Thứ Ba, 28/02/2012 16:42
(NLĐO) - Trong một lần làm việc tại phòng thí nghiệm hóa của trường, do quá thèm rượu, anh P.Đ.T. (40 tuổi, ngụ Hà Nội) đã uống một chén cồn ethanol. Sau đó, anh T. thấy người chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, mắt mờ dần và đến hôm sau thì mắt mù.
Ngày 28-2, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết theo lời kể của người nhà bệnh nhân, anh T. là giáo viên bộ môn hóa học tại một trường cấp 3 và có tiền sử nghiện rượu từ vài năm trước.
Trước đó, anh T. đã đi cai rượu. Tuy nhiên, dịp Tết vừa qua, do thường xuyên gặp gỡ bạn bè, tiệc tùng nên anh T. có biểu hiện tái nghiện, bắt đầu uống rượu nhiều hơn. Cho đến một ngày, không thể kiềm chế được cơn nghiện, anh đã uống luôn cả chén ethanol vì nghĩ có thể thay thế được rượu.
Theo các bác sĩ, mặc dù được nhập viện ngay ngày hôm sau nhưng kết quả thăm khám cho thấy đồng tử hai mắt bệnh nhân đã giãn, không còn phản xạ, khả năng phục hồi thị lực rất thấp. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân còn bị xuất huyết dưới da, rơi vào tình trạng hôn mê nên được chuyển tiếp sang Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiến hành lọc máu.
Sau 1 tuần, bệnh nhân đã tỉnh và quay lại khám tại Bệnh viện Mắt. Các bác sĩ kết luận thị lực hai mắt của bệnh nhân T. không thể phục hồi.
Qua trường hợp này, các bác sĩ cảnh báo ethanol nồng độ cao trong máu sẽ làm giảm hoạt động của não, gây mất ý thức. Ngộ độc ethanol thể cấp tính ở giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích, sau đó giảm phản xạ gân xương, giảm tri giác, thị lực, mất khả năng tập trung, hạ huyết áp, thậm chí tử vong.
D.Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét