http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200843/20081022085149.aspx
Đau giúp thầy thuốc định hướng những chẩn đoán cần thiết - Ảnh: Thanh Đạm |
Đau là một trong những dấu hiệu báo động cho biết cơ thể đang bị bệnh. Một số chuyên gia y học đã ngồi lại với nhau, lựa chọn những cơn đau thường gặp nhất và khuyên chúng ta không bỏ qua để phát hiện bệnh sớm.
Thứ nhất là đau đầu. Nếu nhức đầu do cảm cúm hay sau khi uống rượu thông thường thì với một vài viên thuốc giảm đau Paracetamol cũng có thể cắt đứt cơn đau. Nhưng với kiểu đau đầu tái diễn xin mời đến bác sĩ, bởi vì đó có thể là những dấu hiệu đầu tiên của chứng viêm xoang, do phình mạch máu não hay khối u trong não…
Thứ đến là những cơn đau ngực, nguyên nhân cần chú ý là do nhồi máu cơ tim. Biểu hiện ban đầu là cảm giác khó chịu hay nặng ngực chứ không hẳn là biểu hiện của cảm giác đau. Cũng có thể cảm giác mơ hồ kiểu như đau bụng ở vùng thượng vị có kèm hay không kèm theo buồn nôn, đôi lúc đau ở vùng ngực trên lan lên cổ, hàm, vai trái và ra cánh tay. Một số cơn đau chỉ xuất hiện khi gắng sức, thay đổi cảm xúc vui buồn, thay đổi thời tiết là những cơn đau ngực không ổn định. Các chuyên gia tim mạch khuyên tất cả kiểu đau trên không nên chờ đợi đến khi có cơn đau ngực thật sự, hãy đến bác sĩ tư vấn sớm nhằm phát hiện bệnh mạch vành.
Tiếp đến là những cơn đau lưng vùng thấp hay giữa hai xương bả vai cũng có thể do viêm khớp hay thoái hóa khớp. Nhưng một nguyên nhân nguy hiểm cần chú ý là bóc tách động mạch chủ, nhất là đối với người già cao huyết áp. Nó có thể bắt đầu với một cơn đau đột ngột hay kéo dài, vì vậy nhớ đi khám bác sĩ để được tư vấn và phẫu thuật sớm.
Chớ vội dùng thuốc
Đau bụng cũng là một kiểu đau thường gặp nhất. Chúng ta đừng nghĩ đơn giản và xem thường rồi vội dùng thuốc giảm đau. Chẳng hạn với bệnh viêm ruột thừa, nếu để làm "lu mờ" triệu chứng đến khi gây ra biến chứng viêm phúc mạc thì vô tình chúng ta đã biến một bệnh đơn giản thành phức tạp. Ngoài ra những cơn đau khác do túi mật, tụy, vết loét dạ dày hay tắc ruột cũng chú ý để chữa trị sớm.
Một kiểu đau ở bắp chân cũng nguy hiểm được biết đến như là những cơn đau do cục máu đông gây tắc các tĩnh mạch sâu trong chân. Những cục máu đông này có thể di chuyển lên phổi gây tắc mạch phổi và tử vong. Béo phì, ung thư hay những tình trạng sau mổ phải nằm lâu trên giường, lúc mang thai, tuổi già hoặc bất ngờ hơn là những chuyến bay dài phải ngồi bó chân hàng giờ đều là những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh này. Vì vậy nếu thấy sưng và đau cơ cẳng chân chúng ta nhớ đi khám bác sĩ.
Nếu có cảm giác đau nóng bỏng, tê ở các đầu chi, nhất là ở chân do tổn thương các đầu dây thần kinh thì đi khám để tầm soát bệnh đái tháo đường. Bởi một số lượng lớn chúng ta có thể có bệnh đái tháo đường mà không được chẩn đoán.
Cuối cùng là những kiểu đau mơ hồ, không giải thích được về mặt y khoa. Lúc này nên nghĩ đến bác sĩ tâm lý. Bởi những cơn đau dạng này có thể là do trầm cảm sinh ra. Trầm cảm càng nặng càng khó mô tả rõ ràng cảm giác đau và tất cả điều này có thể đánh lạc hướng bác sĩ điều trị. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng đau do trầm cảm cần được chữa trị sớm một cách tích cực trước khi chúng trở thành nguyên nhân gây nên những tổn thương trong não.
Theo BS Nguyễn Tất Bình/ Tuổi Trẻ
15 điều đàn ông không nên bỏ qua
Ho dai dẳng kéo dài trên ba tuần nên chụp X-quang kiểm tra phổi - Ảnh: N.C.T |
So với phụ nữ, đàn ông thường được xem là chểnh mảng hơn trong việc chăm lo sức khỏe bản thân. Khi gặp những triệu chứng như sốt, ho, đau... họ ít để ý vì lý do từng lướt qua nhiều lần như thế.
Tuy nhiên, bệnh nguy hiểm như ung thư, lúc khởi phát triệu chứng không có gì nghiêm trọng, dễ lầm lẫn với cảm ho thông thường nhưng lại không dễ dàng lướt qua nếu không phát hiện sớm, can thiệp kịp thời. Dưới đây là một số triệu chứng ung thư thường gặp ở phái mạnh, song có khi lại không được chính chủ nhân quan tâm:
1. Xuất hiện khối lạ ở ngực: ung thư vú ở nam tuy không phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra. Bất cứ khối lạ nào xuất hiện ở vùng ngực cũng cần được kiểm tra cẩn thận, đặc biệt khi có các biểu hiện kèm theo như: da bị lõm, nhăn nhúm, đỏ hoặc tróc vảy ở nơi có khối lạ. Núm vú bị đỏ, co rút hoặc chảy dịch.
2. Đau: thường gặp trong rất nhiều bệnh lý khác nhau và cũng không loại trừ ung thư. Vì vậy, khi có biểu hiện đau dai dẳng nên đến bác sĩ để tìm nguyên nhân.
3. Những thay đổi ở tinh hoàn: một số ca ung thư tinh hoàn phát triển nhanh và gây tử vong cao. Do đó, trừ trường hợp bệnh bẩm sinh hoặc trẻ nhỏ, nam giới nên biết tự kiểm tra tinh hoàn của mình và không nên bỏ qua khi thấy một số bất thường như tinh hoàn to ra hoặc teo lại, cảm giác nặng hoặc căng đau.
4. Nổi hạch: nếu thấy hạch ở nách, cổ hay bất cứ chỗ nào trên cơ thể to ra nhanh hoặc sưng tấy trong thời gian dài (hơn một tháng) thì nên kiểm tra vì có thể đó là hạch trong bệnh lý ác tính.
5. Sốt: có vô số nguyên nhân có thể gây sốt. Trong trường hợp sốt không tìm được nguyên nhân rõ ràng, mọi người cũng có thể nghĩ đến bệnh ác tính vì bệnh này gây sốt ở vài thời điểm nào đó và thường xuất hiện sau khi ung thư đã xâm lấn nhiều nơi.
6. Sụt cân: cân nặng có thể dao động nhưng hầu hết không thay đổi nhiều. Nếu một người mất 10% trọng lượng trong thời gian ngắn (khoảng một tuần) thì cần thăm khám ngay.
7. Đau bụng: bất cứ trường hợp đau bụng nào cũng cần theo dõi cẩn thận, nhất là khi có những bất thường khác kèm theo như vàng da, thay đổi thói quen đại tiện...
8. Mệt: triệu chứng mệt rất mơ hồ và cũng có nhiều nguyên nhân gây mệt mà không nhất thiết là do bệnh tật. Giống như sốt, triệu chứng mệt có thể xuất hiện khi ung thư phát triển. Tuy nhiên, mệt cũng có thể xảy ra ở giai đoạn sớm của ung thư bạch cầu, ung thư trực tràng, dạ dày. Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi và không giảm khi nghỉ ngơi thì đó là lúc nên đi khám bệnh.
9. Ho dai dẳng: không nên bỏ qua tình trạng ho kéo dài 3-4 tuần không khỏi. Ngoài những nguyên nhân thông thường như cảm cúm, dị ứng, ho còn là biểu hiện một số vấn đề như viêm phế quản mãn tính, trào ngược dạ dày thực quản và cũng có thể là ung thư.
10. Khó nuốt: nhiều người than phiền về tình trạng khó nuốt nhưng tìm cách sống chung với nó, lúc đầu khó ăn thức ăn dạng đặc nhưng về sau ăn thức ăn dạng lỏng cũng khó. Có thể đây là chỉ điểm bệnh ác tính như ung thư thực quản.
11. Những thay đổi ở da: cần hết sức cảnh giác khi thấy các nốt ruồi lớn nhanh đột ngột, đau, dễ chảy máu khi chạm vào. Ngoài ra, thay đổi màu sắc da bất thường cũng cần được đánh giá cẩn thận.
12. Chảy máu bất thường: bất cứ khi nào có hiện tượng chảy máu ở những vị trí trước giờ không thấy thì nên đi khám bệnh. Các triệu chứng như ho khạc đàm có máu, đi tiêu, tiểu ra máu, nôn ra máu đều là các dấu hiệu bất thường cần được chú ý.
13. Thay đổi ở miệng: với những người hút thuốc, cần hết sức lưu ý khi thấy trong miệng, lưỡi có nhiều dát hoặc mảng trắng xuất hiện. Đó có thể là bạch sản niêm mạc miệng và có khả năng tiến triển thành ung thư.
14. Vấn đề tiết niệu: tình trạng phì đại tuyến tiền liệt với những khó chịu về đường tiểu như tiểu khó, tiểu lắt nhắt và cảm giác đi tiểu không hết rất thường gặp ở người trung niên. Tuy nhiên, cần theo dõi cẩn thận và kết hợp với cận lâm sàng để có sự can thiệp sớm, vì phì đại tuyến tiền liệt cũng có khả năng chuyển sang ác tính.
15. Khó tiêu: tình trạng ăn không tiêu kéo dài cần được thăm khám kỹ, nhất là đối với người lớn tuổi, nhằm loại trừ bệnh lý ác tính trước khi nghĩ đến những nguyên nhân phổ biến khác.
Nếu tự bản thân cảm thấy không yên tâm về bất kỳ dấu hiệu lạ nào của cơ thể, tốt hơn hết quý ông nên chịu khó đi "thăm" bác sĩ và có kế hoạch thăm khám định kỳ, để giữ vững danh hiệu phái mạnh trong mắt mọi người.
Theo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét