Phụ nữ đang có thai nếu tâm phiền mê man, thai động không yên có thể dùng lá khoai sọ 20-30 g, sắc nước uống, thì yên.
Khoai sọ rất thông dụng, rẻ tiền, ít người biết rằng tất cả các bộ phận của nó đều là những vị thuốc, có thể sử dụng để chữa trị nhiều chứng bệnh thường gặp hằng ngày. Nó được dùng làm thuốc từ hơn 1.500 năm trước.
Củ khoai sọ: Tính bình, vị cay ngọt (tân cam), vào 3 kinh tỳ, vị và đại tràng. Có tác dụng tán khối kết, tiêu u hạch ở cổ, nhuận tràng, thông đại tiện. Thường dùng chữa các loại thũng độc sưng đau, khối kết (u, hạch), bỏng lửa, viêm khớp, viêm thận, sưng hạch, bạch huyết...
Lá khoai sọ: Vị cay, tính mát, có tác dụng chữa tiêu chảy, cầm mồ hôi, tiêu thũng độc, chữa ra nhiều mồ hôi khi thức, mồ hôi trộm, ra nhiều mồ hôi khi nằm ngủ, ung nhọt, thũng độc...
Cuống lá (dọc) khoai sọ: Tính vị giống như lá. Có tác dụng lợi thủy, điều hòa chức năng tiêu hóa, tiêu thũng. Chữa tiêu chảy, kiết lỵ, thũng độc...
Hoa khoai sọ: Vị the, tính bình, có độc, chữa đau dạ dày, thổ huyết, sa tử cung, trĩ sang (trĩ lở loét), thoát giang (sa trực tràng)...
Một số bài thuốc có sử dụng khoai sọ
Cháo bổ tỳ: Khoai sọ 200 g, sơn dược (củ mài) 50 g, gạo tẻ 50 g, nấu cháo ăn trong ngày. Thường xuyên ăn món cháo này có tác dụng ích khí (tăng thể lực), bổ tỳ vị (tăng cường chức năng tiêu hóa), dùng chữa chứng đuối sức, mệt mỏi, kém ăn, miệng khát, hay phiền táo.
Canh khoai sọ thịt lợn: Khoai sọ 100 g, thịt lợn nạc 50 g; nấu canh ăn trong các bữa cơm. Tác dụng: bổ âm chống khô khát, ích khí, nuôi dưỡng dạ dày, chống mệt mỏi. Có thể dùng để bồi dưỡng cho những trường hợp cơ thể suy nhược, phiền khát sau khi bị bệnh.
Bồi dưỡng sau khi bị bệnh: Dân gian có kinh nghiệm dùng khoai sọ nấu với thịt lợn, cua đồng, cá quả, cá diếc... làm món canh ăn trong bữa cơm hằng ngày để bồi bổ cơ thể, tăng sức lực, chống khát.
Chè khoai sọ táo tàu: Khoai sọ 250 g (gọt vỏ thái thành miếng nhỏ), táo tàu 50 g, đường đỏ 50 g, nấu nhỏ lửa thành món chè, chia 3-4 lần ăn trong ngày. Có thể dùng để bồi dưỡng cho những trường hợp cơ thể suy nhược, phiền khát sau khi mắc bệnh nặng.
Viêm màng não cấp tính mới phát: Tại một số địa phương ở Trung Quốc, dân gian có kinh nghiệm dùng khoai sọ sống, gọt bỏ vỏ, cho vào miệng nhai kỹ và nuốt dần. Nếu bị viêm màng não, người bệnh sẽ cảm thấy khoai có vị ngọt, nhai đến khi cảm thấy miệng tê tê thì ngừng. Kinh nghiệm này có thể sử dụng chẩn đoán phân biệt giữa bệnh viêm não cấp với các bệnh sốt khác, đồng thời cũng có tác dụng điều trị nhất định. Lưu ý: Chỉ nên sử dụng trong những trường hợp quá cấp bách, nếu không thấy đỡ, phải tìm cách đưa ngay bệnh nhân tới bệnh viện.
Chữa kiết lỵ lâu ngày không khỏi: Khoai sọ 10-15 g, sắc nước uống mỗi ngày 2 lần. Nếu đi lỵ ra máu, khi uống hòa thêm đường đỏ; không ra máu chỉ có mủ thì pha với đường trắng. Hoặc: Dùng thân khoai sọ 15 g, củ cải 15 g, tỏi 6 g sắc nước uống thay trà trong ngày.
Chữa viêm thận mạn tính: Khoai sọ rửa sạch, thái lát, rang cháy đen, nghiền thành bột mịn, thêm đường đỏ vào trộn đều. Mỗi lần uống 30 g, ngày uống 2 lần. Hoặc: Khoai sọ 60 g (rửa sạch, gọt vỏ, thái nhỏ), gạo tẻ 50-100 g nấu cháo, khi ăn thêm đường đỏ cho đủ ngọt. Bài thuốc này còn có tác dụng chữa cả đau dạ dày.
Gân cốt đau nhức, sưng tấy: Khoai sọ, gừng tươi - hai thứ liều lượng bằng nhau, tất cả đem rửa sạch, gọt bỏ vỏ, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh, mỗi ngày thay thuốc 2 lần.
Chữa tràng nhạc: Khoai sọ khô bỏ vỏ, thái nhỏ, nghiền thành bột mịn. Mỗi ngày dùng 20-30 g bột khoai sọ, gạo tẻ 50-100 g, nấu cháo ăn liên tục đến khi khỏi. Kinh nghiệm dân gian cho thấy, trẻ nhỏ thường ăn loại cháo bột khoai sọ này ít bị ghẻ lở, mụn nhọt.
Chữa chín mé (đầu ngón tay, ngón chân sưng tấy, đau kịch liệt): Khoai sọ giã nát, trộn thêm chút muối, đắp vào chỗ sưng đau, lấy gạc băng lại, ngày thay thuốc 2 lần. Hoặc: Dùng thân khoai sọ giã nát đắp vào chỗ bị bệnh. Dùng củ khoai sọ trộn muối giã đắp lên những chỗ sưng đau trên cơ thể, đối với các loại đinh nhọt khác cũng có tác dụng tốt. Chú ý: Dùng khoai sọ xát lên da có thể gây dị ứng viêm tấy, nhưng giã gừng sống lấy nước bôi vào sẽ đỡ.
Bị rắn cắn, sâu cắn, ong đốt: Lấy lá hoặc thân khoai sọ xát hoặc giã nát đắp vào chỗ bị thương. Nếu bị ong nghệ đốt, ăn ngay khoai sọ sống, đến khi cảm thấy khoai có mùi tanh và lưỡi tê thì thôi.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
Khoai sọ giúp nhuận tràng
Theo Đông y, khoai sọ có tính bình, tác dụng vào 3 kinh tỳ, vị và đại tràng giúp tiêu viêm, giảm sưng đau và nhuận tràng...
Giúp nhuận tràng, chống táo bón: Những người bị táo bón thường xuyên có thể dẫn đến bệnh trĩ, để phòng và điều trị táo bón thì nên sử dụng khoai sọ. Trong khoai sọ chứa chất xơ và các hạt tinh bột giúp tiêu hóa tốt. Có thể dùng khoai sọ luộc ăn hoặc nấu canh. Nếu luộc thì nên rửa sạch khoai và luộc cả vỏ rồi bóc ăn sẽ bớt ngứa mà củ khoai được khô hơn là cạo sạch vỏ luộc.
Chống suy nhược cơ thể: Nhu cầu năng lượng từ gluxit đưa vào cơ thể một ngày nên chiếm 60 - 70% tổng năng lượng. Chính thành phần có chứa nhiều gluxit trong khoai sọ giúp cung cấp năng lượng, nuôi dưỡng tế bào thần kinh, chống suy nhược cơ thể... Đặc biệt đối với người gầy, mới ốm dậy hoặc hay có dấu hiệu suy nhược cơ thể thì dùng canh khoai sọ nấu móng giò hoặc dùng khoai sọ nấu thịt nạc sẽ giúp cơ thể mau phục hồi.
Hỗ trợ viêm thận: Lượng chất xơ có trong khoai sọ không quá nhiều, mà còn chứa photpho, vitamin sẽ là điều kiện tốt cho người bị viêm thận. Có thể dùng bình thường như nấu canh thịt, rau muống, nhưng nên cho gia vị nhạt hơn người bình thường. Bạn cũng có thể dùng khoai sọ nấu với gạo thành cháo, cho thêm ít đường có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị bệnh viêm thận mạn tính.
Giúp tiêu khát: Mùa hè hoặc thời điểm giao mùa chúng ta luôn cảm thấy khát, cơ thể luôn cần một lượng nước lớn hơn bình thường. Bạn có thể dùng khoai sọ nấu cua cùng rau muống giúp tiêu khát, tăng cường sức khoẻ trước thời tiết khó chịu.
Trong 100g khoai sọ có chứa 114g kcal, 1,8g protein, 0,1g lipit, 26,5g gluxit, 1,2g chất xơ và chứa nhiều vitamin, chất khoáng... |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét