Trang

Phân biệt các bệnh hô hấp thường gặp

suckhoe.vnexpress.net - Thứ ba, 27/1/2015 | 05:14 GMT+7
 
Mỗi bệnh lý hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm mũi họng, viêm amiđan cấp, viêm VA, viêm phổi, suyễn, viêm tiểu phế quản... có những biểu hiện đặc trưng riêng.

Bệnh hô hấp chiếm tỷ lệ 30-55% bệnh lý trẻ em. Trung bình trẻ em dưới 5 tuổi mắc 3-10 đợt mỗi năm. Phần lớn bệnh hô hấp tự khỏi, khoảng 25% sẽ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi.

Bác sĩ CKII Nguyễn Bạch Huệ, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Quốc tế Thành Đô cho biết, dấu hiệu nhận biết các bệnh lý hô hấp là sốt nhẹ (38 độ C) hoặc sốt cao (39-40 độ C), ho khan, có đờm, ho từng cơn hoặc ho liên tục, chảy mũi, khó thở, thở rít, thở khò khè. Bên cạnh đó là các triệu chứng quấy khóc, đau đầu ở trẻ lớn, rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau bụng, chướng bụng, biếng ăn, tiêu chảy.

Dấu hiệu suy hô hấp: Thở nhanh so với lứa tuổi, thở rên, cánh mũi phập phồng, thở co kéo các cơ hô hấp, tím tái ở môi và các đầu chi, li bì hoặc mê sảng, sốt cao, bỏ ăn uống, khóc quấy nhiều.

Theo bác sĩ Bạch Huệ, bệnh hô hấp có thể dẫn đến các biến chứng tại chỗ như áp xe hoặc viêm tấy quanh họng, viêm tấy quanh amiđan, áp xe thành họng ở trẻ nhỏ. Một số biến chứng gần như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi. Các biến chứng xa nguy hiểm như viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim..

Ảnh: Lê Phương.

Ảnh: Lê Phương.

Phân biệt một số bệnh lý hô hấp thường gặp

Viêm mũi dị ứng

Là tình trạng viêm tại chỗ do niêm mạc mũi nhạy cảm với một hay nhiều tác nhân gây bệnh (dị ứng nguyên). Có hai loại viêm mũi dị ứng theo mùa và viêm quanh năm.

Ở trẻ có bốn triệu chứng chính là chảy nước mũi trong và nhiều, nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi nhiều, có thể kèm theo ngứa mắt.

Viêm mũi họng

Thường xảy ra lúc trời lạnh (tháng 10 đến tháng 3). Tuổi dễ bị nhất là 3-6 tuổi. Có nhiều loại virus gây như cúm, á cúm, Adenovirus, Rhinovirus. Bệnh lây lan rất nhanh nhưng ít nguy hiểm, thường tự giới hạn trong 7-14 ngày.

Một số triệu chứng thường gặp:

- Trẻ có cảm giác khô mũi, hơi thở nóng trong ngày đầu, sau đó sổ mũi ào ạt.

- Ngày 2 trở đi, trẻ bắt đầu sốt 38-39 độ C.

- Ngày 3, sốt giảm có thể còn sốt nhẹ.

- Sau 7 ngày trẻ sẽ hết sốt, đôi khi đến ngày 10.

- Nghẹt mũi, sổ mũi, rát cổ, ho ói ra đàm, uể oải không chịu chơi, biếng ăn.

Viêm họng

Xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở lứa tuổi đi học, 3-15 tuổi, ít khi gặp ở trẻ dưới 3 tuổi.

Bệnh có thể do virus (80%) hay vi khuẩn: vi khuẩn thường là liên cầu khuẩn, virus thường là rhinovirus, coxsackie…

Dấu hiệu lâm sàng:

- Sốt, uể oải.

- Sổ mũi, nghẹt mũi.

- Ho rát họng, đau khi nuốt, đau lan lên tai.

- Đau cơ, khớp.

Viêm mũi amiđan cấp

Amiđan là tổ chức bạch huyết, ở hai bên họng  rất dễ bị viêm nhất là ở trẻ dưới 6 tuổi, dễ chẩn đoán, phát hiện. Bệnh thường do vi khuẩn Hemophilus và Streptococcus.

Một số biểu hiện lâm sàng:

- Sốt, ho, đau họng, khó nuốt.

- Amiđan sưng đỏ, có mủ.

- Sờ hạch cổ: mềm, sưng đau hai bên.

- Có thể có biến chứng viêm tấy, áp xe quanh amiđan.

Viêm VA

Thường ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở trẻ lớn hơn.

Biểu hiện của bệnh:

- Trẻ bị sốt trên 38 độ C.

- Chảy mũi: lúc đầu trong, loãng; sau nhầy, mủ.

- Trẻ cũng bị ngạt mũi.

- Bệnh thường kèm ho; nếu có biến chứng viêm phế quản, ho sẽ trở nên trầm trọng hơn nhiều.

- Ngoài ra có thể thấy trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc...

Viêm thanh khí phế quản cấp

Đây là tình trạng viêm phù nề cấp vùng hạ thanh môn. Thường do Parainfluenza virus (75%), sau đó là RSV, Adenovirus, Influenza virus, đôi khi do vi trùng như Mycoplasma pneumoniae. Xảy ra ở trẻ 3 tháng đến 6 tuổi (đỉnh 1-2 tuổi).

Bệnh nhân có thể có các dấu hiệu tắc nghẽn đường thở hoặc có  nguy cơ dẫn đến tắc nghẽn đường thở nặng như lơ mơ, tím tái, vẻ mệt và kiệt sức, co lõm ngực nặng.

Viêm phổi

Là bệnh lý viêm của phổi do tác nhân nhiễm trùng.

Tác nhân:

- Phế cầu và Haemophillus influenzae thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

- Mycoplasma pneumoniae và phế cầu thường gặp ở trẻ trên 5 tuổi.

Lâm sàng: Sốt, ho, thở nhanh, khó thở.

X-quang là tiêu chuẩn chính của chẩn đoán. Tuy nhiên X-quang cũng không thể giúp phân biệt giữa viêm phổi do siêu vi và do vi trùng.

Viêm tiểu phế quản

Là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính do siêu vi của các phế quản nhỏ & trung bình, xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.

Nguyên nhân do RSV, Adenovirus, parainfluenza, influenza virus, human metapneumovirus, mycoplasma... Bệnh khởi phát từ từ với sốt nhẹ, ho, sổ mũi, khò khè, khó thở (thường ngày 3 đến ngày 4).

Suyễn

Là tình trạng viêm mãn tính của đường thở kết hợp với tăng phản ứng của đường dẫn khí.

Chẩn đoán cơn suyễn:

- Tiền sử có cơn suyễn hoặc đã chẩn đoán suyễn hoặc khó thở giảm khi dùng Salbutamol.

- Lâm sàng: Ho, khò khè, khó thở.

- Khám: Nghe thấy tiếng ran rít, ran ngáy...

- Loại trừ nguyên nhân gây khò khè khác: dị vật đường thở, viêm tiểu phế quản.

Lê Phương

 
 
 
suckhoe.vnexpress.netThứ sáu, 11/11/2011 | 11:32 GMT+7
Nếu không chữa trị kịp thời, cảm cúm có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như viêm xoang cấp, viêm tai giữa cấp, viêm phế quản - phổi...

Trong những ngày đầu đông, bệnh cảm cúm đã bắt đầu phổ biến. Bệnh tuy không nghiêm trọng nhưng nếu không điều trị đúng cách sẽ kéo dài đến 2 tuần, hoặc có biến chứng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh cũng như khả năng lây sang những người xung quanh.

Cảm cúm là bệnh của đường hô hấp trên, thường có các triệu chứng rõ nét là hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu, nhức mình… Đối với người đi làm, đặc biệt là làm việc trong phòng máy lạnh, những cơn hắt hơi, tắc nghẹt mũi liên tục không chỉ gây khó chịu cho người bệnh mà còn ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp, gây phiền toái cho người bên cạnh. Hắt hơi cũng là cơ hội để các virus, vi khuẩn phát tán từ người bệnh sang những người xung quanh. Cảm cúm sẽ tiến triển hơn với các triệu chứng như ho, có đờm, mệt mỏi. Những cơn ho này khiến người bệnh rất khó chịu trong mọi sinh hoạt hàng ngày.

Hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu nhẹ… là những triệu chứng thường thấy của cảm cúm.

Hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu nhẹ… là những triệu chứng thường thấy của cảm cúm.

Cảm cúm vốn là bệnh dễ trị nếu bạn đặt trọng tâm là điều trị triệu chứng. Khi có các biểu hiện của cảm cúm, người bệnh nên dùng thuốc điều trị sớm, tiết kiệm thời gian và công sức để phục hồi nhanh chóng và tránh các biến chứng. Để trị dứt bệnh, bạn nên hiểu rõ các vấn đề sau: triệu chứng về mũi (như hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi), triệu chứng về đau đầu và cơ bắp (đau mình mẩy), nặng hơn thì ho, có đờm… để từ đó dễ xác định các thành phần chữa trị. Để trị triệu chứng về mũi, thuốc được dùng thường có thành phần phenylephedrine hydrochloride (gọi tắt là PE). Phenylephedrine có tác dụng co mạch, chống sung huyết mũi, giảm nhảy mũi, sổ mũi, nghẹt mũi. Tuy nhiên, do thuốc gây co mạch nên những người cao tuổi hoặc có vấn đề về cao huyết áp cần có sự chỉ định của bác sĩ.

Để giảm đau đầu, đau nhức mình mẩy, hoạt chất paracetamol thường được lựa chọn vì tính an toàn cao và ít tác dụng phụ. Một số thuốc trị cảm cúm còn được hỗ trợ caffeine nhằm giúp người bệnh tỉnh táo hơn khi làm việc, vui chơi. Đặc tính khác của caffeine là giúp paracetamol phát huy tác dụng giảm đau nhanh và mạnh hơn. Khi gặp cảm cúm với triệu chứng nặng hơn, ngoài các thành phần kể trên, người bệnh sẽ cần thêm noscapine để trị ho, terpine hydrate giúp làm loãng đờm và vitamin C tăng cường sức đề kháng cho cơ thể giúp cơ thể mau bình phục.

Thường xuyên rửa tay sạch sẽ và ăn trái cây là những thói quen có ích để phòng ngừa cảm cúm.

Thường xuyên rửa tay sạch sẽ và ăn trái cây là những thói quen có ích để phòng ngừa cảm cúm.

Trong trường hợp người bệnh thấy các triệu chứng diễn tiến kéo dài, chảy mũi không dứt, lại thấy sốt cao, khó thở, tức ngực… nên đi khám bác sĩ hoặc đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, rất dễ lây lan từ người này qua người khác khi người bệnh ho, hắt hơi hay tiếp xúc trực tiếp với người khác. Những người bị cảm cúm nên đeo khẩu trang khi giao tiếp và thường xuyên rửa tay sạch trước khi bắt tay, tiếp xúc. Ngoài ra, bạn nên ăn thêm trái cây có nhiều vitamine và khoáng vi lượng để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Phúc
Nguyên chủ nhiệm bộ môn Tai Mũi Họng - ĐH Y Khoa Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét