Lao không phải bệnh di truyền, có thể chữa khỏi nhưng nếu không điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dễ lây nhiễm qua đường hô hấp và tỷ lệ tử vong cao. Việt Nam xếp thứ 12 trong 22 quốc gia có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới.
|
Hầu hết các trường hợp lao kháng thuốc đều do không tuân thủ đúng theo quy tắc điều trị như vậy, dùng kháng sinh vài ba tháng, thấy khỏe hơn đã ngừng uống thuốc, trong khi liều bắt buộc phải uống đủ 8 tháng. Quá trình điều trị dở dang, bệnh không khỏi mà còn nhanh tái phát trở lại. Nguy hiểm hơn còn có trường hợp siêu kháng thuốc, tức là kháng thêm với cả kháng sinh thế hệ 2 - loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.
Nếu người mắc lao thông thường không được điều trị thì 50% trong số đó sẽ bị tử vong sau 5 năm. Với lao kháng đa thuốc, sự nguy hiểm còn cao hơn nhiều. Sử dụng thuốc mới tác dụng mạnh hơn để chữa bệnh cũng đồng nghĩa với việc thêm nhiều tác dụng phụ không mong muốn, thời gian điều trị lại kéo dài.
Điều đáng nói là khả năng tiếp cận với thuốc điều trị đặc hiệu còn rất hạn chế vì là thuốc mới, chi phí quá cao. Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nội - một trong 5 cơ sở trên cả nước đảm nhận việc phát hiện, quản lý, điều trị bệnh lao đa kháng thuốc, hiện cơ số thuốc được tài trợ có 8 suất, còn rất nhiều bệnh nhân lao kháng thuốc khác vẫn phải chờ vì chưa có thuốc. Ngay cơ sở hạ tầng ở đây cũng còn chưa đủ vì bệnh nhân lao kháng thuốc phải bố trí khu cách ly đặc biệt. Với 7 phòng, chỉ có thể bố trí tối đa 2 bệnh nhân mỗi phòng mà phải là 2 trường hợp kháng cùng loại thuốc, còn nếu khác nhau lại phải bố trí riêng để tránh lây nhiễm chéo.
TS. Bác sĩ Lưu Thị Liên - GĐ bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Nội cho biết: “Vốn dĩ lao kháng thuốc đã khó chữa, với những bệnh nhân lao kháng thuốc chưa được phát hiện hoặc chưa được điều trị càng đáng lo hơn cho sức khỏe của họ và cho cả cộng đồng”.
Tác giả : Nguyệt Ánh
Hòa BìnhThay đổi tư duy để loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng
Cập nhật: Thứ ba, 29/3/2011 | 10:57:46 Sáng
(HBĐT) - Năm 2011, hoạt động phòng - chống lao quốc gia ở tỉnh ta tiếp tục được thực hiện với chương trình khống chế tình hình bệnh lao, duy trì mở rộng hoá trị liệu ngắn ngày với quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS), đối phó với vấn đề lao - HIV và kháng thuốc lao ngày càng gia tăng. |
Ngày Thế giới phòng - chống bệnh lao (24/3) năm nay được Tổ chức Y tế Thế giới lấy chủ đề “Thay đổi tư duy để loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng” nhằm hướng tới mục tiêu: thế giới hãy bắt tay nhau để phòng - chống bệnh lao. Chương trình mục tiêu phòng chống lao được triển khai với 100% dân số được bảo vệ bởi DOTS tại tuyến y tế cơ sở. Công tác phòng - chống lao cho vùng sâu, xa, khó khăn được tăng cường.
Việc quản lý điều trị tại tuyến y tế cơ sở được triển khai đều đặn, thường xuyên. Việc cấp phát thuốc một tháng 1 lần tại xã được duy trì, thuận tiện cho nhận thuốc của bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân được xét nghiệm, kiểm tra theo đúng quy định trong cả liệu trình 8 tháng và được đánh giá kết quả điều trị chính xác. Năm 2010, Trung tâm Phòng - chống bệnh xã hội tỉnh đã khám cho 7.655 lượt người. Qua đó, thu nhận 500 bệnh nhân, trong đó có 276 bệnh nhân lao phổi AFB (+), 238 bệnh nhân mới, 38 bệnh nhân tái phát; 149 bệnh nhân lao ngoài phổi và 18 bệnh nhân lao khác. Việc phát hiện bệnh nhân lao chủ yếu dựa vào xét nghiệm đờm trực tiếp. Chất lượng phát hiện ngày càng được nâng cao nhờ đội ngũ y, bác sỹ có kinh nghiệm và trang thiết bị đầy đủ. Nguồn bệnh nhân nghi lao ở tuyến y tế cơ sở cũng được chuyển lên tổ chống lao huyện nhiều hơn nhờ sự hoạt động đồng bộ và có hiệu quả từ tỉnh đến huyện, xã.
Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác phát hiện nguồn lây vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do khác nhau như: hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế; xã hội vẫn còn kỳ thị với bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh lao thường giấu bệnh không đi khám; Sự nhận thức của các cấp, ngành còn xem nhẹ; một số cơ sở, nhân viên y tế còn thiếu và yếu…. Bên cạnh đó, tổ chống lao của 11 huyện, thành phố có trình độ chuyên môn không đồng đều, kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Một số xã vùng sâu, xa giao thông đi lại khó khăn nên việc phát hiện bệnh thường là đã muộn, điều trị khó khỏi và dễ kháng thuốc, đó là nguồn lây chính cho cộng đồng và cũng là nguyên nhân tỷ lệ bỏ điều trị cao.
Chị Nguyễn Thị Nga, Trưởng khoa Lao, Trung tâm Phòng - chống bệnh xã hội tỉnh cho biết: công tác phòng - chống lao của tỉnh vẫn luôn là một trong các mục tiêu cần tiếp tục được đẩy mạnh mà yếu tố quan trọng nhất vẫn là phải làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong phát hiện, phòng - chống bệnh lao cho chính mình và mọi người trong cộng đồng. Đồng thời kết hợp tốt công tác phòng - chống lao với các công tác khác như: phòng - chống hút thuốc lá, phòng - chống lây lan HIV/AIDS, cải thiện môi trường sống...
Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Nhưng để mỗi bệnh nhân hiểu rõ về tác hại của bệnh và điều trị kịp thời thì công tác tuyên truyền phải thật sự đẩy mạnh hơn nữa, làm cho toàn dân chung tay góp sức vào phòng - chống lao một cách tích cực. Đây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng chống lao mà cần phải có sự phối hợp của cả cộng đồng, toàn xã hội và của mỗi cá nhân.
Hồng Dung
(Trung tâm TTGDSK)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét