Ngày 23/9, Sở Y tế Bắc Kạn thông tin đến nay đã có kết quả nguyên nhân dẫn tới 70 người tại thành phố Bắc Kạn phải đi cấp cứu do vi khuẩn tụ cầu vàng. Tuy nhiên, nguồn lây của vi khuẩn này vẫn chưa được xác định. Theo Sở Y tế tỉnh, bữa ăn tập thể tại trường nhiễm vi khuẩn có thể do nguồn nước chưa đảm bảo.

Đồng thời, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Như VietNamNet đưa tin, trưa 19/9, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn) tổ chức ăn bán trú cho 88 học sinh, 5 giáo viên. Thực đơn bao gồm cơm, thịt gà chiên, canh rau dưa, khoai tây xào, dưa hấu.

Sáng hôm sau, tất cả học sinh đi học, sức khỏe bình thường. Nhưng đến 9h, 20 em xuất hiện sốt nóng, đau bụng, đau đầu, tiêu chảy, được đưa vào vào Trung tâm Y tế thành phố cấp cứu. Đến ngày 21/9, Trung tâm y tế thành phố Bắc Kạn ghi nhận tổng cộng 70 người cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn với triệu chứng như nhau.

Tụ cầu vàng là vi khuẩn có ở khắp nơi, trong không khí, đất và nước, nội sinh thường xuyên ở da và các hốc tự nhiên của người và động vật. Quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm không hợp vệ sinh tạo điều kiện cho vi khuẩn này xâm nhập vào thực phẩm, vi khuẩn chỉ gây bệnh khi hình thành độc tố ruột.

Thực phẩm dễ bị nhiễm ngoại độc tố của tụ cầu chủ yếu do có hàm lượng nước cao, nhiều tinh bột (cháo, sữa, các món kem và những sản phẩm có sữa khác…), thực phẩm nhiều chất béo, chất đạm (thịt giăm bông, thịt bò, thịt gia cầm, cá, trứng, đồ hộp…).

Sau 4 - 5 giờ ăn, vi khuẩn này sản sinh ra ngoại độc tố ruột dẫn đến các triệu chứng ngộ độc. Để phòng ngộ độc do tụ cầu vàng, người dân thực hiện ăn chín, uống sôi. Không nên để thực phẩm quá 4 giờ ở nhiệt độ môi trường trước khi chế biến. Người có mụn, nhọt, vết thương trên da không nên tham gia chế biến thực phẩm.