Lương y của bệnh nhân nghèo

Sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm nghề bốc thuốc cứu người nên từ nhỏ lương y Hoàng Gia Trí đã được bố và ông nội truyền dạy cho các bài thuốc quý. Lớn lên, ông đi học nghề y rồi về làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương trong suốt hơn 45 năm.

Năm 1988, ông mở phòng khám tại nhà ở phố Thể Giao, quận Hai Bà Trưng mang tên Hồng Phúc Đường và bắt đầu khám miễn phí cho bệnh nhân nghèo. "Làm trong nghề y nên tôi rất hiểu tâm trạng của người bệnh. Nhiều người đến bệnh viện không có tiền mua thuốc phải lẳng lặng ra về khiến tôi rất đau lòng", lương y Trí chia sẻ.

Ban đầu, thấy phòng khám của lương y Trí mở ra nhiều người không dám vào khám vì sợ đắt, sợ tốn tiền, vậy là ông Trí phải đi vận động người bệnh đến khám. Những bệnh nhân đầu tiên đến phòng khám được ông Trí khám miễn phí lại nhanh khỏi bệnh, nên bệnh nhân cứ đến ngày một đông. Nhớ lại những ngày đầu tiên, ông Trí kể: "Nhiều người tưởng tôi lừa nên cứ thấp thỏm, bán tín bán nghi, đến khi khám xong tôi còn cho thuốc về điều trị thì họ vui lắm. Người ta làm gì cũng mong thu lại lợi nhuận, còn tôi niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy người bệnh cười và giúp họ có được nụ cười đó".

Sau hơn 25 năm mở phòng khám, ông không còn nhớ nổi mình đã khám bệnh miễn phí cho bao nhiêu người, chỉ biết rằng những cuốn sổ ghi chép tên bệnh nhân cứ ngày một dày lên. Nhiều bệnh nhân vì không có tiền lấy thuốc, lương y Trí bốc thuốc miễn phí cho họ chữa trị. Có nhiều bệnh nhân phải điều trị dài ngày còn được ông Trí hỗ trợ thêm chi phí đi lại. "Tôi không nhớ hết tên tuổi của bệnh nhân, nhưng gặp lại là tôi biết họ đã đến phòng khám chữa bệnh gì, gia cảnh như thế nào, điều trị trong bao lâu", ông Trí nói.

Lương y Hoàng Gia Trí đang bốc thuốc cho bệnh nhân. 

Biết được việc làm thiện nguyện bao năm qua của lương y Trí, những bệnh nhân người nước ngoài đã trở thành những "Mạnh Thường Quân" sát cánh bên ông để cùng ông giúp đỡ bệnh nhân nghèo. "Với sự giúp sức của những người bạn nước ngoài, tôi có thêm điều kiện để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, nhờ vậy mà nhiều người bệnh nghèo đã được chữa khỏi bệnh. Bên cạnh đó, một số nhà hảo tâm còn hỗ trợ thêm chi phí đi lại, ăn ở cho bệnh nhân, giúp người bệnh được yên tâm chữa trị", ông Trí chia sẻ.

Trong nghiệp bốc thuốc cứu người, ông Trí có một nguyên tắc là không bao giờ cho bệnh nhân tiền mà chỉ cho thuốc. Ông cho biết: "Cho tiền tôi sợ người ta tiêu mất, còn cho thuốc về họ sẽ uống để chữa bệnh. Lành bệnh, họ sẽ có sức khỏe và làm ra được nhiều tiền". Những năm gần đây, ông Trí còn kết hợp với Công ty du lịch Phượng Hoàng (Hà Nội) để giới thiệu đến khách du lịch nước ngoài những thành tựu của y học cổ truyền Việt Nam.

Bài thuốc chữa bệnh ho hiệu quả

Theo lương y Hoàng Gia Trí, ho là một triệu chứng bệnh thuộc đường hô hấp, là một hiện tượng kích thích phản ứng của cơ thể gây ra tiếng ho. Nguyên nhân gây ho là do tà khí xâm nhập cơ thể qua đường miệng, mũi, da lông, khiến phế khí mất tuyên thông sinh ho. Một nguyên nhân khác là do mắc các bệnh về đường hô hấp. Người bệnh thường có các triệu chứng như: Ho có đờm, ho khan, ho hung hắng, ho thành cơn, ho kéo dài nhiều ngày…

Nhân dịp này, lương y Hoàng Gia Trí gửi tới bạn đọc báo Lao Động và Đời sống một bài thuốc chữa bệnh ho hiệu quả. Bài thuốc gồm các vị: Tiền hồ (12gr), Cát cánh (12gr), Bán hạ (8gr), Mạch môn (10gr), Tang bì (12gr), Bách bộ (10gr), Tô tử (12gr), Chỉ xác (10gr), Hậu phác (16gr), Sạ can (6gr), Chần bì (10gr), Phòng phong (6gr), Xuyên khung (8gr), Bạch chỉ (6gr), Cam thảo (8gr), Đại táo (12gr), Sa sâm (10gr).

Đây là bài thuốc dành cho người lớn, cơ thể bình thường, nếu những người gầy, kém ăn, kém ngủ thì thêm vào các vị kiện tỳ và an thần. Đặc biệt, với trẻ em phải đến các cơ sở y tế khám bệnh để lấy thuốc theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Về cách sử dụng, mỗi thang thuốc sắc 4 lần, cho thuốc vào nồi hoặc ấm sau đó đổ vào 3 bát nước đun sôi đến lúc còn 1 bát nước thì rót ra, tiếp tục đổ 3 bát nước vào và sắc lần hai cho đến khi còn một bát, 2 lần còn lại cũng sắc tương tự. Sau bốn lần sắc đổ lẫn 4 chén thuốc đã sắc được vào với nhau và uống dần, người bệnh nên uống thuốc trước khi ăn khoảng 30 - 40 phút, khi uống phải hâm nóng lại thuốc.

Có mặt tại phòng khám của ông Trí, bà Vũ Thị Thanh (quê Thường Tín, Hà Nội) cho biết, bà mắc bệnh ho khan từ nhiều ngày nay, bà đã đi khám nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc nhưng vẫn không thuyên giảm. Từ ngày về điều trị tại phòng khám của lương y Trí, bệnh ho khan của bà đã có nhiều biến chuyển tốt. "Mới uống được 4 thang thuốc nhưng tôi ít ho hẳn, ông Trí không lấy tiền khám bệnh và hỗ trợ một phần tiền thuốc nên tôi tiết kiệm được một phần chi phí để yên tâm chữa bệnh", bà Thanh phấn khởi nói.