu ở đàn ông trung bình từ 20 – 40 tuổi còn phụ nữ lại từ 25 – 40 tuổi. Tuy nhiên đến năm 55 tuổi trở lên, phụ nữ lại có nhiều người bị sỏi niệu. Nguyên nhân được các chuyên gia y học cho rằng do có sự thay đổi về nội tiết tố nữ và tình trạng loãng xương gia tăng ở lứa tuổi mãn kinh. Ở trẻ em, bệnh nhân mắc sỏi niệu thường dưới 10 tuổi, lứa tuổi từ 10 – 18 tuổi lại ít bị sỏi niệu hơn. Cũng chưa có lời lý giải nào khả dĩ chấp nhận được cho tình trạng trên.

Các chuyên gia về tiết niệu Trung Quốc nhận thấy rằng: sỏi niệu thường xảy ra ở người nông thôn hơn là người thành thị, những người sống ở các vùng ven biển và các vùng núi đá vôi, nguồn nước chứa quá nhiều canxi cũng dễ bị bệnh hơn các vùng khác.

Người ta thấy rằng những chủng tộc khác nhau có tỷ bệnh sỏi niệu khác nhau. Theo y văn thì những người da đen và những người ở vùng nhiệt đới có tỷ lệ mắc bệnh tương đối thấp. Có tới 30% bệnh nhân sỏi niệu có yếu tố di truyền trong gia đình. Có người cho rằng không có yếu tố di truyền trong gen của những người này mà do họ chung sống trong một gia đình, có cùng chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng như lao động nên dễ phát sinh bệnh sỏi niệu. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là sỏi niệu ở những bệnh nhân có yếu tố di truyền rất hay tái phát và thường khó điều trị.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh sỏi niệu

Sỏi niệu có liên quan khá mật thiết đến tình trạng khí hậu và thời tiết nơi sinh sống: khi khí hậu trở nên nóng bức, mồ hôi ra nhiều và nước tiểu bị cô đặc làm cho các tinh thể muối trong nước tiểu bị bão hòa và dễ bị kết tủa tạo sỏi trong thận hoặc bàng quang. Việc phát bệnh sỏi niệu cũng liên quan mật thiết đến mùa: mùa hè và mùa thu bệnh dễ mắc hơn mùa xuân và mùa đông. Việc uống nhiều thức uống chứa đường trong mùa hè cũng là nguyên nhân gây sỏi niệu.

Sỏi niệu có liên quan mật thiết đến nghề nghiệp của bệnh nhân: những người làm việc ở môi trường nắng nóng như thợ luyện kim, công nhân xây dựng, thủy thủ, những người làm việc trí óc căng thẳng như bác sĩ, nhân viên văn phòng... dễ bị mắc bệnh hơn những người làm nghề lao động phổ thông. Có những công trình nghiên cứu cho thấy bệnh sỏi niệu có liên quan đến các loại hormon gây stress ở người.

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh bệnh, những người uống nhiều loại nước có chất canxi rất dễ bị bệnh, việc uống sữa quá nhiều cùng với các chất pha thêm vào sữa như melamin vừa qua cũng tăng nguy cơ gây bệnh vì tăng hàm lượng canxi hấp thu vào cơ thể. Uống ít nước, ăn quá mặn, ăn nhiều các thức ăn giàu canxi có mặt tốt nhưng cũng tăng nguy cơ bị bệnh lên cao.

Bệnh sỏi niệu có thể phòng ngừa được

Việc uống đủ nước, nhất là khi thời tiết quá nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao, phòng tránh và điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, có một chế độ ăn hợp lý, không quá nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi... là chúng ta có thể tránh được căn bệnh gây nhiều tác hại và đang là tiêu điểm của dư luận như hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam
(Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh)

suckhoedoisong.vn
Thứ tư, 8/6/2011, 8:21 (GMT+7)

Sỏi đường tiết niệu là sỏi ở các vị trí: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, có tiền sử bệnh nhiều năm, ít thấy ở trẻ em. Mùa hè nóng nực, cơ thể tiết nhiều mồ hôi nên nước tiểu bị cô đặc, nếu phối hợp với viêm nhiễm… thì rất dễ tạo thành sỏi ở hệ tiết niệu. Làm thế nào để phòng tránh bệnh sỏi tiết niệu, nhất là trong mùa nắng nóng này? Câu giải đáp sẽ có ở bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu

Sỏi đường tiết niệu gặp nhiều nhất ở thận, tiếp theo là sỏi niệu quản, sỏi bàng quang ít gặp hơn, sỏi niệu đạo chỉ gặp ở nam giới, có lẽ do niệu đạo của nam dài, sỏi khó thoát ra ngoài theo dòng nước tiểu. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam so với nữ là 5/1. Độ tuổi thường mắc sỏi niệu ở nam là từ 20 - 40 tuổi, còn phụ nữ từ 25 - 40 tuổi. Nhưng ở độ tuổi từ 55 trở lên, tỉ lệ phụ nữ lại mắc bệnh có chiều hướng tăng lên. Lý giải điều này, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, do có sự thay đổi về nội tiết tố nữ và tình trạng loãng xương gia tăng ở lứa tuổi mãn kinh, nên bệnh sỏi tiết niệu ở phụ nữ tăng lên. Đối với trẻ em, lứa tuổi mắc bệnh thường gặp ở dưới 10 tuổi, còn từ 10 - 18 tuổi lại ít bị sỏi niệu hơn. Khoảng 30% bệnh nhân sỏi tiết niệu có yếu tố di truyền và những bệnh nhân này rất hay tái phát sỏi, điều trị khó. Một nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy: người nông thôn mắc bệnh sỏi nhiều hơn người thành thị, người sống ở các vùng ven biển và các vùng núi đá vôi dễ bị bệnh hơn các vùng khác.

Bệnh sỏi tiết niệu chịu ảnh hưởng rõ rệt của khí hậu: trong mùa hè nóng bức, mồ hôi ra nhiều và nước tiểu bị cô đặc làm cho các tinh thể muối trong nước tiểu bị bão hòa và dễ bị kết tủa tạo sỏi. Mùa hè và mùa thu bệnh dễ mắc hơn mùa xuân và mùa đông. Nếu uống nhiều nước ngọt trong mùa hè cũng là nguyên nhân gây sỏi niệu. Người làm việc ở môi trường nắng nóng như công nhân luyện kim, xây dựng, nông dân, thợ đốt lò gạch, ngói, vôi, thợ rèn… dễ mắc bệnh. Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh: người uống nhiều loại nước có chất canxi như sữa, ăn quá mặn, ăn nhiều các thức ăn giàu canxi cũng tăng nguy cơ bị bệnh.

Các loại sỏi tiết niệu

Thường gặp có nhiều nguyên nhân phối hợp để tạo sỏi, còn một nguyên nhân gây sỏi thì ít gặp hơn. Có các loại sỏi tiết niệu khác nhau về bản chất hóa học, do các nguyên nhân đặc thù gây ra gồm: Một là sỏi canxi, chiếm 90% trường hợp, do nước tiểu quá bão hòa muối canxi mà tạo sỏi. Có thể do thiếu hay giảm citrat niệu: vì citrat có tác dụng ức chế sự kết tinh muối canxi, nên khi citrat niệu giảm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo sỏi như trong các trường hợp toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ K+ máu. Hai là sỏi urat: khi tăng acid uric máu (như trong bệnh gút) nước tiểu bị bão hòa acid uric và tạo sỏi, nếu phối hợp với tình trạng toan hóa nước tiểu thì acid uric càng dễ kết tinh. Ba là sỏi struvit: do nhiễm khuẩn tiết niệu, vi khuẩn tiết ra men urease làm phân hủy urê, tạo thành amoniac (NH4OH) chất này bị phân hủy tạo thành amonium NH4+ và OH- gây kiềm hóa nước tiểu. Từ đó struvit (MgNH4PO4.6H2O) được tạo thành, nếu nước tiểu kiềm hóa thì chất này khó hòa tan và tạo thành sỏi. Bốn là sỏi oxalat: do di truyền gây loạn dưỡng oxalat, khi tăng oxalat niệu là điều kiện tạo sỏi oxalat canxi. Năm là sỏi cystin: do yếu tố di truyền, rối loạn vận chuyển cystin ở ống thận và ở niêm mạc ruột. Sỏi cystin thường kèm bệnh ống thận di truyền với biểu hiện đa niệu, hạ K+ máu. Trên thực tế sỏi tiết niệu thường là sỏi hỗn hợp, từ sỏi không có canxi (các loại sỏi struvit, acid uric, cystin) nhưng sau đó lắng đọng canxi, nên sỏi tiết niệu hầu hết là sỏi cản quang.

Chữa trị và phòng bệnh

Tùy trường hợp cụ thể mà dùng một hay nhiều hơn các biện pháp sau đây: uống thuốc Tây hoặc thuốc Nam làm tan sỏi, phối hợp thuốc lợi tiểu để đẩy sỏi ra ngoài. Tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua nội soi, lấy sỏi qua soi niệu quản, lấy sỏi niệu đạo. Mổ lấy sỏi trong các trường hợp: sỏi to, sỏi san hô bể thận, sỏi gây biến chứng ứ nước, ứ mủ, sỏi do nhiễm khuẩn, sỏi trên dị tật tiết niệu… Điều trị triệu chứng và biến chứng như: nhiễm khuẩn, viêm thận bể thận cấp, mạn, suy thận, điều trị đái máu, cơn đau quặn thận…

Phòng bệnh bằng các biện pháp: uống đủ nước, nhất là khi thời tiết quá nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao. Phòng tránh và điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Ăn uống hợp lý, không ăn nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi...

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Biểu hiện của sỏi tiết niệu rất đa dạng, tùy thuộc vào vị trí, kích thước của sỏi và các biến chứng do sỏi gây ra. Dấu hiệu thường gặp là: nhiễm khuẩn tiết niệu gây đái buốt, đái rắt, đái đục, đái mủ, có khi đái ra sỏi. Ðau với các tính chất: đau dữ dội, thường được gọi là “cơn đau quặn thận”, khởi phát từ các điểm niệu quản, lan dọc theo đường đi của niệu quản xuống phía gò mu hay bìu, đau xuyên cả ra hông, lưng. Ðau âm ỉ nếu sỏi to vừa hay sỏi lớn nhưng nằm ở bể thận. Sỏi niệu quản di chuyển theo dòng nước tiểu nên gây cơn đau nhẹ hơn. Ðau hông lưng do ứ nước bể thận, do sỏi gây tắc nghẽn niệu quản. Ðau kèm theo bí đái do sỏi bít tắc ở cổ bàng quang hoặc lọt ra niệu đạo. Ðái máu: khi sỏi di chuyển bên trong niệu quản gây đau kèm đái ra máu. Sốt cao, rét run kèm theo triệu chứng đau hông lưng, đái buốt, đái rắt, đái mủ là dấu hiệu của viêm thận, bể thận cấp. Chụp Xquang, siêu âm: phát hiện sỏi. Soi bàng quang phát hiện sỏi và tình trạng viêm niêm mạc bàng quang. Xét nghiệm nước tiểu thấy vi khuẩn, tế bào mủ, chất gây sỏi…

BS. Ninh Hồng

suckhoedoisong.vn

BS. Nguyễn Đức Kiệt

Sỏi đường tiết niệu nói chung, sỏi thận nói riêng là một bệnh phổ biến ở nước ta. Các điều kiện thuận lợi cho việc hình thành sỏi tiết niệu là uống ít nước, ứ trệ nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu, thay đổi độ pH nước tiểu. Những viên sỏi nhỏ có thể tự ra ngoài theo nước tiểu. Những viên sỏi to nằm lại trong đài bể thận hoặc trong bể thận rồi phát triển to dần choán hết đài bể thận, gây ra những tai biến nghiêm trọng làm hủy hoại thận và các chức năng của cơ quan này. Bệnh có đặc điểm chung là thường có biến chứng nhiễm khuẩn, dẫn đến suy thận mạn tính rất nguy hiểm.

Hoa gạo.
Tùy theo thành phần hóa học, người ta thấy loại sỏi có calci (calci phosphat, calci oxalat, loại hỗn hợp cả oxalat và phosphat) và sỏi không có calci như acid uric, systin... Tùy theo vị trí của sỏi có sỏi thận (đài, bể thận), sỏi niệu quản và sỏi bàng quang. Dù loại sỏi nào thì sự hình thành sỏi thận cũng theo 3 giai đoạn: tạo nhân, dính các phân tử vào thượng bì đường niệu và lắng đọng, to dần thành sỏi. Các điều kiện thuận lợi cho việc hình thành sỏi tiết niệu là uống ít nước, ứ trệ nước tiểu, calci niệu tăng, citrat niệu thấp, pH niệu mất bình thường và nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Người bị sỏi tiết niệu có một hoặc nhiều triệu chứng sau đây: đau, tức, nặng vùng thắt lưng, cơn đau quặn thận; đái ra máu, đái buốt, đái rắt, đái đục; có thể sốt và nếu để lâu, có thể có các biểu hiện của ứ nước, ứ mủ ở thận, đái ít, vô niệu hoặc suy thận cấp hay mạn tính. Chẩn đoán xác định sỏi tiết niệu chủ yếu dựa vào siêu âm hoặc chụp Xquang.

Theo Đông y, bệnh sỏi tiết niệu được gọi là thạch lâm, nguyên nhân hoặc do ngày thường ăn nhiều thức ăn cay nóng, hóa sinh thấp nhiệt, uất kết lâu ngày rồi dồn xuống bàng quang làm cho khí hóa trở trệ không thông; hoặc do phòng sự quá độ, thận âm hao tổn, âm hư hỏa động ảnh hưởng đến tác dụng khí hóa của bàng quang, làm cho tạp chất của nước tiểu kết lại mà thành sỏi.

Với Tây y, sỏi thận có thể được chữa bằng nội khoa, cơ bản là giảm đau, chống nhiễm khuẩn, điều chỉnh chế độ ăn uống và vận động hợp lý. Nhưng ngày nay sỏi tiết niệu chủ yếu được chữa bằng ngoại khoa với phương pháp khá hiệu quả là tán sỏi hoặc phẫu thuật lấy sỏi. Tuy nhiên, nhược điểm của các phương pháp này là không chữa được tận gốc nên sỏi lại tái phát.

Chữa sỏi thận bằng Đông y

Trong Đông y, tùy thể bệnh thấp nhiệt hay thận hư mà có các phương thuốc khác nhau.

Thể thấp nhiệt: Bệnh nhân có biểu hiện người trì trệ, nước tiểu vàng hoặc đỏ, đái đục có cặn, có sỏi, đau, nặng, tức vùng thắt lưng.

Thể này dùng phép thanh nhiệt hóa kiên làm chủ đạo. Các bài thuốc thường dùng là:

Bài 1: Kim tiền thảo 30g, quả dành dành 20g, vỏ núc nác 16g, hoa, lá mã đề 20g, xương bồ 8g, mộc thông 12g, tỳ giải 30g, cam thảo đất 16g, ý dĩ nhân 20g, quế chi 4g.

Cách dùng: Nếu tươi, tất cả rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng, hạ thổ; nếu đã khô thì để nguyên, cho vào ấm đất với 4 bát nước, đun nhỏ lửa, còn 2 bát, chắt ra, cho nước sắc tiếp, mỗi lần lấy 1,5 bát, trộn chung cả 3 lần, chia uống nhiều lần trong ngày. Uống liên tục 2-3 tháng.

Bài 2: Mộc thông 12g, biển súc 12g, sa tiền tử 12g, hoạt thạch 12g, cù mạch 12g, sơn chi tử 12g, đại hoàng 8g, cam thảo 6g.

Cách dùng như trên.

Xương bồ.

Thể thận hư: Ngoài các dấu hiệu nước tiểu vàng hoặc đỏ, đái đục có cặn, có sỏi, còn có biểu hiện người mệt mỏi, đau lưng, mỏi gối, ù tai, trì trệ, ngại vận động, có thể có di tinh, mộng tinh ở nam, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ... Phương thuốc thường dùng là:

Bài thuốc: Tơ hồng (sao vàng) 30g, tỳ giải 30g, thổ phục linh 20g, mã đề 16g, hoài sơn (sao vàng) 30g, liên nhục 20g, thạch vĩ 12g, quy bản 10g.

Cách dùng như trên.

Trong nhân dân, người ta còn dùng kim tiền thảo hoặc hạt chuối hột sắc uống hằng ngày thay nước chè, nhiều khi cũng có tác dụng tốt.

Điều quan trọng là để đề phòng tái phát, bệnh nhân cần uống nhiều nước (1,5-2 lít/ngày), ăn nhiều rau, hoa quả tươi, tập thể dục đều đặn, tránh dùng các loại thức ăn, thuốc uống gây lắng đọng calci, tránh dùng sulfamid và khi có triệu chứng đau lưng, đái buốt, đái dắt... cần đi khám sớm tại các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.



Thứ sáu, 28/12/2007, 17:30 (GMT+7)

Sỏi tiết niệu là nhóm bệnh thường gặp trong chuyên khoa thận tiết niệu. Sỏi tiết niệu là nguyên nhân thứ ba sau bệnh nhiễm cầu thận nguyên phát và viêm cầu thận thứ phát gây suy thận mạn tính.

Niệu quản - Bàng quang - Sỏi thận

Theo vị trí, sỏi tiết niệu bao gồm: sỏi đài thận, sỏi bể thận, sỏi san hô, sỏi niệu quản đoạn trên, sỏi niệu quản đoạn giữa, sỏi niệu quản đoạn dưới, sỏi bàng quang và sỏi tuyến tiền liệt.

Theo cấu tạo, sỏi tiết niệu gồm có: sỏi phosphat và oxalat canxi, sỏi struvit, sỏi urat và sỏi cystin.

Ở thể điển hình, sỏi tiết niệu có các triệu chứng: đau thắt lưng - có khi đau nhiều kiểu cơn quặn thận và đái máu liên quan với vận động. Nhưng có một số trường hợp không có biểu hiện lâm sàng, sỏi tiết niệu được phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khỏe định kỳ, qua điều tra bệnh tật trong cộng đồng.

Để chẩn đoán sỏi tiết niệu, chuyên môn dựa vào siêu âm hệ tiết niệu; chụp Xquang hệ tiết niệu không thuốc hoặc có thuốc cản quang; thử nước tiểu tìm hồng cầu, bạch cầu, trụ hình.

Để chẩn đoán giai đoạn bệnh, người bệnh cần được xét nghiệm máu để biết số lượng hồng cầu, bạch cầu và nồng độ urê, creatinin, acid uric.

Điều trị sỏi tiết niệu là một nghệ thuật. Chuyên môn sẽ dựa vào: vị trí sỏi, kích thước sỏi, thành phần cấu tạo sỏi, thận đã ứ nước hay chưa, có suy thận hay không để chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp: nội khoa (hóa chất hoặc thảo mộc) hoặc tán sỏi (ngoài cơ thể, nội soi, qua da) hoặc phẫu thuật (nội soi hoặc theo cổ điển).

Sự phối hợp và thống nhất phác đồ điều trị sỏi tiết niệu giữa các thầy thuốc nội khoa và ngoại khoa rất cần thiết. Trong bài viết này chỉ xin đề cập tới phương pháp điều trị nội khoa bệnh sỏi tiết niệu, lý giải việc lựa chọn các thuốc ở các khâu.

Có thể tóm tắt phương pháp điều trị nội khoa sỏi tiết niệu theo sơ đồ (xem hình).

Thuốc giảm đau, an thần có tác dụng trên thần kinh trung ương: Các thuốc này được áp dụng khi bệnh nhân có triệu chứng cơn đau quặn thận.

Tùy theo cường độ đau để chọn thuốc uống, thuốc tiêm trong các loại sau đây:

- Paracetamol: Efferalgan, alaxan

- Diclofenac: Voltaren

- Ibuprofen: Mofen

- Ketoprofen: Profenid

- Piroxicam: Felden

- Sulpiride: Dogmatil

- Diazepam: Valium, veduxen.

Thuốc chống co thắt, gây giãn cơ trơn, giãn niệu quản: Chọn một trong các thứ thuốc sau theo dạng viên hoặc ống:

- Papaverin.

- Alverine citrat (spasmaverin, meteospasmyl).

- No-spa.

- Spasfon.

Trong trường hợp đau nhiều có thể dùng phối hợp thuốc giảm đau và thuốc chống co thắt.

Thuốc kháng sinh: Khi sỏi tiết niệu bị bội nhiễm hoặc viêm thận - bể thận cấp với các biểu hiện: Sốt, đái đục, đái rắt, đái buốt cần chọn một trong các loại kháng sinh có tác dụng trên đường tiết niệu sau đây:

- Nhóm penicilline.

- Nhóm cephalosporin thế hệ 2, thế hệ 3, thế hệ 4 với các dược chất: cefuroxim, ceftriaxon, cefixim, cefepim.

- Nhóm quinolon với các dược chất: ciprofloxacin, levofloxacin, norfloxacin, ofloxacin.

Nếu có kháng sinh đồ để lựa chọn thuốc nhạy cảm là tốt nhất. Tuy nhiên cần phải cân nhắc khi chỉ định các thuốc kháng sinh độc thận đặc biệt ở người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

Thuốc lợi tiểu và truyền dịch

Việc gây đái nhiều cường bức để có tác dụng tống sỏi đã được ứng dụng từ lâu. Dung dịch được dùng để truyền là glucose 5% và muối NaCl 9%o. Kết hợp thuốc lợi tiểu nhóm thiazid hoặc furosemid.

Thay đổi nếp sống

Chế độ ăn uống cũng góp phần phòng ngừa và hạn chế tạo thành sỏi tiết niệu.

Ví dụ:

- Chế độ ăn ít canxi, không uống sữa giàu canxi trong sỏi phosphat và oxalat.

- Uống dung dịch kiềm Na bicarbonat trong sỏi urat và bệnh gút.

Vận động thể lực, chạy, nhảy dây cũng góp phần tống sỏi từ niệu quản xuống bàng quang và từ bàng quang ra ngoài.

Thuốc bào mòn và làm tan sỏi

Trên thực tế ít có thuốc có khả năng trên. Các thuốc trong loại này sẽ làm giảm kết dính các tinh thể và có tác dụng ở những trường hợp sỏi nhỏ, bề mặt nhẵn, ở vị trí thấp và thành phần cấu tạo sỏi thích hợp, ví dụ:

- Succinimide pharbiol trong sỏi oxalat.

- Ammonium chlorid trong sỏi phosphat.

- Allopurinol trong sỏi urat.

- Penicillamin B trong sỏi cystin.

- Rowatinex có các thành phần: pinene, camphene, cineol, fenchone, borneol, anethol, olive oil.

- Viên sỏi thận domesco, có các thành phần: cao hạt chuối hột, cao rau om, cao râu mèo, cao hạt lười ươi.

- Kim tiền thảo, rễ cỏ tranh, bông mã đề, râu ngô là một bài thuốc y học cổ truyền chữa sỏi tiết niệu rất thông dụng.

- Các công ty dược của Việt Nam và Trung Quốc đã phát huy và cải tiến bài thuốc này để bào chế thành các biệt dược: kim tiền thảo bài thạch, thạch lâm thông...

Việc điều trị sỏi tiết niệu cần được theo dõi để đánh giá diễn biến của bệnh. Nếu bệnh thuyên giảm ít, có khuynh hướng nặng lên cần thay đổi phương pháp điều trị kể cả điều trị bằng phẫu thuật để phòng tránh suy thân mạn tính giai đoạn cuối.



Thứ ba, 5/6/2007, 16:25 (GMT+7)

Ngoài phương pháp phẫu thuật lấy sỏi cổ điển, vài thập niên qua có nhiều phương pháp chữa sỏi tiết niệu như tán sỏi ngoài cơ thể, lấy sỏi thận qua da, lấy sỏi nội soi sau phúc mạc... Tuy vậy phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc vẫn còn được sử dụng.

Hình ảnh sỏi niệu quản.

Phương pháp điều trị nội khoa sỏi gồm hai loại thuốc:

Thuốc điều trị cơn đau quặn thận do sỏi

Thường dùng gồm nhóm kháng viêm không steroid (diclofenac, kerolac) hay nhóm á phiện (tramadol, meperidin). Cả hai nhóm làm giảm đau quặn thận như nhau (sau khi dùng 20-30 phút). Nhóm á phiện ức chế thần kinh trung ương, làm giảm đau sớm hơn (sau khi dùng 10 phút). Nhóm kháng viêm không steroid ức chế tổng hợp chất prostaglandin, làm giảm đau tuy chậm nhưng mạnh hơn, nhất là khi dùng đường tiêm.

Trước đây, dùng chất kháng muscaric làm giảm co thắt cơ trơn niệu quản như buscopan. Ngày nay về lý thuyết thấy rằng những chất đồng vận với muscaric không gây ra co cơ trơn niệu quản; về thực hành khi dùng các chất kháng muscaric như buscopan dưới dạng riêng lẻ hay kết hợp với hai nhóm thuốc trên không thu được ích lợi gì thêm về giảm cơn đau quặn thận. Vì vậy hiện nay không dùng nữa.

Trước đây khuyên uống nhiều nước hay dùng thuốc lợi tiểu với hy vọng làm thoát sỏi ra ngoài, nhưng thực tế không thu được ích lợi; đôi khi có thể gây vỡ niệu quản, suy thận. Vì vậy khuyến cáo không được dùng.

Thuốc chẹn kênh canxi như nifedipin làm giảm co thắt cơ trơn niệu quản, giảm cơn đau quặn thận, mặt khác còn giúp tống sỏi ra ngoài. Người ta dùng nifedipin với hai mục đích này nhưng thường xếp vào nhóm thuốc tống sỏi ra ngoài (ở dưới).

Thuốc làm tan sỏi hay tống sỏi ra ngoài

+ Thuốc làm tan sỏi:

Trước đây dùng piperazin làm cho acid uric trong nước tiểu thải dễ dàng, không kết tinh lại thành sỏi. Hiện ít dùng. Người bị bệnh gút có acid uric cao, kết tinh kết thành urat ở khớp và ở dưới da. Có nhiều thuốc làm tăng dùng tăng sự thải acid uric (như probecnic, benzbromazon, sulphipyrazon). Tuy nhiên chỉ dùng các thuốc này để chữa bệnh gút. Khi dùng, lượng acid uric trong nước tiểu tăng lên, phải uống nhiều nước (kèm natribicarbonat) để nồng độ acid uric hạ thấp, không gây kết tinh sỏi urat.

Hiện còn dùng một hỗn hợp các chất terpen (như pinen, camphen, cineol, fenchon, borneol, anethol (rowatinex) làm tan và tống sỏi ra ngoài, tăng lượng máu qua thận, tăng lượng nước tiểu, giảm viêm đường niệu.

+ Thuốc giúp tống sỏi ra ngoài.

Sỏi có kích thước nhỏ dưới 5mm có khả năng tự thoát ra ngoài nhưng với thời gian dài (khoảng 40 ngày). Dùng thuốc sẽ giúp cho việc tống sỏi nhanh hơn.

Trong niệu quản, đặc biệt là cuối niệu quản có nhiều thụ thể alpha adrenegic-1 làm co thắt cơ trơn gây trở ngại cho việc thoát sỏi. Dùng thuốc chẹn canxi như nifedipin hay thuốc cản trở alpha adrenecgic-1 như tamsulosin thì sẽ giảm co thắt cơ trơn, giúp tống sỏi ra ngài .

Đã có nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy: dùng các thuốc này tỷ lệ sỏi bị tống ra ngoài cao hơn có ý nghĩa so với không dùng thuốc hay dùng giả dược. Ngay với các thuốc này, dùng phối hợp thì tỷ lệ tống sỏi ra ngoài cao hơn có ý nghĩa so với dùng mỗi thứ riêng lẻ. Thuốc có hiệu quả cả khi sỏi có đường kính lớn hơn 5mm thậm chí có trường hợp 12mm. Dùng thuốc sớm khi sỏi còn nhỏ, hiệu quả cao hơn và an toàn hơn.

Lưu ý khi dùng thuốc

- Không dùng cùng lúc cả nifedipin và tamsulosin vì cả hai sẽ gây tụt huyết áp mạnh (đặc biệt ở tư thế đứng).

- Không dùng tamsulosin cùng với thuốc các thuốc chẹn thụ thể alpha adrenecgic khác (như prazosine, terazorine) vì làm tụt huyết áp mạnh (đặc biệt ở tư thế đứng).

- Không dùng nifedipin với các thuốc chẹn canxi hay các thuốc hạ huyết áp khác vì làm tăng tác dụng hạ huyết áp.

Cả hai thuốc đều phải dùng rất cẩn trọng với người suy gan, thận; với người già cần giảm liều so với người bình thường.

Thận trọng và tốt nhất tránh dùng cho người có thai, cho con bú.

+ Một vài loại thảo dược:

Y học cổ truyền của Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc dùng nhiều cây thuốc chữa sỏi niệu. Hai cây hiện hay dùng:

Kim tiền thảo: Còn gọi là cây đồng tiền. Dùng cả cây dưới dạng thuốc sắc (nấu uống như nước chè, khoảng 20-30g khô một ngày). Hiện nhiều xí nghiệp chế thành dạng viên với các biệt dược khác nhau. Trong các biệt dược có loại dùng riêng kim tiền thảo, có loại phối hợp với các dược liệu có tính lợi tiểu thanh nhiệt. Có một vài xí nghiệp đã nghiên cứu hiệu lực chung của biệt dược nhưng không nghiên cứu riêng từng thành phần.

Cối xay: (còn có tên là cây dằng xay). Sách nước ta không thấy ghi chữa sỏi thận nhưng nhân dân có dùng. Sách Ấn Độ ghi dùng lá chữa sỏi bàng quang.

Chọn lựa phương pháp điều trị sỏi niệu căn cứ vào bản chất, kích thước, mức độ bám của sỏi vào tổ chức niệu, do thầy thuốc quyết định. Phương pháp điều trị sỏi nội khoa có mặt thích hợp là rẻ tiền và dễ áp dụng.


Thứ hai, 5/4/2010, 15:44 (GMT+7)

Gần đây cháu bị một cơn đau dữ dội, phải đi viện cấp cứu. Theo bác sĩ nói bị cơn đau quặn thận. Xin quý báo tư vấn về bệnh này, phòng bằng cách nào?

Nguyễn Văn Thành (Hà Nam)

Cơn đau quặn thận là hội chứng đau cấp ở vùng thắt lưng - bụng. Cơ chế do tăng đột ngột áp lực trong bể thận bởi một cản trở cơ giới ở đường tiết niệu làm giãn căng nở vỏ xơ, nơi có nhiều thần kinh phân bố, gây nên cảm giác đau. Nguyên nhân chủ yếu do sỏi niệu quản hoặc bể thận, có thể do cục máu, cục mủ, niệu quản bị gập do thận sa, do dị dạng động mạch thận... Đặc điểm cơn đau xảy đến đột ngột, dữ dội, một bên ở vùng thắt lưng hoặc thắt lưng - bụng chạy dọc xuống dưới và ra trước, đến hố chậu và cơ quan sinh dục ngoài. Trong cơn đau thường có dấu hiệu bán tắc ruột như buồn nôn, nôn. Người bệnh đái khó, đái rắt, mót đái dữ dội nhưng không đái được. Nhiều khi người bệnh vật vã, giãy giụa, toát mồ hôi vì đau nhưng thường không có sốt. Tuy nhiên ở người suy thận mạn, cơn đau sẽ dữ dội hơn, có sốt, đái ít hoặc bí đái. Cần phân biệt cơn đau quặn thận với các bệnh khác tại thận như: viêm thận - bể thận cấp, u thận và đường tiết niệu, nhồi máu thận. Đặc biệt cảnh giác với những chứng bệnh sau đây có triệu chứng giống cơn đau quặn thận: phình mạch chủ nứt, viêm túi thừa Mackel, hoại tử manh tràng do thiếu máu cục bộ, u nang buồng trứng xoắn, viêm ruột thừa, loét dạ dày.

Để phòng ngừa cơn đau quặn thận trước hết cần phòng sỏi tiết niệu bằng cách uống đủ nước hằng ngày (1,5 - 2lít). Trường hợp đã có sỏi phải điều trị triệt để.

BS. Trần Mạnh Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét