Trang

Viêm phế quản cấp

 
Viêm phế quản cấp được điều trị như thế nào ?
 
Chỉ nên dùng kháng sinh cho những trường hợp viêm phế quản cấp nghi do vi khuẩn. Việc sử dụng rộng rãi kháng sinh cho tất cả những trường hợp viêm phế quản làm tăng chi phí điều trị, tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc
Khi được chẩn đoán viêm phế quản cấp, câu hỏi thường đặt ra là điều trị như thế nào ?
Để có được chế độ điều trị phù hợp, bạn cần đến khám bác sỹ, các điều trị thường được xác định dựa trên mức độ nặng của triệu chứng và định hướng căn nguyên gây bệnh
1. Có dùng kháng sinh hay không ?
 
Kháng sinh được chỉ định cho những trường hợp viêm phế quản cấp nghi do vi khuẩn. Các dấu hiệu hướng tới chẩn đoán viêm phế quản cấp do vi khuẩn thường bao gồm:
  • Người bệnh khạc đờm mủ, đờm màu xanh, đờm màu vàng
  • Bệnh đã diễn biến quá 10 ngày
  • Xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi tăng cao > 10Giga/ lít.
Những trường hợp này có chỉ định dùng kháng sinh.
Ngược lại: những trường hợp bệnh nhân có sốt, đau đầu, đau mỏi người, đau rát họng, ho khan hoặc có khạc đờm trắng: thường là viêm phế quản cấp do vi rút, những trường hợp này không cần dùng kháng sinh.
2. Các điều trị hỗ trợ khác:
Dùng thuốc hạ sốt: chỉ nên dùng khi nhiệt độ > 38.5 độ C. Không nên dùng thuốc hạ sốt chia đều trong ngày, do sẽ làm mất triệu chứng sốt của người bệnh, gây khó khăn cho việc theo dõi diễn biến bệnh (không phân biệt được hết sốt do bệnh tiến triển tốt hay do dùng thuốc). Các thuốc hạ sốt thường hay sử dụng là những chế phẩm có chứa paracetamol như: paracetamol, panadol, efferalgan...
Bù nước và điện giải cho bệnh nhân: do người bệnh bị sốt nên có thể gây mất nước. Bệnh nhân nên được uống oresol hoặc nước hoa quả (có pha thêm muối).
Trường hợp có khó thở, nghe có tiếng rít có thể được điều trị thêm với các thuốc giãn phế quản như salbutamol (Ventolin dạng xịt), hoặc theophyllin...

TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai
 
 
 
Tất cả các bệnh nhân viêm phế quản cấp được điều trị khỏi sau 5-10 ngày. Hầu hết những trường hợp không được điều trị hiệu quả sau 10 ngày thường không phải viêm phế quản cấp, hoặc viêm phế quản cấp nhưng có kèm theo bệnh mạn tính khác.
Tất cả các bệnh nhân viêm phế quản cấp đều có diễn biến lâm sàng tốt nhanh sau 5-10 ngày điều trị, những triệu chứng có thể còn sau 10 ngày điều trị thông thường chỉ là ho khan thúng thắng và sẽ hết dần trong những ngày sau đó.
Những trường hợp sau điều trị 10 ngày mà bệnh không thuyên giảm (vẫn còn sốt, khạc đờm, ho cơn nhiều, thậm chí có khó thở, đau ngực...) đều cần được khám, làm thêm các xét nghiệm, thăm dò để tìm nguyên nhân. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:

1. Viêm phế quản cấp trên bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính từ trước như:
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản ... : thông thường những trường hợp này được chẩn đoán là đợt cấp do bội nhiễm của những bệnh lý nêu trên, khi đó thời gian điều trị có thể sẽ kéo dài hơn. Những triệu chứng của bệnh nhân còn tồn tại dài ngày một phần là triệu chứng của bệnh phổi mạn tính.
2. Bệnh nhân có kèm viêm mũi, viêm xoang hoặc viêm mũi xoang
3. Vi khuẩn gây bệnh đã kháng thuốc hiện đang dùng điều trị cho bệnh nhân

4. Không phải viêm phế quản cấp
Các triệu chứng ho, khạc đờm, sốt có thể gặp trong rất nhiều bệnh lý như: lao phổi, lao nội phế quản, tràn dịch màng phổi, tràn mủ màng phổi, ung thư phổi...
Việc chưa có chẩn đoán đúng, do vậy điều trị thường chưa phù hợp, do vậy các triệu chứng của bệnh nhân không thuyên giảm.
Nhìn chung, tất cả những trường hợp không tiến triển sau điều trị đều cần được tiến hành xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao, nhuộm soi, cấy, khi phát hiện được vi khuẩn gây bệnh cần tiến hành làm kháng sinh đồ. Tùy theo từng trường hợp có thể cần chụp X quang ngực, chụp cắt lớp vi tính ngực, nội soi phế quản ....

TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

 

 

 
 
Mỗi người trong đời đều có ít nhất một lần bị viêm phế quản cấp, hầu hết các trường hợp đều được điều trị ngoại trú, nhiều trường hợp, do không được phát hiện và điều trị kịp thời nên bệnh diễn biến nặng, có thể gây tử vong.

Viêm phế quản cấp thường xuất hiện vào mùa đông xuân hoặc mùa lạnh, trong mùa nóng bệnh cũng có thể xuất hiện trong những ngày trời nóng ở những người có thói quen uống nước đá hoặc ngồi máy điều hòa để nhiệt độ quá thấp.

Viêm phế quản cấp thường bắt đầu từ từ, khởi phát với các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên như sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng.

Đôi khi bệnh xuất hiện với các triệu chứng rầm rộ: sốt cao, nhiệt độ có thể tới 39 - 40 độ C, người bệnh ho nhiều, ho khan hoặc khạc đờm trắng, đờm đục như mủ, hoặc đờm có màu xanh, màu vàng, cũng có thể gặp trường hợp ho khạc đờm ra máu.

Khám phổi có thể thấy hoàn toàn bình thường, một số trường hợp nghe có tiếng rít hai bên phổi hoặc như tiếng mèo rên do ứ đọng đờm trong lòng phế quản.

Hầu hết các trường hợp chụp X quang phổi thấy bình thường hoặc có hình ảnh dày thành phế quản

TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét