Trang

Sự thật về 'Đông trùng Hạ thảo'

Sự thật về 'Đông trùng Hạ thảo' - Một vụ đại lừa đảo xuyên thế kỷ?

Thứ Hai, 2/5/2016 05:53 GMT+7
(PLO) - "Đông trùng Hạ thảo" rốt cục là thực phẩm, dược phẩm hay thực phẩm chức năng bổ dưỡng? "Đông trùng Hạ thảo"  được tâng bốc lên mây có đúng là hàm chứa những thành phần có hiệu quả như lời đồn hay không ? Kết luận cuối cùng: Chỉ là một vụ đại lừa đảo kiểu Trung Quốc mà thôi.
 
Sự thật về 'Đông trùng Hạ thảo' -  Một vụ đại lừa đảo xuyên thế kỷ?
Từ xưa đến nay, ở Trung Quốc và một số nước châu Á, "Đông trùng Hạ thảo"  được coi là vị thuốc quý của Đông y, có khả năng bồi bổ và tăng cường sức khỏe, cải thiện đời sống tình dục, tăng cường khả năng miễn dịch; thậm chí được đẩy lên thành "thần dược" với giá đắt hơn vàng. Mỗi kilogam giá mấy trăm ngàn tệ (NDT),

Ngày 12/4 vừa qua, báo điện tử Sina.com đã đăng bài "Lật tẩy "Đông trùng Hạ thảo" – Đầu đuôi một vụ đại lừa đảo kiểu Trung Quốc" gây xôn xao dư luận.

Thảo dược bình thường

"Đông trùng Hạ thảo"  trong dược học truyền thống Trung Quốc và đối với tuyệt đại đa số các học giả Trung Quốc chỉ loại dược liệu là thể phức hợp giữa một loài nấm có tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng (bướm) thuộc chi Thitarodes.

Cơ chế xâm nhiễm của loài nấm này vào cơ thể sâu hiện giờ vẫn chưa rõ. Mùa Đông, nấm ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Đến mùa hè ấm áp, nấm mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ, vươn lên thành dạng cây, vì vậy mà có tên là "Đông trùng Hạ thảo" (sâu mùa Đông, cỏ (nấm) mùa Hè).

"Đông trùng Hạ thảo" có nhiều ở các vùng đồng cỏ trên các cao nguyên có độ cao 4000-5000m so với mặt biển ở Tứ Xuyên, Thanh Hải, Tây Tạng, Vân Nam. Ngoài ra, còn có tới hơn 500 loài trùng thảo khác cũng có cơ chế tương tự, tức là loại nấm khác không phải Ophiocordyceps sinensis phát triển trên cơ thể loại ấu trùng khác không phải Thitarodes.

Văn bản cổ nhất ghi chép về "Đông trùng Hạ thảo"  là "Bản thảo tùng tân" của Ngô Nghi đời Thanh viết năm 1757 mô tả: "Mùa Đông nằm dưới đất, thân như con tằm, có lông, chuyển động được; Hè tới thì ngoi lên khỏi mặt đất, cả thân hóa thành thảo, nếu không thu lấy đến mùa Đông lại hóa thành sâu (trùng)".

Sau đó, nhiều loại sách Trung y đều có ghi chép về "Đông trùng Hạ thảo". Sách "Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Dược điển" năm 1990 đã đưa "Đông trùng Hạ thảo"  vào, nhưng BS Ngô Hải Vân - Chủ nhiệm khoa Nội Tổng y viện quân đội Trung Quốc-  không coi trọng điều đó. Ông nói, trong y tịch cổ Trung Quốc hầu như thứ gì cũng đều được coi là thuốc; ngay móng tay, tro bếp, phân…cũng đều là thuốc, đều tìm thấy "công hiệu" nhất định trong thư tịch cổ.

Trong y học truyền thống Tây Tạng, lương y nổi tiếng (Tạng dược sư) Thanh Mai Nhiên Đinh ở châu Ngọc Thụ - vùng nổi tiếng về "Đông trùng Hạ thảo" - khi trả lời phóng viên THX đã nói: "Trùng Thảo thường chỉ có tác dụng dẫn thuốc thôi". Trong số hàng trăm bài thuốc phức phương (nhiều vị) được sử dụng ở Viện Tạng y tỉnh Thanh Hải, chỉ có duy nhất một phương thuốc dạng tễ (nước) dùng để chữa bệnh phụ khoa có sử dụng "Đông trùng Hạ thảo".

Trong cuốn dược điển Tạng y có tên "Cam lộ bản thảo minh kính" cũng chỉ ghi duy nhất một câu về công hiệu của Trùng Thảo: "Cường thân, bổ thận, dùng trị liệu các bệnh về gan, mật". Ông Trương Quý Quân - Chủ nhiệm khoa Trung dược sinh dược thuộc Đại học Trung y dược Bắc Kinh - cũng nói: Các phương thuốc Trung dược truyền thống rất ít sử dụng Trùng Thảo.

"Trùng thảo toan" (Cordycepic acid) được coi là thành phần công hiệu, có tính biểu trưng của "Đông trùng Hạ thảo", thực ra chính là Mannitol – một sản phẩm hóa công nghiệp rất phổ biến và rẻ tiền, được dùng rộng rãi trong thực phẩm và dược phẩm, giá vài chục tệ/kg.

Năm 1951, nhà khoa học Đức Cunningham khi quan sát thấy tổ chức của ấu trùng  Ascomycota bị nấm ký sinh nhưng không bị rữa nát đã nghiên cứu, phân ly được một chất hoạt tính, đặt tên là " Trùng thảo tố" (cordycepin); năm 1960 đã điều chế được bằng hóa chất nhưng "Trùng thảo tố" hóa học hợp thành này không được sản xuất quy mô hóa nên trên thị trường hiện nay, "Trùng thảo tố" chủ yếu có được do nuôi Trùng thảo nhân tạo (Cordyceps militaris).

Chính loại hoạt chất này là một loại kháng sinh được các thương gia "tung hô" như là một thành phần hoạt tính độc đáo của "Đông trùng Hạ thảo".

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy "Đông trùng Hạ thảo" không hàm chứa "Trùng thảo tố" (cordycepin). Ông Đổng Thái Hồng- nghiên cứu viên Phòng thực nghiệm trọng điểm quốc gia, Sở Vi sinh vật trực thuộc Viện Khoa học Trung Quốc - khi được phỏng vấn đã nói:

Qua nghiên cứu, phân tích, kiểm nghiệm các loại "Đông trùng Hạ thảo" thu hái từ các nơi khác nhau trên cao nguyên Thanh Tạng, chúng tôi không tìm thấy, hay nói cách khác, hàm lượng "Trùng thảo tố" (cordycepin) về cơ bản không có trong "Đông trùng Hạ thảo".

Còn theo The Paper thì ngay từ năm 2011, ông Vương Thành Thụ - nghiên cứu viên Phòng Nghiên cứu Sinh thái thực vật Viện khoa học Thượng Hải/ Viện Khoa học Trung Quốc - đã công bố kết quả nghiên cứu về tổ chức gene của Trùng thảo, cho thấy: nhóm gene của "Đông trùng Hạ thảo"  không hợp thành được "Trùng thảo tố" (cordycepin), chỉ có loại nấm Cordyceps mới tạo ra được.

Từ những năm 1970 trở về trước, "Đông trùng Hạ thảo"  ít được biết tới. So với Nhân sâm và Lộc nhung, nó là thứ dược liệu tầm thường nhất, xếp hạng cuối trong "Trung dược tam bảo". Vào những năm 1960, tại Tây Tạng, 1kg "Đông trùng Hạ thảo" chỉ đổi được 2 gói thuốc lá giá 3 hào. Đến thập niên 1970, tại Thanh Hải, Tây Tạng, giá thu mua "Đông trùng Hạ thảo" của nhà nước là 21 tệ/kg. Năm 1974, tại châu Quả Lạc, Thanh Hải bất cứ "Đông trùng Hạ thảo" phẩm chất ra sao, giá cũng chỉ 28 tệ/kg.

 

Giá cả tăng đột biến

Trong môi trường hoang dã, tỷ lệ ấu trùng bướm bị nấm thâm nhập rồi trở thành "Đông trùng Hạ thảo"  rất thấp, vì vậy "Đông trùng Hạ thảo"  trong thiên nhiên rất hiếm, nuôi nhân tạo cũng không thành công, mỗi năm tổng sản lượng toàn Trung Quốc chỉ từ 80 đến 150 tấn. Do nhu cầu ngày càng tăng, giá cả "Đông trùng Hạ thảo"  xuất hiện xu thế gia tăng.

Năm 1983, giá "Đông trùng Hạ thảo" loại nhất có giá 300 tệ/kg, trong khi giá Nhân sâm vùng Trường Bạch sơn chỉ 60-80 tệ/kg; ngang bằng tiền lương tháng của một công nhân bình thường. Khoảng 1990, giá "Đông trùng Hạ thảo"  tăng lên 1000 tệ/kg, trong khi giá Nhân sâm tụt xuống còn 50 tệ/kg.

"Đông trùng Hạ thảo" lần đầu tiên tăng giá trị trước công chúng đi kèm với vụ lừa đảo "Mã gia quân" – đội tuyển chạy cự ly trung bình và dài của huấn luyện viên Mã Tuấn Nhân- lập nhiều kỷ lục quốc gia và quốc tế. Bị quốc tế nghi ngờ sử dụng doping, Mã gia quân đưa Trung thảo dược, sản phẩm bổ dưỡng ra để chống đỡ.

Ngoài "tinh chất Ba ba Trung Hoa", họ nói còn sử dụng "Đông trùng Hạ thảo". Chính vì vậy, đến giữa những năm 1990, giá bán lẻ Trùng Thảo vọt lên 2000 tệ/kg, loại hạng nhất giá còn cao hơn. Về sau, tác giả Triệu Dụ trong phóng sự "Điều tra về Mã gia quân" đã chứng minh, Mã gia quân quả thực đã sử dụng chất doping, thành tích của các vận động viên này chả liên quan gì đến "Đông trùng Hạ thảo"  cả.

Năm 2003, khi dịch SARS hoành hành ở Trung Quốc, lan truyền tin đồn uống "Đông trùng Hạ thảo" có thể giúp tăng cường miễn dịch, trị được bách bệnh, chỉ sau một đêm "Đông trùng Hạ thảo" bỗng thành "thần dược", gây nên cơn với giá tăng đột biến, loại tốt nhất vọt lên 160 ngàn tệ/kg.

Kể từ đó, "Đông trùng Hạ thảo"  chính thức lọt vào hàng "sản phẩm bảo kiện xa xỉ". Các năm 2005, 2006, giá cả "Đông trùng Hạ thảo" tiếp tục tăng, đến 2007 thì đạt tới đỉnh cao, loại lớn (2000con/kg) giá tới 200 ngàn tệ/kg (700 triệu VND).

Năm 2008, do khủng hoảng tài chính, lượng tiêu thụ "Đông trùng Hạ thảo" giảm nghiêm trọng, giá cũng giảm 40%. Đến năm 2010, 2011, do ảnh hưởng bởi môi trường sinh thái và động đất, nhiều khu vực có "Đông trùng Hạ thảo" giảm sản lượng, có vùng giảm tới 40%, lượng cung ít khiến giá lại tăng. Tháng 7/2011, giá  vượt quá cả kỷ lục năm 2007.

Tại Tây Tạng, giá loại 2200con/kg có giá 182 ngàn tệ/kg; loại 1.800 con/kg giá 210 ngàn tệ/kg. Từ đó về sau giá "Đông trùng Hạ thảo"  tiếp tục tăng ổn định một cách từ từ. Theo "Nam Phương nhật báo", ngoài sản lượng giảm, những người trong giới tiết lộ, việc đầu cơ găm hàng cũng là nguyên nhân quan trọng khiến giá "Đông trùng Hạ thảo"  tăng lên.

Từ 2015 sang 2016, Trung Quốc xảy ra nhiều chuyện, giá "Đông trùng Hạ thảo" liên tục giảm: Trùng thảo Thanh Hải loại 2000 con/kg giảm từ 218 ngàn tệ/kg (tháng 4/2015) xuống 186 ngàn/kg hiện nay; trên thị trường Tây Tạng giá cũng từ 210 ngàn tệ/kg giảm còn 160 ngàn tệ/kg.

Mặc dù vậy, trong 40 năm qua, giá "Đông trùng Hạ thảo" cũng đã tăng cả vạn lần; giá loại "cực phẩm" có tên "Cực thảo 5X" còn kinh khủng hơn. Trên trang web chính thức, một lọ "Cực thảo 5X" nguyên chất bán tới 16.900 tệ, một lọ 45 viên, mỗi viên 0,35g, tính ra mỗi kg loại này được bán tới 1 triệu tệ (tức 3,5 tỷ VND)…/.

Lan Hương – Thu Thủy (Theo báo TQ)
 
 

Cảnh báo: 70% sản phẩm đông trùng hạ thảo là hàng giả

Thứ Tư, 28/10/2015 06:50 GMT+7
(PLO) - Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) được biết đến như một loại thần dược, có thể chữa trị nhiều bệnh. Chính vì có giá trị cao, một số người vì lợi nhuận đã nhập hàng giả về bán bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.
 
Cảnh báo: 70% sản phẩm đông trùng hạ thảo là hàng giả 
 

Đông trùng hạ thảo rất hiếm, chúng sống chủ yếu ở vùng núi cao như Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hi, Cam Túc, Vân Nam... Những nơi này có đầy đủ các điều kiện thổ nhưỡng thích hợp để phát triển tối đa các dưỡng chất có trong ĐTHT. Mỗi năm sản lượng ĐTHT thu được từ thiên nhiên chỉ 80 kg nên giá thành rất cao. Tuy nhiên, do có thể do nuôi trồng, thậm chí làm hàng giả, loại "thần dược" này xuất hiện rất nhiều trên thị trường và giá cả cũng vô chừng.

Ma trận giá

Hiện có rất nhiều sản phẩm ĐTHT bày bán ở Hải Thượng Lãn Ông, chợ Bình Tây, Q.5, TP.HCM được ưa chuộng như: viên nang, nước uống, có mức giá phải chăng từ 200 đến 800 ngàn/hộp (viên nang). Tuy nhiên, hầu như các sản bán tại đây đều không thể hiện rõ nguồn gốc sản phẩm, các thông tin khác về sản phẩm cũng rất mập mờ, không có giấy chứng nhận về chất lượng, không có hạn sử dụng trên bao bì… Khi chúng tôi hỏi mua, người bán giới thiệu nhiều chủng loại sản phẩm ĐTHT, nhưng không cung cấp được bất kỳ giấy chứng nhận liên quan đến sản phẩm. Trong số sản phẩm chúng tôi hỏi mua, duy chỉ có 1 sản phẩm dạng viên nén của Hàn Quốc là có ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Ông Ngô Kim Lai, chuyên gia nghiên cứu thành công nuôi trồng nấm ĐTHT, cho biết: ĐTHT có nguồn gốc Tây Tạng, sản phẩm được khai thác từ thiên nhiên có giá cao ngất ngưỡng. Do những đặc tính quý giá của dược liệu này nên hiện tại, ĐTHT trong thiên nhiên đã bị khai thác gần như cạn kiệt. Nếu đúng loài ĐTHT Cordyceps Sinensis nguyên cây nguyên con, giá thị trường hiện nay dao động từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng/kg. Còn ĐTHT nuôi nhân tạo chỉ có giá từ 100 - 150 triệu/kg.

Khảo sát một vòng tại các cửa hàng Q.5 và chợ Bình Tây, chúng tôi mỗi cửa hàng có giá bán khác nhau, và điều đáng nói là các sản phẩm được người bán khẳng định là hàng chất lượng cao và nhập khẩu từ Nhật, Trung Quốc. Trước sự thiếu minh bạch của thị trường, người tiêu dùng hoang mang khi lựa chọn sản phẩm, không biết đâu là thông tin trung thực, chưa kể đến tình trạng thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng có thể tiền mất tật mang khi mua phải sản phẩm giả.

Ông Lai khuyến cáo, trước khi chọn mua sản phẩm nên tìm hiểu kỹ bề dày lịch sử nghiên cứu, địa điểm nuôi trồng, công nghệ chuyển giao con giống… để tránh trường hợp mua nhầm hàng giả, kém chất lượng.

Ngoài ra, khi mua sản phẩm ĐTHT, người tiêu dùng cần yêu cầu cung cấp thông tin như: chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy công bố chất lượng, giấy chứng nhận nuôi trồng thành công, giấy đăng ký kinh doanh hàm lượng chất.
70% sản phẩm ĐTHT là hàng giả

Các chuyên gia cảnh báo, hiện trên thị trường có tới 70% nấm đông trùng hạ thảo là giả và đối tượng làm hàng giả sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn nên người tiêu dùng khó có thể phân biệt.

Các sản phẩm ĐTHT nguyên con thường xuất hiện ở nhiều dạng khác nhau như: khô, tươi, nguyên con, nước, viên... Các sản phẩm này hầu hết đang được bày bán trên thị trường với giá rất cao. Chính vì vậy nên nhiều người vì chạy theo lợi nhuận đã nhập những sản phẩm giả về bán. ĐTHT nguyên con giả hầu hết được làm từ thân củ địa đàm, thạch thảo, hoặc thạch cao nhằm đánh lừa thị giác của người tiêu dùng.

Để phân biệt ĐTHT thật và giả, nhìn bên ngoài, sản phẩm thật thường có bộ phận đầu sâu non và đầu thảo mộc phát triển tự nhiên, rất khớp và không có chỗ đứt nối như các loại đông trùng hạ thảo giả. Ngoài ra, ĐTHT thật thường có những nếp gấp xếp thành hàng, cứ 3 vân thì có 1 nếp gấp, giống như con sâu chít, các vân con ĐTHT thật thường nằm rất gần phía đầu sâu, trong khi con giả thường không có đặc điểm này.

Khi ngửi ĐTHT thật, sẽ thấy ngay mùi nấm rơm hoặc mùi tanh của nấm hương. Còn các con giả cũng có mùi tanh nhưng là mùi tanh của cá hoặc của một số chất hóa học.

Khi nếm hoặc nhai ĐTHT tươi hay khô trong miệng, sẽ thấy có mùi vị như đậu nành, nhai càng lâu sẽ thấy càng thơm, còn các sản phẩm giả thì ngược lại, thường có cảm giác cứng và giống như mùi đất sét, rất nồng.

GS.TS. Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, cho biết ĐTHT có lợi cho sức khỏe như: tăng cường lưu thông máu, ổn định nhip tim, bảo vệ thận, chống ung thư, giảm cholesterol trong máu và chống xơ vữa động mạch, có tác dụng cường dương và chống liệt dương…
Loại đông trùng hạ thảo nguyên con được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: trùng thảo, hạ thảo đông trùng hay đông trùng thảo. Đây là một loại đông dược quý có bản chất là dạng ký sinh của loài nấm Ophiocordyceps sinensis trên cơ thể ấu trùng của một vài loài bướm.
Theo Phương Nguyễn/NTD
 
 

'Cha đẻ' 9X của công nghiệp đông trùng hạ thảo

Thứ Sáu, 12/2/2016 08:12 GMT+7
(PLO) - Tuổi thơ cơ cực phải đi bán vé số dạo đã thôi thúc chàng trai Ngô Kim Lai (SN 1991, quê Phú Yên) tìm cách vươn lên trong cuộc sống để thoát nghèo và làm giàu. Nhờ đam mê nghiên cứu, chàng trai ấy đã thực hiện thành công nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo (ÐTHT), trở thành người đầu tiên đăng ký bản quyền cho quy trình nuôi trồng dược liệu quý hiếm này ở Việt Nam.
 
'Cha đẻ' 9X của công nghiệp đông trùng hạ thảo
Dù sở hữu khối tài sản tiền tỷ, nhưng không lúc nào chàng trai 9X Kim Lai lại bỏ qua công việc nghiên cứu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 
Hiện nay, chàng trai bán vé số ngày nào đã trở thành một vị giám đốc trẻ với cơ ngơi tiền tỷ và chuỗi đại lý phân đối ÐTHT mang thương hiệu Kim Lai rộng khắp ở 50 tỉnh, thành trên cả nước.
Bước đầu chập chững

Sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, từ nhỏ do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vừa lên lớp 2, Lai phải vào TPHCM lãnh vé số đi bán vào mỗi dịp hè ròng rã suốt 8 năm. Tiền kiếm được đủ để cậu mua sách vở, quần áo cho năm học mới, phần tiền còn dư Lai phụ mẹ lo việc nhà.

Trò chuyện với phóng viên, chàng trai Kim Lai cho rằng khoảng thời gian 8 năm đi bán vé số đã rèn cho cậu đủ nghị lực để nghiên cứu thành công phương pháp nuôi trồng loại dược liệu quý giá sau này.

Cách đây hơn 5 năm, Kim Lai cùng mẹ khăn gói vào Sài Gòn để vừa kiếm sống và vừa để cho cậu có cơ hội học tiếp. Ngoài thời gian đi dạy thêm kiếm tiền phụ mẹ, cậu luôn túc trực ở phòng thí nghiệm của trường với mong muốn sẽ tìm ra một cái gì đó của riêng mình và có giá trị.

Ðang học dở dang một năm ở một khoa của Trường ÐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, Lai giấu mẹ thi vào chuyên ngành công nghệ sinh học, cũng của trường này.

Ngô Kim Lai (thứ 2 từ trái sang) trong một chuyến đi Tây Nguyên tìm đông trùng hạ thảo tự nhiên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Lý giải cho việc quyết định "táo tợn" làm thay đổi cuộc đời mình, Ngô Kim Lai cho biết: "Ban đầu em mê khám phá lắm! Nhập học xong em thấy ngành công nghệ sinh học có nhiều điều để học hỏi, khám phá hơn nên em mê. Em quyết tâm học và thi lại vào ngành đó. Về sau, em càng học càng hăng rồi như bị cuốn vào các công trình nghiên cứu  sinh học".

Ðến đầu năm học thứ 2, Lai phát hiện ra một loại nấm ÐTHT có tên khoa học là Cordyceps Militaris, dược chất cao gấp 5 lần những loại ÐTHT khác. Loài này có ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và được nhiều nơi trên thế giới trồng nhân tạo và thương mại hóa.

Nhưng loại nấm này ở Việt Nam chưa trồng được, bởi thế nó có giá rất đắt đỏ, khoảng 1,8 tỷ đồng/kg. Từ đó, một ý tưởng chớm nở trong đầu: Khao khát một ngày nào đó mình có thể trồng được nó.

Khi bắt đầu mọi việc, Lai tự tin vì trước khi nghiên cứu về ÐTHT, cậu đã nghiên cứu làm nấm bào ngư, rồi nấm linh chi. Vì theo Lai, 60-70% quy trình nuôi trồng nấm đều giống nhau. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, công việc nghiên cứu cũng không hề đơn giản, nhất là về phần giống, Lai phải tìm hết nguồn từ trong và ngoài nước.

Cuối cùng qua bao nỗ lực, chàng trai 9x này được một số người bạn ở Nhật gửi về 2 chủng giống. Có được giống, Lai miệt mài trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu ra môi trường hỗn hợp giá thể nuôi sống nấm ÐTHT.

Nghiên cứu ở trường không đủ, cậu mang dụng cụ, mẫu vật về phòng trọ nghiên cứu tiếp. Cũng từ đó, phòng trọ nhỏ xíu của Lai đã biến thành phòng thí nghiệm dã chiến. "Lúc đó ai cũng cười và nói em nghiên cứu đến phát bệnh. Có căn phòng trọ để ngủ mà em đâu có chịu ngủ. Em ra hành lang ngủ. Bên trong để dành làm phòng thí nghiệm cấy nấm.

Nhiều lúc em nghiên cứu 100 giá thể khác nhau, và với từng giá thể phải thử nghiệm trên một nồng độ khác nhau. Rồi em  phải làm trên 1.000 thử nghiệm, quên cả ăn ngủ. Em chỉ ra khỏi nhà để đi dạy kiếm tiền mua nguyên liệu. Ròng rã một năm như thế cuối cùng em mới thành công", Lai cười nhớ lại.

Giấc mơ về công nghiệp ÐTHT

Theo Ngô Kim Lai, ở Việt Nam từ lâu đã có nhiều người nghiên cứu về ÐTHT nhưng vẫn chưa có một ai trồng được. Hiện tại, cũng có rất nhiều viện, các trường đại học, các tổ chức khoa học miệt mài nghiên cứu và có thể họ đã làm ra nhưng vẫn đang ở mức quy mô phòng thí nghiệm.

Riêng Lai là người đầu tiên đăng ký bản quyền cho quy trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo công nghiệp ở Việt Nam và đã nhận được bằng chứng nhận.

Chủng đông trùng hạ thảo Việt Nam do Ngô Kim Lai tìm thấy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cũng theo chàng trai 9x này, dược tính Cordycepin trong sản phẩm của mình đã đạt đến mức 3,34mg/g và có thể coi đây là một thành công đáng khích lệ. "Dược tính Cordycepin trong ÐTHT ở tự nhiên thông thường chỉ đạt chỉ đạt 0,901mg/g, còn của Thái Lan là 2,701mg/g. Do đó, em rất tâm đắc vì đã tạo ra được dòng sản phẩm có chất lượng tốt hơn hàng nước ngoài", Lai cho biết.
Lai lại mơ ước tạo ra được sản phẩm ÐTHT "Made in Vietnam" với chất lượng không thua nước ngoài và có thể cạnh tranh ra thị trường quốc tế.

Hiện nay, Lai đặt trụ sở công ty ở quận 8 (TPHCM) mình làm giám đốc với 2 phòng lạnh để nuôi ÐTHT, công suất đạt 150kg/tháng. Lai cho biết, giá bán của loại ÐTHT nhãn hiệu mang chính tên mình là khoảng 100 triệu đồng/kg.

Ngoài ra, Lai cũng đã tạo cho mình một hệ thống phân phối sản phẩm ở khoảng 50 tỉnh, thành trên cả nước.

"Hiện, em nghĩ chưa đến giai đoạn để thu hoạch thực thụ. Ðối với em, còn nghiên cứu là còn sống được, khi dừng nghiên cứu là lúc đó em không thể sống với  công việc này được nữa", Ngô Kim Lai thẳng thắn.

ÐTHT là một loại đông dược quý có bản chất là dạng ký sinh của loài nấm Ophiocordyceps sinensis thuộc nhóm nấm Ascomycetes trên cơ thể ấu trùng của một vài loài bướm. Phần dược tính của thuốc đã được chứng minh là do các chất chiết xuất từ nấm Ophiocordyceps sinensis. Nó được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền Trung Hoa và y học cổ truyền Tây Tạng.

Theo các ghi chép về đông dược cổ, ÐTHT là một vị thuốc bồi bổ hết sức quý giá, có tác dụng tích cực với các bệnh như thận hư, liệt dương, di tinh, đau lưng mỏi gối, ho hen do phế hư hoặc cả phế, thận đều hư, và có tác dụng tốt đối với trẻ em chậm lớn.



Theo Hữu Huy / TPO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét