GĐXH - Hầu như ai cũng cho vỏ hành, vỏ tỏi vào túi rác khi nấu ăn, trong khi những thứ bỏ đi này có những công dụng tuyệt vời mà bạn có thể tận dụng theo nhiều cách.
Tại sao không nên vứt vỏ tỏi?
Vỏ tỏi có chất chống oxy hóa Phenylpropanoid giúp bảo vệ tim bằng cách giảm mức cholesterol xấu, tăng cường khả năng miễn dịch và làm chậm lão hóa.
Cả vỏ hành và vỏ tỏi đều chứa tinh dầu, bạn có thể sử dụng theo nhiều cách để nâng công thức nấu ăn của mình lên một tầm cao mới. Đây cũng là lý do tại sao không nên vứt vỏ hành, vỏ tỏi.
Việc rang khô vỏ hành, vỏ tỏi rồi đem xay nhỏ, trộn thêm các loại gia vị khác như muối, tiêu, ớt giúp tạo hương vị đặc biệt cho các món ăn như salad, hầm, súp, cà ri… Đây là bí quyết chế biến món ăn của nhiều đầu bếp ở các nhà hàng nổi tiếng trên thế giới.
Một số đầu bếp nổi tiếng đem rang vỏ hành, vỏ tỏi cho đến khi cháy thành than và bảo quản trong lọ để dùng dần. Bí quyết của họ là thêm hỗn hợp này vào các món ngon để mang lại hương vị khói hoàn hảo.
Với người Ấn Độ, bỏ vỏ hành, vỏ tỏi vào nồi cơm khi nấu là một bí quyết để bổ sung dinh dưỡng cho cơm và tạo hương vị họ ưa thích.
Công dụng của vỏ tỏi trong cuộc sống
Dùng vỏ tỏi vùi vào đất làm phân bón
Bạn hãy dùng vỏ tỏi trộn với đất rồi vùi vào lọ hoa sẽ nhận được thành phẩm là một loại phân bói vô cùng tốt. Vỏ tỏi rất giàu dinh dưỡng, sau một thời gian ủ lên men thành phân bón giúp cây phát triển tốt tươi, đơn hoa kết trái nhanh chóng. Bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền mua phân bón đấy.
Trộn vỏ tỏi vào thức ăn của vật nuôi
Nếu có vật nuôi trong nhà bạn có thể trộn vỏ tỏi với thức ăn của vật nuôi. Chất dinh dưỡng có trong vỏ tỏi sẽ thúc đẩy sự phát triển của vật nuôi. Vừa tận dụng được vỏ tỏi lại tiết kiệm được một chút tiền mua thức ăn cho vật nuôi thì còn gì bằng.
Dùng tỏi bổ sung chất dinh dưỡng cho cây
Muốn cây xanh luôn xanh tốt bạn có thể phun nước tỏi thường xuyên. Đơn cử như cây trầu bà, lá của nó thường bị vàng do không đủ dinh dưỡng, lúc này người trồng hoa có thể pha nước tỏi 1:500 để tưới cho cây để lá xanh. Trên thực tế, điều quan trọng nhất là nó có chứa một số chất dinh dưỡng màu mỡ, có thể làm tăng sức sống cho cây xanh, vừa khử được vi khuẩn, vừa có thể tiêu độc làm cho cây xanh tươi hơn.
Ðối với cây đang ra hoa, bạn cũng có thể phun một ít nước tỏi lên cây. Lưu ý nên phun ít hơn, vì nhiều sẽ làm hoa bị héo sớm hơn, trong khi đó dùng lượng vừa phải, sau khi phun sẽ làm hoa nở và thời gian ra hoa lâu hơn, màu sắc của hoa sẽ đậm hơn. Dù là cây có hoa hay cây xanh cũng không nên sử dụng nước tỏi thường xuyên, tốt nhất là 1-1,5 tháng tưới 1 lần.
Dùng tỏi trừ sâu
Ngoài để thay thế phân bói, tỏi còn có tác dụng trừ sâu bệnh, các loại côn trùng. Bạn hãy sử dụng tỏi phun lên lá bị sâu bệnh bởi các loại côn trùng gây hại như là rệp, ruồi đen nhỏ, nhện đỏ,… đều rất kị mùi tỏi.
Vì vậy khi dùng nước tỏi xịt vào cây, 1 là côn trùng sẽ bỏ đi, 2 là sẽ bị tiêu diệt. Như vậy, vỏ tỏi vừa có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây lại bảo vệ cây khỏi côn trùng gây hại mà không dùng tới hóa chất cũng không tốn kém. Cách làm này thực sự rất đáng để các "nông dân đô thị" học hỏi, làm theo.
Một số tác dụng khác từ vỏ tỏi:
Khử mùi hôi giày
Bạn có thể tận dụng đặc tính diệt khuẩn và kháng khuẩn của allicin trong vỏ tỏi để khử mùi hôi giày. Chỉ cần lấy một nắm vỏ tỏi lần lượt bỏ vào từng chiếc giày và để qua một đêm, hơi ẩm bên trong giày sẽ biến mất và giày trở nên khô ráo. Tất nhiên, mùi hôi cũng sẽ được loại bỏ.
Ngâm chân
Thói quen ngâm chân có rất nhiều lợi ích, không chỉ giảm mệt mỏi mà còn ngăn ngừa cảm lạnh. Bạn có thể cho một ít vỏ tỏi vào nước ngâm chân, tốt nhất là nước ấm 60 độ C. Nhiệt độ của nước giúp giải phóng hoàn toàn allicin, khiến tác dụng kháng khuẩn, chống viêm của allicin phát huy tốt hơn, loại bỏ mùi hôi chân, đôi chân trở nên sạch sẽ và thoải mái hơn.