Berberin là thuốc thông thường mọi người hay sử dụng khi có dấu hiệu tiêu chảy, thậm chí nhiều người luôn để sẵn trong túi xách. Tuy nhiên, người sử dụng cũng cần có những hiểu biết cơ bản về loại thuốc này để mang lại hiệu quả tốt khi uống.
Berberin là hoạt chất được chiết từ cây Hoàng đằng (còn có tên vàng đắng, hoàng liên, tên khoa học là Coptis teet... là loại cây dây leo thân gỗ có phân nhánh, mọc hoang ở nhiều nơi. Trong Hoàng đằng có nhiều alcaloid dẫn xuất của izoquinolein, chủ yếu là Berberin tỷ lệ từ 1,5 đến 2-3%.
Các tác dụng chủ yếu của Berberin là chống tiêu chảy do vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột. Berberin còn được bào chế thành thuốc nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc, đau mắt đỏ do kích thích bên ngoài như (gió, nắng, lạnh, bụi, khói...) và điều trị bệnh mắt hột. Ngoài ra Berberin cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm nấm, bội nhiễm nấm và còn có tác dụng chống lại tác hại của vi khuẩn tả và E.coli ngoại độc tố bền với nhiệt.
Ảnh minh họa.
Berberin có một ưu thế là khi dùng điều trị các nhiễm trùng đường ruột Berberin sẽ không ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của hệ vi khuẩn có ích ở ruột. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh, khi dùng một số thuốc kháng sinh nếu phối hợp với Berberin sẽ hạn chế được tác dụng không mong muốn gây ra bởi các thuốc kháng sinh đối với hệ vi sinh vật đường ruột.
Berberin rất lành tính, rất hiếm gặp trường hợp dùng mà bị dị ứng. Tuy nhiên đối với những người quá mẫn cảm với thuốc và phụ nữ có thai thì không dùng vì Berberin có khả năng gây co bóp tử cung làm ảnh hưởng tới thai nhi.
Hiện nay, nhiều hãng dược sản xuất Berberin với tên khác nhau như: Berberine sulfate hoặc Chlorhydrate với các biệt dược là thuốc có hoạt tính kháng sinh, chống viêm với dạng viên nén 10 mg và 50mg. Thời gian dùng tùy thuộc vào tình trạng bệnh, tình trạng nhiễm khuẩn hay nhiễm amíp, sẽ do bác sĩ điều trị quyết định. Khi uống Berberin, nếu dùng thêm thuốc khác, cần uống cách xa 1 - 2 giờ (kể cả thuốc đông dược và thảo dược).
Đặc biệt lưu ý, chỉ nên sử dụng thuốc chứa Berberin do các xí nghiệp dược phẩm sản xuất. Không nên dùng dược thảo vì có thể nhầm lẫn, ngoại trừ dược thảo ấy được các vị lương y cung cấp, hướng dẫn sử dụng. Tránh sự nhầm lẫn rất nguy hiểm cho tính mạng.
Theo BS Nguyễn Hữu
SK&ĐS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét