06/04/2013 22:42 (GMT + 7)
Ông Nghiêm Danh Hiền (52 tuổi, ngụ Đồ Sơn, Hải Phòng) đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Bệnh nhân Nghiêm Thị Uyên (con ông Hiền, 16 tuổi) hiện đang được điều trị tại bệnh viện.
Theo lời kể của bệnh nhân, trưa 5-4, hai bố con ông Hiền luộc hai con so biển (mỗi con nặng khoảng 200g) để ăn. Chiều tối cùng ngày, ông Hiền thấy đau bụng, buồn nôn, chân tay và lưỡi tê cứng. Vì chủ quan nghĩ là đau bụng bình thường nên ông không đến viện ngay.
Đến tối khi ông Hiền bất tỉnh, người nhà đưa ông đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Đồ Sơn, sau đó được chuyển thẳng lên bệnh viện Việt Tiệp nhưng không kịp. Uyên ăn ít hơn nên sau khi được các bác sĩ tiến hành rửa dạ dày, truyền nước, hiện đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Trần Thanh Cảng, trưởng khoa Hồi sức tích cực nội và chống độc bệnh viện Việt Tiệp, cho biết thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều ca ngộ độc vì ăn "hải sản độc".
Trước đó, tối 30-3 chị Nguyễn Thị Nhung (30 tuổi, ngụ Đồ Sơn, Hải Phòng) cũng bị ngộ độc do ăn so biển. Tại đảo Bạch Long Vĩ, anh Lê Hữu Nghĩa (Hải Ninh, Thanh Hóa) bị ngộ độc do ăn bạch tuộc đốm xanh.
Bác sĩ Cảng cho biết trong trứng và thịt của so biển có chứa độc tố Tetrodotoxin - một loại độc tố thần kinh dạng mạnh, ăn phải rất dễ bị ngộ độc và sẽ tử vong nếu ăn nhiều và không được đi cấp cứu kịp thời. Do con so có hình dạng giống con sam (con sam không độc) nên nhiều ngư dân nhầm lẫn.
Con so biển có vẻ ngoài rất giống con sam nhưng có kích thước nhỏ hơn và mai màu vàng (nguồn ảnh: impe-qn.org.vn)
Theo bác sĩ Cảng, bằng mắt thường có thể phân biệt, con so có kích thước nhỏ hơn sam, mai so màu vàng và người ta thường gọi là sam nghệ, khi ăn dễ bị say. Bác sĩ Cảng khuyến cáo tốt nhất không nên ăn con so, còn khi ăn sam thì không nên ăn trứng để giảm nguy cơ ngộ độc.
THÂN HOÀNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét