Trang

Bệnh tay chân miệng đã lan rộng

Thanh Niên Online:

Hơn 38.000 ca mắc, 88 ca tử vong tại 59 tỉnh thành

Bộ Y tế vẫn cho rằng tình trạng bệnh tay chân miệng (TCM) chưa đến mức phải công bố dịch, nhưng trên thực tế, bệnh đang lan rộng ra nhiều tỉnh thành. Tại Đồng Nai lại vừa có thêm một bệnh nhi tử vong do TCM.

Lâu nay, ngành y tế chỉ thống kê số mắc tay chân miệng nhập viện nội trú, chứ không thống kê số trẻ mắc bệnh đến khám và điều trị ngoại trú - ảnh: Diệp Đức Minh

Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) mấy tuần qua vẫn luôn trong tình trạng căng thẳng. Ngày nào cũng có hơn 100 bệnh nhi mắc TCM điều trị nội trú ở mỗi nơi. Nhiều trẻ vào viện không có giường để nằm. Riêng tại BV Nhi đồng 1, lượng trẻ nhập viện chiếm 60-70% là từ các tỉnh thành khác chuyển đến. Một bác sĩ nhận định: “Tình hình vẫn còn xấu, bệnh xảy ra vẫn còn nhiều, ca mắc nặng vẫn liên tục xảy ra”.

Thêm một bệnh nhi tử vong


Ngành y tế luôn nói người dân có nhu cầu cứ đến các trạm y tế quận huyện, hay y tế địa phương nhận miễn phí Cloramin B để khử khuẩn, sát trùng sàn nhà phòng bệnh TCM, tuy nhiên, trong thực tế thì không phải dễ nhận Cloramin B. Ngoài trường hợp ở H.Hóc Môn, TP.HCM (Báo Thanh Niên đã phản ánh), thì mới đây, người dân ở TP Trà Vinh cũng phản ánh với Thanh Niên về việc: đến hỏi Cloramin B tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thì đây chỉ xuống y tế dự phòng TP, xuống y tế dự phòng TP Trà Vinh thì bảo không còn Cloramin B để phát (?).


Tại Đồng Nai vừa có thêm một bệnh nhi tử vong do TCM, đó là bệnh nhi L.M.K (13 tháng tuổi, ngụ H.Cẩm Mỹ). Như vậy đến nay, tại Đồng Nai đã có 19 ca tử vong trong số 4.230 trẻ mắc TCM. Đây là địa phương có số mắc cao nhất cả nước (tính theo dân số). Và đáng lo hơn là tình trạng bệnh lan rộng - với 100% xã phường trên địa bàn tỉnh ghi nhận đã có ca bệnh TCM. Khoa Nhiễm BV Nhi đồng (Đồng Nai) những ngày qua cũng tiếp tục quá tải bởi bệnh TCM. Dự kiến hôm nay 1.9, y tế dự phòng tỉnh này triển khai cấp miễn phí Cloramin B cho 150 ngàn hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi trên địa bàn để phòng bệnh.

Chiều qua, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Đến nay cả nước ghi nhận hơn 38.000 ca mắc TCM, 88 trường hợp tử vong, bệnh đã lan ra 59 tỉnh thành. Bình quân mỗi tuần cả nước có 2.000 ca mắc mới”. Tuy nhiên, đó chỉ là con số ngành y tế thống kê lượng bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú, chứ không thống kê đến khám và điều trị ngoại trú…

Lan rộng do lơ là phòng chống?

Hôm 20.8, khi Bộ Y tế quyết định không công bố dịch TCM vì cho rằng, tình hình bệnh đang lui dần, không còn ổ dịch, lúc đó cả nước chỉ có hơn 33 ngàn ca mắc, 83 ca tử vong, và chỉ 50 tỉnh thành có bệnh. Nhưng, những ngày sau đó, tình hình bệnh TCM vẫn liên tục hoành hành. Điều khiến các bác sĩ trực tiếp làm chuyên môn lưu tâm đó là, chỉ trong vòng 10 ngày (từ ngày Bộ Y tế nói "không" với dịch) bệnh TCM đã lan rộng ra thêm đến 9 tỉnh thành (bình quân gần 1 ngày lan ra thêm 1 tỉnh thành); và cứ 2 ngày lại có 1 ca tử vong (10 ngày có thêm 5 ca tử vong)!

Điều đáng lo là, đỉnh cao đợt 2 của bệnh theo chu kỳ trong năm sẽ bắt đầu từ tháng 9. “Người dân cần cảnh giác phòng bệnh cho chính trẻ em của gia đình mình, đừng tưởng ngành y tế không công bố dịch mà lơ là trong phòng bệnh”, một bác sĩ chuyên về bệnh nhiễm tại TP.HCM nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đánh giá: “Việc chủ động giám sát dịch vừa qua của các tỉnh thành còn hạn chế. Đến thời điểm này, vẫn còn nhiều địa phương chưa gửi báo cáo về kế hoạch phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng”.

T.Tùng - L.Châu - K.Cương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét