25/02/2012 5:42:58 CH
Hỏi:
Nhà
tôi có trồng cây dâu đã lâu năm, khoảng 2 năm trở lại đây, có mọc cây
tầm gửi. Tôi nghe nói loài tầm gửi này được gọi là "Tang ký sinh". Đề
nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết thông tin về loài cây này.
Nguyễn Thị Bích, Tp. Đà Nẵng
Đáp:
Bạn
đang có trong vườn nhà một vị thuốc quý, đồng thời rất hiếm, vì hiện
tại rất khó mua được vị thuốc "tang ký sinh" (tầm gửi cây dâu) thứ
thiệt.
Tầm
gửi cây dâu, trong Đông y gọi là "tang ký sinh", còn có tên là "đào mộc
ký sinh", "sa lê ký sinh", "tỳ bà ký sinh", "do trà ký sinh", tên khoa
học là Loranthus parasiticus (L.) Merr. thuộc họ Tầm gửi (Loranthaceae).
Ban
đầu, tang ký sinh được phát hiện như một vị thuốc có tác dụng chữa
xương khớp đau nhức do phong tê thấp. Trong quá trình sử dụng lâu dài,
mới dần phát hiện thêm những tác dụng khác.
Theo Đông y:
Tang ký sinh có vị đắng, tính bình, vào hai kinh Can và Thận. Có tác
dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, an thai, làm cho xuống sữa. Dùng chữa
gân xương đau nhức, động thai, đẻ xong không có sữa, lưng gối mỏi đau.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy:
Tang ký sinh có tác dụng làm mạnh tim (giãn rộng động mạch vành, tăng
lượng máu đến nuôi cơ tim), hạ huyết áp, an thần, lợi tiểu, tăng cường
miễn dịch, ức chế trực tiếp đối với vi-rút gây viêm tủy sống và vi-rút
gây viêm ruột.
Cách thu hái và chế biến:
Khi cây trưởng thành, bắt đầu có hoa, là có thể bắt đầu thu hoạch. Có
thể thu hái quanh năm, nhưng có chất lượng tốt nhất vào mùa Xuân và mùa
Hạ. Chỉ cần cắt lấy cành và lá, rửa qua, thái thành từng đoạn ngắn, phơi
hoặc sấy khô, cất ở nơi khô thoáng, dùng dần. Nói chung không cần sao
tẩm hoặc chế biến gì khác.
Một số bài thuốc có sử dụng tang ký sinh:
(1) Chữa phong thấp khớp xương, lưng gối đau nhức:
Dùng độc vị tang ký sinh 10-15g, sắc nước uống trong ngày; hoặc phối
hợp thêm với một số vị thuốc có tác dụng dưỡng huyết (mỗi vị 8-10g) như
đương quy, địa hoàng, bạch thược, xuyên khung, ...
(2) Chữa đau lưng do can thận suy nhược, bệnh phát sinh do bị nhiễm lạnh và nhiễm ẩm: Dùng bài "Độc hoạt tang ký sinh thang":
Độc hoạt 15g, tang ký sinh 24g, đỗ trọng 15g, ngưu tất 15g, tế tân 6g,
tần cửu 10g, quế tâm 9g, phòng phong 9g, nhân sâm 12g, phục linh 12g,
đương quy 9g, xuyên khung 9g, thược dược 30g, can địa hoàng 18g, cam
thảo 6g. Sắc nước uống trong ngày.
(3) Chữa động thai, đau bụng, rong huyết:
Tang ký sinh 15g, a giao nướng thơm 20g, ngải diệp 20g; nước 3 bát
(600ml), sắc còn 1 bát (200ml); chia nhiều lần uống trong ngày. Nếu là
người tạng nhiệt thì bỏ ngải diệp.
Lương y HƯ ĐAN
Thuốc vườn nhà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét