Trang

Xử lý khi bị côn trùng đốt

Xử lý khi bị côn trùng đốt: Không nên gãi nhiều

Thứ Ba, ngày 16/07/2013 10:55 AM (GMT+7) - 24h.com.vn
 
Một bệnh nhân ở Khánh Hoà vừa phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, tụt huyết áp sau khi bị bọ xít đốt. Theo các chuyên gia, thời điểm này nhiều loại côn trùng sinh sản mạnh, khi đốt gây nguy hiểm cho người.

Có thể gây sốc phản vệ

Bệnh nhân trên là ông Vũ Thành Nam, 42 tuổi, ngụ tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Theo GS.TSKH Vũ Quang Côn – Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, bọ xít hút máu người đã hoành hành ở 20 tỉnh, thành nước ta khiến nhiều người bị đốt. Đa số nạn nhân chỉ bị ngứa, sưng tấy tại vết đốt, nếu vết thương phù nề to có thể gây sốt. Chưa từng có bệnh nhân bị phản ứng nặng do bọ xít hút máu đốt. "Trường hợp ông Nam có lẽ là trường hợp đầu tiên bị nặng nhất trong cả nước từ trước đến nay", GS Vũ Quang Côn nhận định.

Nói về loại bọ xít hút máu nguy hiểm, GS Côn cho hay: Có một loại bọ xít nguy hiểm là thủ phạm gây ra bệnh ký sinh trùng tại khu vực Mỹ La tinh. Khi bị đốt, chúng sẽ truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga's qua đường máu. Bệnh có thể âm thầm kéo dài từ 10 - 12 năm rồi mới từ từ gây ra các bệnh. Nó ảnh hưởng đến tim mạch, thần kinh. Bệnh trở thành mạn tính sẽ dẫn đến tử vong do nghẽn mạch máu. Tuy nhiên, nước ta đến nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định bọ xít hút máu người gây các bệnh nguy hiểm giống như loài bọ xít hút máu ở Mỹ La tinh.

TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng cho biết, cho đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do bọ xít hút máu truyền. Bọ xít hút máu người sống bằng máu người hoặc động vật, khi không có động vật chúng sẽ tìm đến người để hút máu.

Xử lý khi bị côn trùng đốt: Không nên gãi nhiều - 1

Khi bị côn trùng đốt, bạn nên rửa kỹ vết đốt hay vùng da tiếp xúc với côn trùng ngay bằng xà phòng.

Mùa hè là thời điểm vào mùa sinh trưởng của chúng. Chúng thường phát tán vào nhà, ẩn nấp trong các khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là trong phòng ngủ. Ban ngày chúng lẩn trốn, ban đêm ra hút máu người hay gia súc. Khi bọ xít đốt, tùy từng cơ địa của mỗi người, có người chỉ một vài ngày sau vết đốt sẽ khỏi. Nhưng với những người mẫn cảm với vết đốt côn trùng thì vết đốt sưng to, phù nề diện rộng, mưng mủ hoặc có thể bị sốt, nhất là trẻ em. Đáng chú ý là hiện tượng ngứa ở các vết đốt, nhất là các vết đốt có đường kính rộng khoảng 5-10 mm. Trong nhiều trường hợp vết đốt ở chân hoặc tay có thể dẫn tới hiện tượng không cử động được do vết đốt sưng to và phù nề rộng. Vị trí các vết đốt thường ở sau gáy, cổ, bả vai, sau lưng, cánh tay và chân...

Cũng theo GS Vũ Quang Côn, không chỉ bọ xít hút máu mà bất cứ côn trùng nào cắn hoặc đốt đều gây ra một phản ứng nhẹ tại chỗ do nọc độc hoặc các chất từ côn trùng bơm vào da. Biểu hiện là: Sưng nề, ngứa hoặc buốt tại chỗ bị đốt. Tổn thương sẽ hết trong vòng một ngày (nếu nhẹ). Nếu nhạy cảm với nọc độc của côn trùng có thể gây ra một phản ứng dị ứng, nặng là sốc phản vệ dẫn đến phù nề, khó thở, hạ huyết áp… Nếu không được xử lý và cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Làm gì khi bị côn trùng đốt?

Theo các chuyên gia, hiện nay đang là thời điểm thuận lợi cho các loại côn trùng phát triển mạnh, gây bệnh. Vì vậy để phòng tránh bị các loài côn trùng đốt, cắn, các gia đình cần giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh nhà cửa, thường xuyên phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng ở những vị trí nhiều cây, kênh mương, ao hồ ở gần nhà ở.  Tránh tiếp xúc với côn trùng bằng cách lắp lưới chống muỗi ở cửa sổ và cửa ra vào, kiểm tra quần áo trước khi mặc và giường chiếu trước khi nằm. Để tránh nguy hiểm đến tính mạng khi bị côn trùng đốt, cắn cần phải xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để quá 6 giờ sau khi bị cắn dù có độc hay không độc thì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, nhất là với người cao tuổi và suy giảm miễn dịch.

Với loại bọ xít hút máu, ngoài giết bằng phương pháp thủ công có thể sử dụng các hóa chất dùng trong y tế như: Permethrin 50EC, Fendona 10SC, Icon 10 WP (có nguồn gốc từ thực vật – pyrethroid) phun trong nhà và xung quanh nhà giống như phun diệt muỗi. Song nếu không phát hiện ổ bọ xít thì cũng không nên phun vì ảnh hưởng đến sức khỏe.

GS. Vũ Quang Côn đưa ra một số lưu ý khi bị côn trùng đốt, cắn như sau:

- Rửa kỹ vết đốt hay vùng da tiếp xúc với côn trùng ngay bằng xà phòng, chườm đá lạnh 5 phút, rồi rửa kỹ lại bằng nước muối ngày 3 – 4 lần.

- Dùng nước muối loãng 9%o chấm ngày 3 – 4 lần nếu là vết hồng ban hoặc dán miếng dán có nitroglycerin lên vết đốt hạn chế co mạch, tránh loét.

- Khi bị bọ xít hút máu đốt không nên gãi nhiều có thể gây nên vết thương hở da, bội nhiễm. Khi cơ thể có các phản ứng lạ như nổi mẩn toàn thân, khó thở, mệt, vết thương bị phù nề… cần đến ngay cơ sở y tế để khám. Tuỳ mức độ tổn thương sẽ chữa trị khác nhau nhằm hạn chế biến chứng xấu do nọc độc côn trùng gây ra.

Theo Hà My (Gia đình & Xã hội
 
 

Bị côn trùng đốt: Cần làm gì?

Ngày 7 tháng 7, 2013 | 00:34 - suckhoedoisong.vn

Khi bị côn trùng tấn công, tùy mức độ tổn thương sẽ có những cách xử lý khác nhau. Tuy nhiên, nếu can thiệp đúng và sớm ngay sau khi bị côn trùng đốt sẽ hạn chế được những biến chứng xấu, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng do nọc độc côn trùng gây ra.

Các triệu chứng lâm sàng

Côn trùng cắn và đốt có thể chia thành 2 nhóm: độc và không độc. Nhóm côn trùng gây độc chúng tiêm chất độc tố qua vòi của chúng, gây đau đớn. Trong khi côn trùng không độc cắn da để hút máu, thường gây ngứa dữ dội.

Hầu hết khi mọi người bị côn trùng cắn hoặc đốt đều gây ra một phản ứng nhẹ. Côn trùng độc đốt thường gây ra một cảm giác châm chích hoặc đau, tấy đỏ và sưng tại chỗ. Ngứa thường không phải là một mối quan tâm. Một số người nhạy cảm với nọc độc của côn trùng, cảm giác đau nhói, có thể gây ra một phản ứng dị ứng trầm trọng được gọi là sốc phản vệ, có thể dẫn đến phù nề, khó thở và ngứa phát ban (mề đay) toàn thân. Điều này có thể đe dọa tính mạng cần phải được quan tâm và điều trị kịp thời.

Côn trùng cắn không độc gây ít triệu chứng hơn, nhưng ngứa, khó chịu cường độ cao (da nổi sẩn mề đay). Tại các vết cắn có thể xuất hiện màu đỏ, có thể là nốt bỏng giộp. Chỗ da này dễ bị vỡ tạo nên vết thương hở gây nhiễm trùng và sẽ lâu lành. Một số côn trùng cắn còn có vai trò véctơ truyền bệnh như sốt rét, sốt Chikungunya, bệnh Rickettsial và sốt xuất huyết.

Bị côn trùng đốt: Cần làm gì? 1
 Côn trùng đốt có thể gây sốc phản vệ.

Ðiều trị thế nào khi bị côn trùng cắn, đốt?

Trong hầu hết các trường hợp côn trùng cắn đốt, thường chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ như đau ngứa, sưng đỏ… và sẽ tự khỏi trong vài giờ mà không để lại di chứng. Một số rất ít bị cắn nặng, có phản ứng lan tỏa với một quầng đỏ lan rộng, ngứa nhiều và đau nhức, cần rửa sạch vùng bị cắn, đốt, chườm lạnh...

Côn trùng đốt, nếu phản ứng nhẹ, nên được lấy ngòi ra khỏi da bằng dao hay kim hoặc nhíp nhổ ra. Rửa sạch vết thương bằng chất khử khuẩn, băng vết thương, có thể chườm lạnh để giảm đau và sưng nề. Bôi tại chỗ kem steroid hoặc dung dịch calamine nhiều lần trong ngày cho đến khi các triệu chứng giảm dần. Nếu cần thiết, dùng thêm thuốc kháng histamin đường uống.

Côn trùng chích với một số người còn có thể bị dị ứng toàn thân như phù môi, mắt, nổi mày đay, co thắt phế quản, sốt… hay sốc phản vệ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng. Những phản ứng này bắt buộc phải điều trị trong bệnh viện. Nếu để quá 6 giờ sau khi bị cắn, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch.

Nếu bệnh nhân hay dị ứng với côn trùng đốt, nên mang theo một hộp chống dị ứng có chứa adrenaline (epinephrine).

Mục đích điều trị chính của côn trùng cắn là ngăn chặn ngứa. Bôi tại chỗ và uống thuốc kháng histamin, dung dịch calamin hoặc bôi kem gây tê tại chỗ. Nếu nặng hơn có thể dùng steroid tại chỗ và uống. Vết cắn của côn trùng có mang mầm bệnh thì việc điều trị bằng kháng sinh phù hợp là rất cần thiết.

Bị côn trùng đốt: Cần làm gì? 2
 Kiến ba khoang là loại côn trùng rất độc.

Ngăn ngừa côn trùng đốt như thế nào?

Các biện pháp đơn giản sau đây có thể ngăn ngừa côn trùng đốt và cắn:

Tránh dùng nước hoa và quần áo sáng màu để giảm nguy cơ bị ong đốt. Kiểm soát mùi hôi tại những buổi dã ngoại, rác..., là nơi có thể thu hút côn trùng. Phá hủy hoặc rời tổ, bọng ong ra xa nhà của bạn. Tránh tình trạng các ổ nước ứ đọng sẽ là nơi thu hút muỗi. Bao che thân thể với quần áo, nón, tất và găng tay khi đi vào khu vực có nguy cơ cao bị côn trùng đốt, cắn. Duy trì tốt vệ sinh cá nhân và hộ gia đình. Thường xuyên kiểm tra và tiêu diệt bọ chét ở mèo, chó và vật nuôi trong gia đình. Sử dụng chất xua côn trùng có sẵn ở thị trường có chứa DEET (diethyltoluamide) là những biện pháp hiệu quả nhất. Permethrin có thể sử dụng để ngâm quần áo có tác dụng bảo vệ trong hai tuần, qua hai lần giặt và cũng có thể bôi trực tiếp lên da, có tác dụng xua côn trùng trong vài ngày. Vitamin B1 có thể được sử dụng như một loại thuốc chống côn trùng (da có một mùi đặc trưng).             

BS. Hoa Tấn Dũng

 
 
Thứ sáu, 16/07/2010, 08:52:07 AM
 
Khi bị côn trùng tấn công, tuỳ mức độ tổn thương sẽ có những cách xử lý khác nhau. Tuy nhiên nếu can thiệp sớm, sẽ hạn chế được những biến chứng xấu, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng, do nọc độc côn trùng gây ra.

Khẩn trương rút ngòi

Trong hầu hết các trường hợp côn trùng cắn đốt, thường chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ như đau ngứa, sưng đỏ… và sẽ tự khỏi trong vài giờ mà không để lại di chứng. Một số rất ít bị cắn nặng, có phản ứng lan tỏa với một quầng đỏ lan rộng, ngứa nhiều và đau nhức, cần rửa sạch vùng bị cắn đốt, chườm lạnh...

Nếu ngòi còn nằm trong da, cần nhẹ nhàng lấy ra (dùng nhíp nhổ, móng tay...), không để nguyên vòi trong da vì sẽ làm chất độc tiết ra nhiều. Nếu côn trùng còn bám thì có thể dùng một cây nhang hay một điếu thuốc cháy dở hơ sát vào chúng. Cũng có thể dùng các chất như cồn, xăng, dầu nóng... nhỏ một giọt vào chúng.

Bên cạnh những phản ứng tại chỗ, với một số người còn có thể bị dị ứng toàn thân như phù môi, mắt, nổi mày đay, co thắt phế quản, sốt… Nặng nhất là sốc phản vệ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng. Những phản ứng này bắt buộc phải điều trị trong bệnh viện. Nếu để quá 6 giờ sau khi bị cắn, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch.

Một số mẹo thuốc hay

Bên cạnh điều trị tây y, có thể sử dụng một số cách chữa đông y, nhất là những trường hợp gặp nạn ở rừng hoặc nhà ở xa các cơ sở y tế, sơ cứu kịp thời bằng những vị thuốc xung quanh nhà là một lựa chọn nên ưu tiên. Dưới đây là một số bài thuốc dùng cho một số trường hợp khẩn cấp, đã được đông y kiểm chứng có hiệu quả, an toàn:

Ong đốt: rút ngòi ong ra, sau đó lấy lá bạc hà tươi rửa sạch, vò nát, xát vào. Hoặc lấy lá, dây, củ cây chìa vôi giã nhuyễn, đắp. Cũng có thể dùng vôi ăn trầu hoặc hột quất hồng bì giã nhuyễn, đắp. Hoặc cắt một lát củ ráy dại xát vào. Hoặc lấy rau sam rửa sạch, giã nhuyễn, đắp. Nếu là ong vò vẽ hay bồ nâu, dùng nước tiểu của bé trai khoẻ mạnh rửa vết đốt, sau đó dùng hành, hẹ, tỏi, sả, củ nén giã nát, vắt lấy nước cốt, hoà với chút rượu trắng cho uống.

Bọ cạp, nhện cắn: dùng rau húng chanh hay tỏi giã nhuyễn, trộn với cặn dầu dừa và vôi ăn trầu, đắp.

Ve chó cắn: không bắt ve ra ngay vì răng ve gãy còn lại sẽ gây đau nhức. Nên lấy nước điếu đặc chấm vào miệng ve hoặc lấy kim khâu hơ nóng hay điếu thuốc lá đang hút gí vào đít ve, ve sẽ tự nhả ra. Lấy vôi tôi bôi vào. Trường hợp răng ve còn nằm trong thịt, lấy thuốc lào tẩm nước điếu, đắp vào, băng lại.

Kiến cắn: dùng lá bạc hà rửa sạch, giã nhuyễn, đắp. Hoặc dùng lá húng chanh rửa sạch, giã nát, thêm ít muối, đắp vào vết thương.

Muỗi đốt: dùng tỏi hoặc hành tây đập giập, đắp.

Bọ nẹt, sâu róm cắn: lấy tóc xát kỹ, hoặc lấy nắm cơm lăn đi lăn lại nơi côn trùng tiếp xúc để lông dính hết vào cơm. Sau đó, dùng rau má, rau khoai lang, khoai sọ mỗi thứ một nắm, giã nhỏ, xát vào. Cũng có thể lấy một nắm lá rau sam rửa sạch, giã nát, đắp.

Rết cắn: dùng tỏi giã nát, đắp. Hoặc rau sam một nắm rửa sạch, giã nát, đắp. Hoặc củ gấu rửa sạch, giã nát, đắp. Hoặc lấy một nhúm nhỏ hạt mè (vừng) nghiền nát, đắp. Hoặc lá bạc hà một nắm rửa sạch, giã nát, đắp. Hoặc hột khổ qua (mướp đắng) rửa sạch, giã nhuyễn, đắp. Hoặc cọng khoai môn tước bỏ vỏ, giã nhuyễn, trộn với cặn dầu dừa và vôi ăn trầu, đắp.

Theo ThS.BS Võ Thị Thu
(Sài Gòn tiếp thị)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét