Trang

Nga làm sống dậy cây 30.000 năm tuổi

Thứ Ba, 21/02/2012 - 10:52

(Dân trí) - Từ mô quả lấy từ trong hang sóc nằm trong tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở Siberia, niên đại 30.000 năm, các nhà khoa học Nga đã tìm cách làm sống dậy toàn bộ một cây trong cuộc thử nghiệm tiên phong mở đường cho phương thức làm sống dậy các loài khác.
 
Cây 30.000 năm tuổi được làm sống dậy.
Theo các nhà nghiên cứu, cây cánh hẹp Silene là cây lâu đời nhất được tái sinh và nó hoàn toàn tươi tốt, nở hoa trắng và cho hạt có thể trồng được.

Thử nghiệm trên chứng tỏ rằng tầng đất bị đóng băng vĩnh cữu là nơi lưu giữ tự nhiên của các dạng sống cổ đại. Các nhà nghiên cứu Nga đã công bố phát hiện của họ vào ngày hôm qua trên tạp chí khoa học của Mỹ.

“Chúng tôi nhận thấy cần tiếp tục nghiên cứu tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu để tìm kiếm “hồ” gen cổ đại, mà theo lý thuyết đã biến mất khỏi bề mặt trái đất từ rất lâu”, các nhà khoa học cho biết trong bài báo.

Trước đó, các nhà nghiên cứu Canada đã làm tái sinh một số cây có niên đại nhỏ hơn rất nhiều từ các hạt được tìm thấy trong các hang đóng băng.

Svetlana Yashina, thuộc Viện tế bào lý sinh của Học viện khoa học Nga, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết cây được tái sinh trông rất giống với phiên bản cây hiện đại. Loại cây này hiện vẫn được trồng ở cùng khu vực tại đông bắc Siberia.

“Đây là một cây có thể phát triển được tốt và nó cũng thích nghi rất tốt”, Svetlana Yashina cho hay qua điện thoại trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP từ phòng thí nghiệm của bà ở thị trấn Pushchino. Bà hi vọng nhóm của bà có thể tiếp tục nghiên cứu và làm tái sinh nhiều loài cây khác.

Nhóm nghiên cứu Nga đã tìm thấy quả của cây sau khi nghiên cứu hàng chục hang hóa thạch bị giấu trong trầm tích đá trên bờ phải của hạ lưu sông Kolyma, đông bắc Siberia. Lớp trầm tích có niên đại từ 30.000-32.000 năm trước.

Lớp trầm tích này gắn kết với nhau rất chặt và thường không bị băng lọt vào, làm cho nước khó có thể thấm qua. Chính điều này đã tạo ra phòng lạnh tự nhiên tuyệt vời cách biệt hoàn toàn với lớp bề mặt.

“Những con sóc đã đào hang dưới lớp băng, với kích thước bằng quả bóng. Đầu tiên chúng bỏ cỏ khô và sau đó là lông động vật vào để tạo thành nơi bảo quản tuyệt vời”, Stanislav Gubin, một trong những nhà nghiên cứu cho biết. Gubin đã mất nhiều năm rà soát khắp khu vực để tìm các hang sóc.

Các hang nằm sâu 38m dưới bề mặt hiện tại, trong lớp chứa xương động vật có vú lớn, như voi ma mút.

Gabin cho rằng nghiên cứu chứng tỏ mô của cây có thể sống trong lớp bảo quản băng đá hàng chục ngàn năm, mở ra hi vọng về khả năng tái tạo lại các động vật có vú Kỷ băng hà.

“Nếu may mắn, chúng tôi có thể tìm thấy một số mô sóc đóng băng”, Gubin cho biết. “Và con đường này có thể dẫn chúng tôi tới việc tái tạo voi ma mút”.

Các nhà khoa học Nhật cũng đã nghiên cứu khu vực này để tìm kiếm di tích của voi ma mút, nhưng Gubin hi vọng người Nga sẽ là những người đầu tiên tìm thấy mô động vật đóng băng có thể dùng để tái tạo.

“Đây là vùng đất của chúng tôi, chúng tôi sẽ cố gắng tìm thấy chúng trước”, ông cho hay.

Phan Anh
Theo AP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét