- Vừa qua, dư luận rộ lên vụ việc một người đàn ông nghi bị hãm hại, khống chế đưa vào Bệnh viện Tâm thần cơ sở Chợ Quán, quận 5, TP.HCM.
Trước thông tin này, PV VietNamNet đã gặp trực tiếp bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc bệnh viện để làm rõ thêm sự việc.
Theo bác sĩ Thắng, thông tin trên báo chí vừa qua chưa hẳn là đúng, vì vấn đề liên quan đến ông T., nạn nhân của vụ việc nói trên vô cùng phức tạp.
Người nhà yêu cầu thì bác sĩ phải cho nhập viện
Cụ thể, vào ngày 29/9, ông T., 68 tuổi, ngụ tại quận 1, TP.HCM được vài người đàn ông đưa vào bệnh viện.
Sau đó, vợ con ông T. cũng đến yêu cầu bác sĩ cho ông nhập viện điều trị vì có những hành vi rối loạn tâm thần như ghen tuông hoang tưởng, hù dọa rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Thắng, những trường hợp có các biểu hiện cấp cứu cần phải bắt buộc nhập viện tâm thần điều trị là kích động gây nguy hiểm, bỏ ăn, trầm cảm có hành vi tự tử - (Ảnh minh họa: 24h) |
Hôm đó, bác sĩ Thắng không có ca trực nên sáng thứ 6 đi làm lại thì được cấp dưới báo cáo lại về trường hợp này.
Bác sĩ Thắng lập tức mời các bác sĩ dưới khoa cùng bệnh nhân lên để tìm hiểu. Ban đầu ông T. không chịu tiếp xúc, tuy nhiên sau đó ông phân trần mình bị người nhà hãm hại.
Trước đây ông là giáo viên, sau khi nghỉ hưu thì về làm cho một công ty cổ phần tại TP.HCM. Gần đây ông phát hiện vợ mình dù lớn tuổi nhưng có biểu hiện ngoại tình với một thanh niên trẻ.
Bên cạnh đó, ngôi nhà mà gia đình ông đang ở đã bán cho cô con gái 1/2, nay vợ và con gái muốn ép ông bán nốt căn nhà. Quá giận vợ và con nên ông đã không kiềm chế được, vì thế có những hành động, lời lẽ nóng nảy.
Bất ngờ một ngày đang đi ngoài đường, ông bị 4 thanh niên khống chế ép lên taxi và đưa đến bệnh viện tâm thần.
Ông T. còn tâm sự thêm do mình là nhà giáo nên không hề có chuyện đánh đập vợ, dù biết vợ đối xử không phải nhưng vẫn không ly dị bởi ngại điều tiếng.
Yêu cầu nhiều lần nhưng người nhà không đón về
Sau khi thăm khám, ngay lập tức bác sĩ Thắng kết luận, thời điểm hiện tại ông T. không có biểu hiện của rối loạn tâm thần hay có khả năng gây nguy hiểm cho người khác.
Bên cạnh đó, bệnh viện chỉ có 50 giường bệnh nội trú dành cho những trường hợp cấp cứu khẩn cấp nên yêu cầu người nhà đến đón ông về.
Tuy nhiên, dù được bệnh viện mời rất nhiều lần nhưng mãi đến trưa nay, tức 5/10, sau khi Bệnh viện có công văn gửi gia đình, công an và cả chính quyền địa phương (nhờ tác động) thì vợ ông T. mới chịu tới bệnh viện.
Khi đến bệnh viện, vợ ông T. giãy nảy, cho rằng bác sĩ bệnh viện có điều gì mờ ám mới bằng lòng cho ông T. xuất viện. Sau đó bác sĩ Thắng đề nghị vợ ông T. không muốn đón chồng thì viết đơn ký vào. Tới lúc đó ông T. mới được gia đình đưa về.
Trả lời câu hỏi vì sao tại thời điểm đó ông T. được kết luận bình thường nhưng vẫn không tự xuất viện được mà phải đợi vợ đón, bác sĩ Thắng cho biết: “Người ký giấy đưa ông T. nhập viện là vợ. Chúng tôi chưa khẳng định ông T. là hoàn toàn bình thường mà chỉ nói tại thời điểm khám thấy ông chưa có biểu hiện nguy hiểm.
Trong khi đó, theo ông T., mình đang bị hãm hại. Vậy nếu chúng tôi để ông ta tự xuất viện hoặc để người lạ đón đi nhỡ có chuyện không may xảy ra, gia đình bắt đền thì ai chịu trách nhiệm?”.
Cung cấp thông tin sai phải chịu trách nhiệm
Cách đây nhiều năm, chính tại Bệnh viện Tâm thần Cơ sở Chợ Quán, 2 nhân viên bảo vệ vì vô tình giúp người nhà đưa bệnh nhân vào bệnh viện đã bị đi tù vì…giữ người trái pháp luật.
Tuy nhiên, kẻ vu khống cho bệnh nhân chính là người thân trong gia đình họ lại chẳng bị gì.
Để kết luận một người có bị tâm thần hay không, không chỉ trong một sớm một chiều mà cần có một quá trình theo dõi - (Ảnh minh họa: Giaoducsuckhoe.com) |
Bác sĩ Thắng bức xúc: “Bác sĩ làm sao biết được chuyện gia đình hay mâu thuẫn cá nhân của bệnh nhân. Trong khi đó, lời khai của vợ con bệnh nhân lại là một trong những yếu tố để giúp cho việc chẩn bệnh.
Thông thường, bệnh nhân bị cưỡng chế đưa vào, dù có bệnh hay không tất nhiên lúc đó tinh thần cũng không thể bình thường. Trong khi đấy, gia đình bệnh nhân lại tự nguyện xin cho nhập viện với lý do bệnh nhân có thể gây ra các hậu quả nguy hiểm thì đương nhiên bác sĩ phải đồng ý.
Để kết luận một người có bị tâm thần hay không, không chỉ trong một sớm một chiều mà cần có một quá trình theo dõi. Vậy tôi đề nghị pháp luật phải có chế tài thật nặng đối với các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch cho bệnh viện”.
Theo bác sĩ Thắng, những trường hợp có các biểu hiện cấp cứu cần phải bắt buộc nhập viện tâm thần điều trị là kích động gây nguy hiểm, bỏ ăn, trầm cảm có hành vi tự tử.
Thanh Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét