05/10/2011 | 21:52:00
Bệnh lạ ở Ba Điền (Quảng Ngãi). (Nguồn: VNE)
Ngày 5/10, Đoàn công tác của Bộ Y tế do phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương và Sở y tế Quảng Ngãi đã về xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) để kiểm tra, khám cho các bệnh nhân và lấy các mẫu máu làm xét nghiệm với hy vọng tìm ra được nguyên nhân căn "bệnh lạ.”
Xã Ba Điền nằm ở phía Bắc của huyện Ba Tơ, xã có 4 thôn, gồm 380 hộ dân và 1.428 dân, dân tộc Hrê chiếm 98% dân số, là một trong những xã nghèo nhất của huyện Ba Tơ. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, làm nương rẫy.
Đoàn đã tiến hành khám cho những người từng bị bệnh đã được chữa khỏi và cả một số người chưa bị nhiễm bệnh. Tất cả những người này gần như đã hết bệnh và không để lại di chứng. Những người này cho biết họ không còn cảm thấy đau, ngứa và đã đi làm trở lại bình thường.
Trường hợp chị Phạm Thị Nhi (Phương) ở tổ 2, Gò Nghênh - là người nghi bị nhiễm bệnh trở lại thì cho biết, chị cảm thấy đau, ngứa và tức ngực sau khi điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh trở về, chị vẫn ra ruộng và lên rẫy làm việc bình thường. Đối với trường hợp này, ông Trần Hậu Khang cho biết sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để xem có phải là tái nhiễm lại hay là do điều trị chưa khỏi hẳn và tái phát lại.
Ông Phạm Văn Tâm ở thôn Gò Nghênh, xã Ba Điền - người từng bị bệnh cho biết: "Ban đầu tôi phát hiện có nốt đen ở tay và chân, tưởng là bị nước ăn nên không sợ, chỉ dùng các biện pháp chữa trị thông thường nhưng không đỡ. Sau 2 ngày tôi xuống Bệnh viện huyện Ba Tơ khám, thấy không có biểu hiện sốt, đau nên tôi lại về lên rẫy bình thường, sau 4 ngày thì chân tay tôi sưng và bắt đầu nứt, tôi phải về Bệnh viện Đa khoa tỉnh chữa trị gần 2 tháng."
Những người được lấy mẫu máu để xét nghiệm nguyên tố đồng trong máu, nguyên tố vi lượng là những người được điều trị tại Hà Nội trở về, những người trong gia đình không có ai bị, người nghi bị tái phát, những người trong gia đình có người bị còn những người kia thì không.
Đây là căn bệnh có tính chất gia đình, nhiều gia đình có 5 người thì cả 5 người đều bị nhiễm bệnh. Căn bệnh này có lây hay không và nếu có thì lây qua con đường nào, vẫn là một điều bí ẩn. Vì vậy, nhiều người dân tỏ ra lo lắng và sợ bệnh lây, nhiều người đã “ngại” không dám tiếp xúc với người bệnh.
Anh Phạm Văn Vàng ở làng Rêu nói, gia đình tôi có 6 người nhưng may mắn là không ai bị bệnh, nhưng tôi rất lo bị lây bệnh vì làng tôi có nhiều nhà đều mắc bệnh, tôi không dám tiếp xúc với những gia đình bị bệnh.
Trong khi đó, chị Phạm Thị Lon ở làng Tương - người đang bị nghi là có dấu hiệu nhiễm bệnh cho biết, tay chân chị không đau, không ngứa, nhưng chị lại lo lắng và hiện nghỉ ở nhà, không dám đi làm ruộng, làm rừng.
Về việc khắc phục vấn đề này, lãnh đạo xã Ba Điền cho biết, hàng tuần cứ vào thứ 2 và thứ 5 xã lại tổ chức họp dân để tuyên truyền cho dân hiểu hiện căn bệnh đang được các cấp chính quyền của tỉnh và trung ương điều tra làm rõ để nhân dân yên tâm và không bỏ nhà trốn vào rừng hoặc đi nơi khác.
Trong quá trình đi khảo sát thực tế quanh khu vực dân cư, được biết nguồn nước mà nhân dân trong xã đang sử dụng là nguồn nước được lấy từ suối Keo cách làng gần 2km bằng hệ thống đường ống do chương trình 135 của nhà nước tài trợ. Gần như các gia đình trong làng đều có rất nhiều loại nồi đồng, nhưng người dân và chính quyền xã cho biết các hộ dân không dùng các loại nồi đồng này để nấu ăn, vì vậy chưa thể nói gì về vấn đề nhiễm độc từ đồng.
Kết thúc ngày làm việc, ông Trần Hậu Khang cho biết: "Sau khi làm việc với sở y tế, đi thực địa quanh khu dân cư, đến từng gia đình, đặc biệt là những gia đình tất cả đều bị và cả những gia đình không có người bị để xem có gì khác nhau hay không, vệ sinh môi trường có yếu tố gì gây ảnh hưởng tới da hay không, nhưng điều quan trọng hiện nay là phải chờ kết quả xét nghiệm máu, gan, da để xem những người bị và những người không bị, những người đã khỏi bệnh có gì khác nhau hay không."
"Nếu có sự khác nhau thì cũng hy vọng là chúng tôi sẽ sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Đây là bệnh có thể điều trị khỏi và không để lại sẹo, vì vậy người dân không nên quá lo lắng, chỉ cần phát hiện kịp thời và điều ngay khi có dấu hiệu nhiễm bệnh," ông Khang cho biết thêm./.
vietnamplus.vn
Chưa tìm ra độc chất gây “bệnh lạ” tại Quảng Ngãi
05/10/2011 | 14:32:00
Bàn tay của một bệnh nhi bị "bệnh lạ", nổi lên lớp dày giống vết bỏng. (Nguồn: vtc.vn)
Qua kiểm tra tình hình dịch tễ, Đoàn công tác của Bộ Y tế vẫn chưa phát hiện ra độc chất gây ra căn “bệnh lạ” giống bệnh dày da sừng lòng bàn tay, bàn chân và có rối loạn chức năng gan của người dân các xã Ba Điền, Ba Xa, Ba Ngạc, Ba Vinh thuộc huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.
Bệnh đã được một số viện, bệnh viện chuyên ngành tuyến trung ương như Bệnh viện Phong-Da liễu Quy Hòa, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), Viện Pasteur Nha Trang kiểm tra nhưng đều có chẩn đoán chung là nhiễm độc chưa rõ nguyên nhân và hiện vẫn chưa phát hiện ra độc chất là gì.
Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương - trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế, cho biết các xét nghiệm cho thấy đồng trong máu cao, có tổn thương ở gan và một số bệnh nhân có biểu hiện tan máu nghi do nhiễm độc.
Sau khi làm việc với Sở Y tế Quảng Ngãi, Đoàn đã đi thăm khám cho 8 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Hậu Khang đã yêu cầu làm lại một số xét nghiệm đối với 8 bệnh nhân này và lấy mẫu xét nghiệm đối với những người không mắc bệnh trong gia đình bệnh nhân và cả những người bệnh đã lành.
Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ngãi, từ 19/4 đến 25/9, trên địa bàn huyện Ba Tơ đã phát hiện 59 trường hợp mắc bệnh tổn thương ngoài da chưa rõ nguyên nhân (xã Ba Điền 55 trường hợp, xã Ba Xa 2, xã Ba Ngạc 1 và xã Ba Vinh 1), trong đó có 1 trường hợp ở xã Ba Điền tử vong do suy đa phủ tạng nghi do nhiễm độc. Trong các trường hợp nhiễm bệnh, chỉ có 1 trường hợp có bộ nhiễm trùng; có 1 ca bệnh sau khi điều trị khỏi về nhà lại bị tái bệnh.
Trong những người mắc bệnh, người nhỏ nhất mới 4 tuổi, lớn nhất là 72 tuổi, người trong độ tuổi lao động mắc bệnh nhiều nhất (37người), nhưng trẻ dưới 15 tuổi lại bị nặng nhất. Các bệnh nhân nằm tập trung trong một vùng, bệnh có tính chất gia đình, gia đình nào có người mắc thì gần như cả gia đình đều bị.
Các trường hợp mắc bệnh đều có biểu hiện lâm sàng khá giống nhau như tổn thương da mu bàn tay, bàn chân, đầu và kẽ của các ngón tay, chân với những mảng da màu đỏ sậm, sưng nhẹ, đau nhẹ, ít ngứa, sau 4-7 ngày gan bàn tay, bàn chân có dấu hiệu nứt, nẻ và dày, một số người bệnh có tổn thương ở vùng má, 2 bên cánh mũi, mặt trước-trong cẳng tay, ngày thứ 14 bắt đầu rụng tóc. Người bệnh thể trạng bình thường, ăn uống được.
Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được thu dung điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và đã ổn định, ra viện. Hiện còn 8 trường hợp mắc mới trong tháng 9/2011 đang điều trị tại khoa Da liễu./.
Đinh Thị Hương (TTXVN/Vietnam+)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét