Bestie.vn - Để giảm nguy cơ nhiễm độc, nhiều mẹ đã trần thịt bằng nước sôi với hi vọng làm sạch hóa chất và chất bẩn trên thịt. Tuy nhiên, cẩn thận như vậy chưa chắc đã tốt.
Ngọc Tuấn
15.08.2016
Thịt nhiễm hóa chất, hải sản bơm tạp chất... là những mối quan tâm không bao giờ nguội của các bà nội trợ. Để bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình mình, nhiều chị em đã làm giảm hóa chất và chất bẩn trong thịt bằng cách đun sôi nước rồi cho thịt vào trần qua nhiều lần. Nhưng theo các chuyên gia đây là việc làm hoàn toàn không có tác dụng.
Nên dùng nước muối loãng rửa thịt
Mỗi khi đi chợ, chị Thùy Trang (27 tuổi, Hà Nội) thường chọn miếng thịt có màu đỏ tươi, có độ đàn hồi cao… Hơn hết, trước khi chế biến, chị luôn ghi nhớ công đoạn đầu tiên sau khi rửa thịt là đun sôi nước nóng già cho rồi thịt trần qua, trần lại nhiều lần để loại bỏ hóa chất.
Chị Linh (Linh Đàm, Hà Nội) cũng có thói quen tương tự. Nhà chị thường mua thịt ở quê ra rồi tích trữ ăn dần. Trước mỗi lần chế biến, chị đều trần nước sôi và bỏ thêm vài hạt muối. Tuy nhiên, trong khi luộc thịt chị lại thấy hiện tượng nước sôi sủi bọt.
Nhiều chị em thường trần thịt qua nước sôi vì cho rằng làm vậy sẽ loại bỏ được hóa chất chứa trong thịt. (Ảnh minh họa: cuisineworld)
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên của Viện Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội), dinh dưỡng trong thịt chủ yếu là protein (tồn tại dưới dạng cơ thịt) và mỡ. Vitamin, axit amin nằm chủ yếu trong tế bào cơ protein. Ngày nay, vấn đề thực phẩm bẩn là mối lo ngại của toàn xã hội. Vì vậy, nhiều người có suy nghĩ đun sôi nước trần lại nhiều lần để loại bỏ hóa chất. Tuy nhiên, đây lại là việc làm hoàn toàn sai lầm và có tác dụng ngược lại.
"Khi cho vào nước đun sôi để trần sẽ làm cho thịt biến tính co lại, càng làm cho thịt hấp thu các hóa chất và chất bẩn nhiều hơn, do đó thịt càng trở nên độc. Thay vào đó khi mua thịt về, các bà nội trợ nên sơ chế rửa lại bằng nước sạch nhiều lần. Ngoài ra, chúng ta nên dùng một ít muối hòa tan trong nước để rửa thịt, muối cũng có tác dụng loại bỏ các chất bẩn từ thịt", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Nên ngâm thịt vào nước muối để loại bỏ tạp chất. (Ảnh minh họa: wikihow)
Còn hiện tượng nổi bọt khi luộc thịt có thể là do một phần chất bẩn có trong thịt. Ngày xưa, khi lợn gà chưa được nuôi bằng thức ăn công nghiệp, thịt thường có mùi thơm đặc trưng, khi chế biến, thịt cũng ít khi có hiện tượng nổi váng bọt. Tuy nhiên, ngày nay, phần vì do môi trường ô nhiễm bụi bẩn, phần do người dân không còn nuôi lợn gà theo lối truyền thống mà bằng các thức ăn công nghiệp nên chất lượng thịt cũng giảm đi rõ rệt.
Cách nhận biết các loại thịt lợn
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, để mua được thịt lợn an toàn, chúng ta nên chọn mua ở những nơi bán hàng uy tín, biết nguồn gốc, có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, có giấy kiểm dịch cơ quan thú y.
Thịt lợn sạch đơn giản là thịt con lợn không nuôi bằng cám tăng trọng và không bị tiêm thuốc tạo nạc. (Ảnh minh họa: Internet)
Đối với thịt lợn bơm nước: Khi thái ra thì thịt có màu nhạt hơn, miếng thịt nhão, thớ cơ bở hơn, để 1-2 giờ thịt rỉ nước ra nhiều hơn. Khi nấu thịt cũng tiết ra nhiều nước hơn, khi chế biến thì sẽ không có mùi thơm cũng như vị ngon đậm đà, đặc trưng của thịt.
Thịt lợn bị ngâm trong hóa chất: Thịt có biểu hiện bị nhão bởi các thớ thịt đã bị giãn khi ngâm tẩm, chứ không còn độ dẻo như thịt được nấu thông thường. Khi cầm thịt lên ngửi có mùi hoặc ăn phải thực phẩm còn dư lượng SO2 quá mức cho phép sẽ bị buồn nôn, nhức đầu và gây viêm niêm mạc.
Đối với thịt lợn có chứa chất tạo nạc: Lợn siêu nạc thường có lớp mỡ mỏng, thường chưa đến 1cm vì được ăn hóa chất, phần nạc bám sát vào da. Thịt lợn siêu nạc có chứa độc chất ractopamine và clenbuterol, thịt có màu đỏ sậm khác thường, sáng và bóng. Trên da có thể xuất hiện đốm đỏ.
Thịt siêu nạc có lớp mỡ mỏng chưa đến 1cm. (Ảnh minh họa: Internet)
Đối với thịt lợn sạch: Thịt lợn sạch đơn giản là thịt con lợn không nuôi bằng cám tăng trọng và không bị tiêm thuốc tạo nạc. Màu thịt hơi hồng, không đỏ rực, lớp mỡ của thịt lợn sạch dày khoảng 1,5-2cm. Mỡ và bì càng dày chứng tỏ lợn được nuôi lâu, không ăn cám tăng trọng. Màu mỡ trắng phau là con lợn khỏe mạnh, không ốm. Các thớ thịt đều đường cắt mặt có màu sắc bình thường, thịt khô ráo, thịt hơi rít, cơ hơi se lại. Thịt ngon khi luộc có nước trong, váng mỡ to, có mùi thơm.
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét