Thứ hai, 10/01/2011 | 00:01GMT+7
VN đã nuôi thành công loại muỗi có khả năng ngăn ngừa lây truyền bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng. Dự kiến trong năm 2011, loài muỗi này sẽ được thả ở VN
Theo PGS-TS Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), loại muỗi Aedes aegypti, thủ phạm truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) sẽ được cho lây nhiễm vi khuẩn Wolbachia, một loại vi khuẩn phổ biến ở ruồi giấm.
Chết trước khi truyền bệnh
Wolbachia tồn tại trong tự nhiên, có khoảng 30% số côn trùng mang vi khuẩn này nhưng chưa từng được phát hiện có ở muỗi Aedes aegypti. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã tạo được một chủng Wolbachia mới có khả năng sống trong cơ thể muỗi truyền SXH. Kết quả cho thấy vi khuẩn Wolbachia sống ký sinh trên muỗi sẽ làm giảm một nửa tuổi thọ của muỗi, từ đó giảm khả năng truyền bệnh của muỗi trong cộng đồng.
“Tuổi thọ trung bình của muỗi là một tháng. Từ ngày tuổi thứ 12, muỗi trưởng thành bắt đầu tìm kiếm nguồn sống. Đây là giai đoạn muỗi có thể lây bệnh SXH cho người. Nếu mang vi khuẩn Wolbachia, muỗi sẽ chết trước khi có khả năng truyền bệnh.
Mặt khác, muỗi đã nhiễm khuẩn sẽ ít có khả năng nhiễm mầm bệnh SXH từ người bệnh để truyền sang người lành. Ngoài ra, vi khuẩn này còn giúp muỗi đề kháng với virus gây SXH, hạn chế sự phát triển của virus trong cơ thể muỗi.
Trong tuần đầu của năm 2011, cả nước có 1.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có một trường hợp tử vong.
Trong ảnh: Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị
“Khi phóng thả ra tự nhiên, chủng muỗi này sẽ nhanh chóng thiết lập quần thể muỗi không truyền bệnh trên tự nhiên. Đồng thời, vi khuẩn trong trứng của những con muỗi cái đã bị lây nhiễm sẽ truyền cho các thế hệ kế tiếp. Từ đó giúp giảm nguy cơ SXH”- TS Vũ Sinh Nam cho biết thêm.
Các nhà khoa học đánh giá nếu thành công, phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát và đẩy lùi SXH. Đây được xem là cách diệt muỗi sinh học, không gây hại đến môi trường so với sử dụng hóa chất diệt côn trùng và có thể coi như một dạng vắc-xin phòng chống SXH. Điều đặc biệt là loại vắc-xin này được dùng cho muỗi chứ không phải người.
Đã tính đến các rủi ro
Dự án làm giảm tuổi thọ quần thể muỗi nhằm ngăn chặn sự lan truyền bệnh SXH do Trường ĐH Queensland (Úc) chủ trì, với sự tài trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, được thực hiện tại VN từ năm 2006. Hiện nay, tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Queensland và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang nhân nuôi chủng muỗi này trong phòng thí nghiệm.
Theo ông Nam, lần đầu tiên trên thế giới, loại muỗi này đã được chấp thuận phóng thả trong môi trường tự nhiên ở miền Bắc Úc, dự kiến vào đầu tháng 2-2011.
Trước đó, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thành công muỗi nhiễm khuẩn kháng virus SXH trên người tình nguyện, trong môi trường phòng thí nghiệm. Ngoài Úc, hiện Thái Lan cũng đang chuẩn bị thí nghiệm thả loại muỗi này.
Tất cả những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thả loài muỗi này đều được nhóm nghiên cứu tính đến. Vì thế, việc phóng thả dự kiến sẽ được thực hiện ở vùng tương đối biệt lập để có thể nhanh chóng xử lý kết quả không mong muốn.
Theo ông Nam, phải đợi đến khi có kết quả của đợt phóng thả ra thực địa của Úc, lúc đó VN mới đề xuất Bộ Y tế cho thử nghiệm. Dự kiến việc thả muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia sẽ được thực hiện trong năm 2011, tại một đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Tiếp tục thử nghiệm Cũng theo PGS-TS Vũ Sinh Nam, các nhà khoa học đã cho mèo, chó và cá ăn muỗi chứa vi khuẩn Wolbachia này xem nó có khả năng truyền vi khuẩn sang động vật ăn nó hay không nhưng đến nay chưa phát hiện gì bất thường. Ngay cả những động vật và con người mà nó hút máu cũng chưa thấy tác động xấu. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng loại muỗi này dù không truyền virus Dengue nhưng có thể truyền virus gây viêm não Nhật Bản hoặc nhạy cảm với một số tác nhân sinh học khác nên vẫn tiếp tục thử nghiệm để khẳng định sự an toàn trước khi phóng thả ra cộng đồng. Ngay cả khả năng loài muỗi này phát triển quá mạnh cũng được tính đến. Bởi thời gian qua ở VN, hiện tượng ốc bươu vàng và rùa tai đỏ đã gây nhiều lo ngại về môi trường sống. Với loài muỗi này, nếu phát triển nhiều quá, chúng ta có thể phun thuốc để tiêu diệt. Và giống như các loài muỗi khác, dù không truyền SXH nhưng nếu bị muỗi này đốt cũng sẽ gây sẩn ngứa với da nhạy cảm. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét