Trang

Ăn tiết canh dê, doanh nhân suýt mất mạng

04/07/2014 07:30

(VTC News) – Đi công tác đến Ninh Bình, vị doanh nhân rẽ vào quán dê núi ăn tiết canh, không ngờ mắc liên cầu khuẩn bị viêm màng não, sự sống mong manh.
 
Sự thật tiết canh dê

Theo lời quảng cáo của một chủ cửa hàng tiết canh dê trên đường Lạc Long Quân, Hà Nội thì tiết canh dê là món ăn mát, bổ. Thậm chí, vị chủ quán này còn nói rằng, tiết canh dê tốt cho chuyện 'phòng the'.

Không chỉ người bán, mà những thực khách cũng tự cho rằng, ăn tiết canh dê an toàn hơn các loại tiết canh khác do dê chỉ ăn cỏ.

Nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy.

Ăn tiết canh dê, doanh nhân suýt mất mạng
Người đàn ông này bị nhiễm liên cầu khuẩn do ăn tiết canh. Ảnh: BS Cấp cung cấp.

ThS-Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV bệnh Nhiệt đới TW là người thường xuyên tiếp xúc với những ca bệnh bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do dùng tiết canh, trong đó có tiết canh dê, kể:

Ông Trần Văn T., một doanh nhân người Hà Nội, đi công tác đến Ninh Bình – đất của dê núi nên đã rẽ vào quán thịt dê, gọi tiết canh dê khai vị. Ăn xong bát tiết canh, ông T., tiếp tục ăn thịt dê tái chanh cùng vài món làm từ thịt dê khác.

Nhưng chỉ 2 ngày sau, ông T. lên cơn sốt, đau đầu, buồn nôn và hôn mê nên được nhập BV bệnh Nhiệt đới TW cấp cứu.

Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết ông T., bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, tình hình rất nguy kịch. Liên cầu khuẩn lợn mà ông T mắc phải được xác định do chính bát tiết canh dê mà ông đã ăn hai ngày trước đó.

Vậy tại sao một người ăn tiết canh dê, lại bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn? Lý giải về điều này, BS Cấp nói: Không thể biết chính xác tại sao người đàn ông này ăn tiết canh dê nhưng lại nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Rất có thể, tại quán bán thịt dê đó có thực khách ăn tiết canh dê lớn, mà mỗi con dê chỉ có một lượng tiết nhất định nên tiết lợn được lấy pha lẫn tiết canh dê.

Hoặc có thể là tiết canh dê nhưng pha vào dụng cụ trước đó dùng đựng tiết canh của con lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn nên lây sang.

Ngoài ra, theo bật mí của một cựu chủ quán bán tiết canh dê thì, phần cuống họng dê nhỏ nên nhiều khi phải dùng sụn, họng lợn để băm, pha vào cùng với tiết dê. Mà phần họng lợn là nơi khu trú của liên cầu khuẩn. 


Điều này lý giải tại sao có người ăn tiết canh dê vẫn mắc liên cầu khuẩn lợn.

Đừng chết vì tiết canh

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Bệnh liên cầu khuẩn lợn cũng có thể lây từ lợn sang người và gây bệnh viêm màng não hay nhiễm trùng huyết. Chính vì vậy, nó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật.

Ăn tiết canh dê, doanh nhân suýt mất mạng
Theo bác sỹ Cấp, người đàn ông này phải cắt bỏ ngón chân hoại tử vì nhiễm trùng máu sau khi ăn tiết canh. (Ảnh: BS Nguyễn Trung Cấp)

Người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Biểu hiện lâm sàng chính là: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp.

Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết.. Tỷ lệ chết có thể tới 7%.

BS Cấp khẳng định trong tiết canh tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả lỵ, liên cầu… trong đó, nguy hiểm nhất là bệnh liên cầu khuẩn bởi bệnh rất dễ gây biến chứng viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nguy cơ tử vong cao.

Ăn tiết canh dê, doanh nhân suýt mất mạng
Một bệnh nhân nhiễm viêm cầu khuẩn lợn

Ở người bị viêm màng não do liên cầu khuẩn thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. 

Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa với triệu chứng sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiện của viêm màng não.

Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

"Bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn phải nằm viện điều trị lâu dài, phải lọc máu vì vậy chi phí  rất tốn kém. Sau điều trị, nhiều người có di chứng như cắt cụt tay, chân, bị điếc. Vì vậy, không nên ăn tiết canh của bất kỳ động vật nào", BS Cấp khuyến cáo.
 
Nguyễn Tâm
 

Ăn tiết canh lợn: Sướng một lần, mất một đời

(VTC News) –  Người đàn ông này bị suy đa tạng, mặt tím bầm vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn phải xin về nhà chết.
Chết vì bát tiết canh

Sáng 5/6, bệnh nhân Lê Đình H. được đưa đến BV đa khoa Hương Trà (Huế) với các triệu chứng sốt cao, người run cầm cập. Sau khi điều trị khoảng 3 giờ đồng hồ thì bệnh nhân có triệu chứng choáng, xuất hiện vết tím tái trên da... nên đã được chuyển lên BV TW Huế để điều trị.

Ăn tiết canh lợn: Sướng một lần, mất một đời
Bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn tại khoa cấp cứu, BV bệnh Nhiệt đới TW.

Khi nhập viện, bệnh nhân đã suy hô hấp, trụy tim mạch, ngưng tim, ngưng thở và tử vong nên được gia đình đưa về nhà để tổ chức mai táng. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này dương tính với liên cầu khuẩn lợn.

Bệnh nhân Trần Văn Anh (39 tuổi ở Ninh Bình) bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh đã tử vong sau 3 ngày nhập viện điều trị.
Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn, dẫn tới nhiễm trùng huyết suy đa tạng, có nhiều ban hoại tử đen toàn thân, đặc biệt là ở mặt.

Trước khi nhập viện một ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn ngoài chợ. Khi về nhà, bệnh nhân có biểu hiện sốt, khó thở… nhưng chỉ nghĩ là bị ốm thông thường nên tự điều trị ở nhà. Đến khi thấy tình trạng sức khỏe ngày càng nguy kịch mới nhập viện thì đã quá muộn.

Ăn tiết canh lợn: Sướng một lần, mất một đời
Chân bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Theo thông tin từ Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TW, từ đầu năm 2014 đến nay, Bệnh viện này tiếp nhận gần 10 ca bệnh liên quan đến liên cầu khuẩn lợn.


Trao đổi với VTC News, Ths – Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu, BV bệnh Nhiệt đới TW cho biết: Tác nhân gây bệnh liên cầu lợn là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis). Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là xoang mũi, tai, hầu họng lợn. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn.

Trong một đàn lợn khỏe, cũng có một tỷ lệ nhất định các cá thể lợn mang vi khuẩn. Khi lợn bị ốm, sức đề kháng bị suy giảm thì liên cầu khuẩn mới gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn.
Như vậy, nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng con lợn đó không mang trong người liên cầu khuẩn.

Đó là lý do tại sao, có những gia đình tự nuôi lợn, thấy lợn rất khỏe mạnh nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và tử vong.


Bác sỹ Cấp nói: "Ở những con lợn khỏe mang liên cầu khuẩn, khi cắt tiết ở vùng cổ, vi khuẩn liên cầu khu trú ở dịch hầu họng lợn bị nhiễm sang tiết canh nên người ăn bị bệnh. Cũng có thể, cuống họng được dùng để đánh tiết canh chưa được nấu chín hẳn có chứa liên cầu khuẩn nên người ăn bị nhiễm.


Nếu con lợn được lấy tiết để làm tiết canh bị ốm vì liên cầu khuẩn, thì bản thân trong phổi lợn, tiết lợn đã có vi khuẩn nguy hiểm này.

Với người chế biến lợn nhiễm liên cầu khuẩn cũng có nguy cơ mắc phải do tay chân bị xước tiếp xúc với dịch, máu của lợn bệnh".
Tuy nhiên, khi cùng ăn tiết canh một con lợn bị liên cầu khuẩn nhưng không phải ai cũng phát bệnh. Tùy cơ địa, sức đề kháng mỗi người mà người đó có bị phát thành bệnh hay không.

Ăn tiết canh lợn: Sướng một lần, mất một đời
Bệnh nhân này phải cắt bỏ chân vì bị hoại tử do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. 
Theo Bác sỹ Cấp, khi phát bệnh trên người, vi khuẩn liên cầu này thường gây bệnh viêm màng não mủ hoặc nhiễm trùng huyết.


Với bệnh cảnh viêm màng não thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. 

Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá với triệu chứng sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.

Với trường hợp bị nhiễm trùng huyết, bệnh nhân sốt cao liên tục, phát ban hoại tử từ màu hồng cánh sen, chuyển sang đỏ tím, lan ra toàn thân rồi hoại tử đen.

Nếu nặng, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong. Bệnh nhân bị suy đa phủ tạng thì khả năng tử vong chiếm tỷ lệ 45%- 50%.

Để tránh mắc liên cầu khuẩn lợn, bác sỹ Cấp khuyến cáo: Không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thịt lợn phải nấu chín. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.
 
Nguyễn Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét