Trang

Về già cần Khả năng tự chăm sóc bản thân, đừng nên quá phụ thuộc vào người khác.

Cụ ông được con rể đi 300km đón đến nhà con gái dưỡng già nhưng 3 tháng sau "quay xe" về quê, lý do không ai ngờ đến

Người đàn ông Trung Quốc từng rất hy vọng vào cuộc sống chung với gia đình con gái nhưng thực tế lại không như ông mong muốn.

Vợ chồng ông Lý (Hồ Nam, Trung Quốc) chỉ có một người gái là cô Tâm, sống ở thành phố từ khi học đại học. Năm ngoái, sau khi vợ qua đời, ông Lý sống một mình trong ngôi nhà cũ. Cảm giác cô độc bủa vây, ông Lý lo lắng một ngày mình sẽ ốm bệnh, thậm chí ra đi mà không có người thân bên cạnh.

Cụ ông đã nghĩ đến phương án chuyển đến viện dưỡng lão, nhưng thực tế điều kiện sống tại đây lại không tốt như quảng cáo, hầu hết người cao tuổi đều trầm lặng. Vậy nên ông Lý cũng chỉ ở một tháng rồi lại về nhà. Cuối cùng, ông nghĩ đến phương án chuyển đến nhà cô Tâm để dưỡng già. Ban đầu ông Lý cũng do dự, sợ làm phiền đến con rể. Không ngờ con rể lại nhiệt tình, không quản ngại đường xa lái xe 300km đến đưa ông lên nhà con gái.

Rất lâu từ khi vợ mất, ông Lý mới cảm nhận được không khí gia đình đầm ấm. Con cháu đều cố gắng hết sức để ông không cảm thấy cô đơn khi sống ở thành phố. Thế nhưng sự khác biệt trong lối sống giữa các thế hệ càng ngày càng rõ khi ông Lý sống đến tháng thứ 2 ở nhà con gái.

Một số thói quen vốn quen thuộc của ông Lý như ngủ sớm, dậy sớm lại gây xáo trộn đến cuộc sống gia đình cô Tâm. Con gái không ít lần than phiền về việc ông Lý dậy sớm để tập thể dục khiến cô mất giấc ngủ, trong khi đêm hôm trước phải thức muộn để hoàn thành công việc. Khi cụ ông đi ngủ sớm, cả gia đình cũng phải ngừng xem tivi ngoài phòng khách, các cháu cũng không được nô đùa ồn ào.

Ông Lý tình cờ bắt gặp vợ chồng con gái tranh cãi về việc cắt cử nhau về sớm nấu ăn cho bố, điều này khiến họ căng thẳng vì cũng thường xuyên phải tăng ca. Khi đó ông Lý cũng miễn cưỡng điều chỉnh lại các thói quen của bản thân, còn phụ giúp cô Tâm đưa đón các cháu đi học.

Thế nhưng sống ở nhà con gái đến tháng thứ 3, ông Lý bắt đầu cảm thấy đây vẫn không phải cuộc sống bản thân mong muốn. Thực tế, ông chỉ gặp gia đình con gái vào buổi tối muộn khi con cháu tan học, tan làm. Ban ngày ông rảnh rỗi đến mức chán nản, xung quanh hàng xóm đều đóng cửa kín mít, rất ít giao lưu với nhau. Ông Lý đã từng muốn đến các CLB hưu trí ở khu vực xung quanh, nhưng con gái và con rể ngăn cản với lý do lo lắng ông sẽ bị kẻ xấu lừa đảo.

Suốt gần 3 tháng sống tại nơi ở mới, cụ ông vẫn cảm thấy cô đơn khi không có thêm người bạn nào mới. Sức khoẻ cũng đi xuống từ khi điều chỉnh thói quen ngủ muộn theo gia đình con gái. Các con thường xuyên gọi đồ ăn bên ngoài vì công việc bận rộn, bản thân ông lại không thể ăn những đồ nhiều dầu mỡ, gia vị như vậy.

Ông Lý nhớ về cảm giác khoan khoái khi hít thở bầu không khí trong lành ở quê nhà mỗi sáng sớm, có thể chăm sóc cây cỏ hoặc chơi cờ với một vài người hàng xóm trạc tuổi vào buổi chiều. Cụ ông còn rất nhạy cảm với tiếng ồn, đôi khi tiếng xe cộ ban đêm cũng có thể khiến ông giật mình tỉnh giấc.

Gần đây, nhà con gái phải đón tiếp nhiều khách đến nhà ăn uống, tụ tập hơn để bàn bạc công việc. Ông Lý cảm thấy lạc lõng khi không thể tham gia vào những buổi tiệc này, càng không thể ngủ do tiếng nói chuyện phát ra từ phòng khách.

Sau khi đã suy nghĩ kỹ, cụ ông nói với các con ý định chuyển về quê do cảm thấy khó hòa nhập với cuộc sống ở thành phố. Con gái và con rể đều bất ngờ, cố gắng níu giữ bố. Thế nhưng ông Lý biết đã tới lúc để chính bản thân ông và các con có cuộc sống tự do như trước.

Lần này trở về quê, tâm thế của ông hoàn toàn khác trước, vừa nhẹ nhõm vừa thấy trân trọng tổ ấm ngày xưa. Căn hộ tiện nghi hay thành phố náo nhiệt cũng không bằng căn nhà cũ quen thuộc của riêng mình được.

Ông Lý học cách nấu ăn, tự mình tới bệnh viện, nói chuyện với hàng xóm xung quanh nhiều hơn để tìm lại niềm vui cuộc sống. Gia đình con gái vừa cảm thấy có lỗi vừa thương bố nhiều hơn, nên những ngày nghỉ đều thu xếp thời gian về quê thăm ông Lý. Cụ ông cảm nhận đây mới là trạng thái thoải mái nhất của ông và các con, thay vì miễn cưỡng thay đổi vì đối phương.

Khi những người họ hàng nói muốn tới nhà con cái dưỡng già, ông Lý đều khuyên họ cân nhắc thật kỹ sự khác biệt trong lối sống giữa các thế hệ, giữa nông thôn và thành phố. Với người cao tuổi, quan trọng nhất vẫn là khả năng tự chăm sóc bản thân, đừng nên quá phụ thuộc vào người khác.


Nguồn 
https://cafef.vn/cu-ong-duoc-con-re-di-300km-don-den-nha-con-gai-duong-gia-nhung-3-thang-sau-quay-xe-ve-que-ly-do-khong-ai-ngo-den-18824092320020836.chn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét