Trang

Hé lộ trạng thái con người khi cận kề cái chết

khoahoc.tv

Khảo sát của chuyên gia thần kinh học Bỉ Steven Laureys và cộng sự tại ĐH Liège nêu giả thuyết rằng kinh nghiệm cận kề cái chết là một trạng thái tràn ngập bình an.

Chuyên gia Laureys vốn nghiên cứu về những bệnh nhân hôn mê hoặc sống tình trạng thực vật, đã bắt đầu khảo sát về những bệnh nhân thuật lại tình huống cận kề cái chết với ông sau khi họ hồi tỉnh.

Ông Laurey và cộng sự tham khảo 190 trường hợp được ghi nhận trải qua biến cố khiến bệnh nhân hôn mê do ngưng tim, đuối nước, chấn thương đầu. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích thống kê và công cụ đo lường được gọi là thước đo Greyson để đánh giá về số lượng và cường độ những nét đặc trưng khác nhau ở kinh nghiệm cận tử. Các nhà khoa học ngạc nhiên phát hiện rằng có nhiều điểm tương đồng trong tâm trạng của những người này.

Hé lộ trạng thái con người khi cận kề cái chết

Đặc trưng quan trọng nhất là hầu hết đều cảm nhận tràn ngập bình an. Một kinh nghiệm kế tiếp là sự thoát ra khỏi thân xác. Nhiều người nhận thấy sự thay đổi trong cảm nhận của họ về thời gian. Chỉ có rất ít trường hợp có kinh nghiệm tiêu cực cũng như rất hiếm người hồi tưởng về quá khứ hoặc tưởng tượng về tương lai - dạng tâm trạng mà phim ở Hollywood thường miêu tả. Chuyên gia Laurey nói: "Hóa ra kinh nghiệm về sự chết không quá tồi tệ!"

Nhóm nghiên cứu cũng cố gắng tìm cách khảo sát khách quan về kinh nghiệm cận tử bằng cách quét hình ảnh toàn bộ não của những bệnh nhân thông báo họ đã trải qua kinh nghiệm cận tử sau cơn ngưng tim nhằm tìm kiếm khả năng có dấu vết còn sót lại có thể phản ánh hậu quả sự cố.

Ông Laureys tuyên bố: "Chúng ta cần nhìn nhận có nhiều điều chúng ta không biết nhưng điều quan trọng là ứng dụng các phương pháp khoa học tốt nhất mà chúng ta có thể".

Trước đây, một số nhà khoa học nêu giai đoạn cận tử theo lời kể của bệnh nhân sống lại sau hôn mê về cảm giác ra khỏi thể xác, cảm nhận như ở trong đường hầm ánh sáng hay hồi tưởng quá khứ.

Cập nhật: 28/06/2014 Theo NLĐ
 
 

Giải mã hiện tượng bí ẩn: Hồn lìa khỏi xác

khoahoc.tv

Ngày 6/10, các nhà khoa học tại Đại học Southampton (Anh) tuyên bố đã khám phá ra bí ẩn của hiện tượng "hồn lìa khỏi xác" sau khi tiến hành cuộc nghiên cứu y học lớn nhất từ trước tới nay trên những người hút chết.

>>> Xem não bộ khi "hồn lìa khỏi xác"

Hiện tượng con người vẫn có những trải nghiệm đầy ý thức về mọi vật xung quanh sau khi tim ngừng đập, não ngừng hoạt động hoàn toàn luôn là một vấn đề đau đầu với các nhà khoa học và gây ra không ít tranh cãi.

Giải mã hiện tượng bí ẩn: Hồn lìa khỏi xác
Các nhà khoa học tìm ra câu trả lời về hiện tượng "hồn lìa khỏi xác"

Để giải quyết câu hỏi này, các nhà khoa học Đại học Southampton đã dành ra 4 năm trời để nghiên cứu hơn 2000 người trải qua giai đoạn tim ngừng đập hoàn toàn tại 15 bệnh viện ở Anh, Mỹ và Úc.

Họ phát hiện ra rằng, gần 40% số người sống sót sau khi tim ngừng đập mô tả về một dạng "ý thức" vẫn tồn tại trong thời gian họ chết lâm sàng, trước khi tim họ hoạt động trở lại.

Một bệnh nhân đã kể lại rằng, ông đã "thoát xác" hoàn toàn và đứng trong góc phòng theo dõi toàn bộ quá trình các bác sĩ hồi sức cấp cứu cho chính ông trên giường bệnh.

Mặc dù tim ngừng đập và đã "chết" trong suốt 3 phút, tuy nhiên người đàn ông 57 tuổi đến từ Southampton này vẫn nhớ như in hành động của các y bác sĩ và mô tả lại rõ ràng âm thanh của máy móc trong phòng cấp cứu.

Giải mã hiện tượng bí ẩn: Hồn lìa khỏi xác
Người đàn ông chứng kiến các bác sĩ cấp cứu cho mình từ góc phòng. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Sam Parnia thuộc Đại học bang New York (Mỹ), người đứng đầu nhóm nghiên cứu, giải thích: "Chúng ta đều biết rằng não không thể hoạt động sau khi tim ngừng đập. Nhưng trong trường hợp này, ý thức con người dường như vẫn tiếp tục tồn tại tới 3 phút sau khi tim ngừng hoạt động, mặc dù bộ não thường "tắt" sau tim chừng 20-30 giây".

Ông Parnia giải thích tiếp: "Người đàn ông này mô tả lại được mọi thứ diễn ra trong phòng, nhưng quan trọng nhất là 2 tiếng bíp từ một chiếc máy vốn chỉ phát ra âm thanh 3 phút một lần".

"Như vậy, chúng tôi có thể tính được thời gian tồn tại của ý thức con người sau khi chết. Những gì mà người đàn ông này kể lại rất đáng tin cậy, và chúng đều diễn ra đúng như trong thực tế", bác sĩ Parnia nói.

Trong số 2.060 ca tim ngừng đập mà họ nghiên cứu, có 330 người sống lại, và 140 người trong số đó cho biết họ cảm nhận thấy ý thức mình vẫn hoạt động trong khi được cấp cứu.

1/5 số bệnh nhân này nói rằng họ cảm nhận được sự thanh bình khác thường sau khi "chết", trong khi gần 1/3 số người sống lại cho hay thời gian xung quanh như chậm đi hoặc nhanh lên.

Giải mã hiện tượng bí ẩn: Hồn lìa khỏi xác
Bác sĩ Sam Parnia, người đứng đầu công trình nghiên cứu

Một số người nhìn thấy luồng ánh sáng rực rỡ như một ánh chớp màu vàng hoặc mặt trời tỏa sáng.

Số khác thì có cảm giác sợ hãi hoặc đang chới với dưới nước sâu. Ngoài ra, 13% số người sống sót cảm nhận rõ hiện tượng "hồn lìa khỏi xác", và cũng chừng ấy người nói rằng các giác quan của họ được tăng cường đáng kể.

Bác sĩ Parnia tin rằng có rất nhiều người đã trải qua cảm giác tương tự khi họ cận kề với cái chết, nhưng những loại thuốc gây mê hay thuốc giảm đau sử dụng trong quá trình cấp cứu đã khiến họ không thể nhớ được trải nghiệm đó.

Bác sĩ này nói: "Chúng tôi ước tính có hàng triệu người đã có những trải nghiệm sinh động về cái chết, nhưng bằng chứng khoa học thu được vẫn còn khá ít ỏi. Nhiều người nói rằng đó chỉ là ảo giác, ảo ảnh, tuy nhiên trong thực tế chúng lại rất khớp với những sự kiện đã diễn ra".

Nhóm nghiên cứu này dự định sẽ tiếp tục mở rộng công trình của mình tới nhiều đối tượng hơn nữa để có được câu trả lời rõ ràng hơn về hiện tượng "hồn lìa khỏi xác".

Cập nhật: 08/10/2014 Theo Khampha, Telegraph
 
 

Những hiện tượng "kinh ngạc" trước và sau khi chết

khoahoc.tv

Con người thường bị cuốn hút vào những bộ phim về xác chết như The Walking Dead hay How to Get Away with Murder, nhưng ít ai biết được điều gì thực sự xảy ra khi họ chết đi. Cơ thể có những hiện tượng khá thú vị và đáng sợ trong vài giờ sau khi tim ngừng đập. Hãy cùng xem đó là gì nhé!

Tiếng nấc hấp hối (Death Rattle)

Tiếng nấc hấp hối
Tiếng nấc hấp hối

Đây là từ được sử dụng khá nhiều trong bệnh viện, diễn tả âm thanh khá rùng rợn khi một người đang hấp hối. Khi cơ thể mất đi phản xạ ho và khả năng nuốt, dẫn đến việc ứ đọng nước bọt trong cổ họng, lúc này, những tiếng nấc hấp hối sẽ được phát ra. Âm thanh này thường khiến gia đình bệnh nhân lo sợ, thậm chí là ám ảnh, dù nó hiếm khi gây đau đớn cho người bệnh. Các bác sĩ thường sử dụng thuốc giảm đau, phương pháp hút hoặc uống thuốc an thần nhằm tạo sự thoải mái cho bệnh nhân, giúp họ ra đi thanh thản. Bên cạnh đó, điều này cũng tránh gây lo sợ cho gia đình.

Nhịp thở Cheynes Stokes (Cheynes Stokes Respiration)

Nhịp thở Cheynes StokesNhịp thở Cheynes Stokes

Đây là hiện tượng thở bất thường, diễn ra luân phiên với biên độ lớn giữa giai đoạn thở rất nhanh và giai đoạn ngưng thở (apnea). Nguyên nhân của tình trạng này là do tim đã yếu và khi hoạt động quá mức, nó dẫn đến hiện tượng thở nhanh (hyperventilate). Ngay sau đó là giai đoạn ngưng thở do cơ thể không đủ năng lượng để duy trì. Khi tim đã yếu, các cơ quan trong cơ thể nhận được ít máu, oxy hơn, dẫn đến việc các tế bào chết dần và người bệnh sẽ tắt thở. Những người đang hấp hối thường có hiện tượng này nhưng nó cũng xảy ra ở bệnh nhân bị trụy tim hay rối loạn hô hấp.

Sự bài tiết (Defecation)

Sự bài tiếtSự bài tiết

Sau khi chết, các cơ bắp không còn nhận được năng lượng, ruột sẽ buông lỏng và xuất hiện sự bài tiết, đặc biệt là ở những người ăn trước khi chết. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho việc khám nghiệm tử thi trong những trường hợp chết bất thường. Đối với bệnh nhân ở nhà tế bần, họ có thể không thấy ngon miệng vào những ngày cuối nên hiện tượng này hiếm khi xảy ra.

Tóc và móng tay trông như đang mọc dài ra

Hẳn bạn từng nghe tóc và móng tay tiếp tục mọc sau khi người chết nằm trong quan tài? Không phải đâu, mặc dù trông đúng thế thật! Khi người ta chết, da bị khô đi và co lại so với biểu bì móng và nang tóc, khiến móng và tóc trông dài hơn so với khi họ còn sống.

Sự co cứng (Rigor Mortis)

Sự co cứngSự co cứng

Nói đơn giản hơn thì đây là hiện tượng xác chết cứng lại. Sau khi chết, cơ thể không thể phá vỡ những liên kết làm co cơ dẫn đến sự co cứng vĩnh viễn. Trong hầu hết các trường hợp, sự co cứng diễn ra từ 1 tới 3 giờ sau khi chết và ở trạng thái cứng hoàn toàn sau 24 giờ. Hiện tượng này có cả ở mí mắt nên những trường hợp không nhắm mắt khi chết, các cơ mắt sẽ giữ cho mắt mở to (chết không nhắm mắt).

Có thể sẽ đại, tiểu tiện trong quần

Sau một thời gian, cơ sẽ hết căng cứng và giãn ra, bao gồm cả cơ vòng có nhiệm vụ kiểm soát quá trình đại, tiểu tiển. Sau khi người ta chết, nếu trong người có thứ cần phải thải ra, các cơ sẽ đẩy tất cả những thứ này ra ngoài.

Các nếp nhăn biến mất ngay lập tức

Các cơ mất đi sức căng sẽ không tạo ra những nếp nhăn đáng ghét trên trán nữa. Khi bạn già đi, những vấn đề về da chảy xệ vẫn sẽ xảy ra nhưng ít nhất vùng trán sẽ bớt nhăn hơn.

Hạ thân nhiệt (Algor Mortis)

Hạ thân nhiệtHạ thân nhiệt

Hiện tượng hạ thân nhiệt của cơ thể sau khi chết (hay còn gọi là tử thi lạnh) chỉ xảy ra khi nhiệt độ môi trường thấp hơn nhiệt độ cơ thể tại thời điểm chết. Mức độ lạnh cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: vị trí cơ thể (so với Mặt trời), quần áo và nhiệt độ phòng nơi chết. Người chết ở sàn nhà tắm sẽ lạnh nhanh hơn ở ngoài trời 35 độ. Ngoài ra, người béo phì cũng có thời gian lạnh lâu hơn, trẻ sơ sinh lại có mức độ lạnh tương đối nhanh. Thông thường, phải mất khoảng 24 giờ để một xác chết lạnh hoàn toàn.

Chảy dịch (Purge Fluid)

Chảy dịchChảy dịch

Hiện tượng thối rữa, tạo thành chất lỏng màu nâu đỏ có mùi thối, chảy ra từ miệng và mũi, được gọi là chảy dịch (Purge Fluid). Nó có thể khiến nhiều người nhầm với chấn thương não. Tình trạng này được giải thích là do sự hình thành khí trong cơ thể, tích tụ trong ruột và dạ dày khiến bụng căng lên, tạo áp lực khiến chảy dịch từ mũi, mồm, vùng kín, và cả trực tràng. Hiện tượng này giúp ích cho việc xác định thời gian chết. Ở những nơi có nhiệt độ cao, hiện tượng chảy dịch có thể xuất hiện dưới 24 giờ.

Một số bộ phận của cơ thể vẫn hoạt động

Ngay sau khi người ta ngừng thở và tim ngừng đập, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu chết nhưng tất cả tế bào không chết ngay. Các tế bào da có thể tiếp tục sống sót nhiều ngày; ngược lại, các tế bào não sẽ chết 3 phút sau đó do thiếu ô-xy. Các mô như giác mạc, da, tủy xương và thậm chí là van tim vẫn có thể hoạt động 15 giờ sau khi người ta trút hơi thở cuối cùng.

Một số bộ phận cơ thể vẫn hoạt động.
Một số bộ phận cơ thể vẫn hoạt động.

Da đổi màu

Lực hấp dẫn tạo ra những vết tím trên cơ thể người khi mới chết. Khi tim ngừng bơm máu cho cơ thể, lực hấp dẫn sẽ khiến những vùng thấp nhất trên cơ thể bị tím đi. Trên thực tế, các vết tím này sẽ giúp nhân viên điều tra xác minh thời gian chết của tử thi.

Một lớp sáp

Sau sự thối rữa, cơ thể phân hủy một cách nhanh chóng để biến thành bộ xương. Trong quá trình ấy nếu cơ thể tiếp xúc với đất hoặc nước lạnh, nó có thể tạo ra chất béo adipocere, một chất liệu sáp hình thành từ các vi khuẩn phá vỡ mô. Adipocere hoạt động như một chất bảo quản tự nhiên trên các cơ quan bên trong. Nó có thể gây hiểu lầm cho các nhà nghiên cứu rằng một cơ thể chết sớm hơn nhiều so với suy nghĩ của họ, như là trường hợp của một xác chết adipocere 300 tuổi vừa được tìm thấy ở Thụy Sĩ.

Sau sự thối rữa, cơ thể phân hủy một cách nhanh chóng để biến thành bộ xương.
Sau sự thối rữa, cơ thể phân hủy một cách nhanh chóng để biến thành bộ xương.

Cập nhật: 14/04/2016 Tổng hợp
 
 

Hiện tượng thay đổi ngôn ngữ sau khi hôn mê

khoahoc.tv

Khi người đàn ông Úc Ben McMahon, 22 tuổi, tỉnh dậy sau cơn hôn mê do chấn thương vì tai nạn xe hơi nghiêm trọng, anh hầu như quên tiếng Anh nhưng sử dụng thành thạo tiếng Hoa.

Trước khi bị tai nạn, Ben chỉ học chút ít tiếng Hoa ở trường trung học và không thể nói lưu loát ngôn ngữ này. Sau khi tỉnh dậy, anh viết bằng chữ Hán "Con yêu cha", Con yêu mẹ" và nói tiếng Hoa như người Trung Quốc.

Hiện tượng thay đổi ngôn ngữ sau khi hôn mê
Ben McMahon nói tiếng Hoa lưu loát sau hôn mê dù trước đó chỉ học qua loa

Ngược lại, sau khi qua cơn hôn mê, người đàn ông sống tại TP Melbourne này chỉ nói được chút ít tiếng Anh và phát âm giống người ngoại quốc. Hiện Ben đã sang Trung Quốc, sinh sống tại TP Thượng Hải.

Đây không phải là trường hợp thay đổi ngôn ngữ sau hôn mê lần đầu tiên được ghi nhận. Một câu chuyện tương tự đã xảy ra với một thiếu nữ Croatia hồi năm 2010. Theo báo Anh Daily Mail và The Telegraph, cô bé 13 tuổi tỉnh dậy sau cơn hôn mê kéo dài 24 giờ đã quên mất tiếng Croatia nhưng sử dụng thành thạo tiếng Đức. Trước đó, cô bé chỉ học những bài học căn bản tiếng Đức và từng xem các chương trình truyền hình tiếng Đức nhưng không nói lưu loát như sau cơn hôn mê. Giám đốc Bệnh viện TP Split ở Croatia nhận định về trường hợp này: "Chúng ta không thể biết khi hồi phục sau hôn mê, não đã phản ứng như thế nào".

Một số nhà khoa học gọi hiện tượng này là "bilingual aphasia", theo tập san Discovery, Những ngôn ngữ khác nhau được lưu giữ tại những vùng khác nhau ở não và khi vùng ngôn ngữ nào đó bị thương tổn thì hoạt động ở não có thể chuyển sang vùng lưu giữ ngôn ngữ khác.

Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.

Cập nhật: 11/09/2014 Theo NLĐ, Metro, Fox News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét