Trang

Dùng sa kê trị bệnh

Kinh nghiệm dân gian dùng sa kê trị bệnh

Trái sa kê nấu chín là món ăn khá ngon. Cây sa kê rất giàu dược tính, bộ phận được sử dụng làm thuốc trị bệnh là lá, rễ, vỏ và nhựa cây.

Sa kê còn gọi là cây bánh mì, tên khoa học Artocarpus altilis, thuộc họ dâu tằm (Moraceae). Ở nước ta thấy nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trái sa kê nấu chín là món ăn khá ngon. Cây sa kê rất giàu dược tính, bộ phận được sử dụng làm thuốc trị bệnh là lá, rễ, vỏ và nhựa cây.

Theo Đông y, rễ sa kê có tính làm dịu, sát khuẩn, dùng để trị ho, hen suyễn, các chứng rối loạn dạ dày, đau răng hay bệnh về da rất tốt. Vỏ cây sa kê có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, dùng để trị ghẻ, nhựa cây sa kê pha loãng trị tiêu chảy, lỵ; lá sa kê phối hợp với lá đu đủ non tươi, giã với vôi để đắp trị mụn nhọt. Trong dân gian còn sử dụng lá sa kê để trị phù thũng hay viêm gan vàng da bằng cách lấy lá tươi nấu uống. Lá sa kê còn có thể phối hợp với một số vị thuốc khác trị gút, sỏi thận, tiểu đường, tăng huyết áp...
Quả sakê.
Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trị bệnh từ cây sa kê.
Trị bệnh gút, sỏi thận: Dùng lá sa kê tươi 100g, dưa leo 100g, cỏ xước khô 50g, cho vào nồi nấu tất cả, lấy nước uống trong ngày.
Chữa viêm gan vàng da: Lá sa kê tươi 100g, diệp hạ châu tươi 50g, củ móp gai tươi 50g, cỏ mực khô 20 - 50g. Nấu chung, lấy nước uống trong ngày.
Trị tiểu đường týp 2: Lấy lá sa kê tươi 100g (khoảng 2 lá), quả đậu bắp tươi 100g, lá ổi non 50g, cho vào nồi nấu lấy nước uống hằng ngày.
Trị chứng tăng huyết áp dao động: Dùng lá sa kê vàng (vừa rụng) 2 lá, rau ngót tươi 50g, lá chè xanh tươi 20g, nấu chung lấy nước uống trong ngày.
Trị đau răng: lấy rễ cây sa kê, nấu nước ngậm và súc miệng.
Trên đây là những phương thuốc dựa vào những kết quả trị liệu trong dân gian và một số lương y nên chỉ có giá trị hỗ trợ, cần có thời gian khảo cứu công dụng thực sự của cây sa kê.

BS. Hoàng Xuân Đại




Chữa thống phong với cây sa kê

SKĐS - Theo y học cổ truyền, rễ sa kê có tính làm dịu, sát khuẩn, dùng để trị ho, hen suyễn, đau răng hay bệnh về da rất tốt.
Theo y học cổ truyền, rễ sa kê có tính làm dịu, sát khuẩn, dùng để trị ho, hen suyễn, đau răng hay bệnh về da rất tốt. Vỏ cây sa kê có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, dùng để trị ghẻ; Lá sa kê phối hợp với lá đu đủ non tươi, giã với vôi để đắp trị mụn nhọt. Còn lá sa kê có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm lợi tiểu… Trong dân gian còn sử dụng lá sa kê để trị phù thũng hay viêm gan vàng da bằng cách lấy lá tươi nấu uống…
Cây sa kê được trồng nhiều ở miền Tây Nam bộ. Là loại cây gốc nhỏ, có nhựa mủ, cành mảnh mọc ngang, dài làm thành tán rộng, dày. Lá lớn chia 3 - 9 thùy dạng thuôn dài, cuống mập, rụng để sẹo trên cành, đặc biệt lá màu xanh bóng, khi rụng đổi màu vàng nâu khô, cứng làm vật trang trí. Cụm hoa đực dạng bông dài, hoa nhỏ màu vàng. Cụm hoa cái hình cầu thuôn, mập khi non màu xanh thẳng đứng trên cành, già chuyển sang vàng rất bền. Cây cho quả làm cảnh rất đẹp.  Quả sa kê to tròn hoặc hình trứng, mọc thành từng chùm, được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn ngon. Thường quả sa kê được xắt ra thành từng lát nhỏ, rồi tẩm với bột chiên giòn, ăn ngon như ăn bánh mì.

Sa kê hầm sườn nọn.
Một số bài thuốc thường dùng:
Bài 1: Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Lá sa kê (loại lá đã già) 100g, quả đậu bắp tươi 100g, lá ổi non 50g. Tất cả đem nấu chung cho 700ml nước, nấu còn 400ml uống thay trà hàng ngày, 15 ngày 1 liệu trình.
Bài 2: Chữa thống phong:  Lá sa kê già tươi (khoảng 100g), dưa chuột 100g, cỏ xước khô (ngưu tất nam) 50g. Tất cả đem nấu với 550ml nước, nấu còn 200ml uống thay trà hàng ngày, 10 ngày 1 liệu trình.
Bài 3:  Giảm đau răng: Lấy rễ cây sa kê nấu nước ngậm và súc miệng sẽ giúp giảm đau răng.
Bài 4: Hỗ trợ trị  viêm gan vàng da: Lá sa kê còn tươi 2 lá (100g), diệp hạ châu tươi 50g, củ móp gai tươi 50g, cỏ mực khô 50g. Tất cả đem nấu chung với 550ml nước, nấu còn 250ml, chia làm 2 lần dùng trong ngày, 10 ngày 1 liệu trình.
Ngoài ra, một số nơi bà con thường lấy quả sa kê hầm sườn non là món ăn vừa ngon miệng vừa có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Nấu món này rất đơn giản, sườn non mua về rửa qua nước muối, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Cho sườn non vào nồi nước đun sôi thì tắt bếp, đổ nước đó đi, cho nước sạch vào và tiếp tục đun sôi. Sa kê gọt vỏ, thái lát dầy, khi nước sôi thì cho vào nồi. Nêm lại các loại gia vị cho vừa ăn, đợi nước trong nồi sôi lại thì tắt bếp. thêm hành, mùi, gia vị  và dùng nóng.
Lưu ý: Trước khi sử dụng bài thuốc cần được bắt mạch để gia giảm các vị thuốc cho phù hợp và đạt kết quả cao trong điều trị. Vì vậy, cần đến các thầy thuốc có uy tín để được tư vấn cụ thể. Đối với người không có bệnh thì không nên tự ý dùng lá sa kê nấu uống thường xuyên.

BS. Thuý Anh




"Săn lùng" lá sa-kê chữa bệnh

Lá sa-kê đang được truyền tai nhau là có tác dụng chữa được nhiều bệnh, cả những bệnh khó, đặc biệt là bệnhgút khiến nhiều người đi lùng tìm sử dụng cho bằng được.
Tìm lá sa-kê chữa bệnh
Có người nhà bị bệnh gút, anh N.TH, biên tập viên một tờ báo có trụ sở tại Hà Nội nghe bạn bè mách cho bài thuốc chữa bệnh từ lá cây sa-kê. Nhưng do tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc không trồng được loại cây này nên anh đã điện thoại nhờ một đồng nghiệp tại TP.HCM tìm giúp. Phải mất đến một tuần, anh bạn đồng nghiệp đi nhặt lá vàng rơi và kể cả hái những lá vàng còn ở trên cây tại các con đường thuộc quận Bình Thạnh, quận 3... mới kiếm được khoảng hơn 1kg lá khô và gửi người quen mang ra Bắc theo đường hàng không.

 Chỉ nên sử dụng lá sa-kê như biện pháp hỗ trợ bệnh.
Không đến nỗi công phu, vất vả như trường hợp trên, chị L.P ở Vũng Tàu có mẹ bị bệnh gút và con trai hay tiểu són nên cũng nghe hàng xóm mách nước các bài thuốc chữa bệnh từ lá sa- kê. May quá, hàng xóm bên cạnh nhà chị lại trồng mấy cây rất to trước cổng và thường rụng lá nhiều sau mỗi đêm. Sáng dậy, chị chỉ việc ra nhặt và rửa sạch rồi chế biến các bài thuốc. Là dân công nghệ thông tin nên chị cũng chủ động tra cứu hàng trăm thông tin trên mạng internet nói về lá sa-kê để tham khảo. Và rồi chị "tá hỏa" khi biết có một loại là cây mít nài giống cây sa-kê như hai "giọt nước" nhưng không có tác dụng chữa bệnh. Và hiện loại cây này được bán giống và trồng rất nhiều do người mua không phân biệt được thật giả. Mò tìm cách phân biệt, chị càng hoang mang khi thấy cách nhận biết hai loại cây này quá khó. Đem so sánh lá của những cây chị hay nhặt thì "cái to cái nhỏ, đầu lá nhọn nhiều hay nhọn ít cũng không khác là mấy". Cách tốt nhất để phân biệt là trái cây (trái sa-kê to cỡ cái tô, có hình quả trứng, được bao bọc bởi lớp vỏ màu xanh có nhiều gai non như trái mít nhưng gọt bỏ lớp vỏ này, sa-kê cho một lớp cơm dày và không có hạt). "Mà đợi ra trái, hái xuống, bổ ra để xem thì đợi đến bao giờ?", chị nói. Thấy "phiêu" quá, chị L.P ngừng ngay việc "tự làm thầy thuốc" và đành đưa mẹ và con vào bệnh viện chữa trị.
Hiện nay, theo thông tin truyền tai nhau, nhiều người dân tại TP.HCM cũng rộ lên phong trào tìm mua giống cây sa-kê về trồng trước nhà với mục đích vừa lấy bóng mát, vừa lấy lá chữa bệnh. Các vựa cây cảnh ở quận 12, Hóc Môn, Thủ Đức... bày bán nhiều loại cây này (nhân giống từ miền Tây) với giá không quá cao, chỉ từ 25 – 100 ngàn đồng tùy kích cỡ. Cao hơn 1m và đường kính trên 15cm thì tính bằng tiền triệu...
Thời gian gần đây, qua mạng Internet, trái sa-kê được hướng dẫn chế biến thành các món ăn đặc sản như gọt vỏ xắt lát đem chiên hoặc trộn trứng chiên mè; hoặc đem nấu chung trong lẩu thập cẩm, hầm sườn, om với thịt ba rọi... rất ngon. Dinh dưỡng quả rất phong phú, nhiều tinh bột, giàu vitamin A và B, ít protit và lipid. Quả chín hái xuống, đem nướng, đến lúc vàng là ăn được. Trái sa-kê vì vậy đang được săn tìm ở các lễ hội rau quả.
Tác dụng của sa-kê thế nào?
Theo các tài liệu khoa học, sa-kê còn có tên gọi là "cây bánh mì", tên khoa học là Artocarpus altilis, thuộc họ dâu tằm. Sa kê được trồng nhiều ở Malaysia và các đảo ở Thái Bình Dương, trong nước được trồng nhiều ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và TP.HCM. Bộ phận có thể dùng trong y học gồm, rễ, lá, vỏ và nhựa cây. Theo Đông y, rễ sa-kê có tính làm dịu, trị ho; vỏ có tác dụng sát trùng; lá có công dụng tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu. Ở một số nước, rễ sa-kê dùng trị bệnh hen và các chứng rối loạn dạ dày, đau răng, bệnh về da; vỏ cây sa-kê dùng trị ghẻ; nhựa cây được dùng pha loãng trị tiêu chảy và lỵ; còn lá sa-kê tươi thì được dùng với lá đu đủ tươi, giã với vôi để đắp trị nhọt. Trong nước, dân gian dùng lá sa kê chữa phù thủng, viêm gan vàng da bằng cách nấu lá tươi để uống. Theo lương y Nguyễn Công Đức (Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược, TP.HCM), trị chứng huyết áp cao dao động mới dùng lá sa-kê vàng vừa mới rụng (2 lá sa-kê, 50g rau ngót tươi và 20g lá chè xanh tươi - để chung nấu nước uống trong ngày) còn hầu hết các bài thuốc khác đều dùng lá tươi. Lá sakê tươi phối hợp với một số vị thuốc khác sẽ trị được một số bệnh như: trị bệnh gút (thống phong) và sỏi thận (dùng lá sa-kê tươi (2 lá), 100g dưa leo và 50g cỏ xước khô, để nấu nước uống trong ngày), trị đái tháo đường týp 2 (lấy 2 lá sa-kê tươi (100g), 100g trái đậu bắp tươi và 50g lá ổi non - tất cả để chung, nấu nước uống trong ngày), chữa viêm gan vàng da (dùng 100g lá sa kê tươi, 50g diệp hạ châu (chó đẻ) tươi, 50g củ móp gai tươi và 20 - 50g cỏ mực khô - tất cả để chung, nấu nước uống trong ngày)...
Kinh nghiệm và bài thuốc dân gian là vậy nhưng hiện vẫn chưa có kết quả nghiên cứu nghiêm túc nào nói đến cơ chế tác dụng của thuốc, tỉ lệ thành công cũng như những ảnh hưởng lâu dài trên cơ thể người bệnh khi dùng bài thuốc kinh nghiệm này. Vì thế, khi được chẩn đoán bị bệnh, nhất là bệnh phức tạp như bệnh gút, tốt nhất bệnh nhân nên tham khảo ý kiến thầy thuốc về vấn đề dùng lá sa kê trị bệnh. Có chăng, chỉ xem lá sa-kê như là một phương cách điều trị hỗ trợ bên cạnh các phương pháp điều trị chính thống cho đến khi có những nghiên cứu khoa học "rốt ráo" về sa-kê.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đối với các bài thuốc dân gian từ cây lá, cần phải sử dụng đúng liều lượng, trong phối hợp có những nguyên tắc nhất định mà nếu không tuân thủ thì thuốc không phát huy hiệu quả, thậm chí phản tác dụng và làm mất "thời gian vàng" điều trị đúng bằng thuốc khác hay điều trị tại cơ sở y tế.

Bài và ảnh: NGUYỄN PHẠM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét