Đái tháo đường (ĐTĐ) là rối loạn chuyển hóa do nhiều nguyên nhân, với đặc trưng là tình trạng tăng đường huyết mạn tính đưa đến rối loạn chuyển hóa đường, đạm, mỡ và hậu quả là do từ sự thiếu hụt insulin.
Tùy theo tình trạng thiếu hụt insulin, người ta phân biệt có 2 loại ĐTĐ: ĐTĐ týp 1 và ĐTĐ týp 2. Trong ĐTĐ týp 1 có sự thiếu insulin tuyệt đối do tế bào bêta (tế bào tiết ra insulin) của tuyến tụy bị quá trình tự miễn gây hủy hoại hoàn toàn. ĐTĐ týp 1 thường xảy ra ở người trẻ tuổi, và trong điều trị, bắt buộc phải dùng thuốc là insulin (vì vậy, ĐTĐ týp 1 còn gọi là ĐTĐ phụ thuộc insulin). Trong ĐTĐ týp 2, có sự thiếu insulin tương đối do chỉ giảm sự tiết insulin hoặc có sự đề kháng insulin, tức là sự tiết insulin không thiếu nhưng insulin không nhạy cảm, không cho tác dụng trên các cơ quan đích (như mô cơ, mô gan.) ĐTĐ týp 2 thường xảy ra ở người trên 40 tuổi và có thể bị béo phì. Trong điều trị ĐTĐ týp 2, thông thường không dùng đến insulin mà dùng thuốc hạ đường huyết loại uống (vì vậy, ĐTĐ týp 2 còn được gọi là ĐTĐ không phụ thuộc insulin).
Thuốc trị ĐTĐ týp 2 gồm những thuốc gì ?
Trong ĐTĐ týp 2, có sự thiếu insulin do 3 bất thường: giảm tiết insulin, đề kháng insulin (do giảm tác dụng của insulin trên tế bào mô đích, đặc biệt là tế bào cơ) và tăng sản xuất glucose từ gan. Vì vậy, để điều trị ĐTĐ týp 2, dùng thuốc hạ đường huyết loại uống tác động theo các cơ chế khác nhau như sau:
§ Nhóm sulfonylure: Thuốc nhóm này có tác dụng kích thích tế bào bêta tuyến tụy tiết ra insulin bằng cách gây khử cực màng tế bào làm cho ion calci di chuyển vào bên trong tế bào gây phóng thích các hạt chứa insulin ra ngoài. Nhóm có 2 thế hệ: thế hệ 1 gồm clorpropamid, tolbutamid, thế hệ 2 gồm glibenclamid, glipizid, glicazid, glimepirid. Ưu điểm: giảm nguy cơ biến chứng vi mạch. Nhược điểm vì gây tác dụng phụ: tăng cân, tụt đường huyết.
§ Nhóm biguanid: Nhóm này hiện nay chỉ có một thuốc được sử dụng là metformin. Tác dụng của thuốc là làm giảm sản xuất glucose ở gan. Ưu điểm: Không gây tăng cân, không gây hạ đường huyết, giảm nguy cơ biến chứng mạch máu lớn, kèm theo tác dụng giảm triglycerid huyết, giảm LDL-cholesterol. Nhược điểm: Gây rối loạn tiêu hóa, gây nhiễm toan acid (lactic acidosis là tác dụng phụ thuộc loại hiếm).
§ Nhóm ức chế men alpha-glucosidase: Có 3 thuốc thuộc nhóm này là acarbose, voglibose và miglitol. Tác dụng của thuốc là ức chế alpha-glucosidase, một enzym nằm ở tế bào biểu mô niêm mạc ruột non đảm nhận việc phân giải các đường disaccharid và carbohydrat, vì vậy sẽ làm giảm sự hấp thu đường tại ruột. Ưu điểm: Dùng một mình, thuốc nhóm này không làm tụt đường huyết, cải thiện đường huyết sau ăn. Nhược điểm: Phải dùng theo bữa ăn 3 lần/ngày, gây tác dụng phụ tiêu hóa (đầy bụng, tiêu chảy), thường phải phối hợp với thuốc khác.
§ Nhóm metiglinid (hay glitinid): gồm 2 thuốc repaglinid và nateglinid. Tác dụng của thuốc là kích thích tế bào bêta tuyến tụy tiết ra insulin giống như nhóm sulfonylure. Ưu điểm: Cải thiện đường huyết sau ăn. Nhược điểm: Cách dùng phức tạp, phải uống vào ba bữa ăn (tuy nhiên tác dụng hạ đường huyết lệ thuộc lượng glucose hấp thu nên "có ăn, có uống thuốc, không ăn không uống thuốc"), gây tăng cân và tụt đường huyết (tần suất và mức độ thấp hơn so với nhóm sulfonylure).
§ Nhóm thiazolidinedion (TZD): Gồm 2 thuốc rosiglitazon và pioglitazon. Tác dụng của thuốc là làm tăng sự sử dụng glucose ở mô ngoại biên (mô mỡ, mô cơ) dưới tác dụng của insulin (tức là làm tăng độ nhạy của mô với insulin hay làm giảm sự đề kháng insulin). Ưu điểm: Bảo tồn, kéo dài tuổi thọ của tế bào bêta, làm tăng HDL-cholesterol và giảm triglycerid, không tụt đường huyết. Nhược điểm: tăng cân gây phù (do giữ nước muối), cần theo dõi chức năng gan do thuốc có thể làm hại gan.
Ngoài các thuốc kể trên hiện nay còn có các thuốc mới như: Thuốc tăng cường hoặc bắt chước incretin (exenatid), Thuốc ức chế enzym DPP-4 (sitagliptin, vildagliptin).
Dùng thuốc trị ĐTĐ týp 2 lưu ý những gì?
Nên:
- Hợp tác tốt với bác sĩ trong điều trị và thực hiện chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể lực
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định đều đặn, liên tục.
- Biết cách tự sử dụng insulin để chủ động dùng thuốc nếu được bác sĩ chỉ định dùng insulin.
- Biết tự theo dõi đường huyết và phát hiện các biến chứng (như biết triệu chứng của hạ đường huyết: Đói, mệt, đổ mồ hôi, bủn rủn tay chân…để xử lý bằng cách uống nước đường, ngậm kẹo) và báo ngay cho bác sĩ khi dùng thuốc có những bất thường.
- Nên hỏi để dùng thuốc đúng cách đối với thuốc hạ đường huyết uống. Vì tăng đường huyết liên quan đến bữa ăn nên cách dùng sẽ tùy theo thuốc, uống trước, ngay hay sau bữa ăn.
Một số cách uống thuốc trị ĐTĐ týp 2:
· Nên uống thuốc nhóm sulfonylure (glibenclamid, glicazid, glimepirid…) ngay trước bữa ăn sáng hoặc bữa ăn chính đầu tiên trong ngày (có tài liệu ghi uống vào bữa ăn thì cũng tương tự). Uống ngay trước bữa ăn để thuốc có thời gian cho tác dụng đúng lúc đường huyết bắt đầu tăng do bữa ăn.
· Nên uống thuốc nhóm glitinid (repaglinid, nateglinid) 30 phút trước khi ăn và không uống nếu không ăn vì tác dụng của thuốc loại này là kích thích tiết insulin khi có glucose của bữa ăn hấp thu vào máu.
· Nên uống metformin và pioglitazon cùng với bữa ăn hay ngay sau bữa ăn, acarbose nên uống ngay khi bắt đầu ăn. Riêng metformin uống sau bữa ăn vì thuốc này có tác dụng phụ gây rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy), nếu uống lúc bụng trống dễ bị rối loạn tiêu hóa hơn.
Không nên:
- Không nên tự chẩn đoán bệnh (như đi tiểu xem có kiến bu) và tự ý dùng thuốc theo kiểu nghe lời mách bảo hoặc theo thông tin đọc trong sách báo. Chỉ đi khám bệnh và làm xét nghiệm máu mới chẩn đoán đúng bệnh và phải dùng đúng thuốc mà bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
- Không tự ý dùng thuốc theo kiểu mới chớm nghi ngờ mình bị bệnh là vội tự mua thuốc trị ĐTĐ để tự chữa. Dùng thuốc không đúng còn nguy hại hơn không dùng thuốc. Hoặc đang dùng thuốc tự ý bỏ thuốc để dùng dược thảo, thuốc Đông y hay phương thức trị liệu nào đó đã được thổi phồng do lời đồn đại, chứ chưa được chứng thực bằng thử nghiệm lâm sàng đúng quy cách khoa học.
- Không nên bắt chước uống loại thuốc của người khác, ngưng thuốc vì thấy đường huyết về bình thường, tự ý tăng liều thuốc cho mau khỏi bệnh mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị.
- Không tự ý dùng các thuốc gây tăng đường huyết như glucocorticoid (gọi tắt corticoid), lợi tiểu (furosemid, indapamid)… Nói chung, bệnh nhân ĐTĐ muốn dùng thêm thuốc nên hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị, chứ không nên tùy tiện dùng.
- Hiện nay, có nhiều thuốc trị ĐTĐ bị cấm hoặc được khuyến cáo cảnh giác cao độ vì gây tác dụng có hại ở mức quá trầm trọng. Như rosigitazon đã bị cấm vì gây hại cho tim mạch. Còn pioglitazon đang bị cảnh giác do làm tăng nguy cơ gây ung thư bàng quang. Tuy nhiên, người đang dùng thuốc trị ĐTĐ nên yên tâm dùng đúng thuốc đã được chỉ định. Bác sĩ điều trị cho bạn luôn cập nhập thông tin về thuốc điều trị để điều chỉnh, thay đổi khi có những sự cố bất thường về sử dụng thuốc. Bác sĩ trực tiếp điều trị là người có thẩm quyến nhất về chế độ dùng thuốc, vì vậy hãy thông báo và hỏi ý kiến bác sĩ khi bạn có thắc mắc về thuốc đang dùng. Chứ không nên bỏ ngang việc dùng thuốc. Đối với bệnh ĐTĐ phải kiên trì dùng thuốc lâu dài để kiểm soát tốt đường huyết, ngưng ngang việc dùng thuốc có khi là nguy hiểm.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức
Dược & Mỹ phẩm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét