Trang

Táo Trung Quốc bảo quản bằng sáp nến

Nguyễn Minh    -Thứ Sáu, 13/07/2012, 10:57 (GMT+7)
(nongnghiep.vn) Một chủ sạp hàng chợ trái cây đầu mối tại Nam Kinh mới đây cho hay, những trái táo được bảo quản bằng sáp nến công nghiệp như vậy có thể để tới nửa năm mà không bị hư thối.
Gần đây, trên các trang mạng xã hội Trung Quốc lan truyền những bức ảnh và thông tin do người tiêu dùng nước này phản ánh: Rất nhiều quả táo được các tiểu thương Trung Quốc dùng sáp nến công nghiệp phủ lên, 5 quả táo khi dùng dao cạo vỏ ra thì thấy có chứa rất nhiều sáp nến. 

Khi dùng táo, chỉ rửa mà không "cạo" hoặc gọt vỏ sẽ ăn cả sáp nến công nghiệp mà không hay biết
Khi phóng viên tờ “Nhân dân nhật báo” tìm hiểu tại khu chợ trên mới biết, việc tiểu thương Trung Quốc dùng sáp nến bảo quản trái táo không phải là chuyện gì mới mẻ. Ngoài việc giúp cho trái táo có mã đẹp, tươi sáng và láng mượt, táo được bảo quản bằng sáp nến để được lâu hơn. Một số chuyên gia dinh dưỡng Trung Quốc cho rằng, loại táo này có vỏ chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn thịt quả táo. 
Tuy nhiên, liệu ai dám ăn táo cả vỏ khi mà cách đây không lâu người ta phát hiện nông dân Trung Quốc dùng túi giấy tẩm thuốc sâu để bọc táo từ lúc quả còn non? Bây giờ người ta lại phát hiện ra “chiêu” dùng sáp nến công nghiệp bọc táo để tăng cân và bảo quản lâu hơn.
Hầu hết những trái táo phủ sáp nến công nghiệp là những quả táo to, mọng, đẹp mã và được đóng gói để XK hoặc đưa vào siêu thị bán với giá cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi giá táo bình thường.
Vụ việc lại một lần nữa dấy lên những mối lo ngại không chỉ đối với người tiêu dùng Trung Quốc mà cả với người tiêu dùng ở nhiều quốc gia NK trái cây nước này theo các đường chính ngạch và tiểu ngạch.

07:42 | 19/06/2012

Truy tìm táo độc, thịt thối Trung Quốc

TP - Trước thông tin loại táo Fuji của Trung Quốc trồng theo công nghệ độc hại, ngày 18-6, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, Cục đã chỉ đạo lấy mẫu táo ở Hà Nội và TPHCM để phân tích; còn Bộ trưởng NN&PTNT chỉ đạo phải truy tận hang ổ thịt thối.
Táo Trung Quốc được bày bán tại các sạp hoa quả ở chợ Hôm (Hà Nội). Công nghệ trồng táo Fuji (Sơn Đông, Trung Quốc) được bọc chất độc để chống nấm mốc và sâu bệnh (ảnh nhỏ)
Táo Trung Quốc được bày bán tại các sạp hoa quả ở chợ Hôm (Hà Nội). Công nghệ trồng táo Fuji (Sơn Đông, Trung Quốc) được bọc chất độc để chống nấm mốc và sâu bệnh (ảnh nhỏ).
Táo Trung Quốc tràn ngập thị trường
Tại cuộc họp bàn về an toàn thực phẩm (ATTP) và chất lượng vật tư nông nghiệp hôm qua, ông Hồng cho biết, loại táo Fuji trồng ở vùng Sơn Đông (Trung Quốc), được nông dân dùng túi bọc quả trên cây từ lúc xanh, đến lúc chín.
Tuy nhiên, vừa rồi phía Trung Quốc thông báo, đã tìm thấy hai chất cấm có độc hại (là thiran - một loại thuốc diệt nấm độc hại và asen- thạch tín) trong loại túi này tại một số nhà máy sản xuất; và khẳng định cả người sản xuất và sử dụng túi đều đã vi phạm.
Các nhà chức trách nước này đã tịch thu hàng triệu túi bọc (hiện khoảng 2,7 triệu túi), đồng thời đóng cửa, xử lý các xưởng sản xuất loại túi bọc quả trên.
Theo lãnh đạo Cục BVTV, Trung Quốc hiện sản xuất tới 40% giống táo đường của thế giới. Đây là giống táo đỏ Fuji, là loại táo giòn, ngọt, thơm. Nguồn gốc của giống táo này là từ Úc.
Ông Hồng cho biết: Hiện một số doanh nghiệp của Nhật Bản đã ngừng, không nhập táo từ vùng Sơn Đông (Trung Quốc) nữa.
Indonesia, nước nhập khẩu nhiều táo của Trung Quốc, cũng yêu cầu trước khi xuất táo sang phải kiểm tra chặt chẽ, đồng thời, phía Indonesia cũng kiểm soát chặt, nếu phát hiện các loại chất cấm trên, sẽ tạm dừng nhập.
Loại táo đỏ Fuji Trung Quốc có mặt rất nhiều ở Việt Nam. Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Kiểm dịch thực vật Vùng VII (thuộc Cục BVTV, đóng ở Lạng Sơn) cho biết: Trung bình hằng năm, lượng táo Trung Quốc nhập qua cửa khẩu này khoảng 100 nghìn tấn. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, lượng táo nhập về qua cửa khẩu là 60 nghìn tấn, lê khoảng 25 nghìn tấn; cam, quýt khoảng 26 nghìn tấn…
Theo bà Hà, táo nhập từ Trung Quốc chủ yếu từ tháng 8 âm lịch đến sau Tết, trong đó, phần lớn là táo thường. Hiện chi cục đang được yêu cầu, tăng cường kiểm tra, lấy mẫu các loại táo nhập từ Trung Quốc.
Theo khảo sát của phóng viên, các loại táo Trung Quốc hiện được bán tràn ngập trên thị trường, từ thành phố đến các vùng quê của Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết: “Cục đã chỉ đạo kiểm tra loại táo Fuji chặt chẽ hơn ở các cửa khẩu. Hai trung tâm kiểm nghiệm và khảo nghiệm thuốc BVTV của Cục lấy ngay mẫu táo hiện có ở Hà Nội và TPHCM, kiểm tra hai chất mà Trung Quốc thông báo, xem có trên táo của nước này đang bán ở Việt Nam hay không. Đây là những chất bị lạm dụng để đưa vào túi bọc. Hai trung tâm sẽ báo cáo kết quả vào ngày 22-6 tới”.
Hiện Cục BVTV cũng đã áp dụng bộ test (kiểm tra) nhanh, có kết quả sau 2 tiếng ở ba cửa khẩu lớn phía Bắc là Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái. Cùng kết hợp với định tính ở cửa khẩu, kết quả phân tích định lượng ở các phòng thí nghiệm, sẽ kiểm soát chặt hơn vấn đề rau, củ, quả ở cửa khẩu.
 Tại sao lại khuân vác thịt thối qua biên giới trong đêm tối như vậy, chắc là bên kia bán một, về Việt Nam bán ba, hoặc bán lời gấp năm. Hay là còn có động cơ gì nữa, mà bên kia bán rẻ như vậy, còn bên này cứ việc ăn tưng bừng. Muốn triệt hạ phải tìm tận gốc”.  
Bộ trưởng Cao Đức Phát
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Cục BVTV cần liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, qua đó làm văn bản, gửi cơ quan đồng cấp, để họ có câu trả lời chính thức.
Cục BVTV sẽ cử người sang Trung Quốc kiểm tra, xác minh tình hình khi cần thiết. “Trước hết cũng không nên cấm ngay, mà gia tăng kiểm soát. Xem tình trạng nguy hiểm, rủi ro đến đâu, nếu có táo chứa chất độc vào Việt Nam nhiều thì chúng ta sẽ cấm nhập”- ông Phát nói.
Truy tận “hang ổ” thịt thối
Ông Phạm Văn Đông, Phó cục trưởng Thú y, cho biết, liên quan sản phẩm nầm lợn, nầm dê thối, trong tháng 5, tháng 6, cơ quan liên ngành ở Lạng Sơn và các tỉnh biên giới bắt được gần 95 tấn nầm thối từ Trung Quốc.
Gần đây nhất, ngày 6-6, cơ quan chức năng bắt hơn 650 kg nầm lợn thối có nguồn gốc từ bên kia biên giới.
Ông Đông cho biết, toàn bộ số hàng trên chủ yếu do lực lượng cửu vạn khuân vác, chuyển qua các đường mòn, lối mở biên giới. Khi truy bắt, cửu vạn vứt hàng bỏ chạy, chưa truy ra được chủ hàng.
Liên quan chất cấm trong chăn nuôi, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, trong tuần tới, sẽ thống nhất về lượng mẫu, ngưỡng dư lượng chất cấm khi phân tích để quyết định công bố hay không việc có chất cấm, vì một số phòng kiểm nghiệm đang áp dụng ngưỡng khác nhau.
 Ngoài ra, hiện cơ quan thú y, chăn nuôi, công an ở 20 tỉnh phối hợp để phong tỏa toàn bộ số sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm ở 20 tỉnh thành của Cty TNHH Oni (TPHCM). Từ đó, đánh giá mức độ thiệt hại mà Cty này gây ra cho ngành chăn nuôi, để xử lý.
Theo Bộ trưởng Phát, việc ngăn ngừa chặn thịt thối, cần phối hợp công an, quản lý thị trường, và “phải truy tìm tận hang ổ, chứ chạy bắt ôtô này, ôtô kia trên đường thì không ăn thua”. Ông Phát cũng yêu cầu Thanh tra Bộ, trong tháng 6 phải thanh kiểm tra lại vấn đề giết mổ ở Hà Nội.
Phạm Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét