Trang

​Hỏi khi mua thuốc

tuoitre.vn - 18/11/2014 10:59 GMT+7

TT - Rất ít người mua thuốc đặt câu hỏi với dược sĩ về loại thuốc mình mua. Dược sĩ cũng ít có cơ hội trả lời cho khách hàng vì nhà thuốc không có... dược sĩ hoặc khách hàng quá đông.

Phụ huynh nghe dược sĩ tư vấn tại bàn tư vấn dùng thuốc đặt cạnh nhà thuốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long
Phụ huynh nghe dược sĩ tư vấn tại bàn tư vấn dùng thuốc đặt cạnh nhà thuốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long

Tại Úc, dược sĩ phải giải thích rõ ràng với khách hàng về loại thuốc mà họ chịu trách nhiệm cung cấp, bởi nếu có chuyện gì xảy ra cho bệnh nhân thì dược sĩ là người bị "vịn" trước tiên.

Đối thoại hai chiều

Nhà thuốc phải có khu vực tư vấn cho khách hàng

Theo quy định về tiêu chuẩn nhà thuốc đạt GPP, các nhà thuốc đạt GPP bắt buộc phải có khu vực tư vấn cho khách hàng.

Theo Cục Quản lý dược, khu vực tư vấn có thể là bàn hoặc khu tư vấn riêng hay khu vực ngay ở quầy thuốc, đủ chỗ để dược sĩ đứng tư vấn cho khách hàng.

Tuy nhiên, việc quầy thuốc được bao kín bằng kính, chỉ chừa ô để dược sĩ trao đổi với khách hàng sẽ không được chấp nhận.

Hiện tại các nhà thuốc đạt GPP đã bố trí khu vực tư vấn này.

Tuy nhiên, do có những nhà thuốc phải thuê bằng dược sĩ, dược sĩ không có mặt thường xuyên tại nhà thuốc (thay vào đó là các dược tá hoặc dược sĩ trung học được thuê đứng bán thuốc), nên việc tư vấn cho người mua thuốc sẽ không đạt chất lượng bằng nhà thuốc có dược sĩ đại học.

Theo đại diện Bộ Y tế, việc giám sát khu vực tư vấn này thực hiện bằng cách trừ điểm khi chấm điểm nhà thuốc.

LAN ANH

Về nguyên tắc, khi có nhu cầu sử dụng thuốc, bệnh nhân phải hỏi rõ ràng về loại thuốc mình sẽ sử dụng.

Thông thường tại VN, ở nhiều phòng mạch tư, bác sĩ kê toa xong rồi "tự xử" luôn bằng cách bán thuốc cho bệnh nhân.

Với những trường hợp này, do quá đông bệnh nhân chờ nên bác sĩ không thể giải đáp chi tiết cho bệnh nhân về loại thuốc mà họ sẽ sử dụng.

Tuy nhiên, cũng có bác sĩ không màng "kinh doanh", chỉ ra toa thuốc để bệnh nhân ra nhà thuốc mua.

Riêng bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện có thể mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện hoặc ra nhà thuốc bên ngoài mua.

Khi đến nhà thuốc, bệnh nhân có quyền đặt câu hỏi về tất cả những loại dược phẩm mà dược sĩ sẽ cung cấp.

Cuộc đối thoại giữa bệnh nhân và dược sĩ là đối thoại hai chiều. Cả hai bên đều phải lắng nghe, đặt câu hỏi qua lại nhằm nắm bắt thông tin.

Dược sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về những thông tin có liên quan tới thuốc như tiền sử bệnh, nói cho bệnh nhân nghe về dược phẩm họ sẽ sử dụng và sẽ trả lời những câu hỏi mà bệnh nhân đặt ra.

Bệnh nhân cần hỏi dược sĩ những thông tin cần thiết về dược phẩm.

Bệnh nhân cũng cần chọn mặt dược sĩ để gửi gắm sức khỏe.

Điều này quan trọng không kém việc chọn bác sĩ.

Hãy đến một nhà thuốc tây mà dược sĩ có kiến thức rộng, sẵn sàng lắng nghe và trả lời tất cả câu hỏi về thuốc mà bệnh nhân muốn hỏi.

Cần hỏi những gì?

Để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, bệnh nhân cần đặt những câu hỏi sau đây với dược sĩ:

1. Thuốc này gọi là gì?

Mỗi loại thuốc bao giờ cũng có hai tên: tên chung (tên hóa học) và tên biệt dược. Tên biệt dược là tên mà hãng dược phẩm đặt ra với quyền bảo hộ mậu dịch. Còn tên chung là tên của chất làm thuốc. Mỗi hãng dược phẩm lấy tên biệt dược khác nhau nhưng tên chung thì chỉ có một.

Chẳng hạn như loại thuốc paracetamol là tên chung, nhưng Hãng GlaxoSmithKline lấy tên biệt dược là Panadol, Hãng McNeil Consumer Healthcare lấy tên biệt dược là Tylenol.

2. Công dụng của thuốc là gì?

Một số loại thuốc có tác dụng chữa bệnh, chẳng hạn các loại thuốc kháng sinh. Một số loại thuốc khác có tác dụng kiểm soát triệu chứng, chẳng hạn như các loại thuốc giảm đau. Cần biết rõ công dụng của thuốc để biết rằng thuốc sẽ làm gì cho sức khỏe bệnh nhân.

3. Tôi sẽ dùng thuốc này như thế nào?

Thời điểm nào trong ngày là tốt nhất để sử dụng loại dược phẩm ấy? Có nhiều loại dược phẩm cần phải dùng chính xác cùng thời điểm cho mọi ngày, thí dụ sáng nay uống thuốc 7 giờ thì sáng mai cũng phải uống lúc 7 giờ.

4. Thuốc này dùng lúc no hay lúc đói?

5. Nếu thuốc dùng đường miệng thì có thể bẻ hay nghiền rồi uống không?

6. Bệnh nhân phải làm gì khi quên uống một liều thuốc?

7. Làm sao tôi có thể biết thuốc này có tác dụng hay không? Khi nào thuốc sẽ có tác dụng? Nếu cảm thấy thuốc này không hề có tác dụng tôi phải làm gì?

8. Tôi phải dùng thuốc này trong bao lâu?

Có nhiều loại thuốc chỉ dùng trong một thời gian ngắn, có loại phải dùng suốt đời. Nếu biết loại dược phẩm mà bạn sẽ dùng trong bao lâu sẽ giúp bạn chuẩn bị nhằm thay đổi lối sống cần thiết để tiếp nhận thuốc.

9. Trong lúc dùng thuốc này, tôi phải kiêng cữ thực phẩm, thức uống gì hoặc không được dùng chung với những loại thuốc nào, tôi phải tránh những hoạt động nào?...

Rất nhiều hoạt động bị ảnh hưởng bởi thuốc, chẳng hạn như lái xe, vận hành máy móc, tập thể dục... có thể bị ảnh hưởng do tác động của thuốc. Đã có một số tai nạn giao thông và tai nạn lao động do dược phẩm gây ra.

10. Tác dụng phụ của thuốc này là gì? Tôi phải làm gì khi tác dụng phụ xảy ra?

11. Thuốc này có an toàn cho thai phụ và phụ nữ cho con bú không?

12. Tôi phải bảo quản dược phẩm này như thế nào?...

Tóm lại, muốn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả thì cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa "bộ ba": bác sĩ - bệnh nhân - dược sĩ. Vì lợi ích sức khỏe của chính mình, ngại gì mà không chịu hỏi khi mua thuốc!

Không hỏi kỹ, cho con uống thuốc sai liều lượng

Dược sĩ Dương Thị Yến - trưởng khoa dược Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - cho biết từ năm 2007, sau khi đăng ký thực hiện tiêu chuẩn nhà thuốc thực hành tốt GPP, bệnh viện đã chính thức có một tổ tư vấn do các dược sĩ đại học phụ trách nằm ngay khu vực nhà thuốc của bệnh viện.

Theo DS Yến, tổ tư vấn sẽ giải đáp cho phụ huynh tất cả thắc mắc khi dùng thuốc. Khoảng 80% phụ huynh sau khi nhận thuốc đều tìm đến bàn để hỏi kỹ thông tin trước khi cho trẻ uống thuốc.

Phần lớn hỏi về liều lượng, phương cách, khung giờ dùng thuốc. Có người tìm hiểu sâu hơn còn hỏi rất kỹ về tác dụng phụ và sự tương tác khi dùng chung các loại thuốc với nhau...

Thông thường trẻ nhỏ hay bị sốt nên tư vấn viên phải hướng dẫn thật kỹ cách uống thuốc hạ sốt, hay một số kháng sinh dạng bột phải pha sao cho đúng hàm lượng.

Một số phụ huynh tâm sự sau khi được tư vấn họ mới biết trước đó do không hỏi kỹ nên đã cho con uống thuốc với liều lượng và giờ giấc chưa đúng.

Theo Phòng quản lý dược Sở Y tế TP.HCM, đến nay tất cả nhà thuốc ở các bệnh viện trên địa bàn TP đều có bàn tư vấn dùng thuốc cho bệnh nhân.

TIẾN LONG

DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (ÚC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét