Món cá biển được nhiều người dân Việt yêu thích vì hương vị đậm đà, giúp bữa cơm thêm ngon miệng. Tuy nhiên, bảo quản, chế biến cá không đúng cách sẽ gây nguy cơ ngộ độc histamine.
Cuối tháng 8 vừa qua, hơn 100 công nhân tại Thanh Thủy (Phú Thọ) đã có biểu hiện nghi ngộ độc sau bữa ăn trưa tập thể gồm cá kho, bắp cải luộc, đậu sốt thịt và cơm trắng. Các bệnh nhân bị đau đầu, chóng mặt, nổi mề đay, buồn nôn, đi ngoài.
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Phú Thọ xác định, nhóm công nhân trên bị ngộ độc do hàm lượng histamine trong món cá thu kho quá cao (3,8g histamin/kg cá).
Đây không phải lần đầu xảy ra các ca ngộ độc tập thể do histamine có trong các loại cá. Ngày 27/6, khoảng 100 công nhân viên của nhà máy ở Hải Phòng ăn trưa tập thể. Sau đó, hầu hết đều có biểu hiện bất thường như đau bụng, buồn nôn, mẩn ngứa ngoài da… Trong đó, 70 người có biểu hiện nặng được chuyển vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Việt Tiệp để điều trị.
Theo Sở Y tế TP Hải Phòng, nguyên nhân của vụ ngộ độc hàng loạt trên do hàm lượng histamine trong món cá kho vượt quá mức giới hạn cho phép tới 40 lần.
Ngày 28/5, 71 công nhân ở huyện Yên Thành (Nghệ An) xuất hiện các triệu chứng đau đầu, buồn nôn nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa trưa gồm cơm, cá bạc má rán, trứng gà luộc, mướp xào giá, canh bí đỏ nấu thịt và xoài.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu cá chứa histamine với hàm lượng 739mg/kg. Ngoài ra, bếp ăn của công ty còn nhiều tồn tại như hệ thống chế biến, thu gom rác, thoát nước không đảm bảo vệ sinh; việc thực hiện lưu mẫu không đúng quy định.
Dưới đây là tư vấn về triệu chứng, cách xử trí và phòng ngừa ngộ độc histamine của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế):
Triệu chứng ngộ độc histamine
So với các loại thịt gia súc, gia cầm, cá có độ bền cơ học kém hơn, dễ nhiễm vi sinh vật. Histamine được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển có thịt màu đỏ: cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá cờ, cá bạc má, cá trích, cá mòi… Khi cá ươn, hỏng, vi khuẩn phát triển nhanh, thúc đẩy quá trình sản sinh histamine là chất gây độc cho cơ thể. Histamine có đặc tính chịu nhiệt, thậm chí không bị phá hủy khi cá được nấu chín.
Triệu chứng ngộ độc histamine thường xảy ra nhanh chóng, từ 1 đến vài giờ sau khi ăn:
- Mặt đỏ, mắt đỏ, khó thở do phù nề và co thắt khí quản.
- Nổi mẩn đỏ, ngứa, phát ban ngoài da.
- Cảm giác nóng ran trong miệng, tăng tiết nước bọt, kích thích tiết dịch vị của dạ dày, gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Mạch nhanh, hạ huyết áp do giãn mạch.
- Nôn nao, chóng mặt, đau đầu.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, độc tính của histamine có có 4 mức độ dưới đây:
Cách xử trí:
- Giám sát phát hiện sớm người có biểu hiện dị ứng sau khi ăn cá biển từ một đến vài giờ. Tư vấn kịp thời cho người bệnh để tránh lo lắng, hốt hoảng về tâm lý. Nhanh chóng đến cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị kịp thời.
- Trường hợp biểu hiện nhẹ (dị ứng ngoài da, rối loạn tiêu hóa) cần sử dụng thuốc kháng histamine.
- Trường hợp biểu hiện nặng (mạch nhanh, huyết áp tụt, xuất huyết, khó thở) cần nhanh chóng được hồi sức, cấp cứu, truyền dịch bù nước và điện giải, sử dụng thuốc kháng histamine, corticoid.
Biện pháp phòng ngừa
Người tiêu dùng:
- Những người có cơ địa dị ứng nên thận trọng khi ăn cá biển.
- Chọn mua cá tươi (thịt cá chắc, mắt trong, mang đỏ, cắt ra còn máu đỏ tươi, tanh nhẹ).
- Cá tươi sau khi mua về chưa sử dụng ngay cần bảo quản dưới 5 độ C, tránh để nhiệt độ phòng.
- Sau khi mua cá, hãy loại bỏ mang và ruột ngay vì vi khuẩn sản sinh histamine thường có trong mang và đường tiêu hóa.
- Rã đông cá ở nhiệt độ thấp nhất có thể trong thời gian ngắn. Tránh rã đông nhiều lần.
- Nồng độ histamine cao hơn trong cá có thể gây ra cảm giác ngứa ran trong miệng khi bạn ăn. Nếu cảm thấy như vậy, bạn nên ngừng ăn luôn.
Ngư dân, người kinh doanh: Bảo quản tốt hải sản trong đánh bắt, kinh doanh và tiêu dùng, đặc biệt là cá ngừ, cá nục, cá thu...
Bếp ăn tập thể: Tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, lưu mẫu theo quy định, đặc biệt khi sử dụng nguyên liệu chế biến từ hải sản đông lạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét