Trang

Thảo dược Xuyên Bối Mẫu trị ho / cây cải củ, hạt cải trừ đờm, tiêu thực


duocson.com

Xuyên bối mẫu là một loại dược thảo quý, sử dụng làm thuốc Đông y rất được ưa chuộng, do được trồng ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) nên có tên gọi như vậy. Cây cao chừng 50cm, lá nhỏ, dài, hoa màu tím nhạt, thường chúc xuống đất, trông giống một loại cây trồng làm cảnh, xong lại có nhiều công dụng trong trị bệnh.

Thân rễ của cây này có  các củ bện xoắn như con ốc, bám chi chít vào rễ trụ nom giống đàn con bám vào vú mẹ, nên được gọi là Bối mẫu, chính phần này  được sử dụng làm thuốc. Dân gian còn lưu truyền huyền thoại về Xuyên bối mẫu. Xưa kia, tại vùng đất Tứ Xuyên, có thai phụ do mắc bệnh lạ (người phiền khát, ngực nóng, ho không dứt) sinh hạ năm lần bảy lượt thai nhi đều chết yểu, bị gia đình chồng ruồng bỏ.

Xuyên bối mẫu - Dược thảo quý  trị ho

May thay, có một thầy lang thương tình mách cho một dược thảo quý, sau 3 tháng dùng thuốc thì vừa lúc có tin mừng, bà đã hoài thai. Đủ tháng đủ ngày, bà sinh hạ được bé trai hồng hào, khỏe mạnh.

Trong niềm vui mừng khôn tả, bà xin đặt tên cho vị thuốc là Bối Mẫu với ý nghĩa "Quý như bảo bối của Người mẹ". Cái tên Bối Mẫu cũng được sử dụng phổ biến từ đó.

Xuyên bối mẫu được xem là vị thuốc quý, dùng để trừ ho cho thai phụ (Xuyên bối mẫu nghiền thành bột, luyện với  đường cát, vê thành viên, dùng ngậm hoặc uống ngày 1 - 2 viên, gọi là Cấp cứu phương).

Xuyên bối mẫu được sử  dụng làm vị thuốc chủ đạo trong nhiều bài thuốc Đông y trị ho, như bài Xuyên bối tỳ bà cao. Trong đó, Xuyên bối mẫu kết hợp các vị: Tỳ bà diệp, Cát cánh, Sa sâm, Bán hạ, Ngũ vị tử, Viễn chí, Khổ hạnh nhân, Cam thảo phát huy công hiệu Bổ phế, trừ ho, tiêu đờm; dùng chữa trị các chứng ho do dị ứng thời tiết, ho gió, ho do cảm lạnh, ho khan, ho có đờm. Xuyên bối tỳ bà cao được lưu truyền từ thời nhà Thanh (Trung Quốc). Sau đó được chuẩn hóa, đưa vào Dược điển Trung Quốc, sử dụng phổ biến trong nhân dân.

Xuyên bối tỳ bà cao được vận dụng trong bào chế nhiều thuốc đông dược trị ho. Ở Việt Nam có thuốc ho Bảo Thanh. Khi kết hợp thêm 2 vị thuốc dân gian Việt Nam là ô mai và mật ong, công hiệu trừ ho lại như được tăng thêm mấy phần, thích hợp trong chữa trị các chứng ho dai dẳng lâu ngày, ho tái đi tái lại khiến cơ thể mệt mỏi, suy kiệt, tức ngực, bụng, phế suy...


nongnghiepvietnam.com

Trà dược chữa bệnh phế quản

Thứ ba - 31/10/2006 03:43
Cây xuyên bối mẫu. Cây xuyên bối mẫu.
Tiết trời khô và lạnh của mùa thu đông cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh hen phế quản (HPQ) phát sinh và phát triển. Theo quan niệm của y học cổ truyền, khô hanh là đặc tính của táo khí, lạnh lẽo là đặc tính của hàn khí, táo khí dễ gây thương tổn âm dịch, hàn khí dễ gây thương tổn dương khí. Hai thứ tà khí này phối hợp với nhau rất dễ làm tổn thương tạng phế, gây nên các chứng bệnh như khái thấu, khái suyễn, háo suyễn... mà ngày nay y học hiện đại gọi là các bệnh viêm phế quản, hen phế quản, giãn phế quản, khí phế thũng.
Trong bài viết này xin được giới thiệu một số bài thuốc hết sức đơn giản dành cho người bị HPQ dưới dạng trà dược để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

Bài 1: Tô tử 6g, hạnh nhân 6g, quất bì 4g. Ba vị tán vụn, cho vào túi vải, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút có thể dùng được, cho thêm 1 thìa mật ong, uống thay trà trong ngày. Công dụng: nhuận phế chỉ khái, trừ đàm bình suyễn. Dùng cho người bị HPQ có ho và khạc đờm nhiều. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy cả 3 vị đều có tác dụng long đờm, chống co thắt phế quản và giảm ho. Tuy nhiên những người dễ bị rối loạn tiêu hóa và đi lỏng không nên dùng bài này.

Bài 2: Nấm linh chi 6g, bán hạ chế 5g, tô diệp 5g, hậu phác 3g, bạch linh 9g, đường phèn vừa đủ. Các vị tán vụn, cho vào túi vải, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng được, chế thêm đường phèn, uống thay trà trong ngày. Công dụng: phù chính ích phế, trừ đàm bình suyễn. Dùng cho những người bị viêm phế quản co thắt, HPQ.

Bài này có nguồn gốc từ một phương thuốc cổ là “Bán hạ hậu phác thang” được ghi trong y thư cổ Kim quỹ yếu lược, bỏ sinh khương gia thêm nấm linh chi. Trong bài, bán hạ phối hợp hậu phác có tác dụng trừ đàm, làm thông thoáng đường thở; bạch linh kiện tỳ lợi thấp, có khả năng nâng cao năng lực miễn dịch, làm tăng hàm lượng IgG trong máu; nấm linh chi ngoài tác dụng giảm ho bình suyễn còn có khả năng thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào niêm mạc phế quản, ức chế phản ứng quá mẫn, cải thiện năng lực miễn dịch và bồi bổ cơ thể. Với người bị HPQ kèm theo sốt, ho và khạc đờm mủ vàng không nên dùng loại trà này.

Bài 3: Vỏ rễ cây bông 30g thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng được, chế thêm một chút đường đỏ, uống thay trà trong ngày. Công dụng: bổ trung ích khí, chỉ khái bình suyễn. Dùng thích hợp cho những người bị viêm phế quản mạn tính, HPQ. Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ rễ cây bông có thể chữa hen suyễn, thiếu máu, phụ nữ bế kinh, sa tử cung... Kết quả nghiên cứu trên thực nghiệm và lâm sàng cho thấy vị thuốc này có khả năng làm giảm ho, tiêu viêm và chống co thắt phế quản. Phụ nữ có thai không được dùng bài này.

Bài 4: Địa long khô (giun đất) 2 phần, cam thảo sống 1 phần. Hai vị thái vụn, mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần lấy từ 3-4g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, bình suyễn, dùng cho người bị HPQ thể đàm nhiệt biểu hiện bằng các triệu chứng sốt, ho rát họng, khó thở, khạc đờm vàng đục, đại tiện táo... Theo quan niệm của y học cổ truyền, địa long vị mặn, tính lạnh có công dụng thanh nhiệt, bình can, định kinh, chỉ suyễn, thông lạc, được dùng để chữa khá nhiều chứng bệnh, trong đó có chứng hen suyễn. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy địa long có tác dụng chống dị ứng, chống co thắt phế quản và tham gia vào quá trình điều tiết miễn dịch nên rất hữu ích cho người bị HPQ. Tuy nhiên, những người bị HPQ thể hàn không nên dùng.

Bài 5: Xuyên bối mẫu 15g, lai phục tử 15g. Hai vị tán vụn, mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần lấy 3g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút có thể dùng được, uống thay trà. Công dụng: chỉ khái hóa đàm, giáng khí bình suyễn. Trong y thư cổ Bản thảo cương mục, lai phục tử có khả năng “hạ khí định suyễn, trị đàm, tiêu thực trừ trướng, lợi đại tiểu tiện, chỉ khí thống, hạ lỵ hậu trọng, phát sang chẩn”. Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại, xuyên bối mẫu có tác dụng trừ đàm, giảm ho, bình suyễn, kháng khuẩn và nâng cao khả năng chống đỡ của cơ thể trong điều kiện thiếu ôxy. Hai vị phối hợp với nhau có khả năng nhuận phế định suyễn, chỉ khái hóa đàm rất có lợi cho bệnh HPQ.

Bài 6: Ngũ vị tử 4g, nhân sâm 4g, tô ngạnh 3g, đường phèn lượng vừa đủ. Tất cả thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút có thể dùng được, chế thêm đường phèn, uống thay trà trong ngày. Công dụng: bổ khí liễm phế, chỉ khái bình suyễn, dùng cho người già bị HPQ lâu năm, khó thở nhiều, tức ngực, ho khạc đờm trắng dính... Những người thể chất béo bệu không nên dùng.

Nhìn chung, các phương trà dược trên đây đều rất đơn giản, dễ kiếm, dễ chế và tiện sử dụng, có thể dùng để phối hợp điều trị trong giai đoạn bệnh tái phát hoặc dùng đơn thuần trong giai đoạn bệnh ổn định.
Tác giả bài viết: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Sức khoẻ và đời sống


caythuocquy.info.vn - Thứ ba, 01 Tháng 11 2011 13:40 

Các loại trà dược chữa bệnh

Trà ẩm phòng chữa bệnh lão niên ho suyên mạn tính, khí cấp, tức ngực.


1. Trà ẩm phòng chữa bệnh lão niên ho suyên mạn tính, khí cấp, tức ngực
- Các vị:
Ngũ vị tử 4g
Nhân sâm 4g
Tô ngạnh 3g
Một ít đường trắng, lượng vừa ăn.
- Cách dùng:
Nhân sâm thái lát mỏng, Tô ngạnh cắt vụn, hai vị này cùng với Ngũ vị tử, dùng 200ml nước sôi “già” hãm trong bình bảo ôn, đậy kín nắp, khoảng 15 phút, cho đường trắng vào, khuấy đều, uống dần. Pha hãm 2 – 3 lần nước sôi “già”, uống trong ngày. Mỗi ngày 1 thang.
- Tác dụng:
Chữa lão niên ho suyễn mạn tính, động là khí cấp, ngực tức khó chịu, nhiều đờm trắng đặc dính, rêu lưỡi trắng…
- Kiêng kỵ:
Người béo phì, đàm thấp thịnh không dùng.
2. Trà chỉ khái suyễn
- Các vị:
Xuyên bối mẫu 15g
Tề thái (cả cây) 15g
- Cách dùng:
Hai vị sao vàng tán bột, mỗi lần 3g, hãm 2 – 3 lần bằng nước sôi già 5 – 10 phút,  uống thay trà. Ngày 1 thang.
- Tác dụng:
Chữa ho, đờm suyễn lâu ngày (khó thở, tả phế hoả, lợi thuỷ, tiêu thũng, trừ dám giảm suyễn, giảm ho, cầm máu), chữa bệnh tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm chi khí quản cấp mạn tính.
3. Trà Linh chi bán hạ hậu phác
- Nguồn: “Thực vật Trung dược dư tiện phương”
Linh chi (màu nấm nâu đỏ) 6g
Lá Tía tô 5g
Hậu phác 3g
Phục linh 9g
Bán hạ 5g
Đường phèn, lượng vừa ăn.
- Cách dùng:
Dùng 200ml nước sôi “già” hãm 5 vị dược (bỏ vào trong túi vải thắt chặt miệng túi) khoảng 10 phút, cho ít đường phèn vào khuấy đều, uống từng ngụm nhỏ.
Trường hợp có hen suyễn phát tác thì uống luôn một lần 1/3 lượng nước dược đã hãm, đợi khi cơn hen huyễn được hoãn giải, chia lượng nước dược còn lại ra làm 2 – 3 phần, uống tiếp.
Sử dụng phương thuốc này cho tới khi hen suyễn hoàn toàn “biến mất” thì dừng lại, không uống nữa.
- Tác dụng:
Chữa bệnh hen suyễn do quá nhậy cảm và hen suyễn viêm phế quản.
- Kiêng kỵ:
Người hen suyễn nhiệt đàm thì không dùng.
Caythuocquy.info.vn

.
Chủ nhật, 11 Tháng 9 2011 02:07

Cây cải củ trừ đờm, tiêu thực

caythuocquy.info.vn

Cây cải củ còn có tên: lai phục tử, la bặc tử, rau lú bú. Tên khoa học: Raphanus sativus L., họ Chữ thập (Brassicaceae). Cây cải củ cho ta 2 vị thuốc: Hạt cải củ (La bặc tử), củ cải phơi khô (địa khô lâu).

Theo Đông y, la bặc tử vị cay ngọt, tính bình. Vào kinh tỳ, vị và phế. Có tác dụng đưa hơi đi xuống (giáng khí), trừ đờm; ngoài ra, còn có tác dụng tiêu thực (giúp tiêu hoá). Địa khô lâu có tác dụng lợi niệu, tiêu thũng, lưu thông hơi ở phổi; Kiện tỳ tiêu thực, hạ khí hóa đàm, hoá tích khoan trung, sinh tân giải độc. Dùng cho các trường hợp đầy bụng không tiêu, viêm khí phế quản ho nhiều đờm, khản tiếng; thổ huyết chảy máu cam, bệnh tiểu đường và hội chứng lỵ. Liều dùng: 6g - 12g.

Một số cách dùng củ cải chữa bệnh:

Cắt cơn hen suyễn:

- Hạt cải củ sao 12g, hạt tía tô 12g. Sắc uống. Chữa người già bị viêm phế quản mạn tính.

- Hạt cải củ sao 12g, hạnh nhân 12g, cam thảo sống 8g. Sắc uống. Chữa viêm phế quản mạn tính, ho nhiều đờm.

- Hạt cải củ sao 12g, chỉ xác 8g, thần khúc sao xém 16g. Sắc uống. Chữa tiêu hoá kém, mồm hôi, bụng trướng, đại tiện khô.

- Hạt cải củ 12g, tỏi 1 củ. Hạt cải củ nghiền thành bột, tỏi củ giã nát ép lấy nước. Uống bột thuốc và nước tỏi với nước đun sôi còn nóng. Chữa lỵ đau mót đại tiện.

Một số món ăn - bài thuốc có dùng củ cải:

-  Nước ép gừng tươi củ cải: Củ cải, gừng tươi liều lượng tùy ý, ép lấy nước cho uống rải rác ít một trong ngày. Dùng cho trường hợp khản giọng, mất tiếng, nôn ói, loét miệng.

- Canh thịt dê, cá diếc củ cải: Thịt dê 100g, cá diếc 1 con, củ cải 60g. Thêm nước và gia vị nấu canh lẩu, ăn nóng. Dùng cho các trường hợp suy nhược, viêm khí phế quản, ho suyễn.

- Củ cải hầm bì sứa: Bì sứa 120g, củ cải 60g. Thêm nước và gia vị, hầm nhừ chia ăn 2 lần trong ngày. Dùng cho bệnh nhân viêm khí phế quản mạn tính.

- Cháo củ cải: Gạo tẻ 100g, củ cải 50g. Củ cải thái lát cùng gạo nấu cháo, thêm chút muối cho ăn. Dùng cho trường hợp đầy bụng không tiêu do ăn uống quá nhiều các loại bánh kẹo, đường, mỡ.

- Củ cải hầm nước gừng: Củ cải (cả lá và cuống) 20 củ. Rửa sạch thái lát nấu nhừ, thêm mấy lát gừng, bột gạo, ít dấm, đun sôi để vừa nguội cho ăn. Dùng cho các trường hợp đại tiện xuất huyết rỉ rả liên quan đến trĩ và uống rượu.

- Nước ép củ cải hấp đường phèn: Củ cải tươi (hoặc luộc chín) 500g. Ép lấy nước, thêm đường phèn lượng thích hợp cho uống, ngày 1 lần. Dùng cho các trường hợp hen suyễn, viêm khí phế quản mạn tính, cảm sốt ho nhiều đờm.

Kiêng kỵ: Hạt cải củ có thể hao tổn khí (sức lực) nên người sức yếu (khí hư) không bị đầy tích, đờm trệ đọng thì cấm uống. Người tỳ vị hư hàn nên hạn chế dùng củ cải.
Theo SKDS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét