2.184 bé gái đã tham gia vào nghiên cứu tìm hiểu sự liên quan giữa giai đoạn dậy thì và những triệu chứng trầm cảm ở tuổi 10-14 của các nhà khoa học trường ĐH Bristol và ĐH Cambridge. Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Carol Joinson cho hay: “Những bé gái trưởng thành sớm dễ bị tổn thương và bị cô lập, ốm yếu do nội tiết tố trong cơ thể thay đổi, từ đó chứng trầm cảm dễ phát triển ở tuổi dậy thì. Với những người trưởng thành muộn thì tâm lý ít bị ảnh hưởng hơn”.
Thông thường, các bé gái sẽ bắt đầu kỳ nguyệt san đầu tiên của mình vào lúc 12 tuổi hoặc 12 tuổi rưỡi. Tuy nhiên, những bé gái bắt đầu dậy thì sớm (trước 11 tuổi rưỡi) có biểu hiện trầm cảm ở mức cao nhất. Còn có kinh nguyệt sau 13 tuổi rưỡi thì có ít biểu hiện nhất.
Sự biến chuyển tâm sinh lý khi dậy thì là một giai đoạn quan trọng, gắn liền với nhiều thay đổi sinh học và nhận thức xã hội. Giai đoạn này có thể bao gồm các cuộc xung đột với bố mẹ tăng lên, xuất hiện tình cảm với người khác phái, thay đổi về vóc dáng và hooc-môn trong cơ thể.
Những thay đổi này có thể tác động tiêu cực đối với những cô bé trưởng thành sớm hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Nghiên cứu này cho thấy cần phải có một chương trình phối hợp giữa nhà trường và gia đình để giúp trẻ phòng ngừa những thay đổi bất lợi và có thể can thiệp sớm.
Minh Anh
Theo DM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét