Những lợi ích sức khỏe của đi bộ hằng ngày đã được khoa học chứng minh, từ hỗ trợ tiêu hóa đến cải thiện tâm trạng. Vì vậy, đi bộ hằng ngày chắc chắn là điều tuyệt vời nhất mà bạn có thể làm cho sức khỏe của mình.
Nghiên cứu gần đây cho thấy đi bộ 5.000 bước 3 lần một tuần trong 2 năm có thể tăng thêm nhiều năm tuổi thọ và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, theo tờ New York Post.
Huấn luyện viên thể hình Matthew Nolan, người hướng dẫn chính tại phòng tập thể hình Barry's ở New York (Mỹ), giải thích đi bộ có lợi cho sức khỏe tim mạch nhờ cải thiện lưu thông máu, giảm huyết áp, ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ.
Chuyên gia Nolan lưu ý rằng đi bộ có lợi cho tâm trí và cơ thể. Việc giải phóng "hoóc môn hạnh phúc" endorphin khi đi bộ sẽ giúp cải thiện tâm trạng và trạng thái tinh thần tổng thể.
Theo huấn luyện viên thể hình Tyler Moldoff, nhà vật lý trị liệu tại Bệnh viện Hospital for Special Surgery ở New York (Mỹ), đi bộ hằng ngày giúp tăng cường sức mạnh của xương và cơ, cải thiện sức khỏe khớp, giảm đau mạn tính ở đầu gối và lưng dưới.
Chuyên gia Moldoff cho hay thật thú vị khi nhiều nghiên cứu mới cho thấy đi bộ có thể là bài tập đặc biệt nếu được thực hiện đúng cách.
Sau đây, hai chuyên gia Moldoff và Nolan chia sẻ 4 cách để tối đa hóa lợi ích của bài tập đặc biệt này.
Bước theo nhịp của một bài hát có nhịp độ nhanh
Theo các hướng dẫn hoạt động thể chất, nên đặt mục tiêu tập thể dục vừa phải trong 150 phút và 2 ngày tăng cường cơ bắp mỗi tuần. Rất may đi bộ nhanh là một bài tập cường độ vừa phải lý tưởng.
Chuyên gia Moldoff khuyên nên bước theo nhịp điệu của một bài hát có nhịp độ nhanh - khoảng 100 nhịp mỗi phút, để đảm bảo nhịp tim của bạn đạt đến điểm cao đó.
Hãy cố gắng đồng bộ nhịp điệu của bạn. Nếu bước theo nhịp điệu của bài hát với 100 nhịp mỗi phút, chắc chắn sau vài phút, bạn sẽ bắt đầu tăng cường hơi thở ở mức vừa phải.
Đi bộ xen kẽ chạy bộ
Kết hợp đi bộ xen kẽ với các đợt ngắn đi bộ nhanh hoặc chạy bộ là cách tuyệt vời để tăng cường tim mạch.
Chuyên gia Nolan khuyên nên bắt đầu với chỉ 30 giây chạy bộ hoặc 1 phút đi bộ thật nhanh và tăng dần thời lượng khi cơ thể thích nghi, theo New York Post.
Ngoài ra, sải chân không đều cũng có thể là yếu tố đột phá đối với người đi bộ, giúp mọi người đốt cháy nhiều calo hơn khi đi bộ.
Kết hợp rèn luyện sức mạnh
Người đi bộ có thể sử dụng tạ nhẹ và kết hợp các bài tập dùng trọng lượng cơ thể để bổ sung yếu tố rèn luyện sức mạnh vào quá trình tập luyện của mình. Chuyên gia Nolan khuyến nghị nên bao gồm các hiệp squat, lunges và chống đẩy khi đi bộ để tác động vào các nhóm cơ khác nhau.
Ông khuyên nên lên kế hoạch cho các hiệp tập và chỉ định một số vị trí nhất định trên lộ trình đi bộ để kết hợp các bài tập này.
Chuyên gia Moldoff khuyên nên đeo ba lô nặng trong khi đi bộ để tăng thêm thử thách cho quá trình tập luyện.
Ông Moldoff nói: Chỉ cần làm như vậy, bạn có thể giúp tăng tỷ lệ trao đổi chất, cải thiện mức tiêu thụ oxy và đốt cháy nhiều calo hơn.
Đi bộ lên dốc
Đi bộ lên dốc cũng là cách tuyệt vời để nâng cao trình độ đi bộ hằng ngày. Đây là hình thức tập tim mạch tuyệt vời giúp giảm căng thẳng cho khớp, mang lại lợi ích cho những người có vấn đề về đầu gối hoặc mắt cá chân.
Trong khi đó, đi bộ xuống dốc giúp giảm căng thẳng cho hệ tim mạch đồng thời cải thiện sức mạnh cơ bắp ở phần thân dưới.
Theo chuyên gia Nolan, tính nhất quán là chìa khóa. Đi bộ muốn gặt hái được nhiều lợi ích nhất cần thường xuyên và nhất quán. Hãy đặt mục tiêu ít nhất 30 phút cho hầu hết các ngày trong tuần, theo New York Post.
Bác sĩ 24/7: Vì sao cùng đi bộ, người khỏe hơn, người lại đau khớp?
'Vì sao cùng đi bộ mà có người khỏe hơn, có người lại đau khớp. Nếu đi bộ gây đau khớp thì tôi có thể chuyển sang tập môn thể thao nào tốt cho sức khỏe ạ?'. (T.Hận, ở TP.HCM).
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Võ Hoàng Phúc, khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Tập thể dục là hoạt động không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường chức năng cho hệ tim mạch, hệ hô hấp, hệ cơ xương khớp và các cơ quan khác trong cơ thể.
Tùy tình trạng sức khỏe cũng như sở thích, chúng ta có thể lựa chọn môn thể thao cũng như cường độ tập luyện phù hợp như đi bộ, đạp xe, bơi lội, leo núi, thể dục nhịp điệu..., trong đó đi bộ là hình thức tập luyện phổ biến, đơn giản và khả thi nhất. Tuy nhiên nếu chúng ta tập luyện không đúng cách, tập quá sức sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe như:
- Trên hệ cơ xương: Gây bong gân, trật khớp, đau nhức khớp, đau do co rút cơ...
- Trên hệ tim mạch: Gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim...
- Thần kinh: Dễ gây căng thẳng thần kinh, mệt mỏi, cảm giác kiệt sức...
Vì vậy chúng ta cần lựa chọn môn thể thao phù hợp với từng cá nhân và tập luyện hợp lý, đúng cách.
Nếu chúng ta có vấn đề đau khớp, đặc biệt các khớp ở chân, chúng ta có thể lựa chọn môn thể thao như đạp xe tại chỗ vì khi đó trọng lượng cơ thể sẽ ít tác động lên hai chân giúp chúng ta có thể hoạt động tập luyện tốt hơn. Điều quan trọng là trước khi tập luyện chúng ta nên khởi động thật kỹ, đặc biệt là các khớp dễ gây đau trong lúc tập luyện, phải biết lắng nghe cơ thể chúng ta để điều chỉnh cường độ tập luyện hợp lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét