Năm 2019, Chu Dung Lâm, một giáo viên nghỉ hưu 79 tuổi và vợ đã xây một biệt thự rộng 500m2 ở quê nhà tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Họ không muốn sống cô đơn trong những năm cuối đời nên đã nảy ra một ý tưởng táo bạo: mời những người bạn già đến sống chung, tạo ra một đại gia đình ấm áp.

Hai vợ chồng thầy giáo Chu đã soạn một thông báo tuyển những người già trong độ tuổi từ 60 đến 80 có thể tự chăm sóc bản thân tham gia nhóm hưu trí đặc biệt này. "Ở đây chúng ta có thể cùng nhau tận hưởng cuộc sống tuổi già đầy màu sắc trong căn biệt thự rộng rãi và thoải mái, chăm sóc lẫn nhau và không còn cô đơn nữa", thông báo nêu rõ.

photo-1723522709642

Vợ chồng thầy giáo Chu Dung Lâm

Thông tin này nhanh chóng thu hút sự chú ý, vợ chồng thầy giáo Chu nhận được hơn 100 đơn đăng ký, phần lớn là những cụ già không sống cùng con cái. Sau đó 13 cụ già đã được Chu Dung Lâm và vợ mời đến biệt thự. Vào lúc cao điểm, biệt thự của họ có đến 30 người bạn già cùng sinh hoạt.

Cặp vợ chồng họ Chu ngày ngày bận rộn sắp xếp các hoạt động cho nhóm hưu trí, phân công nhiệm vụ cho từng người trong việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn cây, nấu ăn. Ban đầu, cuộc sống của các cụ già tại đây rất an nhàn và viên mãn. Buổi sáng mọi người cùng nhau đi dạo trên những con đường mòn ở ngoại ô, sau đó về nhà nấu nướng, nghỉ ngơi. Chiều tối họ lại cùng nhau khiêu vũ hoặc ngồi trên ghế sofa xem TV, trò chuyện.

"Nhìn mọi người sống hòa thuận và quan tâm lẫn nhau khiến tôi cảm thấy ước mơ của chúng tôi đang trở thành hiện thực. Đây là cuộc sống hưu trí mà chúng tôi mong muốn", vợ thầy giáo Chu nói.

photo-1723522732105

photo-1723522744547

Cuộc sống hưu trí trong biệt thự của thầy giáo Chu

Thế nhưng 5 năm sau, khi báo chí tìm đến căn biệt thự hưu trí của thầy giáo Chu, không còn nhóm người cao tuổi nào sống ở đó nữa. Ba chiếc ghế sofa trong phòng khách phủ khăn, bàn ghế gỗ dựng đứng, khăn trải bàn nhàu nát cho thấy đã lâu căn biệt thự này bị bỏ trống. Liên hệ với thầy giáo Chu Dung Lâm, phóng viên chỉ nhận được tin nhắn: "Nhóm hưu trí của chúng tôi đã dừng hoạt động".

Trên thực tế, mong muốn tạo cộng đồng người cao tuổi chung sống của hai vợ chồng thầy giáo Chu đã tan vỡ khi mâu thuẫn nảy sinh ngày càng nhiều. Ông Chu Dung Lâm và vợ từng nghĩ rằng những người xa lạ ở bên cạnh chăm sóc nhau là "niềm an ủi lớn nhất khi về già" thế nhưng sự thật không màu hồng như vậy.

Việc phân bổ nhiệm vụ làm việc nhà không được mọi người tuân thủ, nhiều ngày đều do vợ Chu Dung Lâm đảm nhiệm toàn bộ. "Một số người luôn kiếm cớ, nói rằng họ không thể hái rau hoặc nấu ăn. Vốn dĩ chúng tôi muốn tạo ra một môi trường nơi tất cả giúp đỡ lẫn nhau, không ngờ lại kết thúc như vậy", bà Chu nói.

Thầy giáo Chu cho biết: "Đôi khi một con cá có thể gây ra cuộc chiến khi có những người luôn muốn giành miếng ngon nhất cho mình. Những mâu thuẫn tưởng nhỏ nhặt nhưng lại cho thấy sự ích kỷ trong cuộc sống tập thể".

Sự khác biệt trong thói quen sinh hoạt cũng trở thành nguồn gốc của xung đột. Các con của thầy giáo Chu về thăm nhà cũng cảm thấy vô cùng bất tiện. Điều đau lòng hơn là vợ chồng Chu Dung Lâm phát hiện một số người lợi dụng nhà của họ để tìm hiểu mô hình chăm sóc người già, có người muốn ở tạm vì nhà sắp bị phá dỡ, người lại muốn tiết kiệm tiền nên dọn đến đây.

photo-1723522779406

Căn nhà trống sau khi nhóm hưu trí dừng hoạt động

Một số tình huống xảy ra cũng nằm ngoài dự đoán trước đó của hai vợ chồng họ Chu. Một cụ ông sống trong biệt thự 2 năm vô tình bị ngã phải nhập viện. Lý do là bởi cụ ông rất thích đi loại dép trơn, vợ thầy Chu đã nhiều lần nhắc nhở nhưng ông không nghe. Người nhà nghe tin cụ ông nhập viện liền tới đón về, thậm chí đòi vợ chồng ông Chu Dung Lâm phải bồi thường.

Không thể giải quyết những vấn đề phát sinh ngày càng phức tạp, thầy giáo Chu quyết định đóng cửa "viện dưỡng lão" đặc biệt này và cũng không ở lại căn biệt thự 500m2 nữa. Họ nhận ra dựa vào thiện chí của bản thân là chưa đủ để tạo ra môi trường hưu trí lý tưởng.

Cư dân mạng bày tỏ sự tiếc nuối cho vợ chồng ông Chu, chỉ ra nguyên nhân vì Chu Dung Lâm là người đứng ra bỏ tiền toàn bộ nên một số người đến ở cảm thấy họ không có trách nhiệm bỏ công sức hay nỗ lực tạo cộng đồng hòa hợp với nhau, dẫn đến sự thất bại của mô hình này.