Có một số thứ trong bếp mà ban đầu tôi nghĩ sẽ mang lại sự tiện lợi, song càng dùng càng thấy chúng cồng kềnh và làm tăng thêm khối lượng công việc. Đặc biệt là 5 thứ sau đây, hầu như bếp nào cũng có, thế nhưng sau khi bỏ đi tôi mới thấy không có cũng chẳng sao, lại đỡ tốn công dọn dẹp, không gian thì sạch sẽ hơn rất nhiều.
1. Thảm trải sàn
Rất nhiều người dùng thảm trải sàn, ví dụ như thảm chống bụi ở cửa ra vào, thảm chống thấm nước trong phòng tắm và nhà bếp. Thoạt nhìn, chiếc thảm xinh xắn khiến ngôi nhà trông đẹp hơn cũng như giữ cho nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng hơn.
Thế nhưng thực tế, thảm trải sàn nếu không được làm sạch thường xuyên sẽ tích rất nhiều bụi bẩn. Khi bạn giẫm chân lên lại vô tình mang vết bẩn đi khắp ngôi nhà, khiến cho sàn nhà sớm bị bẩn. Hơn nữa, thảm cũng khá cản trở việc quét dọn và lau chùi sàn.
Ngày trước khi tôi đặt thảm trải sàn ở phòng bếp, mỗi tuần tôi đều phải giặt ít nhất 1 lần. Càng ngày, tôi càng thấy rắc rối mà lại không khiến nhà sạch hơn là bao. Sau cùng, tôi bỏ luôn thảm đi, nếu sàn bếp bị bẩn hoặc ướt thì nhanh chóng lấy cây lau nhà lau là xong, dễ dàng hơn nhiều so với dùng thảm trải sàn.
2. Giá phơi bát đĩa
Giá thoát nước dùng để phơi khô bát đĩa, khăn rửa bát sau khi rửa, ngăn chặn nấm mốc và vi khuẩn tích tụ. Tôi cũng đã từng có một cái giá đỡ bằng thép không gỉ đặt ngay phía trên bồn rửa bát, lúc đó tôi thấy món đồ này thật thiết thực vì vừa có thể thoát nước, vừa treo được rất nhiều thứ.
Tuy nhiên, sau đó tôi quyết định bỏ đi vì nó chiếm quá nhiều diện tích. Chiếc giá đỡ rất dễ tích bụi và cặn bẩn, lại khó lau chùi.
Thay vào đó tôi đổi sang sử dụng miếng thấm hút. Bây giờ mỗi khi rửa bát đĩa, chỉ cần đặt lên một miếng thấm hút nước là có thể cất vào tủ.
So với giá thoát nước, miếng thấm còn có thể gấp lại và cất đi, không chiếm diện tích trên mặt bếp, lại còn dễ vệ sinh, có thể giặt bằng tay hoặc máy đều được.
3. Thanh treo và móc treo
Trước đây tôi từng nghĩ rằng treo đồ trong bếp lên sẽ gọn gàng hơn, nhưng đó chỉ là khi thanh treo/móc treo được làm cùng chất liệu, cùng màu sắc, và treo những đồ vật cùng cùng kích thước, chiều dài. Nếu không thì bếp sẽ trông càng bừa bộn.
Để sắp xếp đồ đạc trong bếp, bạn chẳng cần dùng đến thanh và móc treo, thay vào đó nên dùng hộp trữ hoặc khay đựng đồ. Cất gia vị hoặc đồ gia dụng trong đó sẽ gọn hơn rất nhiều, lại có thể "giấu" bớt đồ để không gian thoáng, có tính thẩm mỹ và ngăn nắp hơn.
Với đũa, thìa, dao, nĩa thì chỉ cần rửa sạch rồi cho vào ống đựng đũa. Nếu muốn thông thoáng, không đọng nước thì có thể chọn loại có lỗ thoát nước là hợp lý nhất.
4. Túi nylon
Rau củ quả được đựng trong túi nylon và cất tủ lạnh trông rất bừa bộn và mất vệ sinh. Chưa kể nếu để quên lâu trong tủ, rau và trái cây sẽ bị dập nát cũng như chảy nước, dây ra tủ lạnh vừa có mùi khó chịu vừa mất công lau dọn.
Đó là lý do tôi đã dùng hộp đựng thay vì túi nilon. Trong tủ lạnh, tôi chia thành những khu vực: nơi đựng đồ tươi, nơi đựng đồ cắt sẵn, nơi đựng đồ khô... Mỗi khu vực dùng 1 loại hộp có kích thước và hình dáng giống nhau.
Sau khi mua rau củ quả về, tôi sẽ lấy ra khỏi túi nilon và cho vào hộp bảo quản. Làm như vậy vừa sạch sẽ, vừa gọn gàng, dễ lấy, vừa tận dụng được nhiều không gian trong tủ lạnh hơn.
5. Thùng rác
Nhiều người đặt thùng rác ở nhà bếp để tiện xử lý đồ bỏ đi. Thế nhưng phải công nhận đây là 1 trong những nguyên do khiến bếp có mùi, mất vệ sinh hơn. Hoặc là rác bị rơi vãi, dây ra nhà khi bạn đổ vào thùng, hoặc là để lâu không cọ rửa tạo điều kiện cho nấm mốc sinh sôi phía bên trong.
Mỗi khi vệ sinh, bạn không chỉ cần đổ rác mà còn phải rửa cả thùng rác, vừa mệt người vừa mất thời gian.
Thế nên tôi đã bỏ thói quen dùng thùng rác trong nhà bếp. Đặt một túi thoát nước bên cạnh bồn rửa là tôi có thể đổ rác, cặn thức ăn, đồ thừa... vào. Chỉ cần 1 lần vứt rác là đã đủ để giữ cho nhà bếp luôn sạch sẽ, thơm tho.
Nguồn: Aboluowang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét