Trang

Những người chữa khỏi HIV đầu tiên trên thế giới

 
Ngày đăng : 06:59 11/05/2013 (GMT+7)

(Kienthuc.net.vn) - Tin tức về những trường hợp nhiễm virus HIV được chữa khỏi trên khắp thế giới đang tạo ra hy vọng cho những người mắc bệnh, chữa khỏi HIV được xem là chìa khóa để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của tương lai loài người.

Trường hợp đầu tiên chữa khỏi HIV
 
Ông Timothy Ray Brown (47 tuổi, sống tại miền tây nước Mỹ) đã được công nhận là bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên được chữa khỏi.
 
Vào năm 1995, ông Brown phát hiện mình dương tính với HIV khi đang sống ở thủ đô Berlin (Đức) và bắt đầu bước chân vào đại học. Trong 10 năm liên tiếp, ông đã phải uống thuốc cầm cự căn bệnh thế kỷ này.

Vào năm 2006, trong một lần xét nghiệm sinh thiết tủy sống, các bác sĩ lại phát hiện ông mắc thêm bệnh ung thư bạch cầu. Tiến sĩ Huetter đã quyết định thử cách điều trị mới cho Brown - sử dụng liệu pháp ghép tủy. Lựa chọn phương pháp này cho Brown không phải nhằm mục đích chữa bệnh HIV, mà để chữa bệnh ung thư bạch cầu, nếu không ông sẽ chết vì bệnh này và Brown đã chấp nhận thử cách điều trị ghép tủy này.
 
Ông Timothy Ray Brown đã được công nhận là bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên được chữa khỏi.
Do đó, vào năm 2007, ông Brown được ghép tủy sống từ một người có đột biến gene kháng HIV hiến tặng (vốn có khả năng miễn nhiễm tự nhiên với virus HIV). Loại gene đột biến có tên Delta 32, nó có khả năng ngăn chặn protein CCR5 xuất hiện trên bề mặt của tế bào. Bởi chính các protein này là con đường để virus HIV đi vào tế bào và việc loại bỏ chúng đã khiến tế bào được bảo vệ.

Sau khi được ghép tủy, Brown ngừng uống các loại thuốc kháng virus vốn giúp ức chế sự phát triển của HIV. Ba tháng sau khi ghép tủy, xét nghiệm cho thấy virus HIV đã biến mất, chỉ còn bệnh ung thư bạch cầu thì vẫn còn trên cơ thể ông.
 
Tháng 2/2009, các nhà khoa học Đức thông báo rằng cơ thể Brown đã gần như sạch bóng HIV, đây vẫn chưa phải là lời khẳng định chắc chắn nhất, vì họ nghi ngờ virus HIV có thể đang ẩn náu ở góc nào đó trong cơ thể ông.
 
Ngày 12/7/2009, qua kết quả xét nghiệm cho thấy virus HIV hoàn toàn không còn tồn tại trong cơ thể của Brown nữa. Tại Hội nghị quốc tế HIV/AIDS lần thứ XIX, diễn ra tại Washington,Timothy R. Brown đã khẳng định: "Mặc cho những gì bạn có thể đã nghe nói gần đây, tôi đã chữa khỏi bệnh AIDS. Tôi đã chữa khỏi và sẽ vẫn chữa khỏi".
 
Tuy thành công, nhưng theo các chuyên gia, đây vẫn là liệu pháp chưa thể áp dụng rộng rãi cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Brown chỉ là trường hợp hi hữu, vì trong đợt điều trị cùng với ông còn có 9 bệnh nhân và 9 người này đã không thể chống lại được căn bệnh ung thư. Brown là bệnh nhân duy nhất sống sót sau ca mổ cấy ghép tế bào gốc từ tủy xương.

Theo các chuyên gia, ca ghép tủy của ông Brown rất phức tạp, bởi tế bào máu gốc từ tủy của một người hiến tặng trưởng thành nên khi thực hiện phẫu thuật thì yêu cầu tế bào gốc phải phù hợp tuyệt đối với thể trạng của ông Brown. Việc ghép tủy cũng rất nguy hiểm với các bệnh nhân và chỉ có thể được thực hiện trong những tình huống đặc biệt. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này khiến nhiều nhà khoa học tin rằng HIV là có thể chữa được. 
 
Đây cũng là bước chuyển lớn lao của bệnh nhân chữa khỏi AIDS đầu tiên, từ việc giấu danh tính dưới cái tên "bệnh nhân Berlin", đến việc xuất hiện trước các phương tiện truyền thông và giờ đây là kêu gọi thành lập nên quỹ Timothy Ray Brown nhằm thu hút tài trợ cho nghiên cứu chữa trị bệnh AIDS.
 
Bệnh nhân nhí đầu tiên được chữa khỏi HIV

Mới đây, các bác sĩ thông báo lần đầu tiên một bé gái đã được chữa khỏi HIV - một bước tiến đáng kinh ngạc có thể làm thay đổi phương pháp điều trị HIV cho trẻ sơ sinh và làm giảm đáng kể số trẻ phải sống chung với loại virus gây bệnh AIDS này.

Bé gái được sinh ra ở vùng nông thôn Mississippi đã được điều trị tích cực bằng các loại thuốc kháng virus HIV sau khi chào đời khoảng 30 giờ. Nếu như các nghiên cứu tiếp theo cho thấy phương pháp này có tác dụng với những đứa trẻ khác thì chắc chắn nó sẽ được phổ biến rộng khắp trên toàn thế giới.

Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 330.000 trẻ sơ sinh nhiễm HIV vào năm 2011 - thời điểm cập nhật dữ liệu mới nhất và hơn 3 triệu trẻ em trên toàn thế giới hiện đang chung sống với HIV.

 

Bé gái sơ sinh ở Mississippi là trường hợp thứ hai trên thế giới được công nhận chữa khỏi HIV. Tin vui này có thể mang tới nhiều hi vọng cho các nghiên cứu về phương pháp điều trị HIV - điều mà chỉ cách đây vài năm nó được cho là không thể, bất chấp việc các chuyên gia cho rằng những phát hiện đáng mừng ở bé gái này có thể không liên quan tới phương pháp điều trị ở người lớn.

"Đối với nhi khoa, đây là Timothy Brown của chúng tôi. Đó là bằng chứng cho thấy HIV có thể được điều trị nếu chúng ta có thể nhân rộng trường hợp này" - Tiến sĩ Doborah Persaud, trợ lý giáo sư tại Trung tâm Trẻ em Johns Hopkins kiêm tác giả chính của báo cáo này chia sẻ.
 
Thêm 2 người khỏi HIV do ghép tủy xương
 
Các nhà nghiên cứu cho biết, không thể phát hiện HIV trong máu của hai người đàn ông đã bị nhiễm HIV từ lâu sau khi được cấy ghép tủy xương
 
Hai bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện phụ nữ ở Boston, Brigham (Mỹ), vẫn đang điều trị kháng virus kể từ khi cấy ghép.
 
Phát hiện này rất có ý nghĩa, vì nó cho thấy khi ghép tủy xương cho các bệnh nhân HIV đồng thời vẫn thực hiện liệu pháp kháng virus, mầm bệnh có thể bị tiêu diệt hoàn toàn.
 
"Chúng tôi hy vọng HIV sẽ biến mất khỏi huyết thanh của người bệnh, thật ngạc nhiên là không thể tìm thấy HIV trong các tế bào cơ thể họ", tiến sĩ Timothy Henrich, một trong các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu 2 người đàn ông trên cho biết.
 
Các nhà nghiên cứu có kế hoạch nghiên cứu thêm bệnh nhân nhiễm HIV dương tính, những người đã trải cấy ghép tủy xương.
 
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng có hai sự khác biệt chính giữa các bệnh nhân Brigham và bệnh nhân Berlin ", Timothy Brown - người được nhắc tới ở trên.
 
Trường hợp "bệnh nhân Berlin", người ta sử dụng các tế bào ghép được lựa chọn đặc biệt từ người hiến, chứa một đột biến gene chống lại HIV. Trong khi đó, hai bệnh nhân mới này chỉ nhận được tế bào ghép thông thường. Ngoài ra, hai người đàn ông này (một ở Boston, một ở New York) vẫn tiếp tục dùng các thuốc kháng virus, Timothy Brown thì không.
 
Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để khẳng định hai bệnh nhân này đã được chữa khỏi hoàn toàn.
 
Một bệnh nhân AIDS khỏi bệnh nhờ ghép tế bào gốc
 
Các chuyên gia của Australia cho biết họ đã chữa trị khỏi bệnh thành công cho một bệnh nhân bị nhiễm HIV bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc vào cơ thể của bệnh nhân này.

Đây quả là một tin mừng đối với cộng đồng người bị nhiễm HIV trên toàn thế giới bởi một lần nữa phương pháp này lại chứng tỏ được sự "màu nhiệm" của nó. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn e ngại rằng vẫn là quá mạo hiểm nếu áp dụng biện pháp chữa trị này một cách phổ biến cho mọi bệnh nhân bởi nguy cơ rủi ro khá cao.
 
Các nhà khoa học Australia nói rằng mặc dù đây là bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên được cứu sống từ phương pháp cấy ghép tế bào gốc, nhưng quá trình cấy ghép vẫn mang tới những nguy cơ rủi ro cao và có tới 30% bệnh nhân không thể sống sót sau khi cấy ghép.
 
Trước đó, năm 2010, người đàn ông khoảng 40 tuổi ở Anh đã được cấy tế bào gốc tạo máu năm 2007 để điều trị bệnh máu trắng. Tế bào gốc này được lấy từ 1 người hiến phù hợp và nó không chỉ giúp sản sinh máu tốt mà còn được biến đổi gen để có thể kháng HIV một cách tự nhiên. Và sau 3 năm, người đành ông này hoàn toàn không có dấu hiệu của bệnh máu trắng hay virus HIV, kết quả từ một báo cáo đăng tải trên tạp chí Blood.
 
Có thể chữa khỏi HIV nếu được phát hiện sớm

Sử dụng phác đồ điều trị riêng biệt cho 70 bệnh nhân mới nhiễm virus HIV trong khoảng 10 tuần trở lại, các nhà nghiên cứu nhận thấy số lượng virus trong cơ thể 14 người giảm mạnh. Tiến triển này khiến các nhà khoa học tin rằng, họ sắp tìm thấy cách thức có thể chữa khỏi căn bệnh thế kỷ.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tác giả Asier Saez-Cirion của Viện Pasteur ở Paris cho biết: "Điều tuyệt vời là khi được điều trị sớm, chúng ta có thể kiểm soát quá trình phát triển của virus HIV bên trong cơ thể. Tuy nhiên, xác suất thành công của phương pháp này chỉ đạt 10–15%".

Trong số 70 người nhiễm HIV được thử nghiệm phương pháp chữa trị này, khả năng kiểm soát sự lây lan của virus chỉ phát huy hiệu quả với 14 người.
 
Các nhà khoa học cho biết, đối với các loại bệnh khác, thuật ngữ "chữa khỏi" là cách loại bỏ hoàn toàn nguồn gây bệnh khỏi cơ thể. Tuy nhiên, sẽ không có cách nào để loại bỏ toàn bộ virus HIV khỏi cơ thể người bị phơi nhiễm. Chính vì lẽ đó, việc "chữa khỏi" HIV/AIDS được hiểu là cách thức khiến số lượng virus trong cơ thể bị giảm thiểu tới mức không thể gây hại hay lây lan cho người khác.

Dù các chuyên gia Viện Pasteur chưa chính thức đưa ra được phương pháp chữa trị hoàn toàn căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS cho những người bị nhiễm nhưng thành tựu mà nó đạt được là cơ sở khoa học quý giá để các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm phương pháp chữa trị căn bệnh này.

Trong khi đó, tin tức về những trường hợp nhiễm virus HIV được chữa khỏi trên khắp thế giới đang tạo ra hy vọng cho những người mắc bệnh. Trong bối cảnh HIV đang không ngừng gia tăng lây lan ở các nước thuộc thế giới thứ ba, chữa khỏi HIV được xem là chìa khóa để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của tương lai của nhiều dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét