Thứ Hai, 30/11/2009, 05:00 (GMT+7)
TT - Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nhưng mùa lạnh là thời điểm đột quỵ xuất hiện nhiều nhất, tăng 60% so với các mùa khác.
Người lớn tuổi cần giữ ấm khi ra đường - Ảnh: Thanh Đạm |
Đột quỵ là tình trạng suy giảm chức năng của não một cách đột ngột, do mạch máu cung cấp cho một vùng nào đó của não gặp vấn đề. Vùng não bị ảnh hưởng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết dẫn đến bị tổn thương.
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 600.000 người mới mắc và tái phát đột quỵ, trong đó 160.000 người tử vong. Tiên lượng của đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào việc sơ cấp cứu và người bệnh có được điều trị sớm hay không.
Hiện nay việc điều trị ngày càng có nhiều tiến bộ, điều này giúp giảm tỉ lệ tử vong và kéo dài cuộc sống cho người bệnh, nhưng mức độ tàn phế vẫn còn là một thách thức và là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Vì thế, theo các chuyên gia về đột quỵ, việc phòng ngừa đột quỵ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Điều quan trọng là hơn 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa được.
Nguyên nhân đột quỵ
Thời gian từ lúc đột quỵ xuất hiện đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng (thời gian vàng), quyết định đến sự sống còn của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Người bệnh cần được sớm đưa đến phòng cấp cứu để chụp cắt lớp sọ não. Nếu đột quỵ do thiếu máu - nguyên nhân gây ra do cục máu đông - cần cho thuốc tan cục máu. Thuốc này chỉ có hiệu quả khi được tiêm trong ba giờ đầu tiên kể từ khi triệu chứng đột quỵ xuất hiện. Nếu đột quỵ do xuất huyết - nguyên nhân do chảy máu trong não - điều trị bao gồm làm giảm huyết áp và chống phù não. |
Đột quỵ do xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, dẫn đến thiếu máu cho vùng não do mạch máu đó chi phối. Nguyên nhân thường gặp là cơn cao huyết áp, dị dạng mạch não bẩm sinh, rối loạn đông máu hoặc bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống đông.
Dấu hiệu đột quỵ
Đột quỵ thường xảy ra đột ngột với rất ít dấu hiệu báo trước. Những dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ là người bệnh đột ngột bị một hoặc các triệu chứng sau:
- Đột nhiên bị đau đầu dữ dội, choáng váng, mất tri giác, ngủ gà hoặc hôn mê.
- Gặp khó khăn trong diễn đạt hoặc hiểu người khác.
- Bị yếu đột ngột ở một phần cơ thể như mặt, tay, chân.
- Đột nhiên nhìn mờ hoặc nhìn nhòe, có thể chỉ bị ở một bên mắt.
- Tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu hoàn toàn.
Khi thấy bất cứ dấu hiệu nào như kể trên phải gọi cấp cứu ngay lập tức. Việc thăm khám và điều trị cần hết sức khẩn trương, đặc biệt trong khoảng ba giờ đầu tiên.
Sơ cứu
Đột quỵ là một tình trạng khẩn cấp, cần gọi cấp cứu 115. Trong khi chờ xe cấp cứu:
- Người nhà cần để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở.
- Nếu bệnh nhân nôn, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân co giật, cần để bệnh nhân nằm nghiêng. Đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi bằng cách dùng khăn vải quấn quanh một chiếc đũa hay cán thìa đặt giữa hai hàm răng của bệnh nhân.
Bệnh nhân cần được đưa đến các bệnh viện có trung tâm đột quỵ (tại TP.HCM là Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, Nhân Dân Gia Định, Nhân Dân 115).
Phòng ngừa đột quỵ
Giảm nguy cơ đột quỵ gồm:
- Kiểm soát huyết áp, giữ mức huyết áp dưới 140/90 mmHg (người đái tháo đường dưới 130/80 mmHg). Không phải ai bị tăng huyết áp cũng có dấu hiệu báo trước, có người hoàn toàn không có triệu chứng gì cho đến khi bị đột quỵ.
- Ngưng hút thuốc lá.
- Ăn thức ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ.
- Thường xuyên vận động, nên tập thể dục như đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Giảm cân nếu bị béo phì.
- Nếu bị đái tháo đường nên kiểm soát đường thật tốt.
Thời tiết lạnh, người bệnh tim mạch cần mặc đủ ấm khi ra ngoài, tránh thay đổi nhiệt độ quá đột ngột như từ trong nhà ra đường quá vội.
BS NGUYỄN THANH HẢI
(Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét