Các nhà khoa học Mỹ công bố nghiên cứu cho thấy họ đã nắm trong tay phương pháp kiểm soát tuổi thọ của sinh vật.
Từ thao túng protein, gien...
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Y khoa Albert Einstein (Mỹ) vừa đăng trên chuyên san Nature cho thấy họ đã bước đầu thành công trong việc kiểm soát tuổi thọ. Theo đó, nhóm nghiên cứu can thiệp vào vùng dưới đồi ở não bộ của chuột và phát hiện vai trò quan trọng của protein NF-kB đối với sự lão hóa. Protein này có hoạt tính cao hơn và số lượng nhiều hơn khi chuột bắt đầu già đi. Khi NF-kB bị ức chế, lũ chuột có thể sống khoảng 1.100 ngày hơn đáng kể so với tuổi thọ trung bình của loài này (từ 600 - 1.000 ngày). Ngược lại, những con chuột bị nhóm nghiên cứu chủ động kích thích protein NF-kB đều không sống đến 900 ngày.
|
Đáng chú ý là sau 6 tháng được ức chế NF-kB, chuột được cải thiện về trí nhớ và hệ cơ xương khớp. Nhờ vậy, tuy chúng có tuổi thọ cao hơn 20% so với thông thường nhưng không hề "lụm cụm" mà sống khá khỏe mạnh. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phát hiện protein NF-kB có chức năng ức chế hormone GnRH. Những con chuột được tăng cường loại hormone này cũng sống lâu hơn và thậm chí còn tái tạo một số tế bào thần kinh. Từ những kết quả khả quan nói trên, các nhà khoa học sẽ phát triển các loại thuốc giúp ức chế protein NF-kB hoặc tăng hormone GnRH trong việc điều trị các căn bệnh liên quan đến tuổi già.
Ngoài ĐH Y khoa Albert Einstein, rất nhiều trung tâm khoa học khác trên thế giới cũng đang nghiên cứu phương pháp giúp con người không chỉ sống thọ mà còn sống khỏe. Theo tờ The Independent, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến điều này như điều kiện kinh tế, chế độ sinh hoạt... nhưng quan trọng nhất là thông tin di truyền. Một khi khám phá được các gien liên quan đến quá trình lão hóa và cơ chế hoạt động của chúng, các nhà khoa học hy vọng có thể can thiệp bằng di truyền học để kéo dài tuổi thanh xuân.
Giới khoa học đã thống kê được ít nhất 10 loại đột biến gien giúp chuột sống lâu hơn 50%. Ở con người, nhiều công trình gần đây cũng cho thấy các đột biến có liên quan đến tuổi thọ. Chẳng hạn như lớp enzyme (protein có vai trò xúc tác các phản ứng hóa học) có tên sirtuin thường thấy ở những người trên 100 tuổi hơn người bình thường. Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức trên 138 cụ "bách niên" của Nhật cũng cho thấy hệ thống gien của họ có đôi chút khác biệt.
Tiềm năng về việc chế tạo "thuốc trường sinh" thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều chính phủ lẫn doanh nghiệp. Theo tờ Le Figaro, GS Vladimir Skoulatchev của ĐH Moscow (Nga) tuyên bố đang nghiên cứu chế tạo thuốc giúp chống lại sự lão hóa của các mô. Loại thuốc này có thể được lưu hành từ năm 2016. Công trình của GS Skoulatchev được chính phủ Nga và tỉ phú Oleg Deripaska ủng hộ nhiệt tình nên nhận được khoản tài trợ lên đến 440 triệu euro.
... đến "tự mọc lại bộ phận"
Không hề ngẫu nhiên mà một số giải Nobel Y học gần đây đã được trao cho các công trình liên quan đến giấc mộng kéo dài tuổi thanh xuân. Năm 2009, 3 nhà khoa học người Mỹ là Elizabeth H.Blackburn, Carol W.Greider và Jack W.Szostak được vinh danh nhờ phát hiện vai trò của thể mút (telomere) trong quá trình lão hóa của tế bào. Giải Nobel Y học 2012 thuộc về GS John Gurdon (Anh) và GS Shinya Yamanaka (Nhật) nhờ khám phá ra khả năng chuyển đổi tế bào đã trưởng thành trở về tế bào gốc toàn năng nhân tạo (induced pluripotent stem cell - iPS). Các tế bào gốc của phôi là nền tảng của tất cả các tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể. Cùng nguyên tắc đó, các iPS sẽ chuyên biệt hóa thành bất cứ loại tế bào nào và mở ra khả năng ứng dụng vô cùng to lớn cho việc điều trị nhiều loại bệnh phức tạp như Alzheimer, Parkinson hoặc điều chế các loại dược phẩm giúp duy trì tuổi xuân.
Lâu nay, các nhà khoa học đã nhận ra tiềm năng vô cùng to lớn của tế bào gốc nhưng việc nghiên cứu với tế bào gốc của người gặp không ít cản trở về mặt đạo đức lẫn tôn giáo. Công trình của GS Yamanaka giúp vượt qua rào cản này vì tế bào được sử dụng là tế bào trưởng thành và việc lấy mẫu để nuôi cấy ở người không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng để phát triển ngành y học tái tạo. Ngành này được xem là tương lai của y khoa với rất nhiều ứng dụng đang được nghiên cứu: nuôi cấy nội tạng; phục hồi, tái tạo các cơ quan, bộ phận bị tổn thương; điều chế dược phẩm chống lão hóa... Nói một cách dễ hiểu, con người hy vọng "bắt chước" một số loài sinh vật như thằn lằn hay kỳ giông có thể mọc lại đuôi sau khi bị đứt.
Loài người ngày càng sống lâu Theo Tổ chức Y tế thế giới, tuổi thọ con người không ngừng gia tăng nhờ cải thiện chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, điều kiện sống... Năm 1840, người Thụy Điển được xem là thọ nhất thế giới với trung bình 45 năm. Trong khi đó, kỷ lục hiện nay thuộc về người Nhật với tuổi thọ trung bình 85 tuổi. Cụ bà người Pháp Jeanne Calment thọ 122 tuổi (qua đời vào tháng 8.1997) là người đang giữ kỷ lục sống lâu nhất. Ngoài một số nước quá nghèo đói tại châu Phi và những nước đang còn bị chiến tranh tàn phá, hầu hết các nước đang phát triển đều có những cải thiện đáng kể về tuổi thọ trung bình của người dân. Theo số liệu vừa công bố của Bộ Y tế, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 40 tuổi vào năm 1960 lên 73 tuổi vào năm 2010. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Bộc lộ cảm xúc giúp sống thọ hơn
>> Sống thọ hơn khi đoạt được huy chương Olympic
>> Cách sống thọ hơn
>> Để người già sống thọ
>> Gia đình sống thọ nhất thế giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét