Trang

Trung Quốc phát hiện gạo nhiễm cadmium

http://tuoitre.vn/The-gioi/549098/trung-quoc-phat-hien-gao-nhiem-cadmium.html

19/05/2013 07:21 (GMT + 7)
TT - Hơn 44% số gạo được kiểm tra ngẫu nhiên tại TP Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, chứa kim loại nặng cadmium (Cd) vượt mức cho phép là 0,2mg/kg.

Học sinh ở Chiết Giang (Trung Quốc) trong giờ ăn trưa. Trẻ ăn phải gạo nhiễm Cd thời gian dài sẽ ảnh hưởng nặng đến xương và thận - Ảnh: Reuters

Đó là thông tin gây quan ngại được Cục Quản lý giám sát thực phẩm - dược phẩm Quảng Châu công bố hôm 16-5.

Dân lo, quan dửng dưng

Theo Đài phát thanh Trung Quốc, khi thông tin trên vừa được công bố, người dân Quảng Châu nháo nhào lo lắng, nhưng Cục Quản lý giám sát thực phẩm - dược phẩm vẫn tỏ ra dửng dưng. Cho đến ngày 18-5, cơ quan này chỉ mới công bố tên các nhà hàng, trường học đã mua và sử dụng gạo độc và cho biết "không tiện công bố" xuất xứ và tên công ty sản xuất các loại gạo này. Cho đến giờ, người dân Quảng Châu chỉ mới biết các đơn vị mua phải và dùng gạo chứa Cd vượt tiêu chuẩn là nhà hàng Thái Dương, nhà ăn Trường đại học Ngoại ngữ ngoại thương Quảng Đông, nhà ăn số 1 Học viện công trình nông nghiệp Trọng Khải...

Theo cơ quan chức năng của Quảng Châu, lượng gạo chứa Cd vượt tiêu chuẩn trên không có gì đáng lo ngại! "Đó chỉ là cuộc kiểm tra ngẫu nhiên một vài cơ sở. Kết quả không có nghĩa là hơn 44% trên toàn bộ số gạo tại Quảng Châu nhiễm độc Cd" - một quan chức của cục trả lời báo chí. Cơ quan này còn khẳng định đã ra lệnh cấm sử dụng lượng gạo chứa Cd vượt mức cho phép này.

Kiểu trả lời ầu ơ đó đã khiến người dân tức giận. "Lương thực chính hằng ngày của chúng ta là gạo, mối nguy nhiễm bệnh do gạo độc cứ thế mà treo lơ lửng trên đầu" - một cư dân mạng viết trên mạng xã hội Weibo. Bất bình trước việc chính quyền ém nhẹm tên tuổi các công ty sản xuất gạo độc, sinh viên năm 3 Trần Hiểu Ngạn thuộc Trường đại học Ngoại ngữ ngoại thương Quảng Đông đã gửi thư yêu cầu Cục Quản lý giám sát thực phẩm - dược phẩm Quảng Châu công khai danh sách nhãn hiệu, nhà sản xuất gạo chứa Cd vượt tiêu chuẩn và các biện pháp xử lý tình trạng này.

Từng có tiền lệ

Vụ việc lần này cũng không phải là chuyện quá mới. Tháng 2-2011, một nghiên cứu khoa học đăng tải trên tạp chí Thế Kỷ Mới của Trung Quốc từng cho biết ít nhất 10% lượng gạo tiêu thụ tại Trung Quốc có lượng Cd vượt mức cho phép, ở một số vùng tỉ lệ trên thậm chí lên đến mức 60%. Nghiên cứu do giáo sư Phan Căn Hưng thuộc Viện Nghiên cứu môi trường sinh thái và tài nguyên nông nghiệp thuộc Đại học Nông nghiệp Nam Kinh chủ trì, được thực hiện quy mô trong hai năm (2007-2008) tại các vùng trồng lúa chính của Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết ăn phải nhiều thức ăn có Cd vượt mức cho phép có thể dẫn tới các bệnh như loãng xương, xương biến dạng, đau xương. Tại Nhật, trong thập niên 1960 từng ghi nhận trường hợp hàng trăm nông dân bị bệnh "Itai-Itai" (tê tê say say) do ăn gạo nhiễm Cd thời gian dài.

Còn lần này, Đài phát thanh Trung Quốc nhắc lại chuyện Tập đoàn Thẩm Lương đã mua gần 10.000 tấn gạo tại tỉnh Hồ Nam hồi năm 2005. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy số gạo trên chứa kim loại nặng vượt mức cho phép và không được phép bán cho người dân. Tuy nhiên khi giá gạo tăng cao, Thẩm Lương đã bí mật tuồn số gạo nhiễm kim loại ra thị trường. Sau khi sự việc bại lộ, tập đoàn này còn trong kho hơn 100 tấn gạo.

Đài phát thanh Trung Quốc cho biết gạo tại Quảng Châu phần lớn có xuất xứ từ Hồ Nam, nơi chuyên khai thác kim loại màu. Theo ông Doãn Lệ Huy - trạm trưởng Trạm bảo vệ môi trường và tài nguyên nông nghiệp tỉnh Hồ Nam, ô nhiễm môi trường cũng có thể là yếu tố dẫn đến lượng Cd trong gạo sản xuất tại Hồ Nam vượt mức cho phép. "Hồ Nam là quê hương của lúa nước, một tỉnh đi đầu về nông nghiệp. Trong khi đó, đây cũng là quê hương của kim loại màu. Việc khai thác các kim loại màu cũng gây ô nhiễm nặng nề cho khu vực dọc sông Tương Giang" - ông Doãn giải thích.

Vì lẽ đó, giáo sư Phan Căn Hưng cho biết người dân Trung Quốc chỉ còn cách "ăn tạp" để phòng chống nguy cơ nhiễm bệnh. "Khi không thể tránh ăn gạo có chứa nhiều Cd được, hay là chúng ta ăn bù nhiều thức ăn chứa chất kẽm như hải sản, thức ăn chế biến từ đậu, dưa nhằm triệt tiêu lượng Cd có trong thức ăn, giảm nguy cơ nhiễm bệnh" - giáo sư Phan cay đắng đưa ra giải pháp.

ĐÔNG PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét