Trang

Bệnh tiểu đường tuyp 2 (type 2) – Làm gì để phòng ngừa biến chứng

Ngày đăng: 04/10/2012
(Dinhduong.com.vn) Bệnh tiểu đường tuyp 2 phát sinh do cơ thể mất khả năng sử dụng tốt insulin để duy trì đường huyết ở trong mức bình thường...
Do đó, ở bệnh nhân tiểu đường, lượng đường trong máu thường xuyên cao hơn mức bình thường.
Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta chỉ có thể chuẩn đoán được gần 40% số bệnh nhân đang mắc đái tháo đường. Do vậy, lời khuyên của bác sĩ tất cả mọi người trên 40 tuổi nên thử đường máu 3 năm/lần. Đấy là cách đơn giản nhất để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Các bạn có thể đến các bệnh viện và các trung tâm y tế để thử máu.
Bệnh đái tháo đường tuyp 2 chiếm đông đảo số bệnh nhân mắc đái tháo đường. Bệnh này thường xảy ra ở người trên 40 tuổi.
Ở Việt Nam, tuổi trung bình của người mắc bệnh đái tháo đường Tuyp 2 là 60 tuổi. Căn nguyên của bệnh hiện nay chưa được biết một cách thấu đáo, có thể là do lối sống của chúng ta đã thay đổi quá nhanh: Ăn nhiều hơn, uống nhiều rượu bia, giảm vận động thể lực, chịu nhiều áp lực trong cuộc sống (hay còn gọi là căng thẳng). Cách đây 10 năm, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ở Hà Nội chỉ khoảng 1% số người trên 15 tuổi. Nhưng nay, tỷ lệ này đã tăng với 4 – 5%.
Dự báo trong tương lai số người mắc bệnh đái tháo đường còn tiếp tục gia tăng khi điều kiện kinh tế ngày càng phát triển. Ví dụ hiện nay ở Singapore, số người mắc bệnh tiểu đường đã chiếm 12% dân số.
Ai dễ mắc bệnh tiểu đường tuyp 2?
Dưới đây là những đối tượng người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuyp 2 cao:
-    Tuổi > 45
-    Người có BMI = 23, vòng eo > 90 cm (nam), > 80 cm (nữ)
-    Người có người thân (bố, mẹ, anh, chị, em ruột đã mắc bệnh đái tháo đường)
benh tieu duong tuyp 2
Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc tiểu đường tuyp 2 cao
-    Người có tiền sử sản khoa đặc biệt (thai chết lưu, xảy thai, đái tháo đường thai nghén, sinh con to ≥ 4kg)
-    Tăng huyết áp vô căn ( ≥ 140/90 mmHg)
-    Người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết lúc đói
-    Người có bệnh mạch vành hoặc đột quỵ
-    Tăng triglyceride (mỡ) máu.
-    Chế độ ăn nhiều chất béo.
-    Uống nhiều rượu
-    Ngồi nhiều
-    Béo phì hoặc thừa cân.
Triệu chứng để nhận biết bệnh
Mệt mỏi: khi bị đái tháo đường, cơ thể giảm hay đôi khi không còn khả năng sử dụng glucose để tạo năng lượng nữa. Do đó, cơ thể phải chuyển sang dùng mỡ, một phần hay hoàn toàn, để tạo ra năng lượng. Quá trình này đòi hỏi cơ thể phải sử dụng năng lượng nhiều hơn và kết quả cuối cùng là người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi thường xuyên.
Giảm cân không rõ nguyên nhân: bệnh nhân bị đái tháo đường không thể xử lý được calori trong thức ăn dẫn đến giảm cân ngay cả khi ăn đủ hay thậm chí là ăn nhiều. Mất đường và nước qua nước tiểu cũng là một tác nhân góp phần vào triệu chứng giảm cân này.
Khát nước nhiều: Bệnh nhân bị đái tháo đường có mức đường huyết cao làm lấn át khả năng giữ lại đường của thận khi lọc máu để tạo thành nước tiểu. Một lượng nước tiểu lớn được hình thành khi thận bị đầy tràn đường. Cơ thể cố gắng chống lại hiện tượng này bằng cách gửi một tín hiệu lên não để làm máu loãng ra bằng cách tạo cảm giác khát, đòi hỏi phải đưa vào cơ thể thêm nhiều nước để làm loãng nồng độ đường trong máu đang cao trở về mức bình thường và để bù vào lượng nước bị mất do tiểu nhiều.
benh tieu duong tuyp 2_1
Khát nước nhiều là một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường tuyp 2
Tiểu nhiều: một cách khác giúp cơ thể thoát khỏi tình trạng dư thừa đường là thải đường ra ngoài qua nước tiểu. Hiện tượng này sẽ làm cơ thể bị thiếu nước do khi thải đường ra ngoài cơ thể sẽ mang theo một lượng lớn nước cũng đi ra theo chung với nó.
Ăn nhiều: nếu cơ thể vẫn còn đủ khả năng, nó sẽ tiết ra nhiều insulin hơn để đối phó với tình trạng nồng độ đường cao trong máu. Hơn nữa, cơ thể trở nên đề kháng với hoạt động của insulin trong đái tháo đường type 2. Một trong những chức năng của insulin là kích thích cảm giác đói. Do đó, nồng độ insulin cao trong cơ thể sẽ dẫn đến tăng cảm giác đói và muốn ăn. Bất chấp sự gia tăng lượng calori nhập vào cơ thể, người bệnh có thể chỉ tăng cân rất ít hay thậm chí là giảm cân.
Chậm lành vết thương: nồng độ đường cao trong máu ngăn chặn bạch cầu hoạt động bình thường (bạch cầu là những tế bào đóng vai trò quan trọng trong chức năng tự bảo vệ của cơ thể chống lại vi trùng và nó cũng dọn dẹp những mô và tế bào chết). Khi bạch cầu hoạt động không bình thường, các vết thương trở nên lâu lành hơn và bị nhiễm trùng thường xuyên hơn. Ngoài ra, đái tháo đường kéo dài còn dễn đến dày thành của các mạch máu gây cản trở các tế bào máu có chứa oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi các mô của cơ thể.
Nhiễm trùng: một số hội chứng nhiễm trùng, như nhiễm nấm sinh dục, nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường niệu do hệ thống miễn dịch đã bị ức chế bởi bệnh đái tháo đường và bởi sự hiện diện của glucose trong mô (giúp vi khuẩn phát triển tốt). Nó cũng là dấu hiệu chỉ điểm cho biết có sự kiểm soát đường huyết kém ở những bệnh nhân đái tháo đường.
Thay đổi về trạng thái tâm thần: những biểu hiện như lo âu, cáu gắt vô cớ, mất tập trung, ngủ mê, hoặc lẫn lộn cũng đều có thể là dấu hiệu của tình trạng đường huyết rất cao, nhiễm ceton acid, hội chứng tăng áp lực thẩm thấu, hoặc hạ đường huyết. Do đó, khi thấy bất kỳ một biểu hiện nào kể trên ở những bệnh nhân đái tháo đường, cần phải gọi điện thoại cấp cứu để có được sự can thiệp của bác sĩ.
Nhìn mờ: triệu chứng này không đặc hiệu cho đái tháo đường nhưng cũng thường hay xuất hiện khi mức đường huyết lên cao.
Biến chứng của bệnh đái tháo đường tuyp 2
Biến chứng ở mắt biểu hiện với cảm giác nhìn mờ, giảm thị lực do đục thủy tinh thể và thoái hóa võng mạc. Ở thận triệu chứng ban đầu là phù mắt cá chân, cẳng chân hay cẳng tay. Một số bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch và cao huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ đều có thể là những biến chứng của bệnh.
benh dai thao duong tuyp 2_2
Biến chứng của bệnh đái tháo đường tuyp 2 rất đáng sợ
Biến chứng thần kinh xuất hiện ở khoảng 50% bệnh nhân ĐTĐ với các dấu hiệu ban đầu như tê bì, bỏng rát, đau bắt đầu ở đầu ngón và lan dần lên phía trên. Một số biến chứng khác cũng có thể được phát hiện như nhiễm trùng dai dẳng ở miệng, da, chân, phổi... Cơ chế chung để giải thích cho các biến chứng này, đó là lượng đường trong máu cao làm tổn thương mạch máu, dây thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng ở bệnh nhân ĐTĐ.
Làm gì để phòng ngừa biến chứng?
Hiện chưa có thuốc chữa khỏi bệnh nhưng 80% trường hợp mắc đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng tránh được biến chứng bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường hoạt động thể lực cùng với các thuốc điều trị để duy trì mức đường huyết sát với ngưỡng bình thường.
Người bệnh tiểu đường cần phải dùng thuốc suốt đời. Tất cả các thuốc điều trị tiểu đường ít nhiều đều có tác dụng phụ. Điều quan trọng nhất trong khi điều trị là phải thăm khám thường xuyên và hỏi ý kiến bác sĩ về bất kỳ triệu chứng nào nghĩ là tác dụng phụ của thuốc.
Điều trị bệnh tiểu đường đòi hỏi phải có một chiến lược toàn diện về chế độ ăn, sinh hoạt, tập luyện và dùng thuốc. Ăn uống kém và ngủ kém đều có tác động không tốt đến tình trạng bệnh cũng như chất lượng cuộc sống. Việc chọn lựa thuốc phụ thuộc vào diễn biến của bệnh, chức năng nội tiết của tuỵ, các đặc điểm thể chất (chiều cao, cân nặng, vòng bụng), các bệnh lý đi kèm… Do đó, nếu nghi ngờ bị bệnh tiểu đường, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa và làm các xét nghiệm cần thiết để có thể ra một chiến lược điều trị thích hợp.
(Nguồn: Dinhduong.com.vn)


dinhduong.com.vn - Ngày đăng: 26/09/2012
Cứ mỗi 2 kg giảm cân là bạn cũng giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
Căn bệnh "giết người âm thầm" này đang xuất hiện ngày một nhiều do thói quen ăn uống vô độ và lối sống ít vận động. Dưới đây là 12 cách lành mạnh để bạn có thể tránh xa căn bệnh này.
Kiểm soát cân nặng
Cứ mỗi 2 kg giảm cân là bạn cũng giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Thậm chí, những người quá béo có thể giảm đến 70% nguy cơ bị tiểu đường khi chỉ giảm được 5% số cân nặng, ngay cả khi chưa tập thể dục.
Chọn món khai vị phù hợp
Ăn rau xanh, sa lát trước mỗi bữa ăn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu bạn. Người mắc tiểu đường tuýp 2 cũng có thể hạ thấp lượng đường máu nếu dùng khoảng 2 thìa dấm ngay trước bữa ăn giàu carbonhydrate.
Ngồi xe ít thôi
Đi bộ mỗi ngày càng nhiều càng tốt. Bạn sẽ khỏe hơn, ngay cả khi không giảm được cân nào. Đi bộ làm tăng sự hấp thu của đường vào tế bào cơ thể, thay vì đi vào máu.
Uống cà phê
Nếu bạn là fan của cà phê, cứ tiếp tục giữ thói quen này. Nó sẽ giữ cho bệnh tiểu đường tránh xa bạn.
Nghiên cứu của Trường Y tế cộng đồng Harvard (Mỹ) trên hơn 126 nghìn người cho thấy, những người uống hơn 6 cốc cà phê mỗi ngày thì có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 thấp hơn từ 29 tới 54%. Nếu uống từ 1 đến 3 cốc thì tác dụng không đáng kể. Caffein ở các dạng khác như trà, sô cô la cũng có tác dụng. Các nhà nghiên cứu cho rằng caffein có thể đã giúp thúc đẩy sự trao đổi chất.
Tránh xa thức ăn nhanh
Khảo sát 3.000 người tuổi từ 18 đến 30 trong vòng 15 năm, nhóm nghiên cứu Đại học Minnesota tìm thấy những ai ăn thức ăn nhanh nhiều hơn 2 lần mỗi tuần thì nặng hơn 5 kg và có nguy cơ bị kháng insulin cao gấp 2 lần so với nhóm ăn ít hơn một lần mỗi tuần. Đây là hai yếu tố nguy cơ chính gây tiểu đường tuýp 2.
Giảm ăn thịt đỏ
Bạn không nên ăn thịt đỏ thường xuyên mỗi ngày, vì nó làm tăng cao nguy cơ tiểu đường tuýp 2. Các loại thịt chế biến sẵn như thịt lợn muối xông khói, hot dog cũng gây nguy cơ tương tự.
Dùng gia vị
Quế có tác dụng làm giảm đường máu mạnh mẽ, làm kích hoạt các enzyme vốn kích thích các thụ quan insulin hoạt động.
Thư giãn mỗi ngày
Stress kinh niên có thể làm đường máu của bạn tăng vọt. Vì thế, các hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn (như yoga, đi bộ, thiền, ngủ sâu..) sẽ giúp bạn lấy lại sự thăng bằng này.
Tạo giấc ngủ đêm trọn vẹn
Những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm thì có nguy cơ tiểu đường cao gấp đôi, còn người ngủ quá 8 tiếng thì lại tăng nguy cơ gấp 3. Để có giấc ngủ ngon buổi tối, hãy gác công việc lại cơ quan, không xem tivi quá khuya.
Duy trì các mối quan hệ tình cảm tốt
Tiểu đường có xu hướng tăng mạnh ở những người sống độc thân. Còn nếu sống một mình, bạn hãy cố gắng duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh.
Xét nghiệm máu
Nhiều dấu hiệu tiểu đường rất thầm lặng. Nhưng một xét nghiệm máu đơn giản có thể tiết lộ mức độ nguy cơ của bạn. Hãy kiểm tra định kỳ để phát hiện bệnh sớm, trước khi quá muộn.
Nguồn: Vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét