Trang

Ðông dược có sử dụng chì

Thứ sáu, 16/12/2011, 11:3 (GMT+7)
suckhoedoisong.vn
Thời gian gần đây, dư luận hết sức quan tâm và lo lắng về tình trạng nhiều cháu bé và cả người lớn phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu với chẩn đoán là ngộ độc chì sau khi sử dụng thuốc cam và thuốc viên đông y không rõ nguồn gốc. Thuốc cam được dùng để bôi chữa viêm loét miệng, tưa lưỡi, hăm mông bẹn; thuốc viên được dùng làm thuốc bổ, kích thích tiêu hóa, chữa động kinh... Vậy, một câu hỏi được đặt ra là: phải chăng thủ phạm của tình trạng ngộ độc chì chính là các loại đông dược này?
Một số vị thuốc khoáng vật có chứa chì
Có thể nói, từ xa xưa y học cổ truyền đã sử dụng một số vị thuốc, chủ yếu là khoáng vật, có chứa chì để chữa bệnh, ví như :
- Duyên phấn, còn gọi là bạch phấn, là khoáng vật quặng của chì, là một carbonat chì PbCO3 (83,5% PbO, 16,5% CO2), vị ngọt tính hàn, có độc, có công dụng tiêu tích, sát trùng, giải độc, sinh cơ; thường được dùng để chữa cam tích (còi xương trẻ em), hạ lỵ, đau bụng giun, sốt rét, ghẻ, nấm, nhọt độc, lở loét, viêm niêm mạc miệng, đan độc, bỏng lửa... dưới dạng tán bột mịn bôi ngoài, nấu cao dán hoặc làm thành viên hoàn để uống trong với liều 3 - 5 phân (0,94g - 1,5g)/ngày.

- Ô duyên, còn gọi là duyên, là sulfua chì PbS (86,6% Pb, 13,4%S), vị ngọt, tính hàn, có độc, có công dụng trấn nghịch, nhuyễn đàm, sát trùng và giải độc ; thường được dùng để chữa chứng đàm khí ung nghịch, thượng thực hạ hư, khí đoản suyễn cấp (khó thở do hen suyễn), ế cách (có cảm giác vướng khi nuốt, nuốt không trôi gây tiếng nấc), phản vị (ăn vào bụng đầy, sáng ăn chiều mửa, chiều ăn sáng mửa), ung bướu, tràng nhạc (lao hạch), nhọt độc, ghẻ lở... dưới dạng sắc uống hoặc nung kỹ rồi tán bột xoa ngoài hoặc làm hoàn tán.
 Mật đà tăng nguyên cục (1).                   Mật đà tăng tán bột (2).
Diên đơn (3).                                                     Ô duyên (4) .
- Mật đà tăng, là một thứ bột màu vàng cam đỏ, to nhỏ không đều với thành phần chủ yếu là oxyt chì PbO, vị mặn cay, tính bình, có độc, có công dụng tiêu thũng, sát trùng, thu liễm, bài nùng, trừ đàm, trấn kinh; thường được dùng để chữa các chứng bệnh như trĩ lở, thũng độc, mụn nhọt, lở loét, thấp sang, các loại vết thương, lỵ lây ngày, kinh giản... dưới dạng chế thành cao dán ngoài hoặc tán bột uống với liều 0,5 - 1g/ngày.
- Duyên đơn, còn gọi là hồng đơn, cũng như mật đà tăng có nguồn gốc từ sự biến chất của khoáng galen, là oxyt chì Pb3O4, có thể viết 2PbO.PbO2, tỷ lệ PbO2 là 34,9%, vị mặn, tính hàn, có độc, có công dụng giải độc, sinh cơ, nhuyễn đàm, trấn kinh; thường được dùng để chữa sốt rét, trĩ loét, chống co giật, kinh giản (động kinh), lở loét sưng tấy, bỏng lửa và nước, các vết thương xuất huyết... dưới dạng hoàn tán uống hoặc thuốc sắc (ít dùng uống vì độc), thường dùng ngoài làm cao dán nhọt, nấu với dầu vừng và phối hợp với một số vị thuốc khác để giảm đau, làm chóng lên da non. Y thư cổ lưu ý: không dùng hồng đơn cho người hư yếu, và không dùng lâu (để tránh ngộ độc). Ở Trung Quốc, hồng đơn được dùng để chữa ung nhọt, viêm loét, lở chảy nước vàng lẫn máu, lở miệng, mắt có màng, kinh giản điên cuồng, sốt rét, lỵ, nôn mửa... dưới dạng tán thành bột mịn để bôi, rắc hoặc nấu cao, dùng uống trong dưới dạng hoàn tán.
Ngộ độc do thiếu hiểu biết của các “lang băm”
Có thể thấy, kinh nghiệm sử dụng các khoáng vật có chứa chì để chữa bệnh của y học cổ truyền là rất phong phú. Trên thực tế, một số kinh nghiệm này đã được y học hiện đại nghiên cứu và bào chế thành các loại thuốc trị bệnh rất hiệu quả và độc đáo, ví như việc dùng mật đà tăng để chế thuốc mỡ chữa bỏng. Tuy nhiên, khi dùng các vị thuốc này cổ nhân thường rất thận trọng và bao giờ cũng lưu ý một số vấn đề như: (1) Đây là những dược vật có độc; (2) Khi sử dụng phải bào chế cẩn thận; (3) Phải dùng đúng bệnh, đúng liều và đúng liệu trình, không được dùng quá dài; (4) Cần theo dõi sát tình trạng người bệnh và ngừng thuốc ngay khi có các biểu hiện bất thường.
Nhưng, trên thực tế, do thiếu hiểu biết và thiếu thận trọng, các “lang băm” và ngay cả một số ít các thầy thuốc đông y không được đào tạo chính quy đã dùng các khoáng vật nêu trên đơn độc hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác bào chế thành những đông dược thành phẩm dưới dạng thuốc bột, thuốc cam, thuốc viên... với màu sắc và mẫu mã khác nhau và quảng bá là thuốc “gia truyền” để chữa bệnh một cách tùy tiện, đưa lại những hậu quả hết sức tai hại cho người bệnh. Điều đáng nói là họ đã không hiểu rõ độc tính của chì, chọn nhầm dược vật, bào chế sai quy cách, chỉ định không đúng mặt bệnh, kê đơn sai liều lượng và liều lĩnh sử dụng cho người bệnh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép vì mục đích “trục lợi”.
Trên hầu hết những bệnh nhân bị nhiễm độc chì khi dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc vừa qua, kết quả xét nghiệm đều cho thấy hàm lượng chì trong máu vượt cao quá mức cho phép. Ví như, theo Viện Hóa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chỉ tính riêng trong tháng 11/2011, đã có 15 mẫu bệnh phẩm được gửi đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả phân tích cho thấy có 14 trong số 15 mẫu bệnh phẩm thuốc cam được gửi đến có chứa hàm lượng chì từ 12,5 - 22%.
Hay như trường hợp cháu Bảo bị ngộ độc loại thuốc cam bôi được mua từ một thầy lang trong xã, kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy mẫu máu có hàm lượng chì lên đến 95 mcg/dl, cao gấp hơn 6 lần hàm lượng cho phép ở trẻ là 15 mg/dL, thuốc bột màu cam có tới 10% hàm lượng chì. Trường hợp ngộ độc thuốc Nam ở một phụ nữ 30 tuổi người Nam Định đã được Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai xác định: thuốc chị uống chứa lượng chì cao gấp 5.000 lần mức cho phép. Kết quả phân tích các viên thuốc Nam này cho thấy, chúng chứa chì đỏ (hồng đơn).
Rõ ràng, tình trạng ngộ độc đông dược nói chung và thuốc đông y có chứa chì nói riêng đã và đang là vấn đề hết sức cấp bách, đòi hỏi các giải pháp quyết liệt và triệt để của các cơ quan chức năng. Không thể buông xuôi với các loại thuốc đông y “gia truyền” không phép. Rất cần vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao hiểu biết về chì và tình trạng nhiễm độc chì do việc sử dụng các đông dược thành phẩm không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, cũng phải hết sức cảnh giác với tình trạng ngộ độc chì từ không khí, nguồn nước, thực phẩm,... bị ô nhiễm, từ các vật dụng hàng ngày có chứa nhiều chì do công nghệ chế tạo không chuẩn... vì ngộ độc chì thường xuất hiện rất âm thầm, chỉ khi nào lượng tích tụ một lượng lớn thì triệu chứng mới rõ rệt và khi đó thì đã muộn rồi.           
  Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn


Thứ tư, 7/12/2011, 8:20 (GMT+7)
suckhoedoisong.vn
Gần đây có một số trường hợp tự mua thuốc Đông y về để chữa bệnh tay - chân - miệng (bôi hoặc uống) bằng một loại thuốc màu vàng đỏ hoặc hoàn viên… Kết quả đã bị ngộ độc và phải vào viện cấp cứu, có trường hợp đã tử vong.
Y học cổ truyền (Đông y) dược liệu có 3 nguồn: thảo dược (cây cỏ), động vật và khoáng vật. Trong các dược liệu được dùng trong y học cổ truyền có loại dược liệu có nguồn gốc khoáng vật có chứa chì là: duyên đơn, duyên phấn và mật đà tăng.
Duyên đơn: Còn gọi là hoàng đơn, hồng đơn - (Minium). Duyên đơn có dạng đất, màu đỏ sẫm tươi, làm thành những vỏ dạng vẩy.
Dược liệu nàyvị cay mặn, tính hàn, có độc; có tác dụng giải độc, sinh cơ, nhuyễn đàm trấn kinh.
Công dụng: Tuệ Tĩnh đã viết trong Namdược thần hiệu: Hoàng đơn - đơn, vị hơi cay, tính hơi hàn, không độc, hoà vị, trấn kinh, trừ bệnh sốt rét lâu năm, sát khuẩn, chỉ huyết, chữa bệnh trĩ loét.
Sách Dược liệu Việt Nam ghi: Dùng ngoài làm thuốc cao dán nhọt. Thường nấu với dầu vừng và phối hợp với các vị thuốc khác để làm giảm đau, chóng lên da non, chữa chốc lở sưng tấy, chữa bỏng lửa, bỏng nước và các vết thương chảy máu.
Dùng trong chữa kinh giản điên cuồng, cầm máu. Ngày dùng 1 - 2g, uống dạng hoàn tán hoặc thuốc sắc (ít dùng uống vì độc).
 Duyên đơn - dược liệu có nguồn gốc khoáng vật.
Duyên phấn:
Duyên phấn còn gọi là bạch phấn (Ceru - situm).
Là khoáng vật quặng của chì, là một carbonat chì, thường chứa Ag, Sr, Zn, Cs.
Duyên phấn có vị ngọt cay, tính hàn, có độc; có tác dụng tiêu tích, sát khuẩn, giải độc, sinh cơ. Duyên phấn được dùng trị cam tích, hạ ly, đau bụng giun, chứng hà, sốt rét, ghẻ nấm, mụn nhọt độc, vết loét, lở miệng, đan độc và bỏng lửa. Thường dùng ngoài tán bột mịn và dùng bôi hoặc nấu cao dán. Uống trong, tán bột 3 - 5 phân (1 - 2g) có thể làm hoàn, tán.
Mật đà tăng: Còn gọi là li tạc (Litharggrum). Là một khoáng vật thứ sinh được tạo nên từ sự biến chất của galen. Trong thiên nhiên, mật đà tăng là một oxyt chì (đỏ hay toàn phương). Trong thực tế, nó nguyên là dư phẩm của việc chế biến bạc, thường thấy ở đáy lò nấu bạc.
Mật đà tăng là một thứ bột màu vàng cam đỏ, to nhỏ không đều, có những tinh thể óng ánh. Tỷ trọng cao, không mùi vị. Thành phần: chủ yếu là ôxy chì PbO; còn có một phần chì chưa bị ôxy hoá và một số tạp chất khác như Al, Sb, Fe, Cu và Mg.
Dược liệu có vị mặn, cay, tính bình, có độc; có tác dụng tiêu thũng sát khuẩn, thu liễm phòng vít mủ, trừ đờm trấn kinh. Người ta dùng mật đà tăng để trị bệnh trĩ lở, thũng độc, mụn loét, thấp sang, các loại vết thương, lỵ lâu ngày, kinh giản.
Liều uống trong hằng ngày là 0,5 - 1g. Dùng ngoài chế cao dán nhọt.
Trong một số đơn thuốc cổ phương có sử dụng duyên đơn, duyên phấn hay mật đà tăng để chữa bệnh lở loét miệng dưới dạng bôi, làm cao dán mụn nhọt hoặc uống (nhưng rất hạn chế với liều lượng nhỏ).
Do thiếu hiểu biết, một số người cho rằng các khoáng vật trên bôi vào miệng sẽ chữa khỏi bệnh tay - chân - miệng nên đã sử dụng, thậm chí “điếc không sợ súng” lại hoàn viên để uống.
Ngày nay không loại trừ người ta đã sử dụng oxyt chì nhân tạo bằng cách ôxy hoá chì, nên hàm lượng chì rất cao vì vậy đã dẫn đến ngộ độc, thậm chí tử vong.
Hiện nay, duyên đơn, duyên phấn và mật đà tăng (những dược liệu có chứa chì) có thể tìm mua với số lượng không hạn chế tại các cửa hàng thuốc Đông y. Vì vậy các cơ quan chức năng phải kiểm soát và có biện pháp quản lý để tránh xảy ra những đáng tiếc đau lòng như vừa qua.    
Lương y Vũ Quốc Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét